30-6-2022
1. Từ năm 2020, Việt Nam đã bỏ quy định rằng các ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam thì cần phải được xin cấp phép lưu hành, phổ biến. Quy định này xuất hiện sau nhiều phản đối từ xã hội liên quan đến việc cơ quan nhà nước khá lúng túng và tuỳ tiện khi cấp phép lưu hành bài hát, chẳng hạn như vụ cấm lưu hành bài “Con Đường Xưa Em Đi”.
2. Điều đó có nghĩa là bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn không phải là bài hát bị “cấm lưu hành” vì không còn có khái niệm đó nữa. Tuy nhiên, nếu ca sĩ hát bài hát có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, ví dụ như kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử v.v… thì cơ quan Nhà nước có thể phạt hành chính. Tức là cơ quan Nhà nước không cấm bài hát, nhưng ai hát thì sẽ bị phạt.
3. Ở một mặt khác, bài hát cho dù có bị “dư luận” (hay ai đó nhân danh dư luận) phản đối thì việc ai đó hát bài hát này cũng không bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định là bài hát có nội dung vi phạm và ra quyết định xử phạt. Nếu theo mô hình cũ, Nhà nước lên một danh sách bài hát trước 1975 ở miền Nam được lưu hành (tức là không có vấn đề), ai hát ngoài danh sách này là sai, khỏi bàn cãi. Nay mô hình mới là không bài hát nào trước 1975 bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi Nhà nước tuyên bố, chứng minh là nó vi phạm pháp luật. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình cũ là tiền kiểm, hay kiểm duyệt trước. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình mới là hậu kiểm.
4. Về độ cởi mở thì hậu kiểm thường tốt hơn tiền kiểm. Hậu kiểm buộc những ai phản đối bài hát phải đi chứng minh là bài hát vi phạm pháp luật, thay vì đơn giản theo mô hình cũ là “tao thích thì tao cho hát, không thì thôi”.
5. Lỗi của chương trình của Khánh Ly lại là việc Khánh Ly hát Gia Tài Của Mẹ dù không có đăng ký trong chương trình gửi Sở, chứ không phải là “hát ca khúc bị cấm”. Đây là lỗi không nặng, bị phạt mỗi tối đa 20 triệu đồng, mà cũng chẳng phải Khánh Ly bị phạt mà là đơn vị tổ chức. Ai muốn phạt Khánh Ly vì hát ca khúc “bị cấm” thì chịu khó quay ngược thời gian vậy, hoặc ráng vận động cơ quan Nhà nước tuyên bố bài này xuyên tạc lịch sử.
Ngoài ra, nói một chút về các vấn đề phi pháp lý và gửi lời đến nhiều người: Mình thấy nhiều người lồng lộn lên đòi cấm đòi phạt đòi bắt người hát lẫn người cho hát bài này vì một câu trong đó không đúng cái họ nghĩ là lịch sử thì cũng mắc cười. Thôi thì gửi lời với những ai đang gân cổ lên bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống dân tộc… bằng việc chửi một bài hát, hay lăng mạ người khác mình là chúc bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa, tuổi trẻ đang được cống hiến để bảo vệ non sông gấm vóc. Nhiều khi đó là ý nghĩa cuộc sống của bạn, không nên đánh thức bạn làm gì.
Còn thật ra mình cũng không hiểu lắm mục tiêu thực dụng của việc cấm hay tẩy chay mấy ca khúc như Gia Tài Của Mẹ đâu. Vì bản thân nó đã quá nổi tiếng rồi, thậm chí còn lớn tuổi hơn bạn, thậm chí là trước cả thời bố mẹ bạn, không thể xoá sổ được. Nếu cấm mà xoá sổ được thì nó đã không âm thầm sống, được đón nhận, len lỏi, thậm chí đi sâu vào tâm trí, chạm đến tâm can nhiều thế hệ người Việt Nam, bất chấp việc từng bị không cho phép lưu hành trước năm 2020, đến mức nghe một cái là người ta nhận ra, hát theo được ngay vậy đâu. Cho nên chuyện bạn có thấy nó phản quốc, nó sai trái, nó lật sử hay gì gì đi nữa thì… kệ bạn thôi, chả liên quan gì đến người khác. Và bạn cũng chả làm gì được người khác. Khả năng cao là nếu lỡ đọc thấy những lời bạn chửi bới, hô khẩu hiệu, lên đồng… thì người ta cũng biết vậy, tắt màn hình, rồi mở Gia Tài Của Mẹ nghe tiếp thôi. Làm gì được nhau lêu lêu.
Nói chung làm Hồng Vệ Binh ở thời đại không phải Cách mạng Văn hoá cũng có sự bức bối. Mình thông cảm, chí làm trai muốn phá bỏ tất cả nhưng sinh ra nhầm thời đại, các bạn ráng động viên nhau.
Người Việt ta có một thói quen xấu đó là, thích quay đầu về quá khứ để phán xét về một con người hay một vấn đề nào đó. Một triết gia người Đức có nói “Quá khứ thuộc về cái chết còn tương lai là của chúng ta”, câu nói trên có thể không hoàn toàn đúng bởi “không biết và nhớ về quá khứ thì không phải là con người” như ai đó đã nói. Nhưng ở đời, vạn vật luôn thay đổi kể cả tư duy của con người, lẽ nào nhiều người không biết.
Tôi không phải là fan của nhạc Trịnh và cũng chưa từng nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh kể từ khi bà bước sang tuổi lục tuần. Dẫu vậy, với những người thuộc thế hệ tôi, những người sinh ra và lớn lên vào thời đất nước bị chia cắt, ít ra cũng đã từng một lần nghe Khánh Ly ca những bài ca về tình yêu, về phản chiến của Trịnh Công Sơn vào thời trẻ. Phần nhạc của Trịnh Công Sơn nghe buồn buồn, đều đều, không chau chuốt như Phú Quang và cũng không uyên bác như Văn Cao nhưng ca từ trong các bài hát của họ Trịnh có sức mê hoặc lòng người, nhất là lớp trẻ sống trong thời bom đạn. Cho tới nay, chắc nhiều người cũng đồng ý với tôi, Khánh Ly trước 1975 hát nhạc Trịnh là hay nhất và hợp nhất. Sau 1975, Trịnh Công Sơn ở lại, Khánh Ly bỏ nước ra đi nhưng giọng ca của Khánh Ly hát nhạc Trịnh dù công khai hay lén lút cũng có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm trên mảnh đất hình chữ S. Người Việt bỏ nước ra đi trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 có những lời nói chống đối thể chế không phải là hiếm, Khánh Ly là một trong lớp người này. Nguyễn Cao Kỳ từng nói không đội trời chung với cộng sản, thế nhưng ông Kỳ đã thay đổi tư duy và là một trong những người Việt tích cực kêu gọi Việt kiều tại Mĩ về đầu tư tại quê nhà. Nhà nước hoan nghênh những đóng góp của ông Kỳ trong hoà giải và hoà hợp dân tộc, lẽ nào vẫn còn một bộ phận người Việt lại ác cảm với lời nói trong quá khứ của ca sĩ Khánh Ly rồi nặng lời lăng mạ ca sĩ này. Hoà giải và hoà hợp dân tộc lẽ nào lại khó tới vậy! Nhà nước chủ trương gác lại quá khứ, xoá bỏ hận thù bắt tay với người Pháp, người Mĩ, người Nhật, người Hàn kể cả người Trung Quốc lẽ nào nhiều người Việt chúng ta vẫn giữ trong lòng những lời nói không hợp với suy nghĩ của mình để rồi phê phán, xỉ vả ai đó về những sai lầm của họ trong quá khứ hay sao? Nếu đem so lời nói trong quá khứ của Khánh Ly với việc làm của Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Sơn, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và hàng trăm tướng lĩnh, quan chức đang ngồi tù ai có hại cho dân cho nước hơn? Với Trịnh Công Sơn, nhạc của ông được lớp trẻ miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà ưu ái, sau 1975 có một thời nhiều bài bị cấm đoán cho tới thời mở cửa. Sau thời mở cửa, nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn được công khai lưu diễn và được nhiều lớp người từ bình dân tới sinh viên, trí thức thích nghe, thích hát những ca khúc của ông. Đến nay, có lẽ còn duy nhất bài Gia Tài Của Mẹ vẫn chưa được phép lưu hành công khai trên lãnh thổ Việt Nam chỉ bởi trong ca từ có câu “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Nhiều người muốn đổi hai từ “nội chiến” cũng như nhiều người muốn đổi một câu trong Quốc ca của Văn Cao nhưng tác giả không còn nữa nên ý muốn này là điều không thể. Bài thơ Đường Sang Nước Bạn của Tố Hữu có câu “Bên ni biên giới là mình/ Bên kia biên giới cũng tình quê hương” nghe thấy sai sai nhất là ai đã từng chứng kiến cuộc chiến tranh 10 năm chống Trung Quốc cũng như thấy hàng rào dây thép gai khoảng 1400 km trên biên giới Việt Trung, vậy mà bài thơ này đâu có bị cấm đoán.
Chính trị hoá văn học, nghệ thuật dễ dẫn đến sai lầm mà bài học về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm là một ví dụ điển hình. Ai đó thích quay về quá khứ tìm sai sót của người khác để chê bai và phán xét nên soi lại chính mình. Hãy coi mình là người Việt Nam máu đỏ da vàng khi đó người Việt chúng ta dù chính kiến khác nhau, ý thức hệ khác nhau vẫn có thể nắm tay nhau tiến về phía trước để chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
FB Vinh Le
Mấy hôm rày, thấy trên nhiều trang Fb, người ta chửi bậy bà Khánh Ly cũng khá nhiều . Đây hẳn là loại mà tác giả DQC gọi là “bò đỏ” đấy. Nhưng tai liền miệng, mắt liền tay, miệng chửi thì tai nghe, tay gõ thì mắt đọc . Chứ người khác chỉ đọc đề bài là biết nội dung viết gì rồi , xem thêm làm gì cho mỏi mắt. Và bà KL chắc cũng không rỗi hơi để mà tìm hiểu người ta chửi mình thế nào.
Chỉ những kẻ “đồng thanh” thì “tương ứng” với nhau thôi.