COVID 19 và Hiến pháp Việt Nam

Gellert Nguyễn

3-10-2021

Cám ơn bác Phạm Đình Trọng đã lên tiếng cảnh báo về hành vi vi hiến của chính quyền Việt Nam trong các biện pháp phòng chống bịnh dịch COVID-19 qua bài viết “Chống dịch Covid-19 bằng biện pháp chống Hiến pháp và chống dân“, đăng trên báo Tiếng Dân. Chuyện này không gây ngạc nhiên cho mọi người, vì đây không phải là lần đầu  tiên chính quyền vi hiến mà còn vô số các trường hợp khác trong quá khứ, mà gần đây nhất là việc soạn thảo luật đặc khu và lưu nhiệm cho Tổng Bí thư đảng CSVN trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13.

Ai cũng biết là chính quyền vi phạm hiến pháp, nhưng ai sẽ làm gì để chống lại  sự vi hiến này? Khi Việt Nam không có Toà Bảo Hiến, ai là người xác định một hành vi vi hiến của chính quyền? Không một ai khi chỉ đạo của Bộ Chính trị là tối thượng. Thế là xong, miễn bàn tiếp. Dân chúng đã quen chịu cảnh này. Lần này cũng không thể khác hơn khi biết rằng Đảng đứng trên và ngoài Hiến pháp và luật pháp.

Nhìn chung, khi xét đến vấn đề thành quả chính trị trong việc phòng chống đại dịch, không phải vai trò của Hiến pháp. Thật ra, có ba khía cạnh khác quan trọng hơn mà dân chúng và chính quyền cần quan tâm thảo luận, đó là năng lực của nhà nước, niềm tin nơi xã hội và giới lãnh đạo.

Hiện nay, vấn đề là gì? Cụ thể là dân chúng đổ lỗi cho chính quyền bất tài và kiêu ngạo, trong khi chính quyền đổ lỗi cho dân chúng, rằng dân không triệt để thi hành các chính sách đưa ra. Nhưng nội dung của chính sách lại là “chống dịch như chống giặc“, mà về bản chất dịch và giặc không đồng nghĩa, một sai lầm sơ đẳng và nghiêm trọng.

Trầm trọng nhất là chính phủ không hỗ trợ tài chính cho người dân trong suốt 4 tháng qua như các quốc gia khác. Vi phạm quyền tự do đi lại của dân, đó là quyền hiến định, khi dùng hàng rào kẽm gai ngăn chặn. Bây giờ, lực lượng vũ trang lại ra chốt chặn, giằng co, thoá mạ dân chúng.

Dân chúng và chính quyền có ý thức được gì về tinh thần tự do hiến định  để có thể áp dụng trong hoàn cảnh hiện nay không? Hầu như là không.

Dân chúng còn quỳ lạy cảnh sát ở các trạm kiểm soát giao thông để xin về quê tránh dịch, đó không phải là sử dụng quyền tự do hiến định, mà cầu xin ân huệ trong nghi thức sơ khai theo tôn giáo; nhân viên y tế thoá mạ tay đôi với các gia đình nạn nhân trên đường phố không phải là đối thoại bình đẳng trong tinh thần dân chủ; công an phá nhà đập cửa bệnh nhân không phải là một biện pháp hợp hiến và hữu hiệu để trị được dịch bệnh.

Bất hạnh cho Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đem lại một hình ảnh khác bi thương hơn. Dân chúng không còn sức khoẻ, kinh tế không còn sản xuất và ngoại quốc không còn đầu tư mới và tháo chạy.

Nhìn chung, một tương lai không còn toả sáng như giới lãnh đạo Việt Nam hằng tự hào tuyên bố, trong khi cơ chế vận hành đang lâm nguy  hơn bao giờ hết, không phải vì ngoại xâm mà là nội loạn. Trong chế độ độc tài, Hiến pháp chỉ là một khía cạnh trong nhiều khía cạnh và các thách thức cho đất nước càng mới lạ và đa dạng hơn Hiến pháp.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân

    (ca dao)

    1.

    Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
    âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
    không có giấc mơ
    chỉ toàn ác mộng

    mập mờ như ngủ như thức
    người và ma lẫn lộn tù mù
    ta thu bóng ngồi uống trà với gió
    chén rượu suông cụng với chính hồn mình.

    2.

    Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than

    đứt ruột.

    tiếng thở dồn người chống dịch xả thân

    thắt ruột.

    tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von

    sốt ruột.

    tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi

    lộn ruột.

    3.

    Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
    thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
    mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
    cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng

    hồn vía quay quay cuồng cuồng
    đột quị con đường chen chúc sống

    chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương

    chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương

    chen chúc thở

    chen chúc lò thiêu xác.

    4.

    Có cái chết trống không như chết lậu
    không trống không kèn không đèn không nhang
    mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
    đau kiếp người sống chui chết chui.
    ta thành kính vấn an linh hồn lạc

    chỉ về Trời mới thật có tự do
    tự do nhẹ như gió
    tự do bềnh bồng như mây
    tự do trong như giọt mưa trong
    tự do nặng trĩu như lòng.

    5.

    Ta lăn lê gần hết đời người
    nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
    ta thèm khát vô tư như cỏ
    mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
    ta đã liều mình lao vào đạn bom
    trẻ liều chết nay về già liều sống.

    6.

    Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
    biết chăng con người sống để làm gì?
    giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
    tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?

    bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
    bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?

    dịch bệnh bung toang không hề hư vô
    là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
    lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
    hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?

    con người hiền lương con người nhân đức
    gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!

    7.

    Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
    lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…

    Nguồn Mạng

  2. Thi Sĩ: BÙI CHÍ VINH

    Có gì đâu mà phải chặn dân
    Hết đường sống thì người ta mới chạy
    Trước 1975 thì cha chú các ngươi cũng vậy
    Đói nghèo, trốn lính, sợ tù mọt gông nên trốn chạy vô rừng

    Có gì đâu mà phải chặn dân
    Dân đã góp cho các ngươi cạn máu
    Dân biến thành ăn mày sống nhờ bố thí từng lon gạo
    Giờ gạo cũng bốc hơi nên phải chạy cuống cuồng

    Có gì đâu mà phải chặn dân
    Ví dầu tình bậu muốn thôi thì đừng gieo tiếng dữ
    Hãy để dân chạy về miền Tây nằm chết dưới mùi hương châu thổ
    Hãy để dân chạy về miền Trung được ngồi khóc với núi rừng

    Có gì đâu mà phải chặn dân
    Sài Gòn hồi xưa mới có tình xưa nghĩa cũ
    Sài Gòn bây giờ thì mạnh ai nấy người dưng làm gì có giang hồ máu mũ
    Chỉ có thể chế hành dân và hèn hạ trước giặc Tàu

    Hãy để cho dân đi và quỳ xuống sám hối nỗi đau…

    Nguồn mạng

  3. Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống
    Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên!
    (Ma-rat)

    Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
    Có gì đâu ta cầu khẩn van lơn?
    Có gì đâu ta ôm mối căm hờn?
    Hãy đứng dậy, ta có quyền vui sống!

    Ai đi gõ vào cửa lòng lạnh ngắt
    Và thiết tha năn nỉ với hồn say
    Trên muôn thây, tiệc rượu máu tràn đầy?
    Không! Không thề sống như bầy hành khất!

    Hãy đứng dậy! Ta có quyền vui sống!
    Cứ tan xương, cứ chảy tuỷ, cứ rơi đầu!
    Mỗi thây rơi sẽ là mỗi nhịp cầu
    Cho ta bước đến cõi đời cao rộng.

    Tố Hữu (nguồn mạng)

    • Làm sao mà dân chúng có tinh thần nổi lên để chống đối chế độ trong khi sức khoẻ không có cho cá nhân và gia đình. Nhìn chung, không có dấu hiệu nào chứng tỏ là đất nước đang có xu hướng sụp đổ hay bình thường hóa. Chính sự hoảng loạn, chính giới bất tài, gian tham, bạo ngược và tinh thần của dân chúng là hoang mang và suy nhược. Tình trạng ngày càng trì trệ, nhưng chưa đến mức để chế độ sụp đổ toàn diện.
      Trong khi các yếu tố sụp đổ chưa đủ thì sự phục hồi của đất nước còn phải phụ thuộc vào biện pháp hỗ trợ để kích hoạt của chính phủ và tốc độ phục hồi chung.
      Dân chúng phải tin rằng chính phủ có chuyên môn, kiến thức kỹ thuật, y tế, năng lực và công bằng để đưa ra những giải pháp tốt nhất khả thi. Dân chúng và chính quyền, cả hai đều hoảng loạn, không ai biết phải làm gì để giài quyết. Về quê tránh dịch cũng không phải là giải pháp trong lâu dài cho dân chúng. Chính phủ không thực hiện các nhiệm vụ được giao phó nên uy tín cũng tiêu tan. Các giải pháp kiểm dịch và cứu trợ đang là một thất bại mà dân chúng thấy rõ. Tóm lại, tình hình chung trong việc chống dịch là bi quan.

  4. Trong chế độ độc Đảng thì dù có Tòa bảo hiến thì thẩm phán Tòa bảo hiến cũng (phải) làm theo chỉ đạo của Đảng!

Comments are closed.