3-11-2021
Bất kể đảng chính trị nào cũng thế, đều mong muốn nắm được quyền lực nhà nước (bởi quyền lực nhà nước là động lực và mục đích của họ) và đều muốn quan điểm chính trị, chủ trương, chính sách hay đường lối của họ đi vào xã hội một cách nhanh nhất và được thi hành rốt ráo nhất.
Khi nắm được chính quyền mà có cơ hội tác động vào tổ chức bộ máy nhà nước để đạt được những mong muốn trên, thì có lẽ không đảng chính trị nào bỏ lỡ cơ hội đó.
Để quan điểm chính trị, chủ trương, chính sách hay đường lối của mình đi vào xã hội một cách nhanh nhất và được thi hành rốt ráo nhất, chắc chắn họ sẽ lựa chọn chế độ thủ trưởng cho các tổ chức trong bộ máy nhà nước nhiều như có thể. Và nếu không thể làm hoàn toàn được như vậy đối với những tổ chức mà theo truyền thống hoặc về mặt khoa học tổ chức phải theo chế độ hội đồng, thì họ sẽ tìm cách làm giảm bớt ý nghĩa hoặc vô hiệu hóa chế độ hội đồng tại đó. Qua đó họ dễ dàng nắm được toàn bộ các tổ chức bởi chỉ cần nắm chắc “người đứng đầu” hay “người cầm đầu” ở các tổ chức đó.
Nhưng ở nước ta ngay bản thân Quốc hội (được Hiến pháp tổ chức theo chế độ hội đồng) cũng không nắm được nguyên lý tổ chức, nên đã ban hành nhiều đạo luật đề cao một cách phi lý chế độ thủ trưởng thông qua cái gọi là “trách nhiệm của người đứng đầu”, dù rằng ở nước ta, con người được xem là trung tâm phục vụ của cả hệ thống chính trị, và “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” luôn luôn được đề cao.
Ví dụ: Luật Đất đai 2013 (nơi thể hiện chính sách công quan trọng nhất) qui định:
“Điều 7. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất
1. Người đứng đầu của tổ chức, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với việc sử dụng đất của tổ chức mình.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.
3. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư.
4. Người đứng đầu cơ sở tôn giáo đối với việc sử dụng đất đã giao cho cơ sở
tôn giáo.
5. Chủ hộ gia đình đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình.”
Điều luật này đã không thèm đếm xỉa gì đến pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài để qui định mỗi tổ chức nước ngoài và doanh nghiệp đều phải có cái gọi là “người đứng đầu”.
Ai là người đứng đầu công ty hợp danh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, trong khi hội đồng thành viên và đại hội đồng cổ đông vẫn đang ngồi đấy, chưa kể đến mô hình tổ chức của họ?
Ngay ở Campuchia, người ta còn tổ chức chế độ đồng thủ trưởng cho nhiều tổ chức, có cả đồng thủ tướng, đồng bộ trưởng. Ở trên thế giới, đạo phật không có đạo chủ.
Điều luật trên đã biến chủ hộ gia đình trở thành một thành viên “độc đoán” trong gia đình và hành chính hóa tất cả các cộng đồng dân cư.
Nếu không có các qui định này thì pháp luật vẫn có các cơ chế để bảo vệ chế độ sở hữu đất đai và thi hành các quy định về sử dụng đất.
Chế độ thủ trưởng và cái gọi là “trách nhiệm của người đứng đầu” lan tràn vào cả lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và y tế… khiến cho lãnh đạo cấp trên chỉ quan tâm tới “người đứng đầu” hay người có chức có quyền ở cấp dưới.
Hậu quả là:
+ Những người có năng lực chuyên môn thật sự bị lờ đi, nên dù có hô hào trọng dụng nhân tài ầm ĩ đến mấy thì cũng không thể làm gì được trên thực tế vì nhân tài nào mà sống được khi cấp trên cao hơn hay xã hội chú ý đến họ trong khi đó một vị “người đứng đầu” trực tiếp trên họ có toàn quyền bao quát sự nghiệp chuyên môn, sự nghiệp chính trị và đời sống kinh tế của họ đang ngồi nhòm.
+ Cấp trên cao hơn chỉ coi trọng những người có “vị trí đứng đầu về hành chính” trong tổ chức, đơn vị, cho nên luôn có khuynh hướng chỉ lắng nghe họ bất kể họ nói đúng hay nói sai vì đúng hay sai thì chỉ ảnh hưởng đến đất nước, đến nhân dân thôi, trong khi đó cá nhân người lắng nghe thì còn có thể có lợi (ví dụ như có thể gửi con, cháu; được chức tụng trong những dịp tết, ngày lễ; được mời mọc, tung hô trong những sự kiện này nọ…).
Cái tệ này đôi khi còn kéo theo sự nhận thức sai của xã hội. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, hễ tôi cứ ngồi nói chuyện với người có tí địa vị trong xã hội hay người làm việc trong bộ máy nhà nước là y như rằng: câu trước hỏi tôi làm ở đâu là tới ngay câu sau hỏi ai là người đang làm thủ trưởng ở nơi tôi đang làm việc hoặc khoe biết thủ trưởng của tôi. Vì vậy tôi chỉ thích nhậu với anh em bình dân!
+ Như một hệ quả, những người có khả năng chuyên môn cao, muốn có tiếng nói và muốn cống hiến được đúng khả năng thường phải vào cuộc đua chức quyền đầy nhục nhã. Đến khi có chức quyền rồi thì lại đua giữ ghế. Vậy còn gì là chuyên môn nữa? GS. TS. Nguyễn Quang Tuấn (Tuấn tim) bị khởi tố là một nỗi đau mất mát, nhưng khó mà không xảy ra trong một môi trường như vậy.
Tôi kiến nghị:
(1) Tách bạch tương đối giữa chuyên môn và quản lý hành chính trong các cơ quan, đơn vị, đồng thời giảm bớt quyền hành của thủ trưởng hành chính, nhất là về nhân sự, tổ chức;
(2) Không nên để người quản lý hành chính, chuyên môn trong các cơ quan, đơn vị tiến hành hoạt động chuyên môn cao làm luôn bí thư;
(3) Chuyên nghiệp hóa các chức danh quản lý hành chính trong các cơ quan, đơn vị tiến hành hoạt động chuyên môn cao, đồng thời tăng cường hội đồng khoa học hay hội đồng chuyên môn;
(4) Lãnh đạo chỉ nên lắng nghe người có chuyên môn thật sự khi cần nắm vấn đề chuyên môn;
(5) Cần có chính sách rõ ràng hơn cho những người làm chuyên môn.
Tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý kém về chuyên môn (dù có thể có học hàm, học vị) nhưng lại đầy quyền hành đang giết dần, giết mòn đất nước.
Ngô Huy Cương còn nhiệt tình và trong sáng quá(?). Bao nhiêu bậc tiền bối đầy trí tự và nhiệt huyết (ca trong và ngoài nước) nói,viết kiến nghị nhưng có ai nghe! Trước mỗi kỳ ĐẠI hội Đảng và các sự kiện lớn,Ông Nguyễn Trung đều viết rất sâu sắc,ĐÚNG đắn nhưng…chỉ như hạt muối rơi xuống biển!
“Ở trên thế giới, đạo phật không có đạo chủ”
Nhưng ở VN có đại đức Thích Phở Tệ, ông trùm Phật giáo quốc doanh .
“chế độ đồng thủ trưởng cho nhiều tổ chức”
Thì ở VN trước giờ, tập thể vẫn lãnh đạo . Rút cục, họ chỉ nhận trách nhiệm trước Đảng thui .
Ở Việt Nam ta, có cái hay là dùng mô hình nào, kết quả cũng sêm xít . Đảng áp dụng mô hình nào cũng có trí thức phản biện, và khi kết quả sêm xít, những trí thức phản biện lại nghĩ mình là thông thái “Thấy chưa, đã nói mà hổng nghe”. Họp bàn tới bàn lui chắc tại vì bộ não lâu ngày mốc lên đâm ngứa ngáy .
“Ngay ở Campuchia, người ta còn tổ chức chế độ đồng thủ trưởng cho nhiều tổ chức, có cả đồng thủ tướng, đồng bộ trưởng”
Whoa, bây giờ mình phải đem Cambodia ra làm ví dụ về mô hình tốt rùi . Phú quý giật lùi . Chừng nào mới tới lúc có người đem Mozambique ra làm ví dụ VN cần noi theo ?