Những chị Dậu thời nay (Phần 1)

Nguyễn Thông

3-10-2021

Sáng 15.8, coi hình ảnh từng đoàn mấy trăm người cần lao, chủ yếu là bạn trẻ, gia đình vợ chồng trẻ cùng con nhỏ, đùm đúm trên chiếc xe máy, cả gia tài đem theo, thậm chí con chó nhỏ cũng chất lên xe, nghĩa là tài sản sau nhiều năm mưu sinh chỉ có bấy nhiêu, không còn gì để lại, kéo nhau về quê để trốn dịch trốn đói, ai cũng phải động lòng thương xót.

Đã thế, nhà chức trách, công an, dân phòng, cán bộ tuyên truyền cầm gậy cầm loa ra chặn đường, dựng hàng rào, chăng dây ngăn, không cho họ tiếp tục chuyến hồi hương, thuyết phục họ quay trở lại. Đi cũng dở, ở không xong. Trở đi cách núi, trở lại cách sông. Tất cả đành lủi thủi về chỗ cũ, về nơi cuối đường hầm, không còn chút hy vọng. Nhìn sự đời tang thương ấy, tôi sực nhớ cái tâm trạng của chị Dậu, người đàn bà cùng khổ điển hình, được cụ đầu xứ Tố tả trong truyện “Tắt đèn”. Không tiền nộp sưu cứu chồng, cả nhà nhịn đói triền miên, gia cảnh rách nát, địa chủ ức hiếp dồn đến chân tường, người đàn bà tên “chị Dậu” ấy buột mồm than: “Về thì đâm đầu vào đâu?”. Sáng 15.8 cũng vậy, cứ văng vẳng tiếng kêu tuyệt vọng “về thì đâm đầu vào đâu?”. Chắc chắn nó còn vẳng mãi nhiều ngày sau nữa.

Đây không phải lần đầu dân chúng lao động nhập cư “ra đi là sự đã liều/mưa mai chẳng quản, nắng chiều cũng cam”. Hồi tháng 7 đã diễn ra cuộc chạy trốn lớn thứ nhất, liều mạng phá vây dữ dội hơn lần này nhiều, hàng nghìn người, mấy nghìn người chạy xe, lội bộ, bồng bế, cõng, dắt díu nhau kéo đàn kéo lũ vội vàng bỏ miền đất hứa Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để về quê nghèo miền Trung, miền Bắc. Có người “diện” xe máy bám đường thiên lý từ Đồng Nai về tới tận… Lào Cai, gần 2.000 cây số. Có người lội bộ cả nghìn cây. Có gia đình quyết định đạp xe đạp về Nghệ An quê bác…

Cứ về đã, chứ bản thân họ chưa biết tương lai ra sao nhưng hiện tại thì rõ quá, u ám, bi đát, cùng quẫn, bế tắc. Đã mấy tháng, nhà máy xí nghiệp đóng cửa, mất việc làm, không tiền lương, không khoản thu nhập nào, không tiền chi trả khoản thuê nhà trọ, tiền điện tiền nước, nước lã cầm hơi, mì gói xót lòng, những chút từ thiện bố thí của người tốt (chứ không phải của nhà nước) như muối bỏ bể, thuốc cam cho voi. Chỉ nghe nhà nước, chính quyền, ông nọ bà kia và báo chí tivi khuyên gào “ai ở đâu hãy ở đó” mà chẳng hề nói ở lại thì ăn bằng gì, sống bằng gì, tiền ai cho. Dịch đáng sợ nhưng không sợ bằng chết đói. Chỉ còn cách bỏ về, may thì sống, chứ ở lại có thể chết. Ông Mười Cúc Nguyễn Văn Linh khi xưa chả sổ toẹt thẳng băng “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nay họ làm theo ông ấy.

Những năm xa, khi vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ hình thành, phát triển, người lao động tứ xứ đổ về, trong đó đông nhất là từ miền Trung và miền Bắc. Điều đó dễ hiểu, bởi nước chảy chỗ trũng. Ở quê không sống nổi, cứ nghèo bền vững mãi, thì phải tìm nơi mưu sinh. Họ, hàng triệu người trẻ già nam nữ, đã chọn cách tha hương (hương là quê, tha là người khác, tha hương là quê của người khác, sống tha hương là mưu sinh ở quê người khác; còn tha phương cầu thực là tới chốn (phương) khác để kiếm miếng ăn). Yêu quê, ai chẳng yêu, nhưng quê nghèo đói không sống nổi thì đành ra đi.

Chưa thấy có nghiên cứu kinh tế hoặc xã hội học nào tìm hiểu sâu về cuộc dịch chuyển, di dân cơ học mang yếu tố kinh tế-xã hội này, diễn ra trong suốt mấy chục năm cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Các nhà nghiên cứu nước mình, những giáo sư tiến sĩ, thật lạ, cái gì cũng tỏ ra am hiểu, cũng biết, nhưng rút cục chả biết làm gì, ngoài ngồi phòng máy lạnh nghiên cứu. Những cuộc di dân thê thảm ấy có nhiều nguyên nhân, mà một trong những điều hệ trọng bị ém đi, là chính quyền những địa phương quê người bỏ xứ đã rất kém. Họ chỉ làm quan lãnh đạo, ông nọ bà kia, hưởng chức quyền bổng lộc nhiệm kỳ, chứ không mấy người có đầu óc tổ chức, quản lý, quản trị, khiến vùng đất mà họ trị nhậm cứ chìm mãi trong nghèo đói, lẹt đẹt. Nhiều tỉnh năm nào cũng xin trung ương cứu trợ, cứu đói, thu ngân sách không đủ dùng.

Hôm trước, bác Phạm Chuyên, một người luôn đau đáu với nội tình đất nước, thương xót dân chúng cần lao vất vả, đêm khuya gọi cho tôi bảo rằng, em ạ, những đứa ấy chúng nó có đủ các thứ, quyền, lợi, chức tước, tiền tài, địa vị, bổng lộc, sự hống hách, nhưng chúng thiếu thứ rất quan trọng, rất cần cho người lãnh đạo: khả năng quản trị. Đám quan lại mới bây giờ, từ lớn tới nhỏ, từ trung ương tới địa phương hầu như đều thiếu thứ quan trọng ấy. Nước nghèo, dân nghèo là không tránh khỏi, khi chúng nắm quyền.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây