15-7-2022
Tôi không có đủ thông tin để hiểu vì sao quyền bộ trưởng Y tế là bà Đào Hồng Lan. Nhiều nước bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ và bộ trưởng quốc phòng không phải là sĩ quan. Nhưng, khi đã đưa một người không có chuyên môn đứng đầu ngành y tế nước ta thì Bộ phải thay đổi vì không thể nào vận hành như trước.
Nếu bà Lan không muốn ngồi làm cảnh hoặc bị qua mặt thì phải lựa chọn: Mục tiêu của bà là nhắm vào các nguồn lợi bất tận từ các “pharma” hay kiến tạo một nền y tế chăm lo tốt nhất sức khỏe cho người dân. Nếu muốn thay đổi thì bà phải tập trung để làm bộ trưởng, tập trung cho vai trò ban hành chính sách và hiểu giới hạn của người đứng đầu ngành về hành chính.
Bộ máy hành chính công vụ trong Bộ phải được tách biệt với lực lượng tham mưu chính sách (hành pháp chính trị). Các cục, vụ không thể là người vừa ban hành các rào cản hành chính, vừa tự mình giúp các “pharma” lách qua các rào cản ấy.
Bộ trưởng, cũng vì thế, từ đây sẽ không còn can thiệp vào việc cấp phép lưu hành dược phẩm hay thành lập bệnh viện mà chỉ ban hành những chính sách để các cấp hành chánh lấy làm căn cứ mà cấp phép.
Như vậy, trong bộ Y tế nên có một thứ trưởng hay tổng thư ký đứng đầu bộ máy hành chính (bao gồm các cục và cấp hành chánh ngành). Ông cũng như các cục trưởng, được bộ trưởng bổ nhiệm, nhưng để tránh bị chính người bổ nhiệm thao túng, trong nhiệm kỳ, bộ trưởng không được phép thuyên chuyển hay thay thế và họ đương nhiên được tái bổ nhiệm nếu không có vi phạm nào tới mức kỷ luật.
Nguyên tắc này cũng phải được người kế nhiệm tuân thủ với những chức danh được bổ nhiệm từ người tiền nhiệm.
Bộ máy hành chánh không làm việc theo thứ bậc cấp dưới, cấp trên mà chỉ tuân theo các quy định (về chuyên môn) của pháp luật. Bộ máy hành chánh cũng tuyệt đối không được tham gia vào các quy trình ban hành chính sách và bộ trưởng cũng không có quyền ra lệnh cho họ cấp phép hay không cấp phép.
Giúp việc cho bộ trưởng là các vụ. Các vụ có thể tham vấn các bệnh viện và các cục khi ban hành chính sách nhưng không để bộ máy hành chánh (nơi có thể hưởng lợi từ chính sách) can thiệp.
Vốn xuất thân từ… bảo hiểm, trước hết, bà nên bãi bỏ ngay những quy định cho phép bảo hiểm y tế đưa ra các tiêu chuẩn điều trị (chi tiết tới số lượng bông gạc, thuốc men…). Đó là công việc của Bộ (ban hành các quy trình điều trị) và quyết định của các bác sĩ. Tính ưu việt của CNXH mà bà đang được định hướng là nên thông qua chính sách làm sao để người nghèo có thể tiếp cận bảo hiểm y tế chứ không phải đổ tiền ngân sách vào bệnh viện công.
Nên chấm dứt đầu tư bệnh viện công ở các trung tâm như Hà Nội hay Sài Gòn mà tập trung ngân sách cho vùng sâu, vùng xa; nhất là những nơi tư nhân không đầu tư bệnh viện. Trong nhiệm kỳ của mình, chỉ cần bà giảm được dòng người mắc những bệnh thông thường từ các tỉnh đổ về Hà Nội, Sài Gòn là bà đã giúp cho người dân nhiều lắm.
Cần chấp dứt một bệnh viện công hai chế độ: khoa thường và khoa dịch vụ. Hệ thống bệnh viện công nên đảm trách hai vai trò, bệnh viện cho người nghèo và bệnh viện chuyên khoa chuyên sâu. Nghiên cứu chính sách để người nghèo nếu mắc những bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm vẫn có thể được điều trị chứ không chỉ người có tiền mới được điều trị.
Các bác sĩ vừa ra trường phải được đưa về các bệnh viện lớn làm việc trong vòng 5 năm, sau đó phải đi vùng sâu, vùng xa ít nhất 3 năm (mới được cấp phép trở lại làm việc ở các thành phố lớn).
Các loại thuốc đã được các nước phát triển (như G7) cấp phép thì phải đương nhiên được lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp cháu bé 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn cắn tử vong vì thiếu huyết thanh là một ví dụ về những thủ tục không cần thiết được quy định trong Thông tư 32 khiến cho huyết thanh ít được nhập.
Hy vọng, việc bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế là một sự thay đổi về tư duy chứ không phải vì thiếu một trung ương ủy viên có bằng bác sĩ.
Và, nếu quyết định cán bộ này là sản phẩm của đổi mới tư duy thì nên tư duy tiếp để chuyên nghiệp hóa nền hành chánh Việt Nam trên cơ sở tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ ở tất cả các ngành từ trên xuống dưới.
Có người cho rằng, quan chức cao cấp nước nhà không hiếm người tài, điều đó đúng hay sai? Nói đúng cũng không sai, nói sai cũng đúng.
Các cụ từ thuở xa xưa từng đúc kết “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để nói giỏi một nghề thì ấm thân. Thế nhưng, nhiều quan chức trong vòng hơn chục năm thay đổi tới chục cương vị ở những ngành nghề khác nhau nhưng đều được đánh giá là hoàn thành suất sắc nhiệm vụ và được thăng chức đều đều, ai dám nói họ không tài. Cứ nhìn sơ yếu lý lịch được liệt kê của những vị được bổ nhiệm vào ghế mới sẽ thấy những người này quả là tài. Thế nhưng, khi ai đó ngã ngựa vì vướng vào vòng lao lý, qua báo chí và các phương tiện truyền thông chính thống mới thấy rằng những người này chẳng tài giỏi gì. Những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Phương Minh Hoà, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và rất nhiều quan chức đã ngã ngựa khác đã chỉ ra cho ta thấy họ không có tài, bởi thể chế nhìn người sai khi dùng họ nên họ đã gây họa không nhỏ cho dân cho nước. Cũng có người nói nhiều quan chức nước nhà quá liều nhưng khi đã ngã ngựa những người này lại quá hèn.
Nhiều người tự thấy năng lực mình có hạn, khi được thể chế giao cho trọng trách không hợp với năng lực và chuyên môn của mình nhưng họ vẫn nhận thì những người này phải nói là quá liều. Không hiểu quyền bộ trưởng bộ y tế có phải là người quá liều khi dám đảm nhận chức vị này hay không? Ở các nước phương Tây, bộ trưởng một bộ có thể không được đào tạo bài bản về ngành mà người đó nắm giữ, chẳng hạn bộ trưởng y tế và phúc lợi hiện tại của Mĩ không phải là bác sĩ. Thế nhưng, các vị bộ trưởng ở trời Tây chỉ quản lý về mặt nhà nước theo hiến pháp quy định. Họ không nắm quyền điều hành các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện công như ở ta. Còn ở ta, nếu bộ trưởng không vững chuyên môn sẽ dễ bị cấp dưới qua mặt, nhất là ngành y, bộ trưởng nên là người có kiến thức rộng về y học. Còn nói rằng nhiều quan chức ngã ngựa quá hèn và thiếu nhân cách quả không sai. Nhìn cảnh Trịnh Xuân Thanh khóc trước toà, xin lỗi người này người kia, thấy Nguyễn Đức Chung trưng hơn 80 bằng, giấy khen, trưng giấy chứng nhận ủng thư bước sang giai đoạn di căn hay nhiều vị khác kể lể công lao, nêu mẹ già cần người chăm sóc để xin giảm án thì là người tử tế, ai chả cho rằng họ hèn và thiếu nhân cách.
Người đứng đầu Hà Nội không phải là người do công dân Hà Nội bầu, họ là những người được đảng cử thông qua hội đồng nhân dân thành phố bầu một cách hình thức. Nhưng hai chủ tịch Hà Nội gần đây là Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh đang phải hầu toà hoặc sắp phải hầu toà. Còn chủ tịch Nguyễn Thế Thảo có thể cũng theo gót hai vị chủ tịch đàn em. Liệu vị được đảng cử sắp được hội đồng nhân dân bầu làm chủ tịch của Hà Nội có làm cho Hà Nội thay đổi xứng đáng là thủ đô của đất nước hay không? Mong tân chủ tịch trong tương lai đừng nối gót những người tiền nhiệm Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh hay Nguyễn Thế Thảo.
FB Vinh Le