Cán bộ cơ sở và cơ sở để chọn cán bộ

Lê Huyền Ái Mỹ

28-1-2022

Lực lượng chức năng trao quà cho người dân trong đại dịch. Ảnh: Tự Trung/TT

Nhìn lại cuộc chiến phòng chống dịch, trong hầu hết các phát biểu đánh giá, rút kinh nghiệm, bài học… đều nêu “sự yếu kém của bộ máy cơ sở” (tạm hiểu là cả bộ máy chính quyền, lực lượng y tế… phường, xã, quận huyện) và khẩn cấp củng cố, nâng chất.

Hôm nay, trên Tuổi trẻ, ông phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cũng đề cập lại: “Về khách quan, TP.HCM có những xã, phường rất đông dân, độ nén cao nhưng việc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy ở cơ sở theo quy định làm nhiều nơi thiếu hụt cán bộ nghiêm trọng, dẫn đến quá tải khi xảy ra đại dịch. Còn chủ quan, do thời gian qua có nơi chưa xem trọng đúng mức việc kiện toàn về tổ chức, đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là ở khu phố và tổ dân phố. Nhiều nơi còn thiếu người, có nơi bố trí nhiều cán bộ lớn tuổi làm trưởng khu phố, tổ trưởng dân phố, một số nơi lực lượng này chưa được tổ chức chặt chẽ và không chọn được nhân sự, phương pháp thực hiện chưa phù hợp nên chưa phát huy đầy đủ năng lực để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách tại địa bàn”.

Và ông cam kết sẽ “tạo dựng bộ mặt mới cho bộ máy cơ sở”.

Tôi lại nghĩ vẩn vơ mấy điều:

– Nắm rõ số lượng dân cư rất đông nhưng vẫn cứ tuân theo quy định chung về thực hiện tổ chức thì việc “thiếu hụt cán bộ nghiêm trọng” đâu cứ gì đợi lúc dịch bệnh. Không tìm cách kiến nghị, bổ sung hoặc tăng cường cán bộ cho cơ sở, đó là thiếu sót, là sự trễ nải của cấp trên (tức trên cấp cơ sở). Biết cấp cơ sở quá tải mà vẫn không thúc đẩy, thậm chí để kéo dài sự quá tải ấy, thì từ dân đến cán bộ cơ sở đều… đuối và đắm, trách nhiệm của lãnh đạo cấp trên cơ sở ở đâu trong hiện trạng này?

– Việc “chưa xem trọng đúng mức việc kiện toàn về tổ chức, đội ngũ cán bộ ở cơ sở…” là do ai, cấp nào chưa xem trọng; hay chính người trong cuộc tự xem… nhẹ mình?

– Vả lại, xin được hỏi, “cán bộ cơ sở” là bao gồm những ai, họ được giao trọng trách gì, đi kèm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng ra sao để “lượng giá” sự vừa yếu – về chất, vừa thiếu – về lượng ở họ? Họ vốn đã được “cơ cấu” về chất như thế thì đừng đòi hỏi (để đổ lỗi) cho bất cứ hệ quả nào, dù khoác lên mình chiếc áo “chuyên trách”.

– Nếu không “nhờ” có cơn đại dịch, liệu sự yếu kém, thiếu hụt ấy có được nhìn ra; hay bản chất thì hầu như ai cũng thấy, chỉ là chấp nhận, thừa nhận cho sự tồn tại ấy mà thôi. Hậu quả trước mắt: dân lãnh đủ. Hậu quả lâu dài: không chỉ dân.

– Hơn nữa, với một trận đại dịch, những sai sót, sai lầm đâu phải chỉ do… cơ sở. Nhìn rộng ra, nhìn… cao hơn, cơ sở là cơ sở của cấp nào, ở mức nào? Nhiều cán bộ “cơ sở” tổ, khu vực, phường yếu, rất yếu; vậy cán bộ “cấp trên cơ sở”, quận/huyện, rồi cán bộ hội, đoàn, sở ngành thành phố bớt yếu hay có giỏi thật sự hơn chăng? Tôi đã làm việc, chứng kiến nhiều người nhiều việc, một bộ phận trong đội ngũ cấp trên cơ sở này, họ yếu về tư duy, kỹ năng lẫn thiếu về bản lĩnh, trách nhiệm và cả… đạo đức thì có nằm trong “cán bộ cơ sở”?

Cho nên, nếu không xác định cho rõ từng cấp độ cơ sở thì sự điểm mặt nguyên nhân hạn chế, nghe qua có vẻ thẳng thắn ghê lắm, nhìn nhận trực diện dữ lắm nhưng rốt cùng, vẫn không rõ được “bộ mặt cơ sở” là ai.

Cho nên, thật sự nếu muốn “tạo dựng một bộ mặt mới cho cán bộ cơ sở” nói riêng và cho cán bộ trong toàn hệ thống chính trị nói chung, cái cốt lõi không phải là bộ mặt mới mà là cơ sở nào cho việc đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ. Cán bộ cơ sở hay trên cơ sở, nếu đáp ứng được cơ sở về mặt trình độ (học thật), kỹ năng (làm được việc và làm được việc thật), thái độ, phong cách phục vụ trong dịch vụ công, đạo đức (không hình thức, đối phó, giả dối, tìm cách vòi vĩnh, làm khó dân…) thì mới “vẽ” ra khuôn mặt mới cho hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền.

Thực tế, điểm yếu được chỉ đích danh trong dịch bệnh là “cán bộ cơ sở” yếu kém, bằng chứng là có một số chủ tịch phường, xã… đã bị luân chuyển, miễn nhiệm do lơ là chống dịch. Nhưng “ăn” thiết bị, kít, khẩu trang, in ấn tài liệu… là trong dịch bệnh; còn ngoài dịch bệnh, “ăn” luôn từ đất cho tới… “người” – tìm cách chuồi, đẩy người của mình vào trong bộ máy… cơ sở thì lại toàn cán bộ cấp trên cơ sở, thậm chí là cấp cao!

Điều 2 – Quy định 50 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ ban hành ngày 27/12/2021 đã nêu rõ “bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ”. Khoản 4 Điều 3, Khoản 1 Điều 11 về “Công khai quy hoạch” cũng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu này. Vậy, để trong và sau khi “tạo dựng bộ mặt mới”, sắp tới chúng ta sẽ được “công khai” nghiệm thu chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở – trên cơ sở như thế nào; cán bộ từ cơ quan đảng, chính quyền, hội đồng nhân dân, mặt trận và các tổ chức thành viên chính trị xã hội…

Tôi thì chỉ mong nhìn thấy một “bộ mặt mới” như ông bí thư thành ủy TP.HCM nói hôm 18/1: những quy định dù có chặt chẽ đến đâu cũng không thể thay con người. Vì vậy, ông tin rằng “khi một người có nền tảng đạo đức phẩm chất, nhân cách và văn hóa thì họ tự quản trị bản thân để vượt qua những cám dỗ”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Câu kết ĐÚNG ! Cần làm như vậy nhưng không làm được vì Đảng chỉ làm theo ý Đảng bất chấp lòng dân!

Comments are closed.