14-9-2022
Trên Tuổi trẻ, ngày 13.9, phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy nói về dự án xây nhà hát giao hưởng, nhạc – vũ kịch ở Thủ Thiêm (đang tạm dừng): “…Trong tương lai gần, mọi thứ sẽ được xúc tiến trở lại. Đó là nhiệm vụ đã được HĐND TP đặt ra qua nhiều nhiệm kỳ và chúng tôi vẫn đang theo đuổi”.
Bà Thúy cũng nói nào là TP.HCM rất cần nhà hát, nào là một nhà hát đạt chuẩn để các nghệ sĩ giới thiệu những tác phẩm chất lượng đến khán giả, để mời các đoàn nghệ thuật của thế giới đến giao lưu và từ đó phát triển.
Về nhà hát giao hưởng, nhạc – vũ kịch Thủ Thiêm, tôi nhớ không nhầm là do “chưa bố trí được vốn”, bởi vốn ngân sách tập trung cho những lĩnh vực trọng yếu và thiết yếu với đời sống dân sinh sau đại dịch. Hơn nữa, quan trọng là những vướng mắc về cơ chế hầu như chưa được tháo gỡ, mà cụ thể là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) không cho phép đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Dù Nghị định 63 (ra đời năm 2018) thay thế Nghị định 15 (2015) đã cho phép lĩnh vực văn – thể được đầu tư theo hình thức PPP. Nhưng ông Luật cấm nên ông Nghị ngồi ngước nhìn chơi!
Chưa kể, tại khoản 4 Điều 5 Luật PPP “Cơ quan có thẩm quyền được ủy quyền cho cơ quan, đơn vị trực thuộc làm cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP thuộc thẩm quyền của mình”, nhưng Luật PPP và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại không quy định “cơ quan, đơn vị trực thuộc” là những cơ quan nào nên đố ai dám đứng ra nhận lãnh ủy quyền.
Cho nên, thay vì “theo đuổi” gói ngân sách gần 2.000 tỷ đồng để xây nhà hát, thực hiện cho bằng được quyết nghị của HĐND thì đừng tơ tưởng đến số tiền ấy nữa, đặng cắt hẳn mà lo cho an sinh dân nghèo, tập trung lập luận, lý lẽ để cởi trói cơ chế, Luật thống nhất với Nghị định mà kêu gọi được hợp tác công – tư thì may ra, cái nhà hát “tây” ấy mới thành hình, khi thành hình mới không khiến dân tình dị nghị, bực bội, bức bối.
Còn “TP.HCM rất cần nhà hát”, thì Sài Gòn chẳng cơ man nhà hát, rạp hát đó thôi. Mấy hôm rồi, tôi cũng loanh quanh Sài Gòn đi kiểm đếm rạp còn rạp mất, mất nhiều hơn còn, còn thì xập xệ, xuống cấp, sai chức năng. Đặc trưng của văn hóa – văn nghệ – giải trí của thành phố là tính mở và đa dạng nên ở mỗi quận, mỗi khu vực đều có một vài rạp hát ngự trị. Nay, nếu chỉ cần chỉnh trang cho tươm tất, mỗi khu vực tìm cách “trả lại” một rạp hát cho nghệ sĩ biểu diễn (với giá thuê phải chăng) + khán giả thưởng ngoạn, du khách tìm đến thưởng thức văn nghệ và cả sinh hoạt văn hóa bản địa là đã đáp ứng một phần “rất cần” ấy. Chờ chi một nhà hát “tây” ngàn tỷ mà nghệ sĩ “ta”, khán giả nhà lại vất vưỡng, vật vờ, vất vả thế kia!
Cũng trong luồng ý kiến về nhà hát “tây” ở Thủ Thiêm, một nghệ sĩ violin chia sẻ: “Mọi người cứ hay nhầm xây nhà hát là để cho nghệ sĩ. Không phải! Chưa có nhà hát thì nghệ sĩ vẫn biểu diễn, vẫn theo nghề. Xây nhà hát là để cho công chúng được thưởng thức nghệ thuật ở mức tốt nhất có thể”.
Rồi một nhạc trưởng và cũng là nhà giáo dục âm nhạc cho rằng: “chưa cần hiểu thấu đáo thì người nghe vẫn có thể cảm được, cái cảm quan trọng hơn cái hiểu”. Hay lời kêu gọi “Hãy cứ trải nghiệm và mở lòng đến nhà hát nghe hòa nhạc như cách các bạn đi phượt vậy. Phượt có người dẫn thì tốt, không ai dẫn vẫn có thể tự đi, và đi phượt không có bản đồ vẫn thú vị”….
Haizza, nhưng cái chính là công chúng lựa chọn loại hình âm nhạc, nghệ thuật nào để thưởng thức? Họ, trong ấy có tôi, chưa hiểu (và cũng sẽ không hiểu vì không học nổi) thì thôi sẽ cảm – như lời khuyên của vị nhạc trưởng, nhưng hiểu và cảm trong nghệ thuật, âm nhạc là thứ “bản lai” nhất, nó là cái có sẵn, chỉ cần nghe âm thanh vang lên trong “ba nốt nhạc” là lập tức “mang tới những liên tưởng và hàm nghĩa nào”. Bởi đơn giản, “âm nhạc và những liên tưởng của nó hết sức đa dạng tùy theo địa phương, nó hoạt động như một biểu tượng của nhân dạng dân tộc hoặc vùng miền; các cộng đồng lưu vong đôi khi kiên trì lưu giữ âm nhạc truyền thống để bảo tồn nhân dạng của họ ở nước ngoài” (Nicholas Cook – Dẫn luận về âm nhạc).
Cũng là đô – rê – mi – fa – sol – la, đọc lên cái là thấy “sang” liền nhưng để chọn nghe, nghe bằng niềm yêu thích, nghe trong “liên tưởng và hàm nghĩa” mình thuộc về, mình là ai thì lại là những đa cung tương thích oan (tương đương đô), – liu/hò (rê) – nhấn rê lên (mi) – xư (fa) – xang (sol) – xê (la)… Sau cả, trên cả niềm yêu thích, âm nhạc, nghệ thuật và sự lựa chọn thưởng thức lại là sự đi tìm và định vị “tôi là ai”. Nên, khó để nói rằng, cứ cảm đi, cứ “đi phượt thử” đi, nó vẫn cứ là cái ngoài mình, cái phủ lên, đắp vào; còn tự ta, như 29 chữ cái, như hai quãng bằng – trắc đi theo 6 thanh điệu, là đơn lập nên nó cũng được ký âm ngũ cung từ trong huyết quản.
Trở lại cái “nhiệm vụ của HĐND TP đã đặt ra” thì nay phải làm cho bằng được, nhưng liệu khi thông qua, HĐND TP đã đại diện đầy đủ cho tiếng nói thật sự của người dân thành phố hay chưa. Việc cất nhà hát giao hưởng thì cứ, nếu PPP được phép và nhà đầu tư thiết tha với sự nghiệp âm nhạc hàn lâm. Song, vẫn rất quê mùa và “sến sẩm” để thưa rằng, Sài Gòn – TP.HCM rất cần nhà hát, nhà hát xứng tầm, nhưng là tầm của chủ nhà – nhân dân trước/trong khi là tầm của khách – ngoại quốc.
“Bà Thúy cũng nói nào là TP.HCM rất cần nhà hát, nào là một nhà hát đạt chuẩn để các nghệ sĩ giới thiệu những tác phẩm chất lượng đến khán giả, để mời các đoàn nghệ thuật của thế giới đến giao lưu và từ đó phát triển.”
Bà này còn quên phụ đề cho mình: Chính tôi hiên nay cũng là đào hát hạng hai trong sân khấu mạt hạng Ủy Ban thành phố, nên xây dựng nhà hát này cũng là đường lui trong tương lai cho tui, khỏi về nhà chăn vịt bán trứng.