22-5-2022
Ngày thứ Bảy 21-5-2022 vợ chồng chúng tôi thức dậy, vệ sinh, ăn sáng, làm một vài công việc bình thường và khoảng trưa thì đi bầu Quốc hội.
Phòng phiếu như thường lệ được đặt tại một ngôi trường tiểu học gần nhà nên đi bầu rất thuận tiện.
Bầu cử luôn xảy ra vào một ngày weekend, hầu mọi người, bất kể giai cấp xã hội, đều có cơ hội biểu đạt quan điểm của mình qua lá phiếu. Tại Úc, bầu cử là cưỡng bách. Không đi bầu sẽ bị phạt tiền.
Bầu cử tại Úc theo phương thức đại diện theo tỷ lệ (proportional representation). Tại Hạ viện thì đơn danh trong mỗi đơn vị tranh cử theo “thứ tự ưu tiên” (preferential voting). Tại Thượng viện thì liên danh trong mỗi tiểu bang cũng theo thứ tự ưu tiên nhưng đưa đến sự đắc cử của nhiều thượng nghị sĩ từ mỗi tiểu bang hoặc lãnh thổ (6 từ mỗi tiểu bang và 2 từ ACT và Northern Territory).
Phương thức này nhạy cảm với mức ủng hộ của cử tri hơn và khác với phương thức ngựa chạy về nhất (first past the post) hoặc đa số tương đối (relative majority) áp dụng tại Hoa Kỳ hoặc Vương Quốc Thống Nhất Anh.
Đến nơi bầu cử thì chúng tôi lập tức được những vận động viên cho các chính đảng và cá nhân ứng cử viên tiếp xúc thân thiện và đưa các văn kiện hướng dẫn. Chúng tôi sắp hàng như mọi người. Vào phòng phiếu thì được trao một cây viết chì, đăng ký và trao hai lá phiếu. Tôi và bà xã đứng vào hai chỗ bầu riêng để người này không ảnh hưởng đến lá phiếu người kia. Bầu cử xong chúng tôi ra về. Tổng cộng thời gian không quá một giờ. Ra về mới biết chúng tôi bầu cho hai ứng cử viên khác nhau tại Hạ viện.
Cảm giác tổng quát là sự chân thật. Bầu cử tại Úc là bầu cử thật. Mỗi lá phiếu có giá trị quyết định của nó. Bất cứ cá nhân hay tập thể nào can thiệp vào tiến trình bầu cử hoặc áp lực cho một công dân sai trái đều vi phạm hình luật.
Trong khi đó, tại Việt Nam hoặc các quốc gia cộng sản khác thì cái gì liên hệ đến bầu cử cũng đều giả vờ. Lý do là vì Hiến Pháp 2013 đã quy định trước theo Điều 4 Hiến Pháp là đảng CSVN lãnh đạo cả nhà nước lẫn xã hội (dân sự). Mặt Trận Tổ Quốc đã chọn sẵn ứng cử viên, Cử tri chỉ giả vờ đi bầu nhưng đảng CSVN đã nắm chắc phần thắng 100% rồi.
Ngay tối hôm thứ Bảy ngày 21 tháng 5, đã có kết quả sơ bộ. Tại Hạ viện, Đảng Lao Động chiếm được 71 ghế, Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia 52 ghế, các dân biểu độc lập 10 ghế, đảng Xanh 3 ghế, các đảng khác 2 ghế, 13 ghế chưa có kết quả. Kết quả bầu cử Thượng viện sẽ thông báo sau.
Cũng vì Hạ viện Quốc hội có tổng cộng 151 ghế và theo luật, chính đảng nào có đa số tuyệt đối hoặc được sự ủng hộ của đa số tuyệt đối, tức hơn 50% (76 ghế) sẽ thắng cử và thành lập chính quyền, nên đương kim thủ tướng Scott Morrison đã chấp nhận thất cử và chính thức chào mừng sự chiến thắng của ông Anthony Albanese (lãnh tụ đảng Lao Động).
Lý do là vì, tuy chưa đủ 76 ghế (còn lại 13 ghế chưa quyết định), Lao Động có khả năng có thêm ghế và đảng Xanh theo truyền thống thường liên kết với Lao Động. Vì vậy hầu như chắc chắn Lao Động sẽ nắm quyền hoặc bằng đa số của chính mình, hoặc bằng một sự liên kết với đảng Xanh hoặc tập thể hoặc cá nhân dân biểu khác hoặc cả hai.
Trong một chế độ dân chủ chân thật, một khi nhân dân muốn thay đổi chính quyền thì ý dân không thể lay chuyển được. Sau gần 10 năm nắm quyền, nhân dân Úc muốn lật một trang sử mới và lịch sử chính trị Úc lại sang trang.
Một điểm đặc biệt trong cuộc bầu cử này là, đây là lần đầu tiên một người Việt tỵ nạn Cô Đài Lê, đã đắc cử vào Quốc Hội Liên Bang, cơ quan quyền lực tối cao tại Úc, tại đơn vị Fowler.
Nếu chúng ta quan niệm nền chính trị dân chủ Tây phương như một quang phổ chính trị (political spectrum) chạy dài từ cực hữu (extreme right) đến trung điểm (Centre or middle point) đến cực tả (extreme left) thì Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia thuộc về trung hữu (centre right) và đảng Lao Động thuộc về trung tả (Centre left).
Cực hữu trên nguyên tắc là các chính đảng có khuynh hướng Phát Xít hay Quốc Xã. Trong hoàn cảnh của Úc, đảng One Nation của Pauline Hanson là đại diện. Cực Tả trên nguyên tắc là các chính đảng theo khuynh hướng Đệ Tam hoặc Đệ Tứ Quốc Tế cộng sản. Hầu như bây giờ cực tả không còn hiện hữu tại Úc, hoặc đã núp bóng Lao Động như một nhóm nhỏ, không có ảnh hưởng gì.
Các chính đảng Hữu khuynh thông thường chủ trương bảo thủ (conservatism) và sáng tạo của cải (wealth creation) và vì nhu cầu tập trung tư bản để sáng tạo của cải nên có khuynh hướng tạo ra nhiều bất công xã hội.
Các chính đảng Tả khuynh thông thường chủ trương cấp tiến (progressive) và tái phối trí của cải (wealth redistribution) nên tương đối công bằng xã hội hơn, nhưng lại ít phát triển kinh tế.
Sau 10 năm dưới sự lãnh đạo của Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia, mặc dù nạn đại dịch ảnh hưởng, Úc đã đạt nhiều thành quả về kinh tế, nạn thất nghiệp rất ít.
Chính vì thế, nhân dân Úc muốn thay đổi chính quyền để chú trọng hơn về các vấn đề cấp tiến (như bảo vệ thiên nhiên), công bằng xã hội (như tăng lương cho người lao động, nới rộng Medicare để bao gồm chăm sóc răng, tức dental care).
Cũng có thể khoảng trên dưới 10 năm sau, nhân dân lại thay đổi một lần nữa vì họ thấy nhu cầu sáng tạo của cải vào thời điểm đó quan trọng hơn và sẽ bầu cho Liên Đảng Tự Do – Quốc gia.
Chính trị trong một nền dân chủ là như thế, không một chính đảng nào độc quyền cai trị như điều 4 Hiến pháp cả.
Tuy nhiên cảm giác tuyệt vời nhất cho cá nhân của mỗi công dân của một quốc gia dân chủ là, khi cầm lá phiếu trong tay, chúng ta cảm giác không hề sai rằng đây là chế độ dân chủ thật, chúng ta là một cử tri thật, cầm một lá phiếu thật, bước vào một cơ chế kiểm phiếu chân chính thật, trong khuôn khổ của một bản hiến pháp thể hiện quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân thật.
Mong rằng trong một tương lai gần, mỗi cử tri Việt Nam đều có cơ hội hưởng được cảm giác chân thật mà chúng tôi hưởng được vào ngày 21 tháng 5 vừa qua, trong một cuộc tổng tuyển cử hậu Cộng sản tại Việt Nam.
Đảng Lao Động thắng cử kỳ này cũng là theo chu kỳ của chính trị Úc, cứ 2 nhiệm kỳ
liên tiếp của mỗi đảng thì dân chúng bắt đầu chán ngấy chính phủ của đảng đương
quyền nên họ bầu người mới của đảng đối lập lên làm thủ tướng.
Đảng Tự Do – Quốc Gia nắm qquyền 2 nhiệm ký nên đảng Lao Động được dân chúng
“chiếu cố”, trừ phi chính phủ đươmg nhiệm hay thủ tướng làm việc qúa xuất sắc thì
mới được bầu lại đến 3 nhiệm kỳ nhưng rất hiếm.
Như vậy, nền dân chủ thực sự chỉ có được khi người dân có quyền định đoạt ai xứng
đáng lên lãnh đạo, chứ không phải thứ dân chủ giả hiệu hay “bánh vẽ” của các chế độ
độc tài như độc tài CS.ở VN.
Tưởng cũng nên nhắc lại là đảng Lao Động từng bị tách ra làm 2 vì bị một thành phần
có quan điểm CS.”nằm vùng” lấn át nhưng sau đó đã chấn chỉnh và hợp nhất lại.