Có phải vì môn lịch sử của ta quá dài?

Thái Hạo

19-4-2022

Không. Vài trăm trang sách để học cả năm trời ở tuổi 18 thì không có chi gọi là dài cả, nếu không nói là quá ngắn. Đọc một đêm là xong.

Một học sinh lớp 10 của Tây, để làm một “bài tập về nhà” môn lịch sử, phải đọc cả hàng tá tài liệu, tra cứu đủ thứ sách vở, bàn học ngổn ngang như của một nhà nghiên cứu. Ghi chép, tổng hợp, đánh giá, đưa ra quan điểm và thuyết trình.

Trong khi học sinh VN thì mỗi tuần học vài trang, mà học mãi không xong. Tại sao thế? Vì học sinh ta không được học đúng nghĩa, đó chỉ là học thuộc, không phải là học. Học như con vẹt, học cấm cãi, cấm hỏi, nếu có hỏi thì cũng chỉ cho vui, không dùng vào việc gì, đi thi mà chép sai một chữ là coi chừng. Cái lối học ấy làm cho tất cả đều kinh khiếp. Càng học càng sợ, càng học càng ngán.

Sự thật lịch sử là điều xa xỉ đã đành, đến việc nhìn nhận đánh giá các sự kiện cũng là thuộc lời người khác, thì làm sao chịu nổi.

Môn sử và các môn học khác trong nhà trường đang được dạy và học như tụng kinh. Nếu bạn không tin thì hãy làm khảo sát với những học sinh vừa tốt nghiệp 12 hoặc thậm chí đang học 12, nếu có em nào còn thuộc nổi 10 bài thơ trong chương trình THPT thì phải gọi đó là trường hợp đặc biệt. Tôi tin nó chiếm không quá 10% số học sinh trong mỗi trường học, dù học ngày học đêm, học chính học thêm.

Học mà không được tư duy, không có cơ hội tư duy, không được nói điều mình nghĩ, chỉ lo thuộc bài rồi chép lại như con vẹt thì không hiểu gì đã đành mà còn đâm ra dị ứng, ngán ngẩm, và kinh sợ tri thức.

Chúng ta cứ than rằng chương trình nặng. Không phải. Tri thức trong nhà trường VN không nhiều hơn ở các nền giáo dục tiến tiến, nếu không nói là quá ít. Cái khốn khổ là nó luôn được dán nhãn chân lý tuyệt đối, và người học bị biến thành những chiếc USB di động. Học như thế, lợi thì chưa thấy đâu, mà hại thì vây bủa. Đó là cái hại của sự thù ghét tri thức, cái hại của thui chột tư duy, mài mòn giác quan, và chai sạn về tâm hồn.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ: Bùi Chí Vịnh.

    (Sau một ngày thống kê một cách khách quan những bi hài kịch thời sự nóng hổi)

    Chào một ngày giống hệt mọi ngày
    Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc
    Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”
    Hết “Triều đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống truyền kỳ”

    Chào một ngày giống hệt mọi ngày
    Đọc báo thấy cha ông mất hút
    Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngoạ Hổ Tàng Long, Hoạ Bì, Xích Bích…
    Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng

    Chào một ngày đất nước tự lưu vong
    Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc
    Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc
    Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười

    Chào một ngày phát triển giống đười ươi
    Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ
    Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ
    Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì… tiền

    Chào một ngày vong bản vì… hèn
    Sống chết mặc bây, túi thầy vô cảm
    Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm…
    Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu

    Chào một ngày bãi biển hoá nương dâu
    Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh
    Thắng cảnh để lại của tiền nhân bị cháu con ghẻ lạnh
    Các di tích, kỳ quan cứ mất tích đều đều

    Chào một ngày hình chữ S tong teo
    Tài nguyên bôxit bị bới đào như… bọ xít
    Nhôm và đô la chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất Tây Nguyên rên xiết
    Ô nhiễm mạch ngầm, nước sông làm nghẹt thở Chín Con Rồng

    Chào một ngày long mạch bị xới tung
    Máu bầm đất đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
    Ai cho phép Hoàng Sa Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
    Tội nghiệp rừng cọc nhọn của Hưng Đạo Đại Vương trên sóng Bạch Đằng

    Chào một ngày giống hệt cõi âm
    Những xác chết anh hùng bật dậy
    Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy
    Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền

    Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.