Jackhammer Nguyễn
10-4-2022
Ngày 7/4/2022 tại trụ sở Liên Hiệp quốc ở New York, Mỹ; Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này. Các cơ quan truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Đặng Hoàng Giang, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, rằng Việt Nam chống lại việc tàn sát dân thường, nhưng các thông tin phải được kiểm chứng. Báo chí Việt Nam không nói đến lá phiếu chống của Việt Nam.
Cùng ngày đó, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, có mặt tại Cần Thơ để bàn về những kế hoạch bảo vệ môi trường tại vùng đồng bằng quan trọng này của Việt Nam. Tại đây ông cam kết sự ủng hộ của Mỹ với Việt Nam.
Một bên là âm thanh cuồng nộ của những hỏa tiễn Nga bắn vào trạm xe lửa Ukraine, giết chết 50 dân thường, trong đó có cả trẻ em, bên kia là những cái bắt tay thân mật giữa các viên chức Việt – Mỹ trong không gian oi ả, nhưng hãy còn yên bình của đồng bằng Cửu Long.
Không có gì diễn tả rõ ràng hơn cuộc hôn nhân thương mại Việt – Mỹ bằng những ngày đầu tháng Tư này. Bên kia bờ đại dương, tổng thống Biden gọi Putin là tên đồ tể (từ mà Hà Nội dùng gọi chế độ Polpot ở Cambodia trước đây), trong khi tại Cần Thơ, người đại diện cao nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam không hề nhắc tới nước Nga, mà thả hồn mình vào những cảm xúc cố tri với vùng sông Hậu.
Như vậy là sau khi Nga xâm lược Ukraine hơn một tháng, Hà Nội đã ba lần bỏ phiếu ngược lại với Washington. Lần đầu vào ngày 2-3-2022, Hà Nội bỏ phiếu trắng cho nghị quyết lên án cuộc xâm lược. Lần thứ hai, ngày 24-3-2022 Hà Nội cũng bỏ phiếu trắng cho nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt hành động xâm lược Ukraine, cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Lần thứ ba, ngày 7-4-2022, Hà Nội bỏ phiếu chống lại chuyện trục xuất Moscow ra khỏi Hội đồng Nhân quyền.
Cả ba lần, Việt Nam bỏ phiếu giống hệt Trung Quốc, mà dư luận cho rằng Hà Nội đang đứng về phía Bắc Kinh và Moscow để chống Mỹ. Một số người dự đoán rằng, nếu có những lần bỏ phiếu sắp tới liên quan tới cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, Hà Nội cũng sẽ không dám bỏ phiếu ngược lại với Bắc Kinh.
Thế nhưng, phía Mỹ vẫn không có vẻ phiền trách gì Việt Nam cả. Trước cuộc xâm lăng, Mỹ làm ngơ cho Việt Nam mua vũ khí Nga, làm ngơ luôn những vi phạm nhân quyền bên trong Việt Nam, thế thì cũng không có gì lạ khi bây giờ Mỹ làm ngơ nốt thái độ của Việt Nam về chuyện Nga và nhân quyền.
Việt Nam là một hiểm địa trong cuộc đối đầu Mỹ –Trung hiện nay, với hơn 1000 km biên giới đất liền với Trung Quốc, một bờ biển dài hơn 3000 km ở biển Đông, và quan trọng hơn cả, Việt Nam là quốc gia hiểu rõ Trung Quốc nhất trên thế giới này.
Kể từ khi bắt đầu dính líu đến Việt Nam từ năm 1945, người Mỹ ngày càng hiểu Việt Nam hơn, và bây giờ chính là lúc áp dụng sự hiểu biết đó.
Tôi hoàn toàn đồng ý với sự so sánh của ông Khang Vu, một nhà quan sát người Việt ở Mỹ. Ông Khang Vu cho rằng, Mỹ xem quan hệ với Việt Nam hiện nay giống như Mỹ quan hệ với Trung Quốc sau khi cặp đôi Nixon – Kissinger đi đêm, rồi đi ngày với Bắc Kinh. Trước kia Mỹ liên minh không công khai với Trung Quốc để xé toạc Liên Xô cộng sản, nay Mỹ liên minh không công khai với Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc.
Tùy vào mục tiêu toàn cầu của người Mỹ mà họ thay đổi các dự án của mình. Năm 1972, khi thấy cần thực hiện dự án chống Liên Xô với con bài Trung Quốc, người Mỹ bèn kết thúc dự án Việt Nam Cộng hòa. Có vẻ như hiện nay họ bắt đầu dự án mới trong đó Việt Nam là một phần rất quan trọng để chống Trung Quốc. Tương tự như vậy, dự án Afghanistan không còn cần thiết nữa, họ bỏ ngay, không đoái hoài gì đến hàng ngàn phương tiện vũ khí để lại vương vãi khắp nơi, cũng như năm 1973, sau khi rút khỏi miền Nam Việt Nam, họ để lại cả ngàn máy bay.
Rất chắc chắn, Việt Nam cộng sản đang nằm trong một dự án của Mỹ chống Bắc Kinh. Trong các dự án như vậy, Washington cũng đã từng không ngại ngùng sử dụng những chế độ độc tài, cũng như họ liên minh với Hà Nội hiện nay. Rõ ràng nhất là vào thời chiến tranh lạnh, Mỹ liên minh với các chế độ độc tài Nam Triều Tiên, Đài Loan, Bồ Đào Nha để chống cộng sản. Tại Nam Mỹ, Mỹ giúp nhà độc tài Pinochet lật đổ tổng thống dân cử Allende của Chile, để nhằm chặn đứng phong trào cánh tả tại lục địa này. Tất cả các chế độ này, theo tiêu chuẩn bên trong nước Mỹ về tự do ngôn luận, tự do bầu cử, … đều không thỏa mãn.
Hà Nội biết rõ như vậy. Trong cuộc chiến Ukraine hiện nay, Hà Nội chủ trương im lặng càng nhiều càng tốt, cực chẳng đã lắm họ mới bị bắt buộc phải xuất hiện ở diễn đàn Liên Hiệp quốc, khẽ khàng bỏ phiếu trắng và phiếu chống, phát biểu không nhắm tới quốc gia nào cả. Và dường như họ đã thành công, báo chí Mỹ không thấy họ đâu cả, thế là không bình luận gì về họ.
Bên cạnh đó họ nỗ lực “đi đêm”, họ nói với người Mỹ rằng, cả hai bên đâu cần mang danh chiến lược làm gì cho phiền, mà chỉ cần thực chất thôi. Không rõ ông thủ tướng Phạm Minh Chính khi gặp ngài tân đại sứ Knapper có nói điều gì quan trọng không, mà ông Knapper nói tại Cần Thơ rằng, Mỹ khẳng định sự cam kết của họ với vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Điều quan trọng hiện nay của Hà Nội là giữ cho việc đàn áp trong nước không tăng lên, không quá đáng đến mức đánh động các nhà lập pháp của Mỹ. May mắn cho họ là cũng chẳng còn bao nhiêu những nhân vật bất đồng chính kiến, hay các tổ chức đối lập nào gây cho họ lo ngại để mà đàn áp.
Nhưng không phải họ hoàn toàn thành công với kiểu quan hệ “đồng sàng dị mộng” đó với người Mỹ. Là quốc gia lớn hàng thứ nhì ở Đông Nam Á, chính sách ngoại giao ởm ờ, lặn sâu đó của họ là một chính sách thụ động, sẽ làm cho Việt Nam phí phạm vị trí địa chính trị đắc địa của mình. Họ đã để cho anh láng giềng Singapore bé nhỏ qua mặt, trong những động tác ngoại giao của nước này gần đây. Thủ tướng Singapore bất ngờ xuất hiện tại tòa Bạch Ốc, không cần đợi đến thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, hiện vẫn chưa biết sắp xếp ra sao.
Hà Nội cũng không tự tin lắm đối với dư luận trong nước về hồ sơ Nga-Ukraine, vì dân chúng trong nước ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh của truyền thông phương Tây, thông qua mạng xã hội, hay thậm chí là báo chí chính thống. Hà Nội đã không dám công bố với dân chúng Việt Nam rằng, họ chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền ở Liên Hiệp quốc.
Mà liệu dự án Việt Nam hiện nay của Mỹ có kéo dài hay không? Thiết nghĩ “đồng sàng dị mộng” chẳng có điều gì tốt đẹp, hơn nữa có một câu nói của người Việt xưa nay là “già néo đứt dây”!
Nói rằng Việt Nam là quan trọng với vị trí địa chiến lược của mình và kinh nghiệm Trung Quốc, điều đó đúng. Nhưng nói rằng Mỹ là một siêu cường, có nhiều khả năng, nhiều con bài trong tay, họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Điều này đúng và đúng hơn điều kia.
Và Hà Nội có nghĩ tới khả năng Trung Quốc thay đổi chiến lược khi nhìn thấy đồng minh Nga Putin èo uột quá?
Khi ấy không khó để nghĩ tới chuyện Mỹ – Trung đề huề tại biển Đông.
Xin nhắc lại dự án Việt Nam Cộng hòa với một góc nhìn khác.
Khi Trung Quốc tấn công Hoàng Sa vào năm 1974, tàu chiến Mỹ ở gần đó im lặng, dù Việt Nam Cộng hòa vẫn là đồng minh. Lâu nay Hà Nội hay lấy kinh nghiệm đó để nói rằng không nên dính líu quá nhiều đến Mỹ để có thể bị bỏ rơi. Sự sụp đổ của chính phủ thân phương Tây của Afghanistan gần đây lại thêm một ví dụ nữa về góc nhìn này.
Xin hãy nhìn hai trường hợp đó từ một góc khác, rằng đó là hai đồng minh không hoàn hảo, với sự yếu kém về tổ chức, quân sự lẫn chính trị, hai đồng minh đó trở thành gánh nặng cho nước Mỹ khi họ chuyển đổi dự án.
Hãy so sánh với Đài Loan và Nam Hàn. Hai chế độ độc tài đã chuyển đổi sang dân chủ thành công, và họ trở thành hai đồng minh rất mạnh, san sẻ gánh nặng cho Mỹ. Hãy nhìn sự giúp sức của phương Tây cho Ukraine kể từ cuộc nổi dậy Maidan 2014, và cuộc chiến đấu hiện nay của quân Ukraine chống Nga xâm lăng. Sự hiệu quả của nền dân chủ Ukraine non trẻ rơi đúng vào bàn cờ chiến lược phương Tây.
Vụ rút quân ra khỏi Afghanistan và những chuyến đi “chuyển trục” tới tấp của Mỹ sang châu Á, nói rằng Mỹ không hề muốn cuộc xâm lăng Ukraine diễn ra, nhưng khi nó diễn ra thì họ giúp đỡ cật lực cho Kyiv, vì Ukraine là một nền dân chủ, và sẵn sàng làm đồng minh, không ỡm ờ, không lặn sâu.
Còn đồng minh ỡm ờ Việt Nam sẽ ra sao, khi một mặt bắt tay với Mỹ, trong khi hành động thì đứng về phía Trung Quốc? Hãy nhìn lại lịch sử sau chiến tranh năm 1975, Hà Nội đã chậm hơn Bắc Kinh trong việc bình thường hóa quan hệ với Washington, để rồi phải hứng chịu cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, lẽ ra đã tránh được.
Láu cá là một trong những tính cách điển hình của dân tộc Việt. Nếu người Mỹ không hiểu được rằng ĐCSVN chưa và sẽ không bao giờ làm đồng minh của Mĩ và phương Tây thì người Mỹ thật là stupid, nó chỉ lợi dụng kinh tế và thương mại. Nếu không phát triển được kinh tế hay thương mại chỉ thiệt hại cho nhân dân chứ không hề hấn gì đến ĐCS. Ba lần đề nghị nâng cấp quan hệ lên … chứng tỏ người Mỹ thật sự stupid và chẳng hiểu gì CSVN. Cộng sản sẽ chỉ càng làm cao. Nó không sợ “già néo đứt dây” đâu, vì có đứt với Mỹ và phương Tây thì cũng chẳng sao vì đã có chỗ dựa của nó là TQ và Nga, hai tay anh chị trong làng độc tài. “Chơi” với Mỹ chỉ là “sách lược” láu cá, điều thường được quán triệt trong các cuộc họp chi bộ đảng ở mọi cấp.
Mỹ và EU vẫn tiếp tục làm ăn với VN chỉ làm trò cười trong con mắt CSVN. Nó biết rằng bọn tư bản đen, trắng hay đỏ … chỉ cần tiền và lợi nhuận.
Kẻ tiểu nhân luôn đắc chí cho rằng mình tài tình vượt mặt cả lũ tư bản.
“Láu cá là một trong những tính cách điển hình của dân tộc Việt”
Nè bạn, sao bạn lại vơ đảng csvn và dân tộc Việt vào một rổ vậy ? Bạn là ai ? Là mọi trong rừng Amazone hả ?
Ngoài biển đông trung Quốc vẫn phải đối mặt với những nguy hiểm vô cùng to lớn từ những đông minh chiến lược hùng mạnh của Mỹ là Nhật Bản, Nam Hàn, nước thân Mỹ là Philippin và vùng lãnh thổ Đài Loan có Mỹ bảo trợ. VN cần nhìn, xét tình hình biển đông khách quan từ quyên lợi quốc gia để đừng bị “nước lạ, tầu lạ” ăn hiếp, bắt nạt! Quyền lợi quốc gia phải ở trên, cao hơn lợi ích giai cấp, lý tưởng và ý thức hệ chính trị quản lý quốc gia!
“Đồng minh ỡm ờ” nghe có vẻ “vô thưởng vô phạt” nhưng thật ra là có tính toán
để trục lợi các nước tư bản phương Tây, nhất là Mỹ vốn thiếu hiểu biết về chế độ
CS. dù thoái trào ở trời tây nhưng vẫn ngoan cố bám trụ ở trời đông.
Tôi thiết nghĩ “đồng mình giả vờ” mới thật chính xác, nếu xét mối tương quan về
ý thức hệ giữa VC. và Tàu cộng, trong đó gián điệp Tàu cộng “chui sâu trèo cao”
ở VN. kể từ khi TC.giúp VC.chiếm được miền Nam VN. và nay phải trả nợ ? Không
phải là chuyện suy diễn mà là chính cựu thiếu tưóng CA.Trương Giang Lang từng
can đảm thổ lộ trước khi ông tướng bị buộc phải “về vườn”.
“Mối tình hữu nghị Việt Hoa
Vừa là đồng chí vừa là anh em.”
Với cộng sản Ba đình, ngoại giao cây tre luôn ngả sang Tàu, và chỉ có Tàu.
Một khi kẻ thù truyền kiếp phương Bắc còn để cho chúng yên ổn họp đại hội thì Mỹ đừng có mơ, kể cả khi giặc Tàu độc chiếm biển Đông.
Không thể ví chế độ độc tài toàn trị của cộng sản Việt Nam với các chế độ ở Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore, mà chỉ có thể ví chúng với các nền Cộng hòa chuối ở Mỹ la tinh.
Xem thêm:
https://danlambaovn.blogspot.com/2014/09/chinh-sach-ve-van-cua-my-va-nghe-thuat.html
Nhận định
“Việt Nam là một hiểm địa trong cuộc đối đầu Mỹ –Trung hiện nay, với hơn 1000 km biên giới đất liền với Trung Quốc, một bờ biển dài hơn 3000 km ở biển Đông, và quan trọng hơn cả, Việt Nam là quốc gia hiểu rõ Trung Quốc nhất trên thế giới này.”
mang tính chủ quan và có lẽ không chính xác, trừ thực tể địa lý “1000 km biên giới đất liền với Trung Quốc, một bờ biển dài hơn 3000 km ở biển Đông”.
Nếu hiểu rõ TQ nhất thì VN đã không bị bất ngờ trong cuộc xâm lược năm 1979 của TQ. Sự thật Trung Quốc bị rất nhiều nước không phải là chư hầu vây bọc như ở phía bắc, phía tây và phía nam bao quanh (trừ VN và Lào). Trung Quốc đã bị các nước phương bắc xâm chiếm, đe dọa nhiều lần trong lịch sử. Tầu rất sợ phương bắc mà bằng chứng lịch sử rất đáng xấu hổ là Van lý Trường Thành! Đấy là những thực tế lịch sử mà VN cần suy nghĩ để có đối sách với tầu. Tuy VN truyền miệng vua Quang Trung muốn đánh tầu nhưng thực tế chỉ có Lý Thường Kiệt tấn công tầu để tự vệ mà nhà Tống phải chịu nhục thua. Mỹ chắc chắn không đặt VN làm con chủ bài trong chiến lược Trung Quốc của họ, chúng ta không nên tự mê hoặc mình “cao giá” với Mỹ mà hãy tận dụng đúng cơ may.