Chúng ta đang thiếu một “Bàn tay sắt”

Đỗ Doãn Hoàng

8-10-2021

Ảnh: FB tác giả

Tôi viết bài này với mục đích lan tỏa một sự thật mà: Suốt thời gian dài vừa qua, tôi và cộng sự đã bất chấp hiểm nguy để điều tra, viết báo, làm video, tố cáo, hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý và cũng đã công bố chính thức trên báo chí. Sau đó, tôi cũng may mắn đạt được không ít giải thưởng và sự vinh danh. SONG, ĐÂY LÀ LẦN ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI TÔI CÓ LỜI NHỜ MỌI NGƯỜI CÙNG SHARE VÀ TƯƠNG TÁC CÂU CHUYỆN NÀY ĐỂ LAN TỎA VẤN ĐỀ TỐT NHẤT CÓ THỂ.

Dưới đây đây bài viết tôi dự thi phần “mạng xã hội” (MXH) trong “Giải thưởng VIEWS AWARDS 2021” – với Chủ đề “Truy vết đặc sản thú rừng” (xin mời tìm kiếm với các từ khóa trên để đọc kĩ hơn). Một trong những tiêu chí của Ban Tổ chức là sức lan tỏa của bài viết trên MXH, để rồi nâng cao nhận thức, tiến tới cải thiện hành vi. Làm gì đó tốt hơn cho Ngôi nhà chung Trái Đất. Bài viết này của tôi trước hết là để ủng hộ mục tiêu trên.

Thời gian khá dài vừa qua, tôi thật sự đã, đang (và sẽ!) xông pha vào vấn đề này để bày tỏ sự cảm kích, sự đồng hành, dấn thân với các nhà bảo tồn chân chính của thiên nhiên Việt Nam và thế giới.

Ai dự thi thì cũng muốn thắng giải.

Song, ngay cả khi chưa quan tâm đến “quyền lợi cá nhân” kể trên, thì tôi vẫn luôn nghĩ: nếu bạn đọc và thấu cảm rồi lan tỏa được các thông điệp của tôi và cuộc thi, thì tôi cũng đã đạt một phần của “mục tiêu kép”: LAN TỎA ĐIỀU TỬ TẾ CHO KHÔNG GIAN SỐNG CỦA CHÍNH CHÚNG TA VÀ CON CHÁU MÌNH.

Sau đây là bài của tôi (bài 1.000 chữ và bộ ảnh “tiểu tiết” các gương mặt hoang thú bị bắn bẫy, giết thịt đã thật sự ám ảnh tôi quá nhiều – các ảnh “quy mô” đều đăng báo cả rồi; toàn bộ ảnh do tôi chụp, với chú thích cụ thể). Tất cả các chủ đề bài viết đề cập, đều có link các bài phóng sự điều tra, video ở phần comments bên dưới.

***

Chúng ta đang thiếu một “Bàn tay sắt”

25 năm làm báo liên tục, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu người nói chuyện ăn cao hổ, uống rượu ngâm “tay” gấu hay pha bột sừng tê giác… mà không xấu hổ tí nào. Tôi chứng kiến nhiều cán bộ đãi đằng thịt thú rừng với đối tác và… nhà báo, khi có ai đó ý nhị thắc mắc: thì họ cười cợt, thú này bên Lào về, chứ có phải của rừng ta đâu. Da nó vàng khé khi lên mâm thế này là vì rừng cháy nó đã vô tình bị thui chết.

Các câu chuyện có thật đó đã ám ảnh tôi về cách chúng ta NHẪN TÂM với tri thức, tâm huyết và nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nhân loại tiến bộ trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.

Điều tra dọc Việt Nam năm 2021, chúng tôi chứng kiến các “địa ngục” thú rừng hết sức đáng thương ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Một số cuộc giải cứu động vật “chưa từng có trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam” gần đây, chính các nhà báo (xin giấu tên) trong tòa soạn chúng tôi đã quyết liệt điều tra rồi tham gia tố giác đến công an trước đó. “Khoe” như vậy, để nói rằng, chúng tôi ít nhiều tự tin để đưa ra nhận định của mình.

Một trùm nấu cao hổ ở Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc, chúng tôi đã gửi tài liệu và cơ quan điều tra vào cuộc. Ảnh: FB tác giả

Thói quen sử dụng động vật hoang dã (ĐVHD) đến nay vẫn “ăn sâu bám rễ” vào nhiều người quá mức: lỗi là do luật của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm. Vi phạm liên quan đến động vật rừng thông thường (chưa nói quý hiếm!) đã có thể bị phạt hơn chục năm tù hoặc lên tới tiền tỷ. Thế mà! Chúng tôi đi dọc miền Trung, Tây Nguyên, cứ đút tay túi quần, lái xe vào tận sân nhà người bán buôn, giết mổ ĐVHD. Hất hàm hỏi một cái, là ông bà chủ “dạ, vâng” lao ra, giới thiệu mặt hàng, tiết lộ mánh khóe. Thậm chí, tê tê cả con đang sống cũng được xách ra tận bàn tiệc, cắt tiết giết mổ nếu khách chọn.

Ở Tây Nguyên, một trùm buôn ngà voi nói thẳng, “bọn làm bảo tồn với bọn nhà báo hay đi quay lén tố cáo chị lắm. Chị cấp hàng cho cán bộ để họ đi ngoại giao. Phải “cho họ quà” (sản phẩm ĐVHD) để họ không bắt mình chứ. Bà chủ nhà hàng ở tỉnh Kon Tum thì rành rành nằm vào hàng lãnh đạo huyện. Thế mà chị quản lý khu giết mổ quy mô lớn, nhiều năm chạy chọt đưa ĐVHD vượt biên để kiếm siêu lợi nhuận.

“Vựa thịt thú rừng” ở TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) với vô số lồng sắt nhốt đủ mèo rừng, cầy hương, rùa hoang dã, kỳ đà, cheo cheo, dúi rừng. Nhà hàng kế bên, cô gái trẻ thao thao nói về món bạt đầu linh trưởng, múc óc…, đầu lâu con vật tội nghiệp thì hầm cháo đậu đen. Bao năm nay em vẫn làm cho khách thế. Trước khi bị làm sáu món, “con tê tê nó cuộn tròn đáng yêu lắm”.

Tại VQG Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ảnh: FB tác giả

Chúng tôi mật báo với Cục Kiểm lâm, với Công an và Kiểm lâm các tỉnh, các đồng chí ập vào: cơ bản các mẻ lưới đã được cất “chuẩn xác”.

Vậy, nói toạc móng heo ra là gì? Là chả cần phải điều tra. Anh bán thì có chị mua, ông làm nhà hàng thì có bà làm thực khách. Cứ công khai vào và gọi món, là chứng kiến tất cả. Cứ đóng vai gặp vài mối, mối nọ nhậu với mối kia, tán tỉnh vài câu, thì tất cả các cánh cửa đều mở toang cho “nhà điều tra” tiến vào.

ôi coi đây là vụ tiêu biểu cho chiêu trò… giả vờ bảo vệ ĐVHD của không ít cán bộ hữu trách. Phát hiện con khỉ này bị nuôi nhốt trái phép và có nguy cơ… “chạy vào nồi cao khỉ”, chúng tôi đã báo cáo cho kiểm lâm tỉnh Quảng Nam để cứu hộ. Song, sau nhiều lần nghe báo cáo: đến tịch thu mà không tìm thấy khỉ. Dù đó là ven quốc lộ và chúng tôi cho địa chỉ rất rõ ràng. Lần thứ 2 chúng tôi quay lại chụp bức ảnh này, tiếp tục tố cáo, thì phát hiện ra cơ quan chức năng chưa hề… ra quân. Ngôi nhà kế bên khu nhốt khỉ này là “thủ phủ” buôn bán sơn dương, cầy hương và nhiều loài hoang thú khác. Ảnh: FB tác giả

Vậy, thử hỏi, trước đó, bao nhiêu lực lượng “nằm vùng”, ăn lương và được đào tạo bài bản, được cung cấp công cụ hỗ trợ hiện đại (để trấn áp khi cần) ở Trung ương và các địa phương, sao họ không điều tra và xử lý được các vi phạm gần như công khai đó?!

Vài nơi, trước sức ép của báo chí, cơ quan chức năng không thể không đi kiểm tra. Đi kiểm tra có khi “thông báo kế hoạch trước”. Thấy mấy con cầy, nhím, xử lý hành chính rồi về. Cảm ơn nhà báo nhé.

Xin thưa, họ chỉ kiểm tra đúng chỗ chúng tôi tố cáo và đúng giai đoạn chúng tôi vừa mới ghi hình thôi. Tức là một lát cắt nhỏ bé của sự thật. Đó chỉ là “phần nổi của tảng băng” mà thôi. Vấn đề là BÀN TAY THÉP của lực lượng cơ sở, các đơn vị nghiệp vụ cần liên tục và minh bạch ra tay xử lý. Xử lý thực tâm để có tính răn đe, và nâng cao nhận thức bảo tồn.

Một “mặt nạ” bày bán ở Kon Tum, cơ bản toàn bộ được phủ da thú rừng, thú chơi này ngày càng phát triển thì sẽ là nguồn “cầu” làm cho ĐVHD bị tàn sát nhiều hơn. Ảnh: FB tác giả

Nhiều năm điều tra, viết giáo trình, giảng dạy báo chí điều tra rồi dẫn nhiều cán bộ trong các chuyên án đi “trinh sát” ở lĩnh vực này, tôi nghiệm ra: để chống lại nạn tàn sát ĐVHD, thiếu cái gì cũng có thể bổ sung được, nhất là khi mà lương dân với các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế luôn có sẵn nhiều nguồn lực để hỗ trợ. Nhưng! Thiếu một quyết tâm hành động và sự trung thực trong thực thi luật pháp ở địa phương, THÌ CHÚNG TA CHẮC CHẮN SẼ TIẾP TỤC TỔN THẤT NGHIÊM TRỌNG CÁC LOÀI HOANG DÃ, QUÝ HIẾM.

QUAN TRỌNG HƠN, CHÚNG TA CÓ THỂ SẼ ĐÁNH MẤT NIỀM TIN/ DỘI GÁO NƯỚC LẠNH VÀO TÂM HUYẾT CỦA NHỮNG NGƯỜI THẬT SỰ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI BẢO TỒN THIÊN NHIÊN. MẤT NIỀM TIN LÀ NGUY HIỂM NHẤT.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

Comments are closed.