Giáo dục quái đản, thầy giáo… tháo giầy!

Lê Thiên

20-10-2021

Thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn. Nguồn: GDVN

Vụ thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn ở Việt Nam đệ đơn xin thôi việc gây xôn xao dư luận trong nước, cả trên truyền thông “lề đảng”, lẫn báo chí lề dân.

Hai luồng dư luận nếu không đối lập nhau, thì cũng chẳng đồng hành với nhau. Cụ thể, báo “lề đảng” Tiền Phong trong nước, ngày 12/10/2021, đăng lại bài của báo Dân Trí (cũng thuộc “lề đảng”) với cái tít: Thầy giáo xin nghỉ việc lý do ‘vấn nạn dối trá’: Đừng cả giận mà…mất khôn!Dạy dỗ hay cảnh cáo đây?

Trong khi đó, BBC ngày 13/10/2021 đưa ra cái tựa đề có vẻ cẩn trọng:Việt Nam: Thầy giáo xin nghỉ ‘vì nạn dối trá’, được giới chức ‘động viên’. Còn trang web RFA (Đài Á Châu Tự Do), ngày 12/10/2021 thì dường như có chút đắn đo: Thấy gì qua việc thầy giáo xin thôi việc vì môi trường ‘phi giáo dục, dối trá’”?

Báo Tiền Phong và Dân Trí nói gì?

Trở lại với báo Tiền Phong và Dân Trí, người ta thấy tiềm ẩn cái luận điệu giáo điều mang tính răn dạy, phê phán và thậm chí quy kết thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn “gây tác động tiêu cực” cả trong môi trường giáo dục, lẫn môi trường chính trị xã hội tại Việt Nam. Nguyên văn lời nhắn bảo của bài báo dành cho thầy giáo Sơn: “… dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy cũng cần giữ cho mình chuẩn mực nhất định”, với lời phê phán chắc nịch: “Ngôn ngữ trình bày trong đơn xin nghỉ việc chưa được trong sáng, gây tác động tiêu cực”. Nâng quan điểm! Khiếp chưa?

Rồi để tỏ ra khách quan, Tiền Phong (và Dân Trí) cùng bề hội đồng thầy Sơn cô thân độc mã bằng cách lu loa rằng “Nhiều người cho rằng nội dung, câu từ mà người thầy đề cập trong đơn xin nghỉ việc chưa được trong sáng, phản cảm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo. Bên cạnh đó, một số ý kiến bày tỏ sự xót thương khi lá đơn của thầy Sơn phần nào phản ánh một ‘nỗi đau’ của nền giáo dục nước nhà”. “Nhiều người”? Căn cứ vào đâu để phán rằng “nhiều người cho là…” thế này thế khác? Và thế nào là đạo dức nhà giáo? Trung thực không là đạo đức nhà giáo sao?

Tức nước vỡ bờ

Thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn là giáo viên Trường Tiểu học An Lợi (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Thầy đã từng kinh qua 25 năm nghề dạy học trong môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhưng rồi sau 25 năm cống hiến ấy, thầy Sơn đã buộc lòng làm đơn xin thôi việc, với lý do “công tác trong ngành giáo dục nhưng thấy có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá“.

Thầy Sơn cho biết, mình đã từng lên tiếng, chỉ ra những bất cập trong giáo dục – ít ra ở tại địa phương của thầy. Như vậy, việc thầy Sơn lên tiếng và quyết rời ghế nhà trường – ghế nhà giáo, không phải là cái kết của hiện tượng tâm lý ức chế cùng cực sao? Sao không cảm thông, không chia sẻ mà lại (nhiều người) xúm vào bề hội đồng thầy?

Thầy Sơn tâm sự: “Cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng dựa trên tiêu chí hồng hơn chuyên nên không có người giỏi để quản lý, lại còn tập quyền nên hiệu trưởng là vua một cõi dễ bị tha hoá; mà hầu như ban giám hiệu là nguyên nhân chính gây chia rẽ nội bộ. Tốt nhất hiệu trưởng nên để cho giáo viên lựa chọn, có vậy mới chọn được đúng người có tâm, có tầm, có trách nhiệm với giáo viên và học sinh. Tránh được nạn chạy chức chạy quyền”. (BBC ngày 13/10/2021, trích dẫn lời chia sẻ của thầy Sơn trên Viettimes, cùng ngày 13/10/2021).

Thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn đã từng dạy học 25 năm trời, có nghĩa là thầy đã có quá trình sinh hoạt lâu dài trong ngành giáo dục XHCN VN. Như vậy, trải qua trọn một phần tư thế kỷ sống với nghề giáo, hẳn thầy Sơn phải là người yêu nghề và thương yêu học trò mình, gắn bó với môi trường giáo dục. Đằng này thầy dứt khoát giũ áo ra đi, chắc phải có nguyên nhân chính đáng và sâu xa. Thầy Sơn đã không trải qua một cuộc dằn co ác liệt trong tâm tư, tình cảm lẫn ý chí của thầy sao? Để rồi cuối cùng thầy chấp nhân làm kẻ thua cuộc, giũ áo ra đi!

Hai mươi lăm năm sống trong nghề giáo, hẳn từ lâu thầy Sơn đã chứng kiến (và sống) trong bầu khí ồn ào của nền giáo dục CSVN tả-pí-lù vào những năm đầu thế kỷ 21 mà chính Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng gào thét dịp khai giảng năm học 2006-2007 hãy dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất…” (Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết… dịp khai giảng năm học mới 2006-2007).

Nhớ về niên khóa 2006-2007

Hồi đó, giữa niên khóa 2006-2007, Nhà Xuất bản Thông tấn của CSVN tung ra quyển sách dày hơn 350 trang. Quyển sách gồm 3 PHẦN: I. Thực trạng của nền GDVN. II. Nguyên nhân của những yếu kém. III. Để Giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

Chính ở những trang đầu quyển sách, người ta đọc thấy bài chính luận của Nguyễn Thiên Nhân (bấy giờ đang là Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo) với lời tiên tri “10 năm tới Giáo dục Việt Nam sẽ khác”. Nghĩa là theo ông Nhân, “trong 10 năm tới (đến năm 2016), nền giáo dục Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới…” huy hoàng.

Giờ đã hơn 10 năm rồi, thưa ông Nhân! Con số không! Và người ta vẫn còn loay hoay thay đi đổi lại, thậm chí cả sách Giáo khoa cho Lớp Một! Phải chăng đó là vì ông Nhân không chỉ ra những bước phát triển mới ấy là thế nào, mà chỉ lẩn quẩn ở công thức chung chung mơ hồ đao to búa lớn rằng “xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hóa – công nghiệp hóa đất nước”? Nghĩa là ông Nhân không bước ra nổi khỏi cái vòng lý luận mác-xít lê-ni-nít lỗi thời. Thế thì cái cơ chế giáo dục xã hội chủ nghĩa làm sao đổi mới được trong cái tư duy tuyên truyền láo khoét, rỗng tuếch?

Vũ Như Cẫn… ông là ai vậy?

Giáo dục VN từ năm 2007 đến năm 2021 đã trải qua không phải 10 năm như ông Nhân tiên tri, mà đã 14 năm chấn chỉnh, đổi mới! Thế nhưng đến nay, đọc lại cuốn “Giáo Dục, những lời tâm huyết”, người ta chỉ thấy mấy bài viết trong Phần I (Thực trạng của nền GDVN) và trong Phần II (Nguyên nhân của những yếu kém…) còn chính xác. Phần III (Để Giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu) chỉ là những bánh vẽ, ước vọng hão huyền, những “viễn kiến” bay trên mây trên gió không đáp ứng thực chất yêu cầu chỉnh đốn giáo dục đang còn mang quá nhiều thương tích và bất cập.

Phải chăng vì vậy mà thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn trăn trở và cảm thấy bị tác động đến nỗi không còn nghị lực để đi tiếp con đường mình đã đi. Chỉ vì đến nay thực trạng nền Giáo dục CSVN vẫn là “hư học, hư làm, hư tài” (Sđd, trang 30); người ta “làm sao lớn được với nền giáo dục yếu kém” (trang 58); “một quốc nạn còn đáng ngại gấp bội tệ nạn tham nhũng” (trang 93)?

Thử hỏi đến nay người ta đã dứt được chưa “nạn gian dối trong giáo dục” (trang 60)? Đã dứt hết chưa “tình hình học giả bằng thật”? Đã triệt tiêu được chưa hiện tượng “sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ”… cùng vô số những gian dối khác trong giáo dục mà cuốn sách dẫn trên đã chỉ ra?

BBC cho biết, thầy Sơn bày tỏ phẫn nộ: “Sự dối trá trong giáo dục ngày nay thể hiện qua rất nhiều khía cạnh như làm láo báo cáo hay về hồ sơ – giáo án, dự giờ, bệnh thành tích… tôi chắc chắn trường nào cũng có nhưng với trường tôi thì nạn dối trá nó nghiêm trọng hơn nhiều”. Thầy Sơn nói rõ: “Tôi đã 2 lần làm đơn tố cáo những sai phạm ấy, mặc dù đã có kết luận nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.

Tức nước vỡ bờ là vậy! 25 năm trong nghề dạy học, trong ngành giáo dục, 25 năm chịu đựng đắng cay, 25 bẽ bàng trong thân phận đóng vai robot ở bục giảng, giờ thầy giáo Sơn đành bước xuống, ra đi trong thân phận ê chề “thầy giáo, tháo giầy”!

Người ta nhanh tay ký thuận cho thầy ra đi! Rõ ràng phần thắng đã thuộc về người ta, bởi vì người ta chộp được thời cơ để nhổ đi cái gai nhọn! Thầy đâu ngờ mình “đấu tranh” để hoàn kiếp “đánh trâu”! Khốn nỗi! Trâu đâu cho thầy Ngọc Sơn “đánh trâu” đây?

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Ông Béo, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Thôi, giũ áo ra đi là đúng rồi, người có liêm sỹ thì đâu thể ngồi chung chiếu với phường bất lương. Hãy hiên ngang như luật sư Võ An Đôn, về nhà làm rẫy chăn bò nhưng vẫn giữ khí tiết một quân tử.

  3. Nhiệm vụ của báo Đẻn là luôn chấn chỉnh những hành vi phi giáo dục xhcn. Nhiêm vụ của trí théc xhcn cần phải luôn có tinh thần ” ôn hòa có học” . Thế mới giữ vững ổn định chế độ để mà mần ăn

  4. Nền giáo dục Việt Nam như một cơ thể bệnh hoạn, ung nhọt nảy sinh từ trong nội tạng cho đến ngoài da, khắp nơi sưng tấy, mưng mủ khiến một học sinh lớp Tám phải thốt lên rằng, đó là một nền giáo dục thối nát.

    Nạn dạy thêm, học thêm, bắt học sinh phải mua sách, mua đồng phục của trường với giá đắt, các khoản thu ngoài quy định… đã được tố cáo nhiều trên mạng cả lề dân lẫn lề đảng nhưng chỉ như ném đá ao bèo, đâu vẵn đóng đấy, kéo dài suốt năm này sang năm khác.

    Sự kiện thày Sơn, thày Khoa và biết bao thày cô khác lên tiếng tố cáo sự thối nát của ngành giáo dục, ăn ruỗng cả một bộ máy quản lý từ bộ đến các phòng giáo dục quận huyện, nhưng bộ máy ấy vẫn trơ như đá, vững như đồng. Cả “hệ thống chính trị ” vừa ngấm ngầm, vừa công khai chống lưng cho bộ máy thối nát đó vận hành.

    Một hệ thống loa đài cộng sản ra rả từ “học thật tốt dạy thật tốt” đến “thày ra thày trò ra trò”, “đất nước ta đã bao giờ được như thế này chưa”… đang ra sức lấp liếm cho cái thực trạng đau đớn ấy. Chúng hô hào cải tiến, cải cách hàng chục năm nay, nhưng hầu như đó chỉ là cái cớ cho lũ sâu mọt đục khoét thêm công quỹ tiền bạc của dân.

    Cộng sản có lẽ không thể thay đổi, mà phải thay thế chúng.

  5. “Trung thực không là đạo đức nhà giáo sao?”

    Giời ạ, giải phóng rồi . Ai nói ra được câu này chắc vẫn sống trong hang gần 5 chục năm nay

    “Thế thì cái cơ chế giáo dục xã hội chủ nghĩa làm sao …”

    Ông biết “cơ chế giáo dục xã hội chủ nghĩa” nhưng muốn nó “bước ra nổi khỏi cái vòng lý luận mác-xít lê-ni-nít”. Hồ Ngọc Đại áp dụng chủ nghĩa Mác vô giáo dục được giải thưởng Phan Chu Trinh về giáo dục thì đừng có mong nhá .

    Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mình hổng đến nỗi đâu . Trí thức nhà mềnh từ già tới trẻ, ai cũng hết ý cả . “học giả, thi giả” nhưng cho ra trí thức thật . Trên cả tuyệt vời luôn! Chu Mộng Long vẫn làm ông lão đưa đò & cái đò đó chưa lật bao giờ, No Star Where. Những ai không thích như ông giáo Lê Trần Ngọc Sơn thì cứ việc lượn đi cho nước nó trong . Hãy gia nhập đội quân ruồi muỗi, để cho các trí thức tụi nó yên .

Comments are closed.