Nuôi sống sáng tạo

Khải Đơn

11-5-2022

Giáo sư của tôi nói ông không có quyền phê bình hay chê bai cách viết của sinh viên, một phong cách ngày hôm nay có thể bị coi là rẻ tiền hay tầm thường ngày mai có thể chính là thành tựu của người viết. Ông giải thích khi một bạn trong lớp hỏi về phong cách viết.

Tôi để ý cách làm việc của ông trong một năm theo học. Ông không chê bai bài viết dù có những bài chính tôi viết một năm sau đọc lại tôi không thể chịu nổi mình. Tôi tự hỏi vì sao ông không chê? Vậy có phải ông khen cho mày chết không? Hay có phải như người ta nói là để phòng tránh sự wokeness thiên hạ giờ ai cũng ăn nói kiểu an toàn.

Hôm qua buổi học cuối ông giải thích về chọn lựa đó. Thay vì chê bạn viết dở, tôi có thể đặt câu hỏi là mình có thể thử cách này không? Hay bạn có nghĩ tính từ dùng ở đây chưa đặc tả hết nội dung không? Hay em có nghĩ nếu em viết thêm ở chỗ này thì sao? – Đặt câu hỏi khiến người viết suy nghĩ về chọn lựa cũ của họ và có bức tranh đối chiếu để nhìn thấy khả thể khác. Họ có thể làm thử hay không thì tùy. Nhưng chắc chắn là sau một buổi học, người viết đó không cảm thấy nhục nhã ê chề. Họ thấy hợp hoặc chưa hợp. Nên thử hoặc không thử.

Chúng tôi học viết văn như vậy. Tuần nào bài viết cũng đem ra cho cả lớp mổ xẻ. 15 cái miệng sẽ nói về bài viết của bạn. 15 người sẽ đọc xong gạch bỏ các chỗ họ chưa hài lòng. Nhưng thay vì chê, họ nói: “Cậu giải thích thêm cho người đọc chỗ này đi, tớ thấy chỗ này chưa rõ vì bị gãy đoạn” – Craft – gia công – hay sáng tạo – với chúng tôi có nghĩa là như vậy.

Một lần, bạn lớp tôi viết một câu chuyện về nhân vật lịch sử. Trong đời thật nhân vật ấy đi vào rừng rồi mất tích không ai tìm được. Trong truyện, bạn viết nhân vật nhảy vào một tấm gương và tìm thấy bản thân ở phần bên kia. Không có ai trong lớp đứng lên bảo mày viết sai sự thật. Tụi tôi học viết tiểu thuyết và thơ. Hôm đó không phải môn nonfiction. Chỉ có trong môn nonfiction giáo sư mới hỏi chi tiết đó thật như thế nào. Đó là sự rạch ròi trong không gian sáng tạo.

Nhưng ngay cả sự rạch ròi đó cũng có thể thỏa hiệp. Ví dụ, một bạn trong lớp tôi bị một chứng thần kinh mà bạn nói bạn rất hay tưởng tượng ra bị đe dọa, có khi sẽ bị hoảng loạn. Khi bạn viết về hội chứng này, bạn hỏi thầy làm sao để chính bạn và người đọc dám tin rằng chuyện này có thật hay không [vì bạn cũng không tin vào bạn].

Thầy bảo, thầy đồng ý, nhưng có phải vào khoảnh khắc mà bài viết bạn đang tường diễn đoạn đó, với người viết thì cảm giác bị theo chân rồi sắp bị tấn công là thật đúng không? Bạn gật đầu. Thầy bảo, vậy đó là sự thật của bạn, bạn có thẩm quyền với nó. Đó là cách khán giả và nghệ sĩ ứng xử với khái niệm “sự thật”, tùy vào thể loại tác phẩm, có khi nó là thông tin, nhưng có khi sự thật là cảm giác. Tác phẩm của bạn cùng lớp bên trên là diễn trình cảm giác của bạn: nó là sự thật của bạn mà chúng tôi không có thẩm quyền can dự.

Thầy giáo đối với sự sáng tạo của mỗi sinh viên theo cách khác nhau. Một đứa cùng lớp kể, ông bắt nó viết mỗi ngày một bài thơ cho ông, coi như chơi game tập luyện. Với tôi ông bắt mỗi khi viết tính từ hãy nghĩ đến động từ và thay diễn đạt đó thành động từ. Với một đứa khác, ông hỏi nó hãy hỏi xem da, mũi, mắt, tai nó cảm thấy gì rồi viết thêm một dòng vô thứ nó đang viết như vậy. Không có mẫu số chung cho sáng tạo, không có một khuôn để nhào ra người viết.

Chúng tôi tìm thấy mạch máu của mình: trong những buổi đọc trước công chúng, đọc văn, đọc thơ mình tự viết, vài giảng viên ghé qua nghe với chúng tôi. Có người tiếp cận bạn nào đó đang làm chủ đề gần giống và hỏi có muốn hợp tác không. Có thầy giới thiệu một chuyên đề triết học cho đứa đang khai thác đề tài liên quan đọc.

Có lần, một bạn học khóa sau email cho tôi sau hai tuần đọc và nói là bạn từng đọc một tác giả khai thác theo hướng đó rất thông minh và có lẽ hợp với nội dung tôi viết, sau đó bạn gửi sách cho tôi. Đó là hệ sinh thái viết. Chúng tôi không chỉ tới chỗ đọc để tán dương nhau hay để vỗ về cái tôi của mình. Thầy muốn chúng tôi tìm ra phong cách, tìm độc giả, đối thoại với họ, tìm tri thức, tìm tiếng phản hồi, thậm chí, tìm cả sự thất vọng ở độc giả để biết phải làm gì trong lần đọc kế tiếp. Không có sáng tạo rực rỡ ngay lần đầu: một số người viết sẽ không tin điều này, nhưng dân làm điêu khắc sẽ tin, đó là không có tác phẩm nào ngon ăn ngay từ bản nháp đầu tiên.

Một cô giáo nói với chúng tôi, hãy ứng xử với giai đoạn biên tập như 60% của sáng tạo. Nếu như ở bản nháp đầu, bạn cầm một cục đất nặn nó thành con trâu có cái đầu bốn chân và bụng bự, thì ở bản nháp thứ hai, bạn sẽ nặn ra ánh mắt tròn xoe, vẽ thêm nét xoáy hay cố làm ra móng guốc. Vẻ đẹp của bài viết cũng vậy. Nó tỏa rạng qua từng từ vựng bạn chọn, qua hình ảnh bạn chạm khắc, qua không gian bạn thổi vào sức sống. Một nhà thơ nổi tiếng đến thăm lớp tôi và cô nói bài thơ đoạt giải của cô, cô đã viết lại nó 32 lần.

Từ những buổi học đó, tôi học cách ghê tởm những bình phẩm ác độc với tác phẩm của nghệ sĩ, ví dụ: thằng đó ba que, hay con đó đúng điếm lác. Những bình phẩm ngu dốt nhắm vào cơ thể, tâm hồn và phẩm giá của người sáng tạo thay vì tìm hiểu tác phẩm của họ, cố gắng nhìn thấy nỗ lực của họ và thậm chí lý giải sự thất bại của họ bằng thái độ hiểu rằng họ đang cố góp cho đời sống sức lao động sáng tạo.

Nếu bạn làm nông dân, có kẻ đến bên ruộng lúa nhà bạn và bảo lúa nhà mày như cứt, hay bạn làm nhân viên văn phòng và sếp chửi bạn em là đồ vô dụng soạn có mấy trăm trang giấy tờ cũng không xong, bạn cảm thấy thế nào? – Nghệ sĩ cũng giống như nông dân hay nhân viên văn phòng, lao động của họ là hình hài tác phẩm. Có thể bạn không ăn gạo anh nông dân đó trồng ra, nhưng đừng ví nó như cứt. Có thể bạn không hài lòng với bức tranh, nhưng đừng chửi anh họa sĩ ba que hay điếm lác. Hôm qua tôi thậm chí còn được biết thêm rằng, có cả thằng nhà thơ nào đó viết hẳn bài thơ chửi bức tranh. Cũng có người sử dụng ngôn từ như lúc bị tiêu chảy vại.

Nếu chúng ta muốn có không gian sống thật xinh đẹp và rạng rỡ, ta có thể học trân trọng những tác phẩm tốt và phê bình thẳng thớm gọn gàng tác phẩm mà ta không ưng. Rồi ta sẽ được thấy những tác phẩm mới, đầy sáng tạo và mạnh mẽ, vì nghệ sĩ không bị tàn hại và vẫn còn niềm vui được sáng tác tiếp. Còn chế nhạo, giễu cợt, bôi bác hay phỉ nhổ, chỉ làm thối mồm ta thôi.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nghiệp vụ sư phạm của các giáo viên rất hay, nhưng yêu cầu toàn thể độc giả làm theo như vậy thì có phần quá đáng.
    Tác phẩm một khi đã phát hành, mặc nhiên xem như là tác giả đã chỉnh sửa tới lui, nâng lên hạ xuống vài chục lần để đạt đến mức hoàn thiện nhất (đối với tác giả), nên công chúng có quyền bình luận, phê phán tác phẩm đó.
    Còn nếu như khăng khăng rằng phê phán là xấu xa, vậy xin hỏi đoạn “Có cả thằng nhà thơ nào đó viết hẳn bài thơ chửi bức tranh. Cũng có người sử dụng ngôn từ như lúc bị tiêu chảy vại.” là như thế nào?!?
    Nhân tiện, xin hỏi Khải Đơn răng nên có thái độ như thế nào đối với với những vần thơ áng văn ngôn từ hoa mỹ, văn phong bóng bẩy, được trau đi chuốt lại, cứ”đến hẹn lại lên” ca ngợi “cúng cụ” các kiểu.

  2. Viết thì ai cũng viết được, nhưng gây được thu hút nơi độc giả là rất khó, và thành công theo nghĩa best-seller lại càng khó hơn. Sách hay thì có rất nhiều, nhưng không bao giờ là đồng nghĩa là bán chạy nhất, vì thành công thương mại và tên tuổi cần có nhiều điều kiện khác.
    Cho dù bất cứ theo đuổi đề tài nào, lĩnh vực gì, ba điều kiện chính mà người viết cần phải có văn tâm, văn tứ và văn tài. Nhưng chưa hết, phải dày công khổ luyện qua thời gian. Đó là kết qủa của việc đọc sách lâu dài. Một điều kiện phụ thuộc khác đem lại lợi thế cho người viết là dịch thuật, nếu có điều kiện thông thạo một ngoại ngữ. Đôi khi việc sáng tác bị bế tắc, thì dịch thuật là một việc thực tập vô cùng bổ ích, có dịp để so sánh văn phong và cấu trúc ngôn ngữ của tác giả, giúp cho người viết, người dịch so với kỷ năng của riêng mình.
    Người thầy chỉ hướng dẫn những điều cơ bản, đem lại những trực giác đầu tiên, nhưng không nhất thiết là quan trọng.
    Nỗ lực sáng tạo cho riêng mình một văn phong hay một loại đề tài độc đáo là một thành tựu cực kỳ đặc biệt, không thể đốt giai đoạn. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, đó là những thiên tài mà lý trí thông thường không thể giải thích được.

  3. “Giáo sư của tôi nói ông không có quyền phê bình hay chê bai cách viết của sinh viên, một phong cách ngày hôm nay có thể bị coi là rẻ tiền hay tầm thường ngày mai có thể chính là thành tựu của người viết. Ông giải thích khi một bạn trong lớp hỏi về phong cách viết.”
    Tôi không chuyên nghề cầm bút và cũng không học về văn chương, cũng xin mạo muội biện tập lại đoạn văn trên như sau, kính mong tác giả lượng thứ và cà độc giả quan tâm góp ý:
    “Khi được một sinh viên hỏi về phong cách viết, giáo sư của tôi có trả lời là không muốn phê bình, vì một phong cách ngày hôm nay có thể bị coi là tầm thường, thì ngày mai có thể lại là thành tựu của người viết.”

Leave a Reply to Tôn nữ Minh Thiệp Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây