Dự án Nhà hát Opera của Sun Group trên Đầm Trị, Quảng An đang gây phẫn nộ…

Đặng Hoàng Giang

26-7-2022

Dự án Nhà hát Opera của Sun Group trên Đầm Trị, Quảng An đang gây phẫn nộ trong nhiều tầng lớp dân cư thủ đô. Điều này không khó hiểu – nó sai phạm trên tất cả các khía cạnh, từ luật pháp, quy hoạch, kiến trúc, tới cảnh quan, môi trường, sinh thái tới văn hóa, lịch sử, xã hội.

Xin giới thiệu tới các bạn một phân tích kỹ lưỡng của một nhà chuyên môn. (Bài đã được đăng trên một trang báo chính thống, tuy nhiên đã nhanh chóng bị gỡ xuống.)

Người dân treo băng rôn phản đối quy hoạch dự án Nhà hát Opera tại hồ Đầm Trị. Ảnh trên mạng

***

Nếu thực sự yêu quý Hồ Tây và Hà Nội, hãy trân trọng từng mét vuông cây xanh, mặt nước và những di tích – di sản vô giá tại đó!

KTS. Minh Nguyễn

Dự án Nhà hát Opera Hồ Tây được đưa ra giới thiệu hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận, vì công trình hiện diện tại một địa điểm rất đặc biệt là Đầm Trị, nơi gặp nhau của hai trục cảnh quan rất quan trọng của Thủ đô, sát cạnh Hồ Tây – một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội đã đi vào thơ ca nhạc họa và cũng là không gian cây xanh – mặt nước lớn hiếm hoi trong lòng một đô thị có mật độ xây dựng dày đặc và luôn ngột ngạt bởi hàng triệu phương tiện giao thông cá nhân lẫn giao thông công cộng đang lưu thông trên đường hàng ngày.

Những ý kiến ủng hộ việc xây dựng Nhà hát Opera Hồ Tây, mà tiêu biểu là bài trả lời phỏng vấn của Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông có thể được tựu trung lại ở ba điểm: 1. Công trình kiến trúc hiện đại làm đẹp cảnh quan xung quanh Hồ Tây đang rất cần một điểm nhấn; 2. Một biểu tượng mới của văn hóa Thủ đô thời kỳ hiện đại và 3. Một địa chỉ du lịch mới thu hút khách tham quan.

Khi xem xét cẩn trọng, dưới góc độ của một giảng viên kiến trúc và cũng là một kiến trúc sư, tôi thấy công trình này có nhiều bất cập, thậm chí sai phạm, trên mười khía cạnh: 1. Luật pháp; 2. Quy hoạch; 3. Kiến trúc; 4. Xây dựng; 5. Cảnh quan; 6. Môi trường; 7. Sinh thái; 8. Văn hóa; 9. Lịch sử và 10. Xã hội.

Về luật pháp, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành quy định rõ tại điểm b, khoản 2, điều 17 rằng công trình biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương, công trình quan trọng, công trình điểm nhấn trong đô thị như Nhà hát Opera Hồ Tây bắt buộc phải thi tuyển phương án kiến trúc. Phương án được đưa ra giới thiệu với công chúng – theo báo chí đưa tin – là thiết kế của Văn phòng Kiến trúc Renzo Piano, dưới dạng một hợp đồng thiết kế hoặc đơn đặt hàng mà không hề qua thi tuyển. Thông tin thi tuyển không hề được công bố trên bất cứ phương tiện truyền thông nào, ở bất cứ đâu. Như vậy rõ ràng là vi phạm Luật Kiến trúc.

Về quy hoạch, việc xây dựng một công trình công cộng có sức chứa tối đa khoảng 3.800 người (1.800 chỗ trong khán phòng chính và khoảng 2.000 chỗ tại các khán phòng phụ) tại điểm tận cùng của một trục đường kiểu độc đạo từ đường chính đô thị dẫn vào trong khu vực dạng bán đảo nhô ra hồ với ba mặt giáp hồ. Đây là điều cần hết sức tránh, nếu không muốn nói là “đại kỵ”, bởi vì giải pháp giao thông như vậy sẽ vô cùng bất lợi, gây hỗn loạn và tắc nghẽn khi có cả ngàn phương tiện của khán thính giả đến thưởng thức nghệ thuật dồn đến trùng với khung giờ đi lại của hàng trăm hộ dân địa phương. Hai bãi đỗ xe P1 và P2 theo quy hoạch dường như quá nhỏ, nếu không có tầng hầm thì chắc chắn không thể đủ chỗ để chứa 200 – 300 ô-tô và khoảng 1.000 xe máy, trong đó bãi đỗ xe P1 là bãi đỗ xe chính có diện tích lớn hơn được bố trí khá xa công trình nhà hát ở cự ly chừng 1 km, vượt quá khoảng cách đi bộ được khuyến nghị 400 m phổ biến trong nguyên lý quy hoạch để đảm bảo di chuyển được thuận tiện từ điểm đỗ tới công trình khi đi vào và một lần nữa ngược trở ra sau khi buồi diễn kết thúc. Trong khi đó bãi đỗ xe P2 nhỏ hơn và gần hơn lại nằm ngay sát Đền Kim Ngưu, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến di tích này.

Về kiến trúc, các nhà hát opera hoặc giao hưởng thính phòng nổi tiếng trên thế giới như tại Sydney, Hamburg và Luxemburg đều có hình khối rõ ràng, khúc chiết, có tính tạo hình cao và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, hơn nữa còn mang ý nghĩa biểu tượng, khiến người quan sát hình dung ra những sự vật hoặc hiện tượng có ý nghĩa tích cực. Khi nhìn hình khối của Nhà hát Opera Hồ Tây, tùy thuộc vào góc quan sát, người ta có thể liên tưởng đến đám bọt xà phòng, đến cụm trứng ếch, đến loài nhuyễn thể bò lên bờ, đến con bạch tuộc bị cắt cụt râu xếp trên một chiếc khay vuông vức vào ban ngày và đến mấy quả bí ngô ma quái dịp Halloween vào ban đêm dưới hiệu ứng ánh đèn từ trong hắt ra. Đây là kết quả thu thập ý kiến ban đầu trong số các đồng nghiệp và bạn thân có hiểu biết về nghệ thuật kiến trúc mà tác giả đã thực hiện. Những liên tưởng như thế liệu có phải là tích cực và được trông đợi từ một công trình được cho là biểu tượng văn hóa mới của Hà Nội? Một số người khác không đưa ra hình ảnh liên tưởng thì nhận xét hình khối của nhà hát khá mập mờ, ít đọng lại cảm xúc. Lại có ý kiến dạng “thuyết minh” cho rằng lớp vỏ lồi lõm của nhà hát mô phỏng sóng nước Hồ Tây. Đây là một sự diễn giải không có cơ sở, không hề tương đồng, vì sóng nước Hồ Tây là “gợn lăn tăn”, còn độ nhấp nhô của lớp vỏ được thiết kế cho người xem hình ảnh “biển động” dưới sức gió cấp 10.

Về xây dựng, phương án đề xuất là xây nhà hát nổi trên mặt nước. Nếu không xây bệ đỡ đặc bằng bê tông cốt thép từ đáy Đầm Trị lên thì ít nhất cũng phải đóng cả trăm chiếc cọc bê tông cỡ lớn sâu xuống đáy đầm thì mới đảm bảo độ ổn định nền móng cho một công trình có tải trọng lên đến hàng ngàn tấn. Dù theo phương án nào, đổ nền toàn bộ diện tích xây trên mặt đầm hoặc đóng cọc, cũng sẽ tác động rất lớn đến địa chất và thủy văn của Đầm Trị, chưa kể đến yếu tố tâm linh – có thể phạm “long mạch”. Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng, tuyệt đối không thể xem thường.

Về cảnh quan, Hồ Tây là danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng ở Thủ đô, đã được đề xuất bảo tồn và tôn tạo không gian, hạn chế xây dựng công trình có kiến trúc hiện đại, khối tích lớn, chiều cao tầng vượt trội, vì sẽ gây tổn hại đến cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo xung quanh hồ, vốn dĩ chỉ thích hợp nhất với không gian xanh, rộng thoáng, công trình nếu có xây dựng thì cần thấp và nhỏ. Nhà hát Opera Hồ Tây cùng với cụm tổ hợp chung cư kết hợp dịch vụ đa chức năng cao 20 – 40 tầng tại số 58 đường Tây Hồ gần đó đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thiện sẽ không khác gì hai chiếc dằm cắm sâu vào “da thịt” Hồ Tây, gây nhức nhối về mặt thị giác và xâm phạm nghiêm trọng cảnh quan hồ.

Về môi trường, một dự án có thể coi là trọng điểm và quy mô như Nhà hát Opera Hồ Tây mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không thể chấp nhận được. Hồ Tây dù đã bị gặm nhấm không ít bởi quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát trong hơn 20 năm qua vẫn đóng vai trò là lá phổi xanh lớn nhất còn hiện diện tại nội đô Hà Nội. Trong thời gian xây dựng Nhà hát Opera Hồ Tây, việc kè bờ, đóng cọc hoặc đổ nền, rồi xe ô-tô tải cỡ lớn chở vật liệu đi vào, xe chở bùn, đất đá, phế thải xây dựng đi ra sẽ gây những tác hại có thể nói là nghiêm trọng đến môi trường khu vực. Trong suốt quá trình vận hành công trình, hơn một ngàn phương tiện giao thông đi lại và đỗ tập trung ở cự ly gần hoặc ngay cạnh các di tích lịch sử – văn hóa và công trình tín ngưỡng như Phủ Tây Hồ, Đền Kim Ngưu, Chùa Hoằng Ân, Chùa Phổ Linh và Đình Quảng Bá mỗi khi có buổi diễn sẽ tác động rất lớn đến sự yên tĩnh và bầu không khí trong lành của những địa điểm này.

Về sinh thái, dự án xây dựng đã lấy đi hơn 1/3 diện tích mặt nước của Đầm Trị rộng khoảng 6 ha vốn là nơi trồng sen, đã từng và đang có hệ động thực vật phong phú, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học cho khu vực quanh Hồ Tây, dẫn đến hệ lụy là sẽ gây tổn hại cho hệ sinh thái trong khu vực. Điều này đi ngược lại chủ trương “giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị” như đã nêu rõ ở điểm d, điều 4 (Định hướng tổ chức không gian) trong Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hiện vẫn còn hiệu lực, và cũng không tuân thủ nguyên tắc “tuyệt đối không được xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, mặt nước Hồ Tây” như đã được nhấn mạnh trong mục 4.2.2 của Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 08/08/2014 về việc phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị A6 vùng Hồ Tây và phụ cận tỷ lệ 1/2000 của UBND TP Hà Nội. Muốn dự án được triển khai, đơn vị tư vấn và cấp phê duyệt phải chứng minh bằng số liệu phân tích cụ thể cho dư luận xã hội thấy rằng công trình hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, chứ không phải là cách dùng câu chữ lắt léo và có vẻ chuyên môn nhằm trấn an dân chúng như thường thấy qua một số dự án khác tương tự trước đó.

Về văn hóa, với những liên tưởng không mấy tích cực về hình khối công trình như trên đã đề cập, sẽ là quá vội vàng nếu nhận định Nhà hát Opera Hồ Tây là một biểu tượng mới cùa văn hóa Hà Nội. Trong bối cảnh nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng đang có nguy cơ mai một trong quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa, công tác bảo tồn và phát huy những gì là bản sắc dân tộc đang phôi pha sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc tập trung bồi đắp cũng như quảng bá cho một biểu tượng văn hóa mới. Chắc chắn một điều khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam đại đa số sẽ mong muốn tham quan những công trình kiến trúc cổ và thưởng thức – tìm hiểu văn hóa truyền thống chứ không phải tới để xem những công trình hiện đại hoặc sự cải biên văn hóa mới từ bên ngoài du nhập vào.

Về lịch sử, Hồ Tây luôn giữ một vị trí trung tâm, vô cùng quan trọng đối với Hà Nội ngay từ những ngày đầu định đô, với rất nhiều di tích lịch sử, in dấu bao sự kiện lịch sử, gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa. Những công trình như cụm 10 tòa tháp chung cư đồ sộ cao 20 – 40 tầng tại 58 Tây Hồ đang gấp rút hoàn thiện, nay thêm dự án Nhà hát Opera Hồ Tây, sẽ là những “tiền lệ” nguy hiểm, góp phần bào mòn giá trị lịch sử của Hồ Tây. Đó sẽ là những mất mát to lớn, khó có thể khôi phục, một khi dự án đã được hoàn thành, đặt dư luận vào tình thế “ván đã đóng thuyền” và “sự đã rồi”.

Về xã hội, dự án Nhà hát Opera Hồ Tây với những điều chỉnh quy hoạch có thể nói sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng dân cư địa phương, khi có tới hàng trăm hộ dân phải di dời để mở đường và để xây dựng những hạng mục phụ trợ của dự án. Việc đền bù và tái định cư cho cộng đồng liệu có thỏa đáng và người dân có bằng lòng để từ đó đồng tình với chính quyền? Đã có những khảo sát lấy ý kiến của cộng đồng dân cư một cách khách quan, hợp pháp, nghiêm túc và minh bạch? Hơn nữa, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc đầu tư lớn nhằm mở rộng và nâng cấp hệ thống bệnh viện cùng trường học nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh nhân và học sinh là việc cấp bách hơn, đáng đầu tư và cần được ưu tiên đầu tư hơn so với một số dự án văn hóa khác có thể cần song chưa phải là bức thiết, ít nhất là trong tình hình khó khăn về kinh tế của thời kỳ hậu Covid như hiện nay. Ngoài ra còn biết bao việc dân sinh thiết yếu vẫn ngổn ngang chưa được khắc phục, tồn tại nhiều năm qua như tắc đường, ngập úng, ô nhiễm,… gây nhức nhối và bức xúc trong nhân dân thì việc xây dựng Nhà hát Opera Hồ Tây hoành tráng quả thực là một quyết định chưa hợp lòng dân, có thể đào sâu khoét rộng những mâu thuẫn lợi ích đang tồn tại đâu đó trong xã hội.

Khi mức thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Thủ Đô sau này bằng nửa Singapore ngày hôm nay thì việc xây dựng Nhà hát Opera có lẽ sẽ không ai phản đối. Và xây dựng ở đâu thì xây dựng, hãy tránh xa Hồ Tây và những khu vực tương tự có giá trị lớn về nhiều mặt cần phải được gìn giữ và bảo tồn, tôn tạo. Quỹ đất ở Hà Nội hãy còn, và không thiếu những địa điểm khác thích hợp hơn cho những dự án văn hóa quy mô lớn như Nhà hát Opera!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN


  1. Con cháu bác Mao: “hãy sở hữu biệt thự 4 sao biệt phủ 5 sao !” :
    *********************


    Con cháu bác Mao: “hãy sở hữu biệt phủ 5 sao !” :
    Con Dương cái + bố Dương đực đang lộn nhào :
    Phố Phật Sơn giữa cơn địa chấn nhà đất
    Hành tỏi thay Mao tệ việc buôn bán trao
    Sớm nở chóng tàn loài Hoa Địa ốc
    Thị trường bất động sản Tàu nát nháo lao đao
    3.000 dự án nơi 300 thành phố Trung Quốc
    Sóng thần khủng hoảng đang phủ đón chào
    Hàng trăm Phố ma nhà chọc trời chọc đất
    Chùa Bà đanh vắng lò tôn xẩm ôi chao trên cao
    Nợ xấu nợ tốt nợ dốt bùng nổ thành chúa Chổm
    Tập đoàn Quốc Viên Country Garden té bổ nhào
    Tập Đa đa đang cố bơm vào C..uốc Viên vực dậy
    Nhưng tín nhiệm vẫn xuống hạng “rác” tào lao
    Tào Tháo đang rượt hậu môn miệng quan trôn trẻ
    Như cái mồm cá tra chủ tịT xuân phúc xúc phân vào
    Địa ốc như trái bom bạo loạn xã hội nổ chậm
    Mục tiêu Thịnh vượng Chung bác Tập vẫn đề cao
    “Hãy sở hữu biệt phủ 4 sao” xuống cấp Cờ máu
    Xuống cấp thành Huyết kỳ nơi xứ Vệ còn “1 sao”

    TỶ LƯƠNG DÂN

  2. Dưới sự lãnh đạo Tài tình của Đảng , bất cứ CÔNG trình nào muốn là làm được dù dân chúng phản đối- nhớ lại dự án Bô xít Tây Nguyên,biết bao kiến nghị ,phản đối Đảng vẫn cứ làm.Ngay sân gôn trong sân bay Tân sơn Nhất chiếm đất làm cảng trở hoạt động của sân bay và nguy hiểm tính mạng hành khách nhưng vẫn tồn tại như thường!

  3. Có nhà hát, có chỗ để Nguyễn Xuân Phúc vào ngồi quạt.
    Luôn có bọn diễn xiếc đầy bằng cấp để tán tụng sự hợp lý, tính khoa học, lợi ích to lớn lâu dài.
    Và các Quan phụ mẫu toàn loại có bộ mắt nung núc những thịt, nhìn phát ngấy “như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ắp thịt mỡ khi ta đã no nê”, mắt thì hùm hụp gườm gườm, mý mọng, thích đủ thứ … sẽ đắc ý vì đã lấy “ý kiến” của mọi tầng lớp trong xã hội, với sự đồng thuận rất cao.
    Rồi các quan “đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giầy ra một tý. Và vẫn tự nhiên như không, ông cúi xuống thò tay, nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giày bám vào, rồi bỏ tọt vào túi.”

Comments are closed.