Xét xử quá khứ

Tạ Duy Anh

23-7-2022

Tôi rất ít xem tivi, trừ mỗi khi có giải bóng đá khu vực Đông Nam Á. Nhưng rồi một dạo tự nhiên không muốn làm bất cứ việc gì, bèn cùng vợ mở Netflix xem phim Hàn Quốc. Thứ phim vẫn bị coi như là nước “siro” này hóa ra cũng có khối điều để phải suy ngẫm ngày này sang ngày khác. Đầu tiên, nói thẳng ra, kể cả chưa có gì ghê gớm, nhưng nếu không có TỰ DO, nếu luôn theo định hướng chính trị, thì không bao giờ làm được như vậy.

Những bộ phim tôi xem, được dựng thời gian gần đây, ngoài sự quen thuộc là đội ngũ diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, hình như giới trí thức, văn nghệ sỹ nói chung và các nhà làm phim Hàn Quốc nói riêng đang mở hẳn một chiến dịch “xét xử quá khứ”, nhằm xé tan màn đen tối của những trang sử ngụy tạo, được thao túng bởi tiền bạc và quyền lực bị tha hóa.

Chỉ qua phim ảnh thôi, đã thấy hầu như mọi lĩnh vực trong xã hội của quốc gia phát triển này đều bị đem ra mổ xẻ, thẳng tay bóc những khối ung nhọt, bị coi là mặt trái của tấm huân chương mang tên “Kỳ tích sông Hàn”.

Từ tổng thống, thủ tướng, các quan chức chính phủ, nghị sỹ, giới tài phiệt, nhà văn, nhà báo, luật sư, thầy giáo, thầy thuốc… đều bị đặt lên “thớt” không hề có bất cứ sự kiêng nể nào. Hiện thực phổ biến nhất được phơi bày là sự câu kết giữa quyền lực, giới tài phiệt và truyền thông bẩn nhằm thao túng dư luận, đổi trắng thay đen nhiều sự thật của đất nước. Bọn chúng, những kẻ có quyền và có tiền tìm cách mua chuộc đám nhà văn, nhà báo, luật sư biến chất, để họ luôn tự nguyện làm đầu sai cho chúng. Chúng nhẫn tâm vu cáo hãm hại người khác, tạo ra những màn dạo đầu tanh tưởi để đám thực thi công lý hàng chợ tìm được “cảm giác thanh thản” khi ra tay tiêu diệt người công chính. Đổi lại, những kẻ bán mình nhận được những tấm séc, những khoản lợi nhuận ma, những vị trí công việc béo bở. Cứ thế lũ sâu mọt đốn mạt này không chỉ tha hồ cướp bóc, bức hại lương dân, bóp nghẹt công lý, mà còn thao túng cả lịch sử.

Nhưng vào một ngày, những người trẻ tuổi, với phẩm giá, tình yêu tự do và lòng dũng cảm đã vùng lên chống lại họ, chống lại những bậc cha anh mà họ phải kính trọng, phải mang ơn, phải nghe theo mọi dạy bảo như một mặc định của số phận.

Những người trẻ tuổi ấy là ai?

Chỉ có một câu trả lời: Họ là chủ nhân, là đại diện cho tương lai của đất nước Hàn Quốc trong thế kỉ 21. Họ là thế hệ lớn lên sau thời kỳ độc tài, ảnh hưởng văn hóa dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Họ làm mọi công việc. Họ không chỉ có học vấn, giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ thông tin, mà còn luôn đề cao lòng trung thực và tinh thần phản biện chính trị, phản biện xã hội.

Họ nhìn thấy trong những thành tích kỳ diệu mà lớp cha anh tạo ra chứa theo nhiều khối ung nhọt, khuyết tật về đạo đức, những vi phạm nhân quyền, nữ quyền, đã bị thế hệ trước (vô tình hay cố ý) ỉm đi, che giấu, tìm cách bưng bít nhân danh phát triển, nhân danh ổn định, nhân danh truyền thống văn hóa, đề cao thói vâng lời. Cơm áo luôn quan trọng, nhất là khi sự nghèo đói còn phổ biến. Nhưng để có một xã hội tử tế, đáng sống, thì phẩm giá bao giờ cũng thiêng liêng hơn nhiều lần, không thể đánh đổi. Và trong mọi cuộc đấu sứt đầu mẻ trán ấy, dù nhiều phen thất bại thê thảm, thì cuối cùng tuổi trẻ luôn thuộc về phe chiến thắng, công lý luôn chiến thắng, sự minh bạch luôn chiến thắng.

Đó không chỉ là giấc mơ của các nghệ sĩ chân chính. Nhưng nếu mới chỉ là giấc mơ, cũng đáng để cảm phục sự dũng cảm của họ.

Phải chăng Hàn Quốc phát triển mạnh, bền vững, là quốc gia vừa giàu có, hiện đại, nhưng vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng vô cùng độc đáo cho đến tận ngày nay, là bởi họ biết đề cao tinh thần phê phán?

Không phải vô cớ mà tại nhà truyền thống trong khu Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Seoul, có một phòng “vinh danh” 12 vị tổng thống khiến bất cứ ai xem xong cũng phải vắt tay lên trán. Từ chỗ “nghèo đói” và được ví như cái thùng không đáy về mức độ tham nhũng, sau 5 thập kỷ, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thứ 11 thế giới, với hình ảnh tràn ngập hành tinh. Một phần công lao thuộc về sự tài giỏi của các vị tổng thống được treo chân dung trong bảo tàng. Nhưng có tới một nửa trong số đó (gắn với những thời kỳ phát triển vũ bão của Hàn Quốc) phải đứng trước vành móng ngựa để nghe tuyên các bản án tù, từ mức hình phạt cao nhất. Số còn lại thì người bị ám sát, người bỏ trốn, người tự tử sau khi rời chính trường…

Chúng ta vẫn trầm trồ về biết bao điều kỳ lạ mà Hàn Quốc làm được. Nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta nghiêm túc suy ngẫm vì sao họ làm được những điều lớn lao ấy?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. i can du ông ơi . Vì nhiều lý giấu

    – Hàn có kỳ diệu sông Hàn, mình chưa có kỳ diệu . Chỉ có kỳ cục sông Hồng, kỳ quặc sông Cửu Long hay kỳ quái sông Saigon thui .
    – Nếu Tạ Duy Anh xem những thắng lợi trong cuộc chiến tranh đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào là kỳ công, thì khi “xét lại quá khứ” đó, có nên tự xét về những đóng góp của mình để bảo vệ những huyền thoại đó ? Hay nếu Đảng quên những đóng góp của mình sẽ là “lỗi hệ thống”?

    Và nhiều lý do khác nữa .

    Thui thì đây là đề nghị của tớ . Có vẻ các vị đã thành công trong công cuộc xây dựng 1 nền văn hóa riêng biệt, ok thì độc lập tới độ người Việt ở nước ngoài nhận hổng ra, và vì vậy, khó mà claim đây là văn hóa của mình để chia sẻ & tự hào . Congrats, Kudos to youse all. Đề nghị của tớ là TẤT CẢ mọi người quan tâm & tôn trọng nền văn hóa này nên phát huy tinh thần tiến công cách mạng trong phát triển nền văn hóa riêng, độc lập & tự do của riêng mình, thay vì bắt chước nhân loại . Bắt chước họ thì chỉ theo đuôi họ thui, nhưng nếu phát triển tối đa những nét riêng biệt của mình, chỉ lúc đó mới có thể góp mặt của mình vào kho tàng văn hóa của thế giới .

    Các bác có thể gọi đây là nền văn hóa “Việt” vì dù gì đi nữa, các bác đang sống, làm việc & chiến đấu trên vùng đất tạm thời còn gọi là Việt Nam, dù các bác đã đặt tên cho nó là -Trân Văn & (nhiều) người khác nên nhớ, dont wanna remind y’all again- ch XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Việt Nam . Thus, you have the rite to claim đây là nền văn hóa VIỆT đặc sắc và độc lập, hoặc ít ra các bác có thể tạo ra 1 ảo tưởng cho (rất) nhiều người rằng cái nên văn hóa này là “Việt”.

    Vì vậy, sẽ có (rất) nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại sẽ tự cung hình để đóng góp cho cái nền văn hóa các bác đang xây dựng in the name of hòa giải hòa hợp . Và các bác sẽ tuyên dương các loại văn hóa phẩm tự cung đó là nhân văn, xóa bỏ hận thù, có văn hóa, vẫn giữ được bản sắc dân tộc … Nguyễn Đức Tùng là 1 ví dụ . Những thứ đó Ngụy hải ngoại nó không cần, thí cho các bác . Và nếu ai quên tự cung, những biên tập viên có tâm, tầm & trách nhiệm như Tạ Duy Anh sẽ ráng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao .

    Ở ngoài này, có thể người ta hổng biết Tạ Duy Anh là 1 nhà văn xuất phát từ Quân Đội Nhân Dân aka Cộng Sản/Đồng nếu thờ Mạc Văn Trang hay Tô Văn Trường, nhưng tớ cam đoan người ta sẽ nhớ tới Tạ Duy Anh như người biên tập viên tâm huyết của Thơ Đến Từ Đảng . Nguyễn Hưng Quốc & Hoàng Ngọc-Tuấn xem Tạ Duy Anh là 1 thực tế gắn liền & đặc trưng của văn hóa tự cung của Đảng Ta . y’all should be proud. Và nếu có lùm xùm kỳ vụ “Gia Tài của Mẹ Suốt”, eh, just another “Thiến Sót”.

    Ngủ ngoan đi những trái tim hoài điên điên . Hãy nâng niu cái đẹp cổ kính của sự tôn trọng thành kính đi các bác ui . Đừng bắt chước người ngoài . Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục vẫn là ao Ta . Tắm xong rùi mới rũ bùn đứng dậy sáng lòa . Sáng lòa xong lại ngồi xuống. Cuộc đời cứ thế mà trôi thui . Chính cái mùi bùn ngai ngái trong ao Ta là tư liệu quý báu nhất mà các bác phải nâng niu, gìn giữ

  2. Bài viết hay. Nhưng trong xã hội này thì vĩnh viễn không bao giờ có chuyện “xét lại quá khứ” đâu anh. Ngay cả hiện tai mà người ta còn không dám xét thì nói gì đến quá khứ. Ráng chờ phép lạ thôi!

Comments are closed.