30-1-2022
Tiếp theo Phần 1 − Phần 2 − Phần 3 − Phần 4 − Phần 5 − Phần 6 − Phần 7 − Phần 8 − Phần 9 − Phần 10 − Phần 11 − Phần 12 và Phần 13
Ngày 13.9
Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) từ đất thép Củ Chi kêu vọng trên phây búc, than thở tình trạng ngăn sông cấm chợ kiểu mới đang hại chính ổng. Chả là mấy năm trước, bọ chuyển nhà lên Củ Chi ở để nuôi chim yến (chắc lại do lão Võ Đắc Danh hay ai đó mách nước chỉ đường). Yến thấy có vẻ triển vọng, nhưng sức bọ thì xuống dần. Gặp lúc dịch, chính phủ ban lệnh cấm đi lại, vận chuyển, síp pơ (shipper) bị cấm hành nghề, nên thuốc men cũng khó, không sao đem từ nội đô lên. Bọ Lập than: “Các ông không mở cửa, cấm dân ra đường, thì ít nhất cũng phải cho shipper hoạt động liên quận huyện, thông thương một chút chứ. Nếu không, thì chết mất, Sài Gòn ơi”.
Báo chí mậu dịch đăng tin ở thủ đô Hà Nội lực lượng kiểm soát bắt được vụ một chiếc xe tải đông lạnh khóa cửa kín mít, nhưng khi mở ra thấy bên trong giấu nhét 15 người. Tài xế và những “người đông lạnh” đều khai chỉ cốt đi qua chốt, không thì chả cách nào lọt được. Thằng con tôi bảo hệt vụ xe tải đông lạnh ở Anh, chỉ có điều bên ta không có người nào chết.
Nghe nó nói, lại nhớ ngày 15 tháng 7 vừa rồi ở Quảng Ninh, chốt phòng chống dịch đầu cầu Bạch Đằng cũng bắt được 4 người định trốn qua, nhưng không phải xe đông lạnh, mà xe chở lợn. Xe tải chở mấy chục con lợn về Quảng Ninh, anh em canh gác thấy nghi, trèo lên túm ngay được 4 công dân nằm lẫn với lợn. Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế tường thuật vụ này: “Chiếc xe tải chở 50 con lợn thịt vào Quảng Ninh, được 4 người đàn ông chui vào đấy để trốn qua chốt”. Đọc xong buồn quá. Con người đã bị coi, hoặc đành tự coi mình là con vật, ngang bằng con lợn, để lách những quy định rất chằng chéo về chống dịch của nhà nước.
Ngày 14.9
Nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) viết trên phây búc: Chống dịch chứ không phải chống lại con người. Quan chức cũng như bất cứ ai, phải đặt mình vào vị trí của những con người bị bắt nhốt lâu trong khu vực bị phong tỏa, nguồn sống cạn kiệt, dịch bệnh đe dọa, cái chết tới gần, thì mới hiểu tại sao lại có những người dám thách thức mạng sống của mình như thế.
Ông hàng xóm nhà tôi coi tivi về cái tin người trốn trong xe lợn, không chỉ vụ cầu bạch Đằng, mà cả vụ chốt kiểm soát ở thị xã Đông Triều (cũng tỉnh Quảng Ninh) ngày 23.6 bắt được 5 xe chở lợn trong giấu cả thảy 20 người già trẻ gái trai, trốn lẫn vào đàn lợn để qua chốt, coi xong buông một câu: “Lúc này nhân cách bị đẩy xuống hạng dưới, người chỉ bằng con lợn, nhưng trước hết cần phải sống đã”. Nói xong thở dài.
Anh Nguyễn Thiện, bạn tôi, bảo nếu không đói và ngày mai không mờ mịt u ám thì chắc chắn không ai thèm “vượt biên” trốn về nhà, về quê hương trong thùng xe đông lạnh thiếu oxy hoặc xe lợn để bị khinh rẻ làm gì.
Ngày 14.9
Báo điện tử Một Thế Giới đăng bài dẫn ra những con số rất buồn: Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ đầu dịch tới nay, hiện toàn TP có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ, hoặc cả cha mẹ. Họ bị chết do dịch Covid-19. Trong số ấy có hơn 490 cháu học sinh tiểu học, 580 cháu THCS, còn lại là học sinh THPT và giáo dục thường xuyên (tức bổ túc văn hóa).
Theo thống kê của cơ quan y tế TP.HCM, thời gian qua, mỗi ngày Sài Gòn có trung bình 300 người chết bởi dịch, có ngày lên tới 470 người. Dù thực hiện chỉ thị 16 và 17 đã hơn 3 tháng nhưng số người chết mỗi ngày giảm không đáng kể. Xe chở xác chết xếp hàng chờ tới lượt ở lò thiêu Bình Hưng Hòa dài cả cây số. Đứa cháu tôi bảo không phải mỗi xe chở một người đâu, mà vài người. Ông hàng xóm nói: kinh hoàng, còn khiếp hơn cả thời chiến tranh. Xong còn nói thêm, chết như rạ vậy nhưng trên đường vẫn thấy cờ quạt, khẩu hiệu mừng kỳ họp của quốc hội. Nhố nhăng.
(Còn tiếp)