Quyền lợi dân tộc là ở hiện tại và tương lai

Nguyễn Ngọc Chu

12-4-2022

Người Việt Nam, từ ngàn xưa, luôn thể hiện là dân tộc tình nghĩa, thuỷ chung, hiếu khách. Đó là những đặc tính quý giá.

Nhưng trong một xã hội phát triển, với muôn vàn quan hệ, loài người không thể dựa trên các tham số tình nghĩa, thủy chung, mến khách để quyết định cuộc sống, mà phải dựa vào luật pháp. Chỉ có sự rạch ròi của luật pháp mới điều phối một cách khả dĩ muôn vàn mối quan hệ phức tạp chồng chéo trong đời sống hiện đại. Các tham số cảm tính, trong không gian pháp luật, lại trở thành các rào cản.

Tiếc thay, trong đời sống hiện tại, không ít người dựa vào các tham số tình cảm để đưa ra các quyết định hàng ngày, thậm chí là cho cả các vấn đề quốc tế.

1. VÀI SỐ LIỆU VỀ VIỆN TRỢ CỦA LIÊN XÔ CHO VIỆT NAM

Phải khẳng định, trong số các viện trợ quân sự nước ngoài mà nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) nhận được, thì Liên Xô (Liên bang CHXHCN Xô Viết) giữ vị trí số 1. Bởi thế, các công dân VNDCCH thế hệ 7x trở về trước luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho Liên Xô, mà trong tiềm thức phần lớn của họ đã đồng nhất nước Nga với Liên Xô là một.

Liên Xô có diện tích là 22.402.200km2, bao gồm 15 nước cộng hoà (Nga, Ukraina, Belorusia, Uzebekítan, Kazakhstan, Grudia, Azerbaijan, Litva, Mondavia, Latvia, Kỉrghizia, Tajikistan, Armenia, Turkmenistan, Estonia). Ba nước cộng hoà có diện tích lớn nhất là Nga (17.100.000km2), Kazakhstan (2.725.000km2), Ukraina (603.000km2).

Năm 1971 dân số Liên Xô khoảng 243 triệu người, Nga là 131 triệu người, Ukraina là 47,44 triệu người, Uzebekistan là 12,45 triệu người, và Belorusia là 9,116 triệu người. (Xin lưu ý để so sánh, dân số Việt Nam năm 1971 là 44,48 triệu người, ít hơn Ukraine khoảng 2,96 triệu người.

Sau năm 50, vào năm 2021, dân số Ukraine còn 43,46 triệu người, trong khi dân số Việt Nam đạt 98,5 triệu người, hơn Ukraine đến 55,04 triệu người). Thu nhập bình quân đầu người của Liên Xô vào năm 1973 là 6.058 USD và của Hoa Kỳ là 16.689 USD. (Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của LB Nga là 10.846 USD và của Hoa Kỳ là 59.959 USD).

Liên Xô là một trong những nguồn viện trợ chủ chốt của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1954 – 1989 tại Việt Nam. Bởi thế, cho đến bây giờ, sau hơn 40 năm, thế hệ người Việt thuộc VNDCCH, sinh trước các năm 1970, vẫn còn mãi nhớ ơn Liên Xô. Trong mắt nhiều người, họ đã đồng nhất Nga là Liên Xô. Trên thực tế, trong mỗi 4 tấn hàng mà Liên Xô viện trợ Việt Nam, thì có 2 tấn hàng đến từ Nga, 1 tấn hàng đến từ Ukraine, 1 tấn hàng đến từ 13 nước cộng hoà còn lại trong Liên bang Xô viết.

Theo thống kê (tương đối) thì trong khoảng các năm 1955 – 1975, Liên Xô đã viện trợ cho VNDCCH 1.357 hệ thống tên lửa cùng hơn 18.300 tên lửa, 316 máy bay chiến đấu, 687 xe tăng, 601 xe bọc thép, 1.332 xe kéo pháo, 52 tàu chiến, 21 tàu vận tải, cùng nhiều khí tài quân sự khác. Liên Xô cũng đã gửi nhiều chuyên gia quân sự đến chiến trường Việt Nam, và giúp đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn sĩ quan quân đội.

Trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 -1989, Liên Xô tiếp tục viện trợ cho Việt Nam một khối lượng lớn các phương tiện quân sự, bao gồm cả nhiều chục dàn tên lửa Grad. Sự viện trợ quân sự to lớn của Liên Xô là nhân tố rất quan trọng góp phần giúp cho Việt Nam dành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

2. QUAN HỆ VỚI NGA

Sau khi Liên Xô tan ra rã vào ngày 25/12/1991, LB Nga là nước duy nhất trong số 15 nước cộng hoà đã thừa kế vị trí Liên Xô trên trường quốc tế về quyền lợi và nghĩa vụ.

Khác với quan hệ Việt Nam – Liên Xô, từ năm 1992 cho đến hiện tại, quan hệ Việt Nam – Nga là quan hệ SÒNG PHẲNG.

Về kinh tế là hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhưng hợp tác kinh tế của Việt Nam với LB Nga đang rất nhỏ bé.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là khoảng 668,5 tỷ USD. Nhưng giao thương với Nga là 5,5 tỷ USD, chiếm chỉ 0,8% tổng giao thương của Việt Nam.

Sau đây là số liệu giao thương của Việt Nam với một số nước:

– Trung Quốc là 165,8 tỷ USD (24,8%, xuất 56 tỷ USD, nhập 109,2 tỷ USD, nhập siêu 53,2 tỷ USD);

– Hoa Kỳ là 111 tỷ USD (16,6%, xuất 96,3 tỷ USD, nhập 14,7 tỷ USD, xuất siêu 86,1 tỷ USD);

– Hàn Quốc là 78,1 tỷ USD (11,7%, xuất khẩu 21,9 tỷ USD, nhập khẩu 56,2 tỷ USD, nhập siêu 43,3 tỷ USD);

– EU là 63,7 tỷ USD (9,5%, xuất khẩu 45,8 tỷ USD, nhập khẩu 17,9 tỷ USD, xuất siêu 27,9 tỷ USD);

– Nhật Bản là 42 tỷ USD (6,3%, xuất khẩu 20 tỷ USD, nhập khẩu 22 tỷ USD, nhập siêu 2 tỷ USD)

– Ấn Độ là 12,084 tỷ (1,8%, xuất khẩu 5,715 tỷ USD, nhập khẩu 6,369 tỷ USD, nhập siêu 0,654 tỷ USD);

– Singapore là 8,3 tỷ USD (1,2%, xuất khẩu khoảng 3,9 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 4,4 tỷ USD, nhập siêu khoảng 0,5 tỷ USD);

– Nga là 5,5 tỷ USD (0,8%, xuất khẩu 3,2 tỷ USD, nhập khẩu 2,3 tỷ USD, xuất siêu 0,9 tỷ USD).

Một trong những hợp tác trụ cột lâu năm giữa Việt Nam và LB Nga là lĩnh vực dầu khí thông qua liên doanh Vietsopetro (Việt Nam 51%, Nga 49%). Từ khi Nga tiếp quản vị trí của Liên Xô sau năm 1991, thì hợp tác khai thác dầu khí Vietsopetro luôn đưa lại lợi nhuận cho cả hai phía. Trong hai thập niên gần đây, hàng năm, Vietsopetro mang về cho Nga khoản nộp ngân sách từ 500 triệu – 800 triệu USD. Riêng năm 2021, dù gặp khó khăn của đại dịch Covid -19, Vietsopetro vẫn đạt doanh thu 1 tỷ 684 triệu USD. Ngân sách nhà nước thu về 922 triệu USD. Lợi nhuận hai phía đạt 282,5 triệu USD.

Về quan hệ quân sự, Việt Nam là khách hàng “truyền thống trung thành nhiều năm của Nga”. Hầu hết các vũ khí của Việt Nam được mua từ sau năm 1991 đều có nguồn gốc chủ đạo từ Nga. Trong các vũ khí chính mà Việt Nam đã mua của Nga gần đây có: 6 tầu ngầm lớp kilo, 36 máy bay đa nhiệm Su-30MK2 (một chiếc đã bị rơi năm 2016), 4 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion.

Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thì từ năm 1995 – 2021 tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam khoảng 9,07 tỷ USD, trong đó Nga chiếm 7,4 tỷ USD (81,6%).

Như vậy, về vũ khí, Việt Nam là khách hàng truyền thống của Nga. Việt Nam phải trả tiền cho các vũ khí mua từ Nga, chứ không phải là vũ khí viện trợ. Cho nên, Việt Nam là khách hàng được Nga quan tâm chăm sóc. Vì Nga cần bán vũ khí.

Về giá cả thì không thoát ra ngoài quy luật thương mại – giá cả phụ thuộc vào số lượng. Nước mua càng nhiều, như Trung Quốc và Ấn Độ, thì giá cả và dịch vụ càng được ưu đãi. Càng mua về sau thì vũ khí càng thuộc về đời mới.

Vũ khí của Nga có lợi thế là ít đắt hơn vũ khí phương Tây, phù hợp với túi tiền của các nước không giàu. Trong các nước Asean, Indonesia cũng là khách hàng đã từng mua máy bay Su 27 và Su 30 của Nga, nhưng gần đây đã chuyển mạnh sang thị trường phương Tây. Ngày 10/2/2022 Indonesia ký hợp đồng mua 6 trong đơn đặt hàng 42 máy bay Rafale của Pháp. Ngày 11/2/2022, Indonesia lại ký hợp đồng trị giá 13,9 tỷ USD để mua 36 máy bay F-15 Eagle của Mỹ.

Trong các nước Asean, Singapore là quốc gia “chịu chơi” vũ khí đắt tiền của Phương Tây. Năm 2020 Singapore đã chi 2,75 tỷ USD để mua 12 tiêm kích tàng hình F-35B. Ở Đông Nam Á, có thể nhìn thấy Singapore là nước có quân đội và vũ khí hiện đại theo sát với chuẩn Mỹ và Châu Âu.

Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia mua nhiều vũ khí từ Nga. Trung Quốc mua để ăn cắp công nghệ rồi tự sản xuất. Vì thế, loại vũ khí hiện đại nào của Nga đem bán thì Trung Quốc cố mua bằng được, nhưng với số lượng lớn thì Nga mới chịu bán. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sau Nga sở hữu S 400 (2014, ký hợp đồng 3 tỷ USD mua 6 tổ hợp S 400). Su 35 của Nga chào bán, Trung Quốc cũng là khách hàng đầu tiên với hợp đồng 24 chiếc trị giá 2,5 tỷ USD (2019). Nga còn chuẩn bị chào bán máy bay tàng hình Su-57 cho Trung Quốc.

Còn Ấn Độ thì mua và có trường hợp thì cùng hợp tác với Nga để cùng sản xuất. Ngoài ra, Ấn Độ có khả năng cải tiến vũ khí Nga thành chủng loại mới. Trung Quốc chưa mua được vũ khí của Mỹ. Trong khi Ấn Độ gần đây đã dành khoảng 50% chi phí quốc phòng để mua vũ khí Phương Tây.

Từ năm 2014, sau khi chiếm Crimea của Ukraine thì Nga bị cấm vận. Nguồn cung cấp vũ khí của Nga đối mặt với khó khăn. Cụ thể như trường hợp Việt Nam mua 4 tàu hộ vệ Gepard lớp thứ 3 và thứ 4. Trong khi đóng tàu, do bị cấm vận, Ukraine không cung cấp động cơ. Việt Nam đã phải đàm phán song song với Nga để duy trì dự án, và đàm phán với Ukraine để mua được động cơ. Hai tàu được đưa vào biên chế năm 2017, hai tàu tiếp theo bị huỷ.

Các chủng loại vũ khí mà Việt Nam mua của Nga thì Trung Quốc đều có, với số lượng lớn hơn và với các đời hiện đại hơn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu đa dạng hoá nguồn cung cấp vũ khí. Giai đoạn 1995- 2014 Nga chiếm khoảng 90% thị trường vũ khí Việt Nam. Nhưng giai đoạn 2015-2021 thị phần của Nga còn 68,4%. Trong phần còn lại có: Israel (13,7%), Belarus (5,7%), Hàn Quốc (3,3%), Mỹ (3%, Hà Lan (2,4%).

Tóm lại, quan hệ hợp tác kinh tế và quân sự giữa Việt Nam và LB Nga là quan hệ hợp tác sòng phẳng, hai bên cùng có lợi, không ai chịu ơn ai.

3. KHÔNG DỰA VÀO TÌNH CẢM QUÁ KHỨ

Tình thế địa chính trị đã đưa ông Putin vào vùng ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình. Quan hệ Nga – Trung hiện nay được tuyên bố là “không có giới hạn”. Không phải bây giờ, mà từ năm 2016 ông Putin đã tuyên bố ủng hộ lập trường Trung Quốc ở Biển Đông.

Quan hệ quá khứ với Liên Xô buộc Việt Nam phải chọn phiếu TRẮNG trong hai lần bỏ phiếu 02/3/2022 và và 24/3/2022. Trong lần bỏ phiếu thứ 3 vào ngày 07/4/2022, nhiều người dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục chọn phiếu TRẮNG. Nhưng trong sự ngạc nhiên của nhiều người, đại diện Việt Nam tại LHQ đã từ bỏ thế “trung lập” để “chọn phe”.

Lá phiếu CHỐNG của Việt Nam ngày 07/4/2022 được một chuyên gia phân tích chính trị thế giới có uy tín, và là người có thiện cảm với Việt Nam là GS Đại học New South Wales (Australia) Carlyle Thayer mô tả “Việt Nam đã tự bắn vào chân mình”:

Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam.

Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa.

Và nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga”.

Một đối tác của Nga, “nặng cân” hơn nhiều so với Việt Nam là Ấn Độ, trong lần bỏ phiếu thứ 3 cũng tiếp tục chọn phiếu TRẮNG mà không chọn phiếu CHỐNG. Nga coi trọng quan hệ Nga – Ấn hơn nhiều so với quan hệ Nga – Việt trên mọi bình diện – quân sự, kinh tế, ngoại giao, địa chính trị.

Thế giới không ngừng thay đổi. Sau khi Putin mang quân xâm lược Ukraine, Phần Lan và Thuỵ Điển đang từ bỏ vị thế trung lập để gia nhập NATO.

Trong quan hệ quốc tế, không dựa vào tình cảm quá khứ. Ủng hộ ai hay không ủng hộ ai, chọn con đường nào – phải dựa vào quyền lợi dân tộc, dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào lẽ phải, dựa vào xu thế tiến bộ nhân loại. Quyền lợi dân tộc là ở hiện tại và tương lai, chứ không phải ở quá khứ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Viết bài này, có vẻ tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đang chuẩn bị dư luận cho chính mình . Việt Nam khó thế . Ở Mỹ từ Bruce Jenner, 1 thanh niên vượt khó đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội môn điền kinh, trở thành Mr. America overnite, bây giờ đã là Caitlyn Jenner.

    Là 1 người hoàn toàn giục thẳng cẳng cái “gốc” của mình, tớ sẽ ủng hộ tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nếu ông quyết định xem quá khứ của mình không quan trọng bằng hiện tại & tương lai . Với cái tên ambiguous của mình, có lẽ ông không cần đổi tên . it go both ways.

    Chỉ mong thế này, ở mức độ cá nhân thì được, nhưng đừng làm quá lố, bắt cả nước phải theo mình . Ngay cả Caitlyn bên này cũng xem là 1 thứ acceptable exception, 1 “ngoại lệ” được chấp nhận, chưa chưa phải là 1 thứ gì đó “bình thường” (norm) tức là ai cũng phải theo ổng . A choice, 1 sự lựa chọn, miễn không hại tới ai . Có thể sẽ là tấm gương cho những ai có khuynh hướng như ông/bà ta, nhưng không thể bắt buộc ai cũng phải làm như ông-bà or whatchamacallit.

    Chuyện đối xử với nhau chỉ thuần trên cơ sở tiền bạc … Nói thế nào nhẩy . Thôi thì … đúng là money talks trong (toàn bộ) các quan hệ trong xã hội tư bản, ngay cả quan hệ của Mỹ/tư bản đ/v Việt Nam cũng hoàn toàn dựa trên tiền bạc . Nếu họ không bóc lột công nhân VN tới tận xương tủy, còn lâu họ mới chui đầu vô VN. “giúp đỡ” VN … Nobody that stoopide.

    Nhưng nếu là 1 người Việt Nam chân chính -i aint- thì nên nghĩ tới sự băng hoại không phanh của xã hội mình nếu đặt (tất cả) mọi quan hệ xã hội trên cơ sở tiền bạc . Cho tới 1 lúc nào đó, mọi thứ đều có giá, kể cả những điều tưởng là thiêng liêng, bất khả xâm phạm . Tới 1 lúc nào đó sẽ có người muốn xem bỏ bom lăng Bác Hồ sẽ tốn bao nhiêu, và tính ra nếu bỏ bom lăng Bác tốn nhiêu đây, đào mồ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn rẻ hơn . Mình có nhiêu đây tiền, thôi thì đào mồ tướng Giáp vậy .

    Giấy rách phải giữ lấy lề thiến sĩ ạ . Đổi Mới tới cỡ này rùi cũng phải nhìn lại, take stock để coi sự tàn phá của nó đến mức nào . Chớ hổng thỉa hễ đã lỡ mất rùi thì cho banh luôn, miễn là mỗi lần mình được thu lợi .

    Thiến sĩ Việt Nam Xã hội chủ nghĩa quả có khác, yêu đất nước như Mã Giám Sinh vậy .

Comments are closed.