Quách Hạo Nhiên
6-10-2021
Phần 1: Trí thức và cái bẫy “Phản biện xã hội”
1. Mở đầu
Lâu nay, chúng ta đã từng nghe nói, xã hội Việt Nam đang bị khủng hoảng các giá trị nền tảng, xuống cấp và suy đồi về đạo đức, văn hóa. Về chuyện này, có lẽ cũng không phải bàn cãi vì chính các vị đại biểu quốc hội nước nhà cũng từng thừa nhận trong các cuộc họp khá nhiều lần. Vấn đề là nguyên nhân của thực trạng này là do đâu? Vì sao nên nỗi?
Trước hết, có lẽ cũng nên thành thật với nhau rằng, cốt yếu và sâu xa nhất của thực trạng này bắt nguồn từ “thượng tầng kiến trúc”, từ giới lãnh đạo cầm quyền mà ra. Bởi “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Hay nói khác đi, những kẻ đang nắm trọn quyền điều hành đất nước trong tay nhưng không những bất tài mà tha hóa, suy đồi thì làm sao mang lại sự phồn thịnh, vững bền cho quốc gia, dân tộc được.
Dẫu vậy, có câu “nhân dân nào chính quyền đó”. Dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận các quan chức, lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao trong bộ máy công quyền vốn từ nhân dân mà ra. Nếu chỉ xét ở phương diện trình độ học vấn thông qua các mảnh bằng thì những người này đương nhiên cũng thuộc tầng lớp những trí thức trong xã hội. Đa phần họ cũng được đào tạo dưới mái trường XHCN, sau nữa là rèn luyện trong “môi trường rất đặc thù” – các lớp “bồi dưỡng chính trị” (từ sơ cấp đến cao cấp) dựa nền tảng ý thức hệ cộng sản theo “quy trình” quy hoạch và lựa chọn nhân sự rất “chặt chẽ” và “bài bản” của “đảng ta”.
Nhìn ở phương diện này, có thể nói sự suy đồi và xuống cấp về đạo đức, văn hóa trong xã hội Việt Nam hôm nay, dù có biện minh thế nào thì tầng lớp trí thức nước nhà cũng khó mà thoái thác trách nhiệm. Bởi “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” huống hồ là trí thức.
Tiếc thay, quan sát những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam thời gian gần đây, nhìn lại những cuộc trao đổi, bàn thảo xung quanh đề tài về tầng lớp trí thức ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, đang có một sự cố tình né tránh trách nhiệm này.
Không những vậy, không ít người còn đổ hết cho thể chế và các quan chức, lãnh đạo trong bộ máy chính quyền như một cách để chứng minh bản thân mình trong sạch; hoặc chẳng liên quan gì đến sự tụt hậu, suy đồi của xã hội và đất nước hôm nay dù rằng chính họ chứ không phải ai khác từng một thời là yếu nhân trong bộ máy chính quyền, từng thay mặt thể chế trực tiếp điều hành các phần việc trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Đáng nói hơn, sự đổ lỗi này lại rơi đúng ngay tầng lớp trí thức trong vai trò những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà giáo, nhà báo…- những “cây đa, cây đề” trên tay vẫn đang cầm sổ hưu và thẻ đảng. Và lạ thay, khi thì thấy họ mắng “đảng ta” không tiếc lời, khi thì tự hào khoe có con cháu hay học trò mình đang giữ chức vụ, lãnh đạo rất cao trong bộ máy công quyền?
Ở giác độ văn hóa, cá nhân tôi cho đây là một vấn đề, một hiện trạng rất nguy hiểm, cần được lưu tâm và mổ xẻ. Phải chăng đây chính là một “thói hư tật xấu” của người Việt – cụ thể là tầng lớp trí thức nước nhà hôm nay? Là nguyên nhân làm cho tầng lớp trí thức bị coi thường; tiếng nói phản biện họ hiếm khi được nhà cầm quyền tiếp thu dù các quan chức vẫn luôn miệng nói “trân trọng và lắng nghe”?
2. “Phản biện xã hội” hay là sự dễ dãi và ảo tưởng để được “phong hàm trí thức”
Gần đây, tôi có đọc được bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh trên trang facebook cá nhân của ông. Bài viết có nhan đề “Trí thức và tiếng nói phản biện”[1]. Bài viết này được rất nhiều bè bạn, đồng nghiệp của ông tán dương hết lời. Nội dung chủ yếu của bài viết là khẳng định vai trò của người trí thức bởi họ là “kho trí khôn”, “túi càn khôn”, “mỏ trí tuệ”… của quốc gia dân tộc. Đặc biệt Tạ Duy Anh nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm, “óc hoài nghi”, “tầm nhìn xa” và tiếng nói phản biện xã hội của người trí thức.
Những điều nhà văn Tạ Duy Anh nói, về cơ bản tôi cũng rất đồng tình. Dẫu vậy, liên quan đến vấn đề phản biện xã hội, quan điểm của Tạ Duy Anh gần như chỉ đề cập và nhấn mạnh đến việc người trí thức phải dám phản biện lại đường lối lãnh đạo của nhà cầm quyền nhất là ở những xã hội với thể chế độc đảng. Trong quan sát của tôi, có thể thấy, suy nghĩ này này không riêng Tạ Duy Anh mà cũng là cách nghĩ, một quan niệm phổ biến trong tầng lớp trí thức ở Việt Nam hôm nay.
Về chuyện này, cá nhân tôi thấy đồng cảm với quan điểm của GS Ngô bảo Châu trong bài trả lời phỏng vấn hơn 10 năm trước. Còn nhớ, năm 2012, phóng viên báo Tuổi Trẻ cuối tuần đã hỏi Giáo Sư NGô Bảo Châu câu hỏi rất giống với quan điểm của nhà văn Tạ Duy Anh bây giờ.
Phóng viên hỏi: “Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?”
Giáo sư Ngô Bảo Châu khi ấy đã trả lời:
“Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng. Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. [2]
Có thể nói, phản biện xã hội là khái niệm có nội hàm rất rộng. Ở những quốc gia đa đảng, đa nguyên tiếng nói phản biện xã hội của tầng lớp trí không chỉ thuần túy là phản biện đường lối chính trị, phản biện chủ trương chính sách của một đảng phái nào đó mà trải rộng ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống con người và xã hội. Quan trọng hơn cả là sự phản biện lẫn nhau giữa đội ngũ những người trí thức liên quan đến những phát minh, phát kiến, tư tưởng học thuyết chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp…Sự phản biện này chủ yếu diễn ra trong môi trường học thuật, trên tinh thần khoa học khách quan và được công bố rộng rãi trên các tạp chí, diễn đàn học thuật, các phương tiện thông tin truyền thông để công chúng tùy vào sự hiểu biết và mối quan tâm của mình mà tìm hiểu, nghiên cứu…
Trên cơ sở sự phản biện này, các chính khách, các nhà cầm quyền ở các quốc gia đa đảng sẽ vận dụng, áp dụng vào đường lối xây dựng đất nước khi họ đắc cử và nắm quyền lãnh đạo (theo từng nhiệm kỳ cụ thể).
Việt Nam là quốc gia độc đảng, chuyên chế và toàn trị. Dĩ nhiên việc những người trí thức lên tiếng phản biện chính quyền về những chủ trương chính sách trong việc quản trị quốc gia là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nhưng phải chăng, vì quá chú trọng đến vấn đề này nên không ít trí thức nước nhà lại rơi vào “cái bẫy phản biện” do chính mình giăng ra?
Nói khác đi, không khó để chúng ta nhận ra, việc phản biện xã hội của tầng lớp trí thức Việt Nam thời gian qua, đa phần chỉ chăm chăm vào phản biện thể chế chính trị, phê phán sự yếu kém của các quan chức lãnh đạo chính quyền mà cố tình quên đi hoặc làm ngơ trước những trì trệ khác của xã hội mà trong vai trò, trách nhiệm của người trí thức chính họ chứ không ai khác đã trực hoặc gián tiếp gây nên.
Một cách chân thành và trung thực nhất chúng ta hãy nhìn lại vai trò của một bộ phận trí thức trên lĩnh vực Văn Hóa và Giáo dục kể từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập từ 1986 đến nay thông qua các công trình, đề án, dự án của họ được nhà nước tuyên truyền và phổ biến trong dân chúng. Gần nhất là vai trò những người tham gia vào công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” với tư cách người trực tiếp thực hiện và phản biện đề án này ra sao.
Đành rằng giáo dục ở Việt Nam hiện nay trên thực tế chỉ là “cái vòng tròn nhỏ trong cái vòng tròn lớn” (Nguyên Ngọc). Về tư tưởng chính trị dĩ nhiên “Đảng ta” vẫn đang kiểm soát mọi thứ. Dẫu vậy, trong từng phần việc cụ thể như: xác định mục tiêu chương trình giáo dục, vấn đề biên soạn và thẩm định nội dung các bộ SGK, hay việc tổ chức hoạt động dạy và học trong nhà trường, việc đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông ở các trường đại học sư phạm trên cả nước… đều do đội ngũ trí thức bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục trong từng lĩnh vực đảm nhiệm.
Đành rằng lãnh đạo Ban Tuyên giáo của “Đảng ta” vẫn kiểm soát về tư tưởng chính trị nhưng trong từng phần việc và công đoạn cụ thể họ vẫn dựa và tham mưu, tham vấn từ những công trình nghiên cứu về khoa học giáo dục, tư duy và phương pháp của đội ngũ trí thức nước nhà để triển khai.
Nhà cầm quyền cũng rất kỳ vọng về lần đổi mới này khi đã “chọn mặt gửi vàng” những “trí thức” mà họ tin tưởng. Nhưng kết quả thì sao? Các bộ SGK lớp 1, lớp 2 vừa được biên soạn và thông qua theo chương trình giáo dục mới đã và đang gây thất vọng và phẫn nộ trong xã hội. Tại sao như vậy? Trách nhiệm này thuộc về ai? Có phải chỉ do nhà cẩm quyền, do thể chế độc đảng này gây ra hay không? Những cá nhân trực tiếp gây ra sự thất vọng này đã ứng xử như thế nào trong tư cách của một người trí thức?
Một vấn đề khác, liên quan đến vấn đề đào tạo Tiến sĩ hay phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư thời gian qua. Đây là phần việc cụ thể mà nhà cầm quyền cũng dựa trên sự tham mưu và tư vấn từ đội ngũ trí thức nước nhà để triển khai. Khách quan mà nói, quy trình đào tạo Tiến sĩ và phong hàm PGS, GS ở Việt Nam về cơ bản phải qua rất nhiều vòng và cũng tương đối chặt chẽ nhưng tại sao chất lượng của đội ngũ này chưa bao giờ thôi là đề tài châm biếm, giễu cợt của xã hội mỗi khi nhắc đến?
Về vấn đề này, theo chúng tôi trước hết cũng phải nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của chính đội ngũ trí thức nước nhà trong tư cách những nhà khoa học, nhà giáo dục. Thực tế là, có không ít người sau khi nhận ra những bất cập trong quy trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ; điều kiện để phong học hàm PGS, GS nên đã đề nghị ngành giáo dục phải siết chặt và nâng cao tiêu chuẩn cho phù hợp với “thông lệ quốc tế”…
Thế nhưng, đáng buồn thay, trong nhiều trường hợp chính họ chứ không phải ai khác, trong tư cách người hướng dẫn hoặc phản biện đã “dễ dãi” thông qua các luận văn, luận án, công trình khoa học kém chất lượng; gây ra cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Một số “cây đa cây đề” ngoài miệng thì lên án, mỉa mai trình độ của các quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy cũng chính họ đã bỏ phiếu thông qua để cấp bằng và phong học hàm cho chính các quan chức kia. Đây là gì nếu không phải là sự suy đồi và tha hóa của của một bộ phận trí thức ở phương diện đạo đức nghề nghiệp, đạo đức khoa học vì đã “nói một đằng làm một nẻo”, rất không trung thực?
Đến đây, có thể nói, phản biện xã hội hoàn toàn không phải chỉ găn với phản biện chính trị, phản biện thể chế, phản biện các chính khách cầm quyền. Hay một số người thậm chí còn đồng nhất hai vấn đề này khi lên tiếng công kích những cá nhân thường ngày lặng lẽ, âm thầm làm việc chuyên môn, ít khi lên tiếng phản biện nhà cầm quyền trên các phương tiện truyền thông.
Việc đồng nhất vấn đề phản biện xã hội với phản biện thể chế chính trị không những thu hẹp nội hàm và ý nghĩa của khái niệm này mà còn vô tình hạ thấp vai trò và trách nhiệm của tầng lớp trí thức ở các lĩnh vực khác. Đây là nhận thức sao lầm và nguy hiểm. Tiếc thay, lại là điều mà không ít trí thức hiện nay ở Việt Nam vướng phải.
Một nhà văn viết ra tác phẩm với tư tưởng mới mẽ, mang đến cho độc giả một sự sảng khoái về xúc cảm thẩm mỹ cũng là đang làm cái việc phản biện xã hội rồi. Bởi một suy nghĩ mới, ý tưởng mới, lối viết mới tự bản thân nó là đã phản biện lại lối nghĩ, lối viết cũ của chính anh ta hay những nhà văn trước đó.
Tương tự như thế là với nhà khoa học, nhà giáo dục,… Những công trình, những phát minh, những sáng kiến khoa học hay việc giảng dạy, truyền thụ của họ nếu giúp cho thế hệ trẻ ngày một trưởng thành hơn về tư duy, nhận thức, lối hành xử, ứng xử cao đẹp trong cuộc sống như thế cũng là đang phản biện lại sự trì trệ và xấu xa trong xã hội.
Nếu Ngô Bảo Châu không chứng minh Bổ đề cơ bản thì liệu có mấy người trong nước biết đến? Nếu không được trao giải Fields thì tiếng nói phản biện của ông (nếu có) liệu có được nhà cầm quyền tôn trọng và lắng nghe? Vai trò và vị trí của người trí thức trong xã hội trước hết phải được đánh giá như thế chứ không phải và không nên chỉ nhìn ở việc anh ta có lên tiếng phản biện lại nhà cầm quyền hay không?
3. Tiểu kết
Có thể thấy, thời gian qua, chính cách nghĩ có phân dễ dãi khi đồng nhất vấn đề “phản biện xã hội” với phản biện hay thậm chí phê phán thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam đã làm cho không ít người trở nên ảo tưởng. Có người giờ đây, dù chẳng chẳng học hành gì, chẳng có thành tựu gì nhưng cũng lên tiếng “phản biện” chính quyền rất máu lửa để được xã hội “phong hàm trí thức”. Thậm chí, chỉ cần lên mạng xã hội “treo” vài ta tút mắng chửi, công kích chính quyền bất kể đúng sai là được phong thành nhà dân chủ, trí thức cấp tiến, được cộng đồng mạng tung hô hết lời.
Chúng ta không phủ nhận một xã hội muốn phát triển theo hướng văn minh cần có tiếng nói phản biện của thành phần trí thức. Dẫu vậy, người trí thức trước khi phản biện cần phải biết phản tư, phải tự soi rọi lại chính mình, tự vấn lương tâm mình.
Sự tự vấn này rất quan trọng vì sẽ giúp cho những người trí thức đang ra sức đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ trong xã hội không rơi vào cái bẫy của sự độc đoán và ảo tưởng – vấn đề mà bản thân anh luôn miệng phản biện lại nhà cầm quyền. Bởi suy cho cùng bản thân anh cũng là một cá thể góp phần làm nên cộng đồng và xã hội này.
Ở phương diện khác, là trí thức, điều quan trọng và trước hết anh phải trung thực với bản thân. Trung thực để nhìn nhận những việc làm của mình trong tư cách những nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà văn hóa, nhà nghệ sĩ… Những việc làm ấy có đúng đắn không, đã tác động và ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội cả mặt tích cực lẫn tiêu cực?
Tóm lại, sự suy đồi và xuống cấp về đạo đức, văn hóa ở xã hội Việt Nam hôm nay không phải chỉ do “Đảng ta” mà còn do chính đội ngũ trí thức nước nhà ít nhiều đã trực hoặc gián tiếp gây ra. Những người trí thức hôm nay nếu không dũng cảm thừa nhận trách nhiệm của mình để thay đổi, ngược lại chỉ chăm chăm phản biện và đổ lỗi cho ngoại giới, cho tha nhân là không trung thực với bản thân, và nhất là đang vô tình tự hạ thấp chính mình, giới mình.
Nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu là: người trí thức “có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo nhưng cũng như lãnh đạo anh ta không độc quyền chân lý”.
Trí thức mà độc quyền chân lý, không dũng cảm chịu trách nhiệm cho những sai lầm của bản thân cũng nguy hiểm không khác gì những chính trị gia, các nhà lãnh đạo độc tài mà anh ta đã lên tiếng phản biện và phê phán.
_____
Chú thích nguồn:
[1]: “Trí thức và tiếng nói phản biện” – (Tạ Duy Anh)
[2]: “Giáo sư Ngô bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai” – (TT)
“Nhân dân nào chính quyền ấy” đừng có cái gì cũng đổ lên đầu dân
Không có bọn trí thức nhà các bác thổi đít cái đảng hochomeo hết thế hệ này đến thế hệ khác thì lầm sao cái đảng hochomeo này sống dai như đỉa vậy