Đồng Tâm: “Sự thật” đã được chế biến như thế

Luật Khoa

Y Chan

10-1-2022

Danh sách dài những sự kiện bị bôi tẩy có thêm cái tên Đồng Tâm.

Sẽ còn bao nhiêu lớp “sự thật” nữa được phủ lên Đồng Tâm? Ảnh: Nam Trần/Tuổi Trẻ.

Hòn đá rơi xuống hồ, mặt nước sẽ gợn sóng. Hòn đá càng to, sóng càng lan xa. Đó là hiện tượng tự nhiên mà một đứa trẻ cũng biết.

Những sự kiện xã hội cũng vận hành theo quy luật tương tự. Sự kiện càng chấn động, dư âm của nó càng kéo dài.

Cuộc tấn công Đồng Tâm vào những ngày đầu năm 2020 là một sự kiện chấn động như vậy.

Theo lẽ thường, nó sẽ còn được nhắc đến rất nhiều lần, đặc biệt trong những dịp kỷ niệm.

Nhưng đó là lẽ thường, một thứ xa xỉ trong xã hội Việt Nam đương đại.

Vào những ngày đánh dấu tròn hai năm sự kiện Đồng Tâm, người dân không tài nào tìm thấy bất kỳ thông tin gì về nó trên hàng trăm tờ báo nhà nước.

Một sự kiện “khủng bố”, như cách chính quyền gọi tên, bỗng dưng mất tích một cách khó hiểu. [1]

Một vụ án có tới 29 người dân bị truy tố, trong đó hai người bị kết án tử hình, bỗng nhiên không còn được báo đài trong nước nhắc tới. [2]

“Ba chiến sĩ công an hi sinh trong khi làm nhiệm vụ” với những chiếc huân chương chiến công hạng nhất được ký tặng siêu tốc, chỉ một ngày sau khi cuộc tấn công diễn ra, giờ đây cũng biến mất khỏi ký ức của dư luận. [3]

Những người ủng hộ nhiệt thành câu chuyện được biến tấu nhiều lần của chính quyền liệu có bao giờ tự hỏi vì sao một sự kiện rúng động như vậy lại nhanh chóng rơi vào quên lãng? [4]

Vì sao chính quyền đến giờ này vẫn ra điều kiện, buộc gia đình ông Lê Đình Kình phải chấp nhận ông chết ngoài cánh đồng Sênh thay cho sự thật là ông bị bắn chết tại nhà? [5]

Vì sao người anh hùng bắn chết “kẻ khủng bố”/ ông già tật nguyền gần 90 tuổi Lê Đình Kình đến nay vẫn không dám xuất đầu lộ diện trước công chúng để kể về chiến công hiển hách của mình?

Vì sao khi các phiên tòa xét xử đã kết thúc từ lâu, số tiền phúng điếu hơn nửa tỷ đồng của người dân gửi cho gia đình ông Kình vẫn bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa mà không có bất kỳ lời giải thích nào? [6] Nếu đó là tiền của “khủng bố” như Bộ Công an tuyên bố lúc đầu, vì sao họ không dám công khai đường hoàng xử lý theo luật? [7]

Quá nhiều câu hỏi vì sao đều dẫn về một câu trả lời: chính quyền đã nói dối.

Phiên bản lịch sử (đã bị chỉnh sửa nhiều lần) mà họ dựng nên về Đồng Tâm là một phiên bản dối trá.

Nếu ví cuộc đời như chiếc thuyền, sự thật là dòng nước, thì mỗi lời nói dối giống như việc tự đục thủng thuyền. Càng nói dối, thuyền càng nhiều lỗ thủng, và người trên thuyền càng phải ra sức bịt các lỗ thủng đó.

Chính quyền lựa chọn cách im lặng để không phải tiếp tục bỏ công sức ra bịt thêm những lỗ thủng/ lời dối trá mới.

Bằng cách đó, họ hy vọng dư luận sẽ nhanh chóng quên đi. Và sau này khi có nhớ lại, dư âm sẽ chỉ còn là những phiên bản lịch sử đã bị cải biên của họ.

“Sự thật” được xuất bản theo những cách thức như thế.

Đó hoàn toàn không phải là điều mới mẻ gì.

Đây là công thức xuất hiện trong mọi sự kiện xung đột lớn nhỏ của chính quyền với người dân. Những vụ cưỡng chế đất đai như tại Dương Nội, Thủ Thiêm hay Vườn Rau Lộc Hưng; các phiên tòa bỏ túi xét xử những người bất đồng chính kiến; những chiến dịch thanh trừng kiểu Cải cách Ruộng đất trước kia; và thông tin về các cuộc chiến tranh trong những thập niên qua – tất cả đều bị nhào nặn dưới bàn tay của chính quyền với mong muốn tạo ra một thế hệ mất trí (nhớ). [8]

Đồng Tâm không chỉ là một cái tên thêm vào danh sách dài dằng dặc những sự kiện lịch sử bị bôi tẩy.

Đồng Tâm, cùng với mỗi một sự kiện đó, là một chiếc kính chiếu yêu.

Để mỗi khi nhắc đến nó, yêu quái đều phải hiện hình.

Còn với những ai nhìn vào câu chuyện của người dân Đồng Tâm mà chỉ thấy hình ảnh quái vật, họ nên xem kỹ lại. [9]

Thứ họ đang thấy là gương mặt mộc trần trụi của chính mình.

_____

*Chú thích:

1. V. (2020, January 20). “Quốc tế hóa” vụ việc Đồng Tâm – một âm mưu gian trá, vô lương tâm. https://www.qdnd.vn. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20220109215435/https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/quoc-te-hoa-vu-viec-dong-tam-mot-am-muu-gian-tra-vo-luong-tam-608274

2. Yên Khắc Chính. (2021, March 8). Tổng hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2021/03/tong-hop-cac-thong-tin-can-biet-ve-vu-an-dong-tam

3. Báo Tuổi Trẻ. (2020, January 11). Truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 chiến sĩ hi sinh tại Đồng Tâm. TUOI TRE ONLINE. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20200111080401/https://tuoitre.vn/truy-tang-huan-chuong-chien-cong-hang-nhat-cho-3-chien-si-hi-sinh-tai-dong-tam-20200111131749048.htm

4. Team, L. K. (2020, September 25). “Báo cáo Đồng Tâm”: Bạch hóa và lưu trữ. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2020/09/bao-cao-dong-tam-bach-hoa-va-luu-tru

5. May. (2022, January 8). Đồng Tâm sau hai năm: Công an vẫn chưa cấp giấy chứng tử cho ông Lê Đình Kình. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2022/01/dong-tam-sau-hai-nam-cong-an-van-chua-cap-giay-chung-tu-cho-ong-le-dinh-kinh

6. Xem [5]

7. Báo Pháp Luật. (2020a, January 17). Tài khoản “phúng điếu” ông Kình bị phong tỏa? PLO. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20200117154633/https://plo.vn/thoi-su/tai-khoan-phung-dieu-ong-kinh-bi-phong-toa-884449.html

8. Y Chan. (2021, March 14). Gạc Ma: Lời nhắc nhở về chứng mất trí (nhớ) tập thể. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2021/03/gac-ma-loi-nhac-nho-ve-chung-mat-tri-nho-tap-the

9. May. (2022a, January 8). Ba người phụ nữ Đồng Tâm và 730 ngày phải sống. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2022/01/ba-nguoi-phu-nu-dong-tam-va-730-ngay-phai-song

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  3. Học giả: Bùi Chí Vinh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
    Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
    Giúp nhà Lê mã đáo công thành

    Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
    Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
    Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
    Giết đời cha, con, cháu cho đành

    Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
    Công thần thua một lũ hư danh
    Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
    Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
    Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
    Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh

    Hai con án chết đầy oan khốc
    Một cháu chung thân xử rành rành
    Tam tộc một đời đi theo Đảng
    Tưởng thời phong kiến mới lưu manh

    Không ngờ thế kỷ 21
    Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
    Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
    Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Quả báo ngày nay đến rất nhanh…

    Nguồn Mạng.

  4. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng.

  5. Nếu không có bài viết mới, TiengDan và các trang khác, cứ đăng các bài cũ để nhắc nhở tội ác CS trước dư luận

Comments are closed.