Có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt giữa lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và các phe phái cùng những nhân vật quyền lực bao gồm cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) và Phó Chủ tịch hiện tại Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan). Các trường hợp đánh nhau đã không còn kín đáo nữa, giữa những nhân vật có ảnh hưởng này và phe nhóm của họ, xuất hiện sau sự tiết lộ vào tháng 9 bởi các trang web bán chính thức NetEase và Sohu, cho biết rằng một số quan chức cấp cao trong bộ máy chính trị-pháp luật, bao gồm cảnh sát, mật vụ và tòa án, đã âm mưu các hành động “nham hiểm và xảo quyệt” chống lại một lãnh đạo cao nhất của đảng, thường được cho là ông Tập (những bài báo này đã bị xóa khỏi mạng Internet).
Sự đâm sau lưng nhau của các phe phái đã trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi nền kinh tế phải đối mặt với những cơn gió mạnh thổi ngược. Sau khi tập đoàn Evergrande, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới, gần phá sản, nhiều công ty tài chính và bất động sản được cho là không thể giải quyết được gánh nặng nợ hàng tỷ nhân dân tệ của họ. Tổng nợ quốc gia lên đến 335% GDP vào cuối năm 2020, trong khi chỉ riêng nợ bên ngoài đã phá mốc 2,680 tỷ đôla. Ngoài lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các đầu tư của chính quyền địa phương ước tính đã phát sinh khoản nợ vay trị giá 53 ngàn tỷ nhân dân tệ (8,230 tỷ đôla) cho đến cuối năm 2020, tăng từ 16 ngàn tỷ nhân dân tệ (2,500 tỷ đôla) vào năm 2013.
Hơn nữa, TQ phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng, một phần là do nguồn cung cấp than bị cạn kiệt. Về mặt chính sách đối ngoại, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vẫn chưa được mở lại và chính quyền Biden đang kiên trì với nỗ lực xây dựng một liên minh các quốc gia cùng chí hướng để chống lại hành vi ngày càng hung hăng của TQ ở các khu vực bao gồm cả ở eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Vấn nạn với Vương Kỳ Sơn?
Ông Tập là người đã không công du nước ngoài đã hơn 630 ngày, dường như đang bận rộn xử lý các thách thức đến từ những nơi khác nhau khi ông đặt nền tảng cho Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới, mà chủ đề có vẻ là xác nhận người hùng mạnh làm “cốt lõi cho cả đởi ”. Đầu tháng 10 này, nhà báo nổi tiếng, bà Hồ Thư Lập (Hu Shuli), người sáng lập và biên tập viên tạp chí trực tuyến tự do Caixin.com, đã đăng trong mục ẩm thực trên mạng xã hội, trò truyện về một “đầu heo” như sau: “Nếu một đầu heo được nấu chín kỹ, tất nhiên nó có thể ngon“, ghi chú ngắn gọn này cho biết thêm. “Tuy nhiên, nếu một đầu heo không được tôn trọng, thì điều này liên quan đến cách suy nghĩ của mọi người. Những người bình thường sẽ không nghĩ đến việc hình thành một mối quan hệ chiến lược trên bàn ăn với một đầu heo mang tiếng xấu”.
“Đầu heo” là một trong những biệt danh được sử dụng cho Tập. Và mặc dù bài đăng này được cho là có liên quan đến các vấn đề ẩm thực, việc đề cập đến “mối quan hệ chiến lược” dường như là lời chỉ trích châm biếm về chủ nghĩa bảo thủ ngoan cố của ông Tập và việc ông không thiết lập được mối quan hệ vững chắc với các nước phương Tây.
Trong hơn 20 năm qua, bà Hồ đã viết và biên tập nhiều câu chuyện gây tranh cãi, phơi bày những sai phạm của các quan chức quyền lực và các hoàng tử (con đẻ của các bô lão trong đảng). Sự can đảm của bà được cho là nhờ sự “bảo vệ” của Vương Kỳ Sơn, người từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (PBSC) và Trưởng ban Kiểm tra Trung ương (CCDI) – cơ quan chống tham nhũng cao nhất của đảng – trong thời kỳ đầu của ông Tập, nhiệm kỳ (2012-2017). Ông Vương được nhiều người coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Tập, ông đã được trao cho chức danh cao quý là Phó chủ tịch vào năm 2013, và ông từng được coi là cố vấn chính của ông Tập về quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, ông bị thất sủng với lãnh đạo tối cao kể từ khi rời Bộ Chính trị vào năm 2017.
Cuối năm ngoái, ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một hoàng tử trùm bất động sản và cũng là một nhà bình luận trên Internet được nhiều người theo dõi, đã bị kết án 18 năm tù vì cáo buộc tham nhũng và biển thủ. Nhưng tội thật sự mà hình phạt nghiêm khắc này dành cho ông, người được biết đến là bạn thân của Vương Kỳ Sơn, được cho là do bài đăng trên internet của ông về một “tên hề không mặc quần áo nhưng nhất định muốn trở thành hoàng đế”. Ông Tập thường được các nhà phê bình gọi là “vị hoàng đế không mặc quần áo” và sự đào bới của ông Nhậm về ông Tập đã gây ra sự phấn khích lớn trong giới trí thức tự do ở trong nước.
Ông Vuơng cũng được coi là người chủ giấu mặt của một số doanh nghiệp đã bị chính quyền phạt vì quản lý thiếu trách nhiệm và đầu tư liều lĩnh ra nước ngoài. Đứng đầu trong số các doanh nghiệp này là HNA Group, một công ty có trụ sở tại Hải Nam, đã vươn lên từ một hãng hàng không địa phương thành một tập đoàn quốc tế trong vòng chưa đầy 20 năm. HNA đã phá sản vào đầu năm 2021 này, phần lớn do không có khả năng trả các khoản nợ ước tính lên tới 77,3 tỷ đôla. Chủ tịch HNA, ông Trần Phong (Chen Feng), đã bị bắt hồi tháng 9 vì cáo buộc có những hoạt động tội phạm kinh tế và chống đảng. Ông Trần được coi là người thân tín của ông Vương và từng là bí thư tỉnh Hải Nam. Thông báo thú tội do ban giám đốc của HNA đưa ra sau khi ông Trần bị bắt, dường như cho thấy lý do bắt không chỉ là các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. “Tham vọng và ham muốn hoang dã đã khiến cho cả nhóm rơi vào hố sâu“, thông báo này cho biết.
Đã vậy, một cộng sự thân cận khác của ông Vương và là cựu quan chức CCDI, ông Đông Hồng (Dong Hong), đã bị bắt hồi tháng 4 năm 2020 vì tội tham ô và “lối sống thoái hóa”. Là một cán bộ cấp thứ trưởng, ông Đông là cánh tay phải của ông Vương khi ông Vương là bí thư CCDI. Ông Đông là trưởng nhóm mà CCDI lập ra năm 2013, để điều tra các hành vi sai trái của các cơ quan chính phủ trung ương và cấp tỉnh. Ông bị buộc tội “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy định chính trị” cũng như “không trung thành với đảng”. Vi phạm “kỷ luật chính trị và quy định chính trị” là những từ dành cho việc không đủ trung thành với “cốt lõi” của đảng, tức Chủ tịch Tập.
Phản công lại từ một lão thành sừng sỏ của Đảng
Rõ hơn nữa là cuộc tranh giành quyền lực giữa ông Tập và cựu thành viên PBSC, kiêm Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong). Ông Tăng, phụ tá thân cận của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, cũng là một lãnh đạo chính yếu của cái gọi là Phe Thượng Hải. Ông Tăng được cho là “cây dù bảo vệ” đằng sau một số doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đôla. Một trong những doanh nghiệp này, Fantasia Holdings, do cháu gái của ông là Tăng Bảo Bảo (Zeng Baobao) đứng đầu. Fantasia gần đây đã bị các cơ quan xếp hạng hạ cấp xuống trạng thái “vỡ nợ” do không trả lãi trái phiếu (bonds) và kỳ phiếu (promissory notes). Tính đến giữa năm 2021 này, Fantasia có các khoản nợ ngắn hạn – những khoản phải trả trong vòng một năm – gần 50 tỷ nhân dân tệ (7,5 tỷ đôla). Tuy thế, Tăng Bảo Bảo dường như đổ lỗi cho các cơ quan cao nhất của đảng cho vòng xoáy đi xuống của công ty cô.
Cô nói trong một bài đăng trên We-chat gây tranh cãi rằng trong khi các vấn đề chuyên môn nên được giao cho các chuyên gia, nhưng thường “quyết định được đưa ra bởi những người có bộ não được quy định bởi cái mông đít của họ“. Cô nói thêm rằng, tương lai của công ty cô “sẽ được giao cho người có mông đít được neo vững chắc nhất“. Những bình luận ám chỉ của cô Tăng dường như nhắm vào ông Tập, người đang gây áp lực lên hàng loạt công ty bất động sản và công nghệ, một số công ty đã bị quốc hữu hóa.
Sự đối đầu nghiêm trọng nhất của Tăng Khánh Hồng có thể là từ mối quan hệ của ông với ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin) đã qua đời, ông Lại là một chủ ngân hàng kỳ cựu từng đứng đầu Công ty quản lý tài sản Huarong của TQ (CHAMC). Ông Lại bị bắt vào cuối năm 2020 và bị hành quyết vào tháng 1/2021. Ông bị cáo buộc đã đút túi 1,79 tỷ nhân dân tệ tiền hối lộ và “không trung thành với đảng”. Cần biết là mối quan hệ giữa ông Tăng và ông Lại khá lâu. Họ đến từ các quận lân cận ở tỉnh Giang Tây và ông Tăng đóng một vai trò trong sự gia tăng vượt bậc cơ sở tài chính của ông Lại. Fantasia Group Holdings của cô Tăng Bảo Bảo cũng từng là đối tác kinh doanh của CHAMC. Trong các báo cáo độc quyền do NetEase và Sohu.com đăng, ông Lại được cho là nhà tài chính đứng sau các hành động “nham hiểm và phản bội” do các quan chức chính trị-pháp lý cấp cao ở Giang Tô bao gồm Vương Khải (Wang Like), La Văn Tiến (Luo Wenjin) và Dương Minh (Yang Ming) lên kế hoạch làm hại Tập.
Tập thanh trừng các tay chân của đối thủ trong Lực lượng Cảnh sát, Bộ Tư pháp
Sự mất niềm tin từ lâu nay của ông Tập đối với bộ máy chính trị-pháp lý, bắt nguồn từ thực tế là Chu Vĩnh Khang, kẻ thù không đội trời chung của ông. Ông Chu là cựu thành viên PBSC và là ông hoàng an ninh nội bộ, ông bị kết án tù chung thân vào năm 2015 nhưng vẫn có một lượng lớn những người trung thành và thuộc cấp trong cảnh sát, an ninh chìm và hệ thống tư pháp. Đây là động lực đằng sau cuộc thanh trừng hệ thống chính trị-pháp lý kéo dài nhiều năm của ông Tập.
Sau khi bắt giữ ba cựu Thứ trưởng Bộ Công an – Lý Đông Sinh (Li Dongsheng 2013), Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei 2018) và Vương Khải (Wang Like 2020) về các vi phạm kinh tế và kỷ luật – CCDI thông báo vào ngày 2 tháng 10 rằng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua) đang bị điều tra về những tội danh tương tự. Mặc dù ông Phó đóng vai trò quan trọng trong cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang vào năm 2013 và 2014, ông bị cho là đã đánh mất lòng tin của ông Tập do có quan hệ mật thiết với những người thân cận khác của ông Chu như Vương Khải. Hầu hết các cựu cán bộ cảnh sát cao cấp thất sủng bị buộc tội “hình thành bè phái và phe nhóm” trong hệ thống an ninh quốc nội.
Một số thành viên của hệ thống chính trị-pháp lý, những người đã bị Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Công tác Kiểm tra (CLGIW) nhắm vào để kỷ luật, CLGIW cử định kỳ các đoàn kiểm tra đến các đơn vị đảng và chính quyền, cũng như chính quyền tỉnh và thành phố để đánh giá cán bộ cấp trung đến cấp cao về tính ngay thẳng chính trị và những tội phạm kinh tế có thể xảy ra. Năm 2020, CLGIW, do Ủy viên PBSC kiêm Bí thư CCDI Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) đứng đầu, đã cử thanh tra tới một số đơn vị của Chính phủ, bao gồm Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước, Bộ Tư pháp, viện kiểm sát và hệ thống tòa án. CLGIW được thành lập năm 2009 nhưng không hoạt động cho đến khi ông Tập trở thành người đứng đầu của đảng năm 2012, đang điều tra 25 đơn vị tài chính bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các công ty bảo hiểm và ngân hàng nhà nước lớn cũng như các cơ quan quản lý, như Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc. Vì Vuơng Kỳ Sơn và Tăng Khánh Hồng, ở cả hai năng lực công và tư của họ, đều hoạt động tích cực trong lĩnh vực đầu tư và ngân hàng, họ là những kẻ thù chính trị của Tập, cho nên có thể nhiều đàn em của họ sẽ tiếp tục bị phanh phui.
Phần kết
Trong nhiều bài phát biểu, ông Tập đã liên kết quyền lực của mình với tư cách là “cốt lõi của đảng” vào khả năng thực hiện việc “tự thanh lọc và tự đổi mới” của đảng. Một phần danh tiếng của ông nằm ở khả năng hạ gục một số lượng tương đối lớn “những con hổ”, hay những cán bộ cấp cao, vì tội phạm kinh tế và các vấn đề kỷ luật.
Cho đến nay, sự đối đầu của ông ta với Tăng Khánh Hồng và Vương Kỳ Sơn chủ yếu thể hiện qua những ám chỉ bằng lời nói. Ví dụ, Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo đã đăng một loạt bài bình luận, nói rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ không dung thứ cho bất kỳ “Hoàng tử đầu sắt” nào, “Phong trào chống biển thủ không giới hạn cấp cao nào”, Nhân dân Nhật báo tuyên bố hồi tháng 1/2020. “ĐCSTQ không ngại đối mặt với các vấn đề một cách thẳng thắn và sửa chữa những sai lầm của mình… chúng ta rất tốt trong việc tự thanh lọc và tự đổi mới”.
Những lời cam kết về khả năng “tự đổi mới và tự thanh lọc” của ĐCSTQ đã được ông Tập nhiều lần đưa ra trong các bài phát biểu lớn, bao gồm cả bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm một trăm năm thành lập ĐCSTQ. “Hoàng tử đầu sắt”, là một trong những danh hiệu mà các hoàng đế triều Thanh ban cho các quý tộc cao cấp, được coi là để ám chỉ Tăng Khánh Hồng. Điều này là do trong thực tế, Hoàng tử đầu sắt cuối cùng mang danh hiệu Hoàng tử Thanh.
Ở Đại hội Đảng lần thứ 20, ông Tập hy vọng sẽ được xác nhận là ông có khả năng giữ vị trí Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương của đảng trong một thập kỷ. Trong khi đó, những cuộc gấu ó trong nội bộ đảng có thể vượt ra ngoài những ám chỉ văn hoa, và dẫn đến sự ngã ngựa của ít nhất một vài cựu ủy viên Bộ Chính trị và Thường Vụ Bộ Chính Trị.