Nhóm kịch Nợ Nước

Hàn Vĩnh Diệp

22-2-2022

Trong cuộc gặp giữa nhạc sĩ – họa sĩ Nguyễn Đình Phúc với mấy anh em trong Hội nhà báo Lâm Đồng chúng tôi, ông Nguyễn Đình Phúc say sưa, hào hứng nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc mà ông cho là đẹp nhất trong quãng đời thanh niên của ông ở thành phố mộng mơ Đà Lạt những năm 1943 – 1946.

Giữa dòng hồi ức, ông Phúc có nhắc đến việc ông cùng một số trí thức, thanh niên yêu nước thành lập nhóm kịch Nợ Nước, hoạt động tuyên truyền công khai ở Đà Lạt những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Chúng tôi đề nghị ông Phúc kể rõ thêm về hoạt động của nhóm kịch.

Chuyện đã lùi vào quá khứ hơn 50 năm, nhưng ông vẫn nhớ khá rành rọt tên tuổi, tính nết từng thành viên trong nhóm và những người phụ trách lãnh đạo nhóm; nội dung và cả lời thơ vở kịch Nợ Nước cùng sự giúp đỡ hào hiệp của bà con Đà Lạt…

***

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tin tức thắng trận của quân đồng minh, lời hịch cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và hoạt động của mặt trận Việt Minh ở Việt Bắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v… dội về Đà Lạt. Thanh niên, trí thức yêu nước trong các đoàn thể hướng đạo sinh, thanh niên tiền phong tập hợp trong câu lạc bộ trí thức do thầy giáo Diệp Đình Chi phụ trách, náo nức muốn tuyên truyền, phổ biến những tin vui ấy cho bà con nhân dân. Nhiều người đã tự động viết những tờ truyền đơn nhỏ, đêm đêm đi dán quanh khu chợ hoặc tỉ tê trò chuyện trong các quán cà phê – giải khát.

Những hoạt động lẻ tẻ ấy cũng có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước trong quần chúng nhân dân nhưng không được sâu rộng. Phải có những hoạt động tuyên truyền tập hợp được đông đảo bà con. Ý nghĩ ấy thôi thúc mọi người động não tìm kiếm…

Thầy giáo Nghiêm Nghị (Sau này là Tư lệnh bộ đội đặc công) gợi ý thành lập một nhóm kịch, diễn các vở kịch lịch sử khơi gọi lòng yêu nước, chí căm thù giặc – bên ngoài với danh nghĩa hoạt động từ thiện, lấy tiền mua gạo gửi giúp đồng bào miền Bắc đang bị đói. Ý kiến ấy được mọi người đồng tình hưởng ứng.

Thầy giáo Nghị phân công ông Nguyễn Đình Phúc tổ chức xây dựng nhóm kịch. Thủ tục xin giấy phép hoạt động và hậu cần của nhóm do thầy giáo Chi – Chủ nhiệm câu lạc bộ trí thức lo liệu. Ông Phúc kể chuyện: “Một công việc hoàn toàn mới với nghề nghiệp của mình, nhưng đoàn thể giao mình hăng hái nhận ngay!”.

Mấy anh em tụ hội lại bàn chọn kịch bản. Thầy giáo Nghị đưa bản thảo kịch thơ ba màn Nợ Nước của Nguyễn Tăng Huỳnh – một viên chức hãng sản xuất nông lâm sản, sáng tác. Hóa ra ông Nghị đã bàn chuyện soạn kịch với ông Huỳnh từ mấy tháng trước. Với mục đích từ thiện như trên, chính quyền Đà Lạt không có lý do từ chối việc cấp giấy phép hoạt động cho nhóm kịch.

Nội dung vở kịch lấy bối cảnh thời kỳ nước ta bị quân Minh xâm lược. Tướng quân Trần Quý Khoáng cùng mưu sĩ Lê Tuấn dựng cờ khởi nghĩa. Không may, tướng quân Trần và mưu sĩ Lê Tuấn bị địch bắt. Trần phu nhân tưởng chồng tử trận lập bàn thờ tế chồng. Trong lễ tế, con trai Trần Tuấn Ngọc khẩn thiết xin mẹ cho ra trận giết giặc trả thù nhà nợ nước. Lê Tuấn lập mưu giúp Trần tướng quân thoát ngục, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân kháng chiến.

Màn cuối vở kịch: Trần tướng quân bị thương nặng được nghĩa quân đưa về nhà. Trước khi chết, tướng quân đã dặn dò vợ dạy dỗ con cái nối nghiệp cha ông, hoàn thành tốt công cuộc cứu dân cứu nước. Tuy là tác giả nghiệp dư, nội dung kịch bản đơn giản, nhưng ông Huỳnh đã tạo được nhiều điểm rất mới lạ cả về nội dung, hình thức, tính cách nhân vật; lời thơ trau chuốt, giàu hình ảnh, âm điệu… kịch bản đã thu hút người đọc ngay khi mới tiếp xúc lần đầu.

***

Nghe chuyện thành lập nhóm kịch, nhiều thanh niên nam nữ náo nức xin được làm diễn viên. Mấy chục người lần lượt đến thử vai, cuối cùng cũng chọn được các diễn viên: anh Phạm Đình Mai – viên chức hãng thiết kế công trình xây dựng (sau này là chuyên viên cao cấp Bộ Công nghiệp) đóng vai Trần tướng quân. Cô Kiều Nga – thợ may đồ đầm, vai Trần phu nhân. Anh Đặng Duy Quang – thư ký đánh máy, vai Trần Tuấn Ngọc. Thầy giáo Trần Nguyên Kinh vai Lê Tuấn. Vai hai tên quan Tàu là anh Lê Tuấn Di (sau này là giám đốc hãng phim thời sự tài liệu) và ông Nông Ích Đạt (sau này là đạo diễn hãng phim truyện Việt Nam). Nhạc nền do giàn nhạc Năm Lành – một dàn nhạc nổi tiếng của Đà Lạt lúc bấy giờ chịu trách nhiệm.

Sau khi phân vai; trao đổi thống nhất ý tứ về nội dung, nghệ thuật biểu diễn, mọi người khẩn trương bắt tay vào luyện tập. Để tránh sự nhòm ngó, gây khó dễ của cảnh sát, việc luyện tập được luân chuyển ở một số nhà đại gia có thế lực như bà Nhung, thầu khoán Trinh, Dung v.v… Hiệu ăn Ngon của ông Đàm bao toàn bộ việc bồi dưỡng ăn uống cho diễn viên, người phục vụ những đêm tập dượt, biểu diễn. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ trí thức và các huynh trưởng hướng đạo sinh lo việc sắm sửa phông màn, đạo cụ, trang phục, rạp diễn…

Ông Nguyễn Đình Phúc làm việc quên cả ăn nghỉ. Ngoài việc hướng dẫn thể hiện kịch bản, điều khiển diễn xuất; chỉ đạo trang trí, phục trang, ánh sáng… ông còn trực tiếp thiết kế, vẽ phông cảnh. Từ việc lớn của người đạo diễn, họa sĩ chính đến việc nhỏ như kéo màn… dồn dập cuốn hút ông và đồng sự. Ban phụ trách nhóm kịch chủ trương không bán vé các đêm công diễn, chỉ xin bà con tùy lòng hảo tâm đóng góp khi nhận tấm chương trình biểu diễn. Mấy trăm bản chương trình đêm diễn đầu tiên được phân cho những người biết đánh máy thực hiện. Các đêm sau phải nhờ các thầy cô và học sinh lớp trên của trường tiểu học Đà Lạt (nay là trường Đoàn Thị Điểm) viết. Tất cả các bản chương trình đều có dấu của câu lạc bộ trí thức và chữ ký của đạo diễn, tác giả.

Đêm mồng 8 tháng 4 năm 1945, nhóm kịch Nợ Nước ra mắt đồng bào Đà Lạt. Kết quả hết sức mỹ mãn. Rạp chiếu bóng thành phố chật kín người nhưng yên lặng phăng phắc dõi theo vở diễn. Khi tấm màn nhung đỏ từ từ khép lại trong tiếng ngân nga của hai câu kết kịch bản: “Ôi! Sung sướng là đền xong nợ nước/ là phỉ nguyền mơ ước bấy lâu nay”. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy từng đợt, từng đợt.

Hôm sau, cả Đà Lạt râm ran bàn tán, bình phẩm về sự thành công của đêm diễn kịch thơ Nợ Nước. Theo yêu cầu công chúng, chính quyền Đà Lạt phải cho phép diễn thêm ba đêm; sau đấy, nhóm kịch diễn tiếp thêm năm đêm nữa, nhưng chính quyền Đà Lạt cũng lờ đi, không hỏi han gì. Chín đêm công diễn, đêm nào cũng đông nghịt người xem. Nhiều bà con ở Đờ Răn, Đồng Nai Thượng, Bờ Lao cũng kéo về Đà Lạt xem kịch.

Hoạt động của nhóm kịch Nợ Nước, nòng cốt là tổ chức hướng đạo sinh và thanh niên tiền phong, ngoài việc thu được một số tiền lớn để mua gạo, thuê ba toa tàu lửa chở ra Bắc cứu đồng bào đang bị đói trầm trọng, còn có một ý nghĩa chính trị rất tốt, vì đây là hình thức công khai tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, chuẩn bị cho cao trào tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Đà Lạt – Lâm Đồng.

Nhóm kịch Nợ Nước sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Lạt – Lâm Viên 23 tháng 8 năm 1945 đã chuyển thành đoàn ca nhạc kịch tuyên truyền xung phong do nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phụ trách hoạt động trong phạm vi toàn tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng (nay là tỉnh Lâm Đồng).

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Đến bây giò mà các ông vẫn còn không biết lòng yêu nước là cái “mồi nhữ” để các ông
    lao mình vào đấu tranh cho đảng CS. thiết lập chế độ độc tài độc đảng hay sao ?
    Khi tất cả mọi người VN.bị xích vào cái “lồng sắt” rồi thì “mồi nhữ” vất… vào sọt rác !

  2. Tình thế mới vẫn có thể diễn vở kịch “Đền Nợ Nước”, chỉ “biên tập” lại chút ít thui .

    Hiện giờ nợ công của Việt Nam các bác khoảng 1500 USD/người, từ con nít đỏ hỏn cho tới ông già sắp theo Bác Hồ . Dân Cộng Sản các bác có thể “đền nợ nước” bằng đứng ra quyên góp tiền dân, rồi nộp vào ngân quỹ của Đảng để “đền nợ nước”. Nghe nói ông Cộng Sản già mốc thếch, có cái tên nghe như hồng vệ binh qua Pháp quyên góp tiền của Việt kiều yêu Đảng được mấy chục ngàn EUR, ai muốn “đền nợ nước” có thể làm những chuyện tương tự .

    • Trời, bạn không nhận ra cái mục đích ấy à ???
      Tộ sư, nếu diễn “Nợ nước” ở một chế độ như chế độ Trọng Lú, thì mất cmn xác ở trong tù rồi, chứ lấy éo đâu ra cái chuyện “chính quyền phải cho phép vì không có cớ từ chối”, và lấy đâu ra còn xác để sau này làm “ông nọ bà kia” huênh hoang với đời ???

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây