Bài học Ukraine cho Việt Nam

Đào Tăng Dực

24-9-2022

Cuộc chiến giữa LB Nga xâm lăng và quốc gia Ukraine, như nạn nhân của bá quyền, trong bản chất là một cuộc tương tranh giữa mô hình nhà nước độc tài và lý tưởng dân chủ. Người Việt cần phải học hỏi từ cuộc chiến này hầu xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước.

Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 khi nhà độc tài LB Nga Vladimir Putin xua quân xâm chiếm Ukraine, một quốc gia độc lập, thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc, có chủ quyền và cương thổ được thế giới công nhận, thì cả nhân loại bàng hoàng lo lắng cho nhân dân và gia đình TT Volodymir Zelenskyy.

Cả Putin, giới lãnh đạo LB Nga và quốc tế đều nghĩ rằng, cuộc xâm lăng toàn diện với gần 200 ngàn quân, cơ giới nặng, các chiếm hạm thuộc Hạm Đội Hắc Hải của Nga, sẽ chiếm trọn lãnh thổ Ukraine, sát nhập vào LB Nga hoặc dàn dựng một chính quyền bù nhìn tay sai, trong vòng vài ngày.

Sự thật lại hoàn toàn nằm ngoài dự đoán.

Không những quân đội Nga bị sa lầy và tan tành trên mặt trận chung quanh thủ đô Kiyv, mà phải từ bỏ mục tiêu xóa sổ quốc gia Ukraine, giảm xuống mục tiêu khiêm nhượng hơn là chiếm giữ và sát nhập các vùng Donbas bao gồm Luhansk và Donetsk, cũng như Kherson về phía nam.

Chiến lược mới này của Putin cũng trên đà thất bại. Vào hạ tuần tháng 8 và thượng tuần tháng 9, quân Ukraine đã phản công trên hai mặt trận. Một là tại vùng Kharkiv phía đông và hai là vùng Kherson là thành phố một triệu dân mà Nga đã chiếm vào đầu cuộc chiến, Kết quả là quân đội Nga thảm bại và tháo chạy tại Kharkiv và rút ra khỏi một diện tích gần 10.000 cây số vuông. Quân Ukraine tái chiếm, cắt đứt đường tiếp vận của Nga tại Donbas và Kherson. Theo các bình luận gia quốc tế, quân Nga hầu như bị bao vây tại Kherson và sẽ thất thủ một ngày không xa.

Tại quốc nội, Putin bắt đầu bị sự chống đối ra mặt của các phe nhóm đối lập và quần chúng. Trong cơn tuyệt vọng, ngày 21 tháng 9 vừa qua, Putin ra lệnh động viên từng phần hầu huy động 300 ngàn quân trừ bị tiếp viện cho chiến trường Ukraine, trái với lời hứa trước đây với nhân dân Nga khi ông phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Dân chúng phản đối dữ dội và hằng ngàn người biểu tình chống đối bị bắt giữ. Những công dân trong tuổi quân dịch tìm cách vượt biên đông đảo. Putin cũng gia tốc tiến trình “trưng cầu dân ý” trong các vùng Nga chiếm đóng hầu chính thức sát nhập vào LB Nga. Sau đó những cuộc tấn công của Ukraine vào các vùng này sẽ bị coi là những cuộc tấn công vào lãnh thổ LB Nga và Putin dọa sẽ bị trả đũa gồm cả vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên về phía Ukraine, Hoa Kỳ và các quốc gia NATO họ không hề sờn lòng. Ukraine tuyên bố sẽ tiêu diệt toàn bộ quân Nga gởi thêm vào chiến trường. Hoa Kỳ cũng như NATO tuyên bố sẽ gia tăng viện trợ vũ khí. TT Joe Biden nghiêm khắc cảnh cáo Nga về hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Như vậy, bài học nào nhân dân Việt Nam có thể rút ra từ cuộc chiến tại Ukraine, hầu áp dụng cho một cuộc chiến xâm lược từ CSTQ?

Chúng ta sẽ hiểu biết nhiều hơn nếu phân tích lý do tại sao một tiểu quốc như Ukraine lại có thể chiến thắng cường quốc quân sự thứ nhì trên thế giới như LB Nga.

Trước hết, trên bình diện binh pháp, tuy cùng phát xuất từ Liên Bang Sô Viết, nhưng kể từ sau cuộc xâm lăng Crimea của Nga năm 2014, thì Ukraine đã buông bỏ binh pháp Liên Xô quá lỗi thời và được Hoa Kỳ cũng như khối NATO huấn luyện theo binh pháp hiện đại của Tây Phương.

Kế đến, sau khi đã đẩy lùi đợt tấn công đầu tiên của Nga nhằm vào thủ đô Kiyv thì Hoa Kỳ và NATO đã gia tăng viện trợ vũ khí tây phương cho Ukraine, nhất là các hỏa tiễn phòng không và pháo binh tầm xa vượt trội tầm bắn của pháo binh Nga. Phẩm chất vượt trội của vũ khí tây phương là một yếu tố quyết định quan trọng, ngoài tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân Ukraine.

Sau cùng là tệ nạn tham nhũng tại LB Nga đã xâm nhập tận xương tủy cấu trúc quân đội Nga. Thật vậy, một số lớn ngân sách quốc phòng bị quan chức bòn mót và đoàn quân viễn chinh của Nga thiếu thốn từ huấn luyện, lương thực, đến quân nhu, vũ khí, đạn được, từ chất bán dẫn đến phẩm chất thiết bị cho xe tăng, thiết giáp. Lính và sĩ quan Nga đào ngũ hoặc ra hàng vì những thiếu thốn này. Theo cơ quan World Poplulation Review thì trên chỉ số tham nhũng, LB Nga là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới với chỉ số 29 vào năm 2021. Ukraine cũng chỉ hơn 3 điểm chỉ số là 32, nhưng sự khác biệt đã vô cùng lớn lao trên chiến trường.

Chúng ta có thể mường tượng cuộc xâm lăng của CSTQ đối với Việt Nam sẽ ra sao khi xét các yếu tố tương tự hầu rút ra những bài học hữu ích cho sự tồn vong của đất nước.

Trước hết quân đội CSVN là một định chế bảo thủ và binh pháp của họ là một sự dung hòa giữa binh pháp của Liên Xô và Mao Trạch Đông, lấy bộ binh làm trọng điểm. Trong khi đó, CSTQ đã buông bỏ binh pháp Liên Xô và Mao Trạch Đông lỗi thời từ lâu với Hải Quân và Không quân vượt trội LB Nga. TQ đang thách thức Hoa Kỳ trên nhiều phương diện. Một cuộc xâm lăng của CSTQ sẽ không lập lại bài học năm 1979 và quân đội CSVN sẽ không phải là đối thủ. Bài học cho chúng ta là Việt Nam phải nhanh chóng buông bỏ binh pháp Liên Xô và Mao Trạch Đông. Hiện đại hóa hải lục không quân theo mô hình, binh pháp Hoa Kỳ cũng như NATO.

Thứ đến, CSVN mãi đến bây giờ vẫn chủ trương mua vũ khí chính từ LB Nga thay vì từ Hoa Kỳ và các nước tây phương. Lý do chính là vì chỉ mua từ một quốc gia tham nhũng như Nga, giới lãnh đạo mới có thể thỏa thuận bòn mót ngân sách quốc phòng. Điều này là không thể trong những quốc gia dân chủ pháp trị như Hoa Kỳ và tây phương. Kết quả là phẩm chất vũ khí kém của Nga sẽ làm quân đội Việt Nam thất thủ trước hỏa lực của CSTQ. Bài học cho chúng ta là Việt Nam phải nhanh chóng thải bỏ vũ khí Liên Xô, thay vào đó bằng vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ và Tây Phương. Chỉ như thế mới có thể đẩy lùi xâm lăng TQ trong tương lai, một phần nhờ phẩm chất vũ khí cao hơn vũ khí TQ.

Sau cùng, cũng theo cơ quan World Population Review thì vào năm 2021, chỉ số tham nhũng của Việt Nam là 39, tuy khá hơn Nga và Ukraine nhưng lại thua CSTQ ở chỉ số 45 đến 6 điểm. Chúng ta có thể kết luận rằng, quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sức ép của hỏa lực tối tân, hiện đại và áp đảo của CSTQ và sự bệ rạc qua nhiều thập niên bị tham nhũng bòn rút, sẽ nhanh chóng tan rã và dâng đất nước cho quan thầy phương bắc.

Bài học cho chúng ta là mọi chế độ độc tài, kể cả độc tài Cộng Sản, đều sinh ra tham nhũng. Tham nhũng lũng đoạn mọi khía cạnh quốc gia, từ các định chế trong xã hội dân sự đến các định chế chính quyền, từ giai cấp lãnh đạo đến nhân dân, từ tòa án đến quân đội. Không những độc tài sinh ra tham nhũng mà ngược lại, tham nhũng cũng có hệ lụy là nuôi dưỡng và củng cố độc tài. Muốn tận diệt tham nhũng thì “phê bình và tự phê” của đảng CSVN chỉ là trò cười. Cần phải có dân chủ chân chính, tam quyền phân lập và báo chí tự do của tư nhân, có quyền tự do giám sát mọi hư hỏng của chính quyền. Độc tài CSVN hiện nay chỉ là “con tin” (hostage) của một định chế tham nhũng khổng lồ. Lò đốt của Nguyễn Phú Trọng chỉ là trò hề cho quốc tế và nhân dân diễu cợt.

Nhận định như trên, nhân dân Việt Nam không còn sự chọn lựa nào ngoài quyết tâm vùng lên, đạp đổ bạo quyền. Đối ngoại Việt Nam phải đứng hẳn về phía Hoa Kỳ và thế giới tự do như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan. Đối nội phải xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cũng như tận diệt tham nhũng và hướng về một tương lai tươi sáng hơn.

Bình Luận từ Facebook