Một kẻ “về hùa với bạo lực”, “chà đạp luật pháp quốc tế”

Lê Nguyễn Duy Hậu

24-2-2022

Mình vẫn nhớ bài diễn văn của Putin nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng fascist Đức, 9/5/2005. Thời điểm đó, nước Nga đang ở vùng đáy của vị thế.

Một năm trước, trường tiểu học số một tại Beslan bị nhóm phiến quân Chechnya tấn công, bao vây. Cuộc giải cứu bất thành, 333 người, trong đó nhiều trẻ em bị sát hại. Ba năm trước, một nhà hát ở Moscow bị tấn công. 131 nạn nhân thiệt mạng (cùng 40 tên khủng bố). Năm năm trước, tàu ngầm nguyên tử Kursk chìm mãi mãi xuống đáy đại dương cùng với 118 thuỷ thủ đoàn.

Trên bình diện quốc tế, nước Nga bất lực nhìn Mỹ và đồng minh tấn công Afghanistan, và đặc biệt là Iraq. Vị thế nước Nga xuống thấp như vậy, nhưng thông điệp của bài diễn văn năm đó của Putin thì lại là lời kêu gọi hoà bình. Putin lên án những kẻ “về hùa với bạo lực”, chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tinh thần thượng đẳng”, kêu gọi “mọi tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế”, và kết thúc bài diễn văn bằng khẩu hiệu “vinh quang thuộc về nước Nga”, những người đã đổ máu cho cuộc chiến chính nghĩa 60 năm trước chống lại chủ nghĩa Quốc Xã.

17 năm sau bài diễn văn năm đó, nước Nga đã thay đổi, và Putin đã thay đổi. Nước Nga dưới thời Putin (kể cả bốn năm “gián đoạn kĩ thuật” dưới thời Medvedev) đã tham gia tích cực vào bốn cuộc chiến khác nhau. Năm 2008, Nga tấn công Georgia trong một cuộc chiến ngắn ngày nhưng chết chóc. Năm 2014, quân sĩ Nga tháo cầu vai, cờ hiệu… giả dạng làm những lực lượng quân sự không thuộc Nga để tiến vào Crimea, Sevastopol, đông Ukraine.

Tại miền đông Ukraine cùng năm, một chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi. 298 người thiệt mạng. Một năm sau, Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Syria với danh nghĩa chống ISIS. Các thủ lĩnh ISIS bị tiêu diệt, bước tiến của lực lượng nổi dậy Syria cũng bị chặn đứng. Để trả đũa, một chiếc máy bay của hãng Metrojet bị đánh bom khi đang trên bầu trời. 224 người thiệt mạng, trong đó có 219 người Nga.

Trong hai thập kỷ biến động, Nga dần trở lại là một cường quốc quân sự, nhưng vẫn là một thế lực trung bình về kinh tế. Thậm chí, một nhà kinh tế dưới thời Obama còn ví von nền kinh tế Nga như một “cây xăng”, không có quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế thế giới ngoài giá dầu. Nếu bạn không tin, hãy thử kể tên một công ty Nga hoặc một sản phẩm của Nga mà bạn đang sử dụng trong nhà. Và hãy so sánh với sự trỗi dậy của Trung Quốc, của Việt Nam, và thậm chí là của lân bang như Ba Lan, Baltic.

Tuy vậy, có lẽ Putin đã tìm được một biện pháp hữu hiệu để nói lên tiếng nói của mình với thế giới, sau khi đã hợp pháp hoá việc cầm quyền lâu dài của mình vào năm 2020 (thông qua một bản tu chính Hiến pháp rất đáng ngờ). Không có được vị thế kinh tế như Trung Quốc, quyền lực mềm (và kinh tế, và quân sự) như Mỹ, Nga có lẽ chỉ còn dựa vào vũ khí và các chiến dịch tung tin giả, viết lại, xét lại lịch sử chủng tộc.

Có lẽ thời khắc mọi thứ lộ mặt nhất là khi Putin công khai tuyên bố lịch sử Ukraine sẽ chẳng là gì nếu không có người Nga, ngụ ý rằng dân tộc Ukraine là một thứ tưởng tượng, và thấp kém hơn người Nga. Luận điểm này vốn tồn tại trong giới sử gia theo trường phái dân tộc cực đoan của Nga từ nhiều năm nay, và lần đầu được chính thức hoá. Câu chuyện chỉ mới diễn ra vài ngày trước.

Dần dần, Putin đã ủng hộ và trở thành, những điều ông lên án 18 năm trước, một kẻ “về hùa với bạo lực”, “chà đạp luật pháp quốc tế”, “dân tộc thượng đẳng”. Một kẻ như vậy đang tự cho mình sứ mệnh “phi Quốc xã hoá” một nhà nước hợp hiến, có chủ quyền, gán cho quân xâm lược mác “gìn giữ hoà bình”. Rốt cuộc, phương Tây đã đúng về Putin.

Một con người có thể bị thay đổi như vậy, vì vốn dĩ thời thế thay đổi. Nước Nga giờ đây không còn là Liên Xô nữa. Quân đội Nga không còn là Hồng Quân giải phóng. Và Putin không còn là một nhân vật để có thể kỳ vọng, ngưỡng mộ như cách đây 22 năm nữa.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Y Chan bên luật khoa có 1 bài phân tích rất hay về Thầy Thích Nhất Hạnh, 1 người có thể vừa thế này vừa thế kia . Thích Nhất Hạnh có thể vừa là 1 đại sư, 1 sứ giả của thông điệp hòa bình, đồng thời ông vẫn có thể là người mắc tội phản quốc . Vấn đề ở chúng ta đã chọn phần nào của Thầy Thích Nhất Hạnh để tin, vì cả 2 phần đều là Thầy Thích Nhất Hạnh cả . Tớ đoán dân Ngụy có lẽ không vượt qua hận thù, nên đã chỉ nhìn thấy phần phản bội Tổ quốc (Ngụy, tất nhiên) overwhelm phần chính là 1 sứ giả mang thông điệp hòa bình . Và phía Ta thì thấy thông điệp hòa bình của Thầy Thích Nhất Hạnh có lợi cho mình nên … ổng phản bội Ngụy như các “nhà” tưởng-là-phản-chiến ngày xưa hiện nguyên hình thành “đảng viên hoạt động nội thành” ngày nay -ổng là 1 trong các đồng chí chưa bị lộ- đều trở thành đáng kính trọng . Putin cũng vậy, có thể vừa là người này cũng vừa là người kia, cái quan trọng là lòng tin của mình . Bên này xem multiple personalities là 1 disorder, nhưng ta đang nói về Việt Nam với loại dân Cộng Sản là đại đa số, Việt Nam Cộng Sản ta thì phải khác . Tương tự, Lê Học Lãnh Vân nói ta phải đánh giá 1 người trên những hoạt động chính của người đó . Như Minh Béo vậy . Đánh giá Minh Béo ta cần đánh giá anh ta như 1 nghệ sĩ gắn bó với sân khấu, chuyện kia chỉ là 1 góc khuất, vì khuất nên tối là tất nhiên, nhỏ bé của 1 hình ảnh vĩ đại là Minh Béo . Chuyện Freud & Jung xem những góc khuất như thế là quan trọng …. Did i mention Việt Nam Cộng Sản where tất cả mọi thứ đều ngược lại? Putin là ai thì tùy vào niềm tin của mỗi người .

    Hổng tin Việt Nam Cộng Sản ? “Quân đội Nga không còn là Hồng Quân giải phóng”. See, 1 người Việt Nam Cộng Sản không đơn thuần có những đặc thù như ta đã biết, but when one think & act exactly like one, WTF d’ya expect?

    Those slip-of-the-tongue moments, we call ’em gold nuggets. Thats when những “góc khuất” như vậy come out in full display.

Comments are closed.