Chuyện không đơn giản ở nhà chức trách

Đỗ Ngà

8-9-2022

Tôi có thói quen dùng xe máy phải có kiếng chiếu hậu chính hãng, vì cặp kiếng đó giúp mình quan sát phía sau rất tốt. Tuy nhiên, phần đông dân Việt gắn kiếng chiếu hậu chỉ để đối phó với CSGT mà không có tác dụng quan sát. Hay dùng nón bảo hiểm cũng thế, tôi lựa nón rất kỹ, mua loại có chất lượng để bảo vệ cho mình. Tuy nhiên, đa phần người Việt lại đội nón chỉ để đối phó là chính nên họ mua những cái nón rất rẻ.

Ngay khi làm công trình vẫn thế, có lần tôi thi công một trường mẫu giáo cấp huyện, trường khá lớn, giá trị xây dựng lên đến vài triệu đô la. Với công trình như thế, thiết kế phòng cháy chữa cháy là bắt buộc. Luật là thế, tuy nhiên, khi thi công tôi cảm thấy tính chất đối phó ngay trong gói thầu phòng cháy chữa cháy. Gần như luật bất thành văn, phía nhà thầu chính giao toàn bộ gói thầu phòng cháy chữa cháy cho sân sau của quan chức cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm từ A đến Z. Nhà thầu phòng cháy chữa cháy ấy được lãnh đạo Ban quản lý dự án giới thiệu nên nhà thầu chính không có quyền lựa chọn. Toàn bộ trang thiết bị đều là hàng Trung Quốc giá rẻ.

Vấn đề thi công như thế rồi, đến khi vận hành và kiểm tra định kỳ thì chỉ cần “đóng hụi chết” cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy là xong. “Chi phí đóng hụi chết” khá thấp so với việc kiểm tra đúng kỹ thuật, trong khi đó ngân sách chi cho một lần kiểm tra cao hơn nhiều, cho nên số tiền chênh lệch ấy được chia nhau bỏ túi. Nếu trường mầm non ấy mà xảy ra hỏa hoạn thì e, các cháu thiếu nhi và giáo viên lãnh đủ. Phần đông chủ đầu tư ở Việt Nam đều có tư tưởng như thế. Phòng cháy chữa cháy liên quan đến tính mạng nhiều người nhưng tư tưởng đối phó vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt.

Ngày 23 tháng 3 năm 2018, chung cư Carina Plaza, quận 8, Sài Gòn bị cháy, làm 13 người chết trong đó có nữ chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM và 91 người khác bị thương. Được biết, khi chung cư này phát hỏa, hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà bị tê liệt. Điều đáng nói là, Phòng quản lý đô thị và Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Quận 8 đã cho biết, chung cư Carina Plaza được kiểm tra và kết luận tình trạng hoạt động của hệ thống báo cháy, chữa cháy bảo đảm vào tháng Giêng năm 2018.

Vụ cháy ấy được cho là thảm khốc, tuy nhiên công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy các tòa nhà khắp Việt Nam cũng đâu vào đấy. Rủi ro bị cháy rất ít so với những công trình có đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động. Nghĩa là phần cháy chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chưa bị cháy có bao nhiêu sử dụng hệ thống phòng cháy chữa cháy đểu thì không ai thống kê hết được. Tại sao thảm họa xảy ra nhưng lại không thể khắc phục mà khắp nơi vẫn cứ xảy ra thảm họa từ một nguyên nhân cũ mèm như vậy?

Trách nhiệm lớn nhất thuộc về ngành phòng cháy của Công an. Nếu tuyên dương những cảnh sát chữa cháy là dũng cảm, thì cũng cần phải lên án mạnh mẽ những người chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng cháy cho các khu dân cư. Và tất nhiên, để xảy ra tình trạng phòng cháy chữa cháy theo kiểu đối phó có phần rất lớn thuộc về tư tưởng đối phó của người Việt.

Gắn kiếng chiếu hậu để an toàn lái xe máy vẫn đối phó; đội nón bản hiểm để an toàn cho bản thân cũng đối phó. Đến vấn đề lớn hơn như xây một tòa nhà có hàng trăm người dân sinh sống, họ cũng xem đầu tư thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng là để đối phó. Cái giá phải trả cho tai nạn rất lớn nhưng người Việt vẫn muốn “tiết kiệm” vài đồng để mua kiếng chiếu hậu và nón bảo hiểm rẻ tiền. Cái giá phải trả cho hỏa hoạn là cực lớn nhưng chủ đầu tư vẫn cứ đầu tư cho có để đối phó.

Có cầu thì ắt có cung, khi người dân có tư tưởng đối phó thì cơ quan chức năng cũng nghĩ ra cách thỏa mãn cho họ để kiếm tiền đút túi. Và mối quan hệ cung cầu này rất khắn khít, nếu diệt cung mà không diệt cầu thì thế nào cung cũng sống dậy.

Trong thảm họa này có lỗi của người dân lẫn trách nhiệm của chính quyền. Mà những gì thuộc về thói quen người dân thì dù có bao nhiêu thảm họa cũng rồi như cũ, khó sửa. Tham tiền, coi nhẹ tính mạng là cái khó sửa trong xã hội này. Rất khó sửa!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Không đối phó thì làm thế nào? Không giao cho sân sau của quan chức PCCC (anh em ta gọi đùa là phải cháy cứ cháy) gói thầu phòng cháy ư? Nếu vậy làm sao có thể qua được cửa ải kiểm tra an toàn phòng cháy khi nghiệm thu công trình? Cái chỗ này không thấy tác giả nói tới.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây