Cựu tướng David Petraeus trả lời phỏng vấn về cuộc chiến Nga – Ukraine

Hồ Bạch ThảoHồ Động Đình lược dịch

17-3-2022

LGT: Ngày 16-3-2022, ông Peter Bergen, nhà phân tích an ninh quốc gia của đài CNN có bài phỏng vấn tướng hồi hưu David Petraeus, về cuộc chiến Nga – Ukraine. Tướng Petraeus từng là Giám đốc CIA, từng giữ chức Tư Lệnh quân Mỹ trong chiến tranh Iraq và Afghanistan. Sau đây là bản dịch:

PETER BERGEN: Việc Nga thi thố quân sự Ukraine làm cho ông ngạc nhiên không?

DAVID PETRAEUS: Chỉ một phần nào thôi, chứ không hoàn toàn. Có rất nhiều lý do giải thích tại sao Nga thi thố kém: Trước tiên họ chống lại đạo quân Ukraine quyết chiến và hoàn toàn có khả năng; bao gồm các đơn vị hành quân đặc biệt, lực lượng hiện đại, lực lượng lãnh thổ, và ngay cả thường dân; tất cả những người này cương quyết không cho Nga đạt được mục tiêu. Họ chiến đấu cho sự sống còn của quốc gia, cho quê hương và cho cả cách sống của họ. Họ có lợi thế trên sân nhà, am hiểu địa hình và cộng đồng.

Riêng quân đội Nga chứng tỏ thiếu chuyên nghiệp đến độ kinh ngạc. Rõ ràng là họ có các tiêu chuẩn rất kém khi thi hành những chiến thuật căn bản như hành quân phối hợp giữa thiết giáp, bộ binh, kỹ thuật, pháo binh và súng cối. Họ rất kém trong việc bảo trì xe cộ, súng ống; phải bỏ đi rất nhiều những thứ đó. Họ cũng rất tồi trong việc tiếp tế và hậu cần.

Chúng ta biết rõ, trong nhiều thập niên, từ thời Liên Xô cho đến nước Nga ngày nay; họ luôn luôn thiếu sức mạnh cốt lõi mà quân Mỹ và Tây phương có, đó là các sĩ quan chuyên nghiệp về hành quân và huấn luyện.

Và một phần của sự khó khăn là trong quân đội Nga có số lính quân dịch rất lớn. Khó mà biết được có bao nhiêu lính quân dịch tham gia cuộc chiến ở Ukraine; nhưng chúng ta biết quân đội Nga có khoảng 20% đến 25% lính quân dịch. Đặc biệt, phần lớn lính quân dịch phải phục vụ tại các đơn vị nhạy cảm như hậu cần, gồm những người lái xe vận tải, xe chở nhiên liệu, và những người lính trong các đơn vị bảo trì.

Quân Nga gặp khó khăn khi không đi vào những con đường chính; vì xe của họ rất dễ bị sa lầy. Lúc này đường xá không đóng băng nhiều đến độ xe có thể di chuyển dễ dàng. Ngay cả những chiếc xe có bánh dây xích cũng bị kẹt trong bùn. Hơn nữa quân Nga không thực hiện bảo trì xe cộ một cách hữu hiệu.

Xe bọc thép của Nga bị phá hủy ở thành phố Bucha, phía tây Kyiv, ngày 4/3/2022. Nguồn: НARIS MESSINIS/ AFP/ Getty Images

Tôi đã từng phục vụ trong các đơn vị cơ giới hóa, với sự kết hợp của xe tăng và thiết giáp chở quân. Và mỗi khi dừng lại, người lái xe và các thành viên trong đoàn đều ở bên ngoài để làm công việc bảo trì như kiểm tra bánh xe và châm dầu nhớt… Nếu anh không thực hiện công việc bảo trì ngăn ngừa sự cố, thì sẽ có những chiếc xe bị hư hỏng như vậy.

Ngoài ra, trang thiết bị của quân Nga không hoàn toàn tối tân, được sản xuất từ hàng chục năm trước; chắc chắn họ không có trang thiết bị nào tốt như của Mỹ.

Vũ khí chiến lược thiếu chính xác. Điều này được nhấn mạnh bởi thực tế là họ đã không thể phá hủy các đường băng ở Ukraine trong giờ chiến đấu đầu tiên như cách chúng tôi đã làm ở Iraq hồi năm 2003 để loại bỏ hoàn toàn mọi cơ hội cất cánh của Không quân Iraq. Thực tế là Không quân Ukraine vẫn hoạt động. Tuy khiêm tốn như nó có và nhiều tổn thất mà nó vốn phải chịu, nhưng nó vẫn đang tiếp tục hoạt động.

Vũ khí chính xác của Nga đang thiếu. Chúng ta có thể thấy điều này với tần suất tuyệt đối của Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, như bệnh viện ở Mariupol, các cơ sở y tế khác và trung tâm chính phủ ở Kharkiv – trừ khi họ thật sự có ý định nhắm vào những mục tiêu đó, rõ ràng là không thuộc loại kinh khủng.

Họ cũng gặp khó khăn trong nhiệm vụ rất cơ bản là tản quân. Một đoàn xe không bao giờ nằm bít kín đường trên xa lộ chính, để làm mồi cho máy bay không người lái hoặc pháo binh, như chúng ta thấy gần đây. Một đoàn xe dài 40 dặm mà chúng ta đã thấy bên ngoài thủ đô Kyiv; đây là bằng chứng của sự kiểm soát lưu thông không hiệu quả, do thiếu kỷ cương, cơ cấu tổ chức và quy trình. Và sau đó, họ mất nhiều ngày chỉ để phân tán đoàn xe dài 40 dặm đó vào trong tán cây, thay vì ở ngoài trời.

 

Họ cũng không có khả năng kết hợp lợi thế rất lớn của họ, đó là sự kết hợp giữa bộ binh và không quân.

Họ không thật sự yểm trợ phía trước cho bộ binh; mà chỉ chuyên về việc oanh kích mà thôi.

Chiến tranh mạng của Nga cũng không mấy ấn tượng, có lẽ do họ đã lạm dụng nó trong quá khứ và người Ukraine, với sự trợ giúp nào đó, đã học được cách đối phó với nó. Bằng chứng là Nga đã không thể đánh gục hệ thống chỉ huy trên mạng của Ukraine, cũng như không thể ngăn được Tổng thống Volodymyr Zelensky dùng mạng xã hội và internet. Cho nên, khả năng tác chiến trên mạng của họ dường như chỉ có ấn tượng trong các chiến dịch trước đó, khi người Nga chiếm Crimea hồi năm 2014, nhưng hiện tại thì chiến tranh mạng của họ rất yếu.

Trên hết, ta thấy rõ chiến dịch thiếu hiệu quả do bởi Nga chủ quan với ước tính sai lầm, rằng họ có thể chiếm Kyiv được ngay; và đặc biệt họ có thể lật đổ chính quyền hiện hữu rồi thay thế bằng một chính quyền thân Nga.

Vì vậy,đánh giá trên mọi lĩnh vực củaNga, bắt đầu bằng đánh giá tình báo và sự hiểu biết về chiến trường và kẻ thù của họ, sau đó là mọi khía cạnh của chiến dịch, cho đến các hoạt động ở các đơn vị nhỏ, đều cho thấy chúng tệ hạiđến mức không thể ngờ tới.Và họ đang đối mặt với một kẻ thù hoàn toàn quyết tâm, có khả năng đáng kinh ngạc, rất sáng tạo và tháo vát, cũng như chiến đấu ngay trên sân nhà.

Phần lớn dân chúng [Ukraine] căm thù người Nga, và sự căm ghét đó ngày càng sâu sắc hơn qua mỗi cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Người Nga chẳng những không thể giành được chiến thắng bằng nhân tâm, mà họ còn bị căm ghét.

BERGEN: Thời gianbiển người với vũ khí dồi dào có đứng về phía Nga không?

PETRAEUS: Tôi nghĩ là không, nhưng biển người với số lượng vũ khí tấn công lâu dài, thì khả năng hủy diệt tuyệt đối của bom đạn, hỏa tiễn, rocket, pháo và súng cối của Nga rõ ràng là một mối quan tâm lớn.

Rõ ràng là họ không đủ lực lượng chiếm hoặc kiểm soát thủ đô Kyiv và một vài thành phố chính. Nhưng họ có hỏa tiễn, bom, pháo; và họ sẵn sàng sử dụng chúng để bắn phá bừa bãi.

Và do đó, họ tiếp tục cách tiếp cận mà họ đã sử dụng ở Chechnya, đặc biệt ở thành phố Grozny; và ở Syria, đặc biệt là thành phố Aleppo; nơi họ tiêu diệt các thành phố bằng cách bỏ bom bừa bãi. Và đây sẽ là một cuộc đấu sức bền bỉ giữa sự sẵn sàng phá hủy các thành phố của người Nga và khả năng sống sót sau sự tàn phá đó của người Ukraine.

BERGEN: Chiến tranh nơi thành phố có lợi cho Ukraine không?

PETRAEUS: Có lợi rất nhiều. Thông thường nên dùng qui tắc bấm trên đầu ngón tay; với chiến tranh ở thành phố, phe tấn công tối thiểu phải mạnh gấp 5 lần phe phòng thủ. Trong trường hợp này chắc phải lớn hơn, vì phía Ukraine tỏ ra rất hiệu quả; họ hợp tác chặt chẽ với nhau để ngăn cản quân Nga chiếm các khu vực đô thị theo cách mà bộ binh và vũ khí tổng hợp thường làm, chẳng hạn như cách quân đội Mỹ dọn sạch rồi sau đó chiếm giữ các thành phố trong cuộc chiến Iraq, hay như Ramadi và Fallujah, cũng như các khu vực của Baghdad và các thành phố khác.

Tấn công vào một thành phố lớn đòi hỏi phải chiếm mọi chung cư, thanh lọc các phòng, rồi phải để quân ở lại từng chung cư, đề phòng quân địch không tái chiếm; cho nên phải tăng cường thêm nhiều quân. Quân Nga không có đủ quân dự phòng để đi theo làm điều đó, ngay cả đối với Kyiv và một số thành phố khác.

Để người Nga chắc chắn có được thành công ở một số thành phố, trận chiến ở thành phố Mariupol là một cuộc chạy đua giữa sự chết đói của những người Ukraine hiện vẫn còn ở lại thành phố, gồm các lực lượng vẫn đang chiến đấu rất kiên cường, với người Nga sẵn sàng tiếp tục tàn phá hàng loạt và sự thương vong của những người dân vô tội trong một thành phố đang kháng cự, nhưng bị bao vây.

BERGEN: Nếu Putin quyết định cố gắng chiếm toàn bộ Ukraine, ông ấy sẽ cần một quân đội lớn cỡ nào?

PETRAEUS: Tôi không rõ. Tôi nghĩ, toàn bộ quân đội của ông ta không thể làm được điều này, và nhớ rằng, có một yếu tố hạn chế rất lớn, đó là sự bất lực rõ ràng của Putin trong việc thay thế các lực lượng hiện đang chiến đấu. Bằng cách nào và khi nào ông ta thay thế các lực lượng của mình? Tôi không rõ lắm.

Thật ra, lính quân dịch của Nga chỉ được luân chuyển một năm, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi họ thể hiện các tiêu chuẩn rất kém về mọi thứ, vì họ hầu như không đạt được điều đó thông qua đào tạo cơ bản và nâng cao, sau đó là phối hợp trong đơn vị và bây giờ thì họ đang chiến đấu (và các nhiệm vụ của họ ngoài chiến trường được biết sẽ kết thúc vào tháng 4, trừ khi Putin gia hạn thêm).

BERGEN: Các quan chức Mỹ nói rằng, Nga đang yêu cầu Trung Quốc viện trợ quân sự và các hình thức viện trợ khác. Ông nghĩ gì về điều này?

PETRAEUS: Báo cáo của các quan chức Hoa Kỳ rất thú vị ở một số khía cạnh. Nếu chính xác, thứ nhất, nó chỉ ra rằng Nga đang sử dụng hết một số hệ thống vũ khí và đạn dược – điều này cho thấy, Nga đã tính toán sai lầm nghiêm trọng trong rất nhiều khía cạnh của cuộc chiến mà họ phát động.

Thứ hai, điều này cho thấy một vấn đề rất khó khăn đối với Trung Quốc. Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có 141 nước lên án Nga vì hành động gây chiến vô cớ, là điều khiến Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Sẽ là một vấn đề rất khác nếu Trung Quốc chấp nhận yêu cầu của Nga và do đó tích cực sát cánh với một quốc gia đang thật sự trở thành đế chế độc ác, là mục tiêu của các lệnh trừng phạt chưa từng có và đang tách rời khỏi nền kinh tế toàn cầu. Điều này cũng có thể dẫn đến một số lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.

Thứ ba, ngoài những vấn đề đó, Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng phải bực mình với cuộc xâm lược của Nga, vì đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine là Trung Quốc.

Cuối cùng, Tập là người đã vượt qua Thế vận hội Olympic, có thể hy vọng sẽ không có kịch tính trong những tháng sau đó để chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào mùa thu, trong đó ông chắc chắn sẽ được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ ba, sự kiện chưa từng có, với tư cách là Chủ tịch, trong khi vẫn giữ quyền lãnh đạo Đảng và Quân ủy Trung ương. Do đó, Putin có thể đặt Tập vào một tình thế rất khó xử.

Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi cả Nga và Trung Quốc đều tuyên bố rằng, không có yêu cầu viện trợ nào như vậy của Nga được đưa ra.

BERGEN: Ông nghĩ rằng Ukraine cần gì nhất?

PETRAEUS: Rõ ràng là cần vũ khí chống tank Javelin của Mỹ. Không chỉ riêng Javelin, họ cần vũ khí chống tank của các nước khác nữa, và hoả tiễn phòng không cầm tay như UK AT thì rất tốt. Đã có 17.000 vũ khí chống tăng đưa vào Ukraine trong một tuần qua; đây là một số lượng khổng lồ.

BERGEN: Mỹ có nên bắt đầu trang bị vũ khí cho Ukraine sau khi Putin chiếm Crimea hồi năm 2014?

PETRAEUS: Quốc hội đã cho phép chuyển giao vũ khí Javelin cho Ukraine và sau đó nó đã bị trì hoãn dưới thời chính quyền Obama. Trong thời kỳ đầu của chính quyền Trump, Javelins cuối cùng đã được chuyển giao, nhưng lúc đó đã gặp phải nhiều vấn đề khi Tổng thống Donald Trump đã giữ lại các thiết bị trong một thời gian.

Nỗ lực của chính quyền Biden trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine và các hành động của các đối tác phương Tây của chúng ta thật sự khá ấn tượng, đặc biệt là trước khi bắt đầu cuộc xâm lược, cũng như sau đó. Anh thấy rằng Đức, là nước chỉ gửi mũ bảo hiểm trước cuộc xâm lược, sau đó đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương. Thậm chí, EU đã đồng ý gửi các thiết bị quân sự trị giá 500 triệu Euro và các khoản viện trợ khác cho Ukraine. Vì vậy, đã có những thay đổi chính sách chỉ vài ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu.

BERGEN: Điều đó làm cho ông ngạc nhiên không?

PETRAEUS: Tôi nghĩ, phải ghi công Hoa Kỳ, NATO và Liên hiệp châu Âu. Tôi nghĩ rằng, chính quyền Biden đã hoạt động khá ấn tượng và tôi nói điều này với tư cách là người đã công khai chỉ trích chính quyền Biden về quyết định rút quân khỏi Afghanistan và việc tiến hành rút quân hồi tháng 8 năm 2021.

BERGEN: Dĩ nhiên, để đọc được suy nghĩ của Putin là điều không dễ, nhưng ông nghĩ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể đã nằm trong tính toán của Putin?

PETRAEUS: Rõ ràng là không thể nói được, nhưng điều mà người ta có thể nói một cách tự tin là một số đối thủ tiềm tàng của Mỹ đã nắm bắt được việc rút quân đó để nói: “Thấy chưa? Chúng tôi đã nói với các bạn rằng, Mỹ không phải là một đối tác và đồng minh đáng tin cậy, và chúng tôi đã nói với các bạn rằng Mỹ là một cường quốc đang suy tàn“.

Rất vui, khi tôi nghĩ rằng, các hành động của Hoa Kỳ và của các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới đối với Ukraine, cho thấy rằng Hoa Kỳ là một đối tác đáng tin cậy và không phải là một cường quốc đang suy tàn. Thay vì ‘Làm cho nước Nga vĩ đại trở lại’, những gì Putin đã làm là ‘Làm cho NATO vĩ đại trở lại’.

BERGEN: Đã có những cảnh báo từ tòa Bạch Ốc của ông Biden về việc Putin có thể sử dụng vũ khí hóa học. Điều đó có đáng tin không? Bởi vì điều này có vẻ như phóng lao, không thể quay đầu trở lại.

PETRAEUS: Sẽ là phóng lao, mặc dù Nga đã phóng lao đó trước đây. Họ đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để chống lại các đối thủ của chế độ như Sergei Skripal và Alexei Navalny. Rõ ràng là chất độc thần kinh. Không rõ liệu họ có số lượng lớn không và liệu chúng có thể được đưa tới nơi cần sử dụng hay không, nhưng rõ ràng điều này phải là một mối lo ngại nghiêm trọng.

Chắc chắn, chính quyền Biden đã tìm cách ngăn cản Putin sử dụng vũ khí hóa học bằng cách phơi bày khả năng đó. Thật ra, có một cách khác mà chính quyền này đã làm rất ấn tượng, là đưa các sản phẩm tình báo đã hoàn thiện và biến chúng thành các thông báo có thể công bố công khai mà không tiết lộ nguồn và phương pháp, điều này thật sự khá độc đáo.

Thật ra, tôi nghĩ rằng điều này rất hiệu quả vì nó đã tạo dựng được uy tín của chính quyền Biden đối với Ukraine. Anh không thể bác bỏ những gì chính quyền [Biden] đang nói là có thể xảy ra, vì rất nhiều điều họ nói về các kế hoạch và mục tiêu của Putin ở Ukraine, vốn ban đầu bị bác bỏ hoặc bị coi là khó xảy ra, nhưng bây giờ đã thành sự thật.

BERGEN: Rõ ràng, người Nga đang bị thiệt hại rất nặng, theo các quan chức Mỹ.

PETRAEUS: Đúng, rõ ràng là số quân Nga chết trong 2 tuần đầu tiên của cuộc chiến [ở Ukraine], theo một số nguồn tin, vào khoảng 5.000 quân; nhiều hơn số quân Mỹ chết suốt 20 năm trong cuộc chiến ở Iraq. Thật đáng kinh ngạc.

BERGEN: Đối với Putin, liệu ông ta có vững về mặt chính trị, hay điều đó không rõ ràng?

PETRAEUS: Chỉ có thời gian mới trả lời được. Ông ta dường như vẫn còn nắm rất chặt quyền lực. Nhưng khi nào thì những người mẹ của những liệt sĩ [chết ở Ukraine] bắt đầu thật sự cất lên tiếng nói của mình? Điều gì xảy ra khi sự sụp đổ kinh tế thật sự ập đến? Khi nào thì sự sụp đổ của đồng rúp, sự sụp đổ của nền kinh tế; việc thị trường chứng khoán Nga không thể mở cửa trở lại, sự rời bỏ Nga của những tập đoàn lớn, đã dành nhiều thập niên để gầy dựng ở đó như McDonald hay Starbucks?

Thật ra, theo thống kê của một giáo sư ở đại học Yale, 380 công ty đã ngừng hoạt động ở Nga. Không ai có thể đoán trước kết quả của các lệnh trừng phạt, tài sản bị đóng băng, chia tách doanh nghiệp và các hành động khác sẽ ra sao đối với nước Nga và người dân Nga.

BERGEN: Ông nghĩ gì về cuộc tấn công của Nga vào căn cứ của Ukraine gần biên giới Ba Lan: Điều này báo hiệu điều gì cho một cuộc xung đột có thể mở rộng?

PETRAEUS: Cuộc tấn công của Nga vào căn cứ huấn luyện lớn của Ukraine gần Lviv, mà tôi đã đến thăm khi còn trong quân ngũ, chắc chắn được phát động để cố gắng ngăn chặn luồng vũ khí và nguồn cung cấp viện trợ vào Ukraine từ Ba Lan, khoảng 12 dặm về phía tây, và có lẽ để phá vỡ địa điểm mà tại đó các tình nguyện viên nước ngoài có thể đang được đào tạo trước khi gia nhập lực lượng Ukraine.

Do gần biên giới, rõ ràng điều này làm dấy lên lo ngại về các cuộc tấn công xảy ra ở một nước NATO – điều này sẽ yêu cầu NATO phải đáp trả theo cam kết trong Điều 5 của NATO. Với những nỗ lực có thể hiểu được của các nhà lãnh đạo NATO nhằm tránh mở rộng chiến tranh, cuộc tấn công vào căn cứ huấn luyện bên ngoài Lviv rõ ràng là báo động đỏ và tôi tin rằng các nhà lãnh đạo NATO đã tham khảo ý kiến ​​về các biện pháp ứng phó có thể xảy ra, nếu xung đột mở rộng hơn nữa.

BERGEN: Sau cuộc chiến Iraq năm 2003 khởi sự, một ký giả đã từng hỏi ông: “Cho tôi biết chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào?” Nay xin hỏi lại, chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc ra sao?

PETRAEUS: Tôi nghĩ, vài khả năng có thể xảy ra, nhưng tôi không biết khả năng nào dễ xảy ra nhất. Bây giờ rõ ràng là chưa kết thúc, quân Nga sa lầy, đẫm máu, xấu hơn cả thời Xô Viết ở Afghanistan hồi thập niên 1980.

Vũng lầy này sẽ gây ra thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng, tàn phá, di dời, giảm dân số các khu vực đô thị, một thảm họa nhân đạo rất lớn, cũng như những tổn thất khủng khiếp cho nước Nga mà không có kết quả thuyết phục cho Nga. Chúng tôi đang nói về điều này trong tương lai gần; nói cách khác, trong một hai năm tới.

Cũng có thể có một sự dàn xếp thương lượng vì cả Putin và Zelensky đều nhận ra rằng, cả hai đều không thể đạt được hoàn toàn những gì họ muốn và cả hai bên đều phải chịu đựng sự hủy diệt rất lớn. Chẳng hạn, điều này có thể được đề xuất bởi tổng thống Phần Lan, hoặc thủ tướng Israel, hoặc tổng thống Pháp, hoặc cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, hoặc chủ tịch Trung Quốc, kể tên một số người đối thoại có thể có.

Dĩ nhiên còn có một khả năng khác, đó là Putin có thể từ bỏ quyền lực bằng cách nào đó. Một nhà lãnh đạo mới có thể nhận ra sự điên rồ của những điều Putin đã làm và rút quân khỏi Ukraine, có thể cố gắng đạt được một thỏa thuận nào đó để giữ thể diện, nhưng dù sao cũng cho phép Nga thoát khỏi sự tham gia tốn kém, không lối thoát, không rõ ràng.

Thật ra mà nói, nhà lãnh đạo sau Putin cũng có thể tàn nhẫn, không cảm xúc và chuyên quyền như Putin, do vậy, chúng ta nên giữ bình tĩnh, lạc quan, khi nó xảy ra ở Nga.

Không thể loại trừ khả năng thứ tư, đó là Ukraine sẽ thắng. Họ thật sự đánh bại người Nga trên chiến trường, và dần dà, chiến trường thực tế đó diễn ra ở Moscow. Và có thể Ukraine thậm chí chiếm lại Donbas, áp đặt các điều khoản lên Nga.

Có ít nhất bốn khả năng đó. Thật không may, điều rất có thể xảy ra trong tương lai không xa là sự tiếp tục của một vũng lầy đẫm máu đối với nước Nga mà phần lớn là sự thiếu quyết đoán, với một số thành công của Nga và một số thất bại tốn kém – và kinh tế của Nga ngày càng thất bại nặng nề, lạm phát, thất nghiệp và thiếu thốn xảy ra cho người dân Nga.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Nói đến chuyện Đức gửi mũ bảo hiểm cho Ucraine , vẫn thấy khôi hài !
    Thật sự, Đức cư xử rất là khó hiểu, và thường chỉ làm sau khi đã bị “dồn vào chân tường” (hoặc bị Nga ép, hoặc bị phương Tây làm bỉ mặt) .

    • Tổng thống Zelenski và phụ tá của ông cho rằng, cuộc chiến tại Ucraine sẽ có thể kết thúc vào cuối tháng tư ! Nhưng ông không đề cập nó kết thúc như thế nào . Nếu Ukraine giữ vững được tới thời điểm đó, thì Putin sẽ “hết đồ để chơi”, nhưng Ukraine cũng khó mà đòi những gì đã mất vào tay Nga 2014 . Thí dụ Zelenski công khai Công nhận Ucraine không có khả năng được gia nhập NATO trong tương lai gần, nên đã tỏ ý sẵn sàng chấp nhận “trung lập”, nếu có một sự đảm bảo đáng tin cậy từ phía Nga cho sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine !

      • Nếu Nga vỡ nợ, những thằng đàn em tỷ phú khốn nạn của Putin hết tiền và bán đứng đại ca cho La Haye và muốn thế giới dỡ bỏ cấm vận thì người cầm cán cân thương thuyết lúc đó sẽ không phải là Nga, lúc bụng đói chân run thì đất của Ukraina sẽ được đánh đổi bởi lương thực và những hiệp ước dài hạn.

      • Vâng, một bảo đảm đáng tin cậy, sau khi đã xé bỏ bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ để Ukraina từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Comments are closed.