Bốn lý do để Việt Nam không cạnh tranh về chủ thuyết

Nguyễn Ngọc Chu

2-11-2021

1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHÂN TỐ ‘TRUYỀN THỐNG’

Trong bất cứ lĩnh vực nào, ‘truyền thống’ luôn là một nhân tố quan trọng góp phần tăng xác suất thành công cho việc mở rộng lĩnh vực đó trong tương lai.

Chẳng hạn như ‘truyền thống’ chống giặc ngoại xâm mấy ngàn năm của người Việt cho phép tin rằng, nếu có giặc nước ngoài mang quân đến xâm chiếm nước Việt thì người Việt sẽ đánh bại. ‘Truyền thống’ được di truyền cả bằng đường “nội di truyền” và “ngoại di truyền”. “Nội di truyền” là máu mủ từ đời này qua đời khác. “Ngoại di truyền” là tác động của thế giới môi sinh bên ngoài, trong đó có các thành tố địa lý, văn hoá, xã hội…

Cho nên, mở rộng bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải chú trọng đến nhân tố ‘truyền thống’. Nhân tố ‘truyền thống’ mà lớn thì mức độ thành công sẽ cao hơn.

2. DỒN SỨC LỰC VÀ TRÍ TUỆ CHO TỒN TẠI

Sống cạnh nước lớn không ngừng bành trướng lãnh thổ, không ngừng xâm lược để mở mang bờ cõi – lịch sử người Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác chỉ dồn sức và trí cho chống giặc ngoại xâm, chống lại sự đồng hoá, từ mùa này qua mùa khác lo chống chọi với tai biến thiên nhiên, từ ngày này qua ngày khác lo ăn lo mặc để tồn tại, mà không còn thời gian, sức lực, trí tuệ để dành cho sáng tạo chủ thuyết. Bởi thế, từ ngàn xưa cho đến thời điểm hiện tại, người Việt chưa bao giờ cạnh tranh về chủ thuyết, chưa có ‘truyền thống’ về sáng tạo chủ thuyết.

Nhưng ở mặt khác, có dân tộc, tuy có người sáng tạo ra chủ thuyết, nhưng cuối cùng bị đồng hoá, bị xoá sổ. Trong trường hợp này thì sự tồn tại của dân tộc Việt – không bị đồng hoá, không bị xoá sổ – đáng quý hơn là “sở hữu chủ thuyết” mà bị tiêu diệt.

Ví như Lão tử (571 TCN? – 471 TCN?) ở nước Sở lập ra Đạo giáo, Khổng tử (551 TCN – 479 TCN) ở nước Lỗ lập ra Nho giáo, mà cuối cùng cả nước Sở lẫn nước Lỗ đều bị nhà Tần xoá sổ. Người Hán, xuất phát ở nước Tần, nhưng đã bành trướng, đồng hoá toàn bộ các bộ tộc ở vùng Hoa hạ ở giữa 2 sông Hoàng Hà và Trường Giang; tiến xuống phía Nam mà đồng hoá các bộ tộc Bách Việt ở Nam sông Trường Giang.

Nhưng lịch sử của người Hán cũng tràn ngập các giai đoạn dài bị các bộ tộc khác thống trị. Người Hán bị người Khiết Đan (Liêu), người Tây Hạ, người Kim, người Mông Cổ, người Mãn Châu ở phía Bắc và phía Tây thay nhau cai trị trong khoảng thời gian kéo dài suốt từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20. Người Khiết Đan cai trị người Hán 218 năm (907-1125). Người Tây Hạ cai trị người Hán 189 năm (1038-1227). Người Kim thống trị người Hán 108 năm (1126-1234). Người Mông Cổ thống trị người Hán 97 năm (1271-1368). Cuối cùng là người Mãn Châu thống trị người Hán ròng rã 276 năm (1636-1912). Nhưng rốt cuộc thì người Hán đã đồng hoá tất cả. Hiện giờ người Hán đang bành trướng sự đồng hoá lên toàn bộ các khu tự trị rộng lớn, bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Ninh Hạ – chiếm xấp xỉ ½ diện tích của Trung Quốc hiện đại.

Trong cuộc viễn chinh ngàn năm xâm lược và đồng hoá văn hoá của người Hán, người Việt dù không “sở hữu chủ thuyết” nhưng đã không bị xoá sổ. Bài học lịch sử của cha ông dạy là tranh đấu để tồn tại mà không cạnh tranh về chủ thuyết.

3. SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI NẰM NGOÀI TẦM QUYẾT ĐỊNH CỦA MỘT DÂN TỘC

Xã hội loài người liên tục phát triển theo quy luật biến hoá không ngừng của vũ trụ mà “không thèm quan tâm đến các chủ thuyết của con người”. Phân chia sự phát triển xã hội loài người ra 5 hình thái kinh tế xã hội như nguyên thuỷ, nô lệ, phong kiến, tư bản và cộng sản chẳng qua là một cách đánh giá ước lệ của một nhóm người.

Xã hội loài người phát triển liên tục. Năm hình thái nêu trên là hữu hạn, cố định. Đem cái hữu hạn để xấp xỉ cái vô hạn, đem cái cố định để mô tả cái liên tục – thì chỉ có được một ước lượng thô ở một phương diện nào đó. Bởi thế, giữa nghiên cứu lý thuyết về hình thái kinh tế xã hội và thực tiễn phát triển của xã hội loài người là một khoảng cách lớn.

Ở mặt khác, sự phát triển xã hội loài người là trên toàn hành tinh, là của mọi dân tộc, nên mô hình của một dân tộc không thể phản ánh hết cho toàn bộ nhân loại. Nghĩa là, quyết định sự phát triển của xã hội loài người nằm ngoài tầm quyết định của một dân tộc, càng xa vời với bất cứ trí tuệ của một cá nhân nào.

4. KHÔNG ĐI KHÁC CON ĐƯỜNG MÀ NHÂN LOẠI ĐANG ĐI

Mày mò tìm đường đi là khi chưa có đường đi. Đã có đường đi rộng thênh thang cả làng, cả nước, cả thế giới cùng đi từ hàng trăm năm thì không ai lại không đi theo. Nước Nga Xô Viết tự sáng tạo ra chủ thuyết, rồi theo chủ thuyết tự mở đường mới, không theo đường đi chung của nhân loại. Sau 74 năm (1917-1991) nhân dân Nga đã nhận ra là đi lạc đường, tương lai mỗi ngày một xấu hơn, nên đã thức tỉnh mà quyết định quay về điểm xuất phát để trở lại đi con đường chung của nhân loại. Bài học lịch sử của thế giới là không đi khác con đường mà nhân loại đang đi.

5. NHỮNG ĐIỀU RÚT RA

Không có dân tộc nào, càng không có cá nhân nào, có thể quyết định được mô hình phát triển của xã hội loài người.

Bài học lịch sử của cha ông dạy là phải đấu tranh cho sự tồn tại mà không cạnh tranh về chủ thuyết.

Bài học lịch sử của thế giới là không đi khác con đường mà nhân loại đang đi.

Mô hình nào cũng được, cách thức nào cũng được – miễn là dân giàu nước mạnh, lãnh thổ vẹn toàn, đứng ở nhóm hàng đầu, được thế giới nể trọng.

Đừng tốn công vô ích chứng minh đúng cho điều đã thực tiễn chứng minh là sai.

Đừng đi vào con đường biết chắc là lạc vì nhiều người giỏi hơn đã lạc đừng mà phải quay trở lại.

Chưa biết lạc đường mà đi thì còn có thể hiểu được. Biết lạc mà vẫn đi thì không thể thoát khỏi phán xét.

6. VÀI SUY NGHĨ VỀ LƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI THẦY TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY

Nghiên cứu khoa học chú vào nghiên cứu điều chưa ai nghiên cứu, để tìm ra quy luật mới mà chưa ai tìm ra. Người nghiên cứu khoa học chân chính không bao giờ nghiên cứu điều đã được nghiên cứu, càng không lao vào nghiên cứu điều mà thực tiễn đã chứng minh là sai.

Thầy hướng dẫn khoa học luôn hướng cho học sinh khai phá những lĩnh vực mới có ý nghĩa lớn. Không bao giờ đưa cho học sinh các đề tài cũ, không có giá trị. Càng không thể cho học sinh tiếp tục chứng minh đúng cho điều mà mọi người đã biết chắc là sai.

Lương tâm người thầy không cho phép dạy cho học sinh những điều sai. Càng không thể truyền cho học sinh điều thầy biết là sai nhưng thầy lại nói dối là đúng. Ngươì thầy không thể chỉ cho học sinh đi con đường mà thầy biết là lạc lối, để rồi làm lạc lối cả cuộc đời của học sinh.

Con Dã Tràng “xe cát biển Đông” là để tìm thức ăn. Nó không uổng phí. Nó không có tội.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở nước Đẻn nhà trí théc muốn không bị Điên thì hãy quăng ngay mớ lí loạn không đầu ko cuối của các vị ấy.

  2. Như tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu đã mong muốn, cứ di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mà làm theo . Không oong đơ gì cả . Lương tâm của tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu cho biết di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là nâm bờ oăn, là zách lầu thì việc giảng dạy cho học trò là điều phải làm . Hễ tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu cho điều gì là đúng, thì điều đó phải là đúng . Cả dân tộc chỉ còn nước làm theo, cấm cãi . Tại sao ? Vì tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu là trí thức cao quý, cuồng Hồ hêt thuốc chữa . Nội cuồng Hồ hết thuốc chữa là đủ để bảo đảm những gì tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nói ra là chân lý, dân tộc ta chỉ cần nghe theo thôi . Không nghe theo thì đã tự chứng minh mình là loại vô học, vô đạo, vô nghĩa rồi .

    Nói như vậy không có nghĩa tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu zách lầu bằng Chủ tịch Hồ Chí Minh . Au contraire, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu là trí thức cuồng Hồ hết thuốc chữa, ông như là chú tiểu có nhiệm vụ quét dọn & canh giữ đền thiêng . Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh là zách lầu nên tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thơm lây . Bác Hồ được ví như hoa sen, gần mấy người như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thì đúng là Bác không những không tanh tưởi, mà còn làm cho tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thơm lây .

Comments are closed.