Test Covid-19 và Học thuyết sốc

Lê Ngọc Sơn

28-9-2021

Giá một bộ test nhanh ở Đức là khoảng 25.000 VNĐ (có nơi vài chục cent, tương đương khoảng 13.000-20.000VNĐ, tuỳ nơi). Ở ta giá 238.000 VNĐ.

(Ơ hay, một năm trước ta tự hào sản xuất và xuất khẩu được bộ test cơ mà?!).

Việc tạo ra thảm họa hoặc chộp thời cơ của một cuộc thảm hoạ để kiếm lợi, kinh tế học gọi là “chủ nghĩa tư bản thảm họa”.

Khủng hoảng là một cuộc làm ăn lớn, siêu lợi nhuận. Có lẽ bạn đọc cần dạo qua thư văn kinh tế học để đọc câu chuyện về một lý thuyết kinh điển về “học thuyết sốc”.

Milton Friedman, cây đại thụ về kinh tế học thuộc trường phái Chicago, là cha đẻ của cái gọi là học thuyết này, cho rằng: chỉ một cuộc khủng hoảng – khủng hoảng thật, hoặc được cảm nhận là khủng hoảng – mới tạo ra sự thay đổi thực sự rõ nét về kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, những hành động nào được thực hiện phụ thuộc vào những ý tưởng đang trôi dạt xung quanh.

Theo vị giáo sư lừng danh của Đại học Chicago, khi xảy ra khủng hoảng, điều tối quan trọng là phải hành động ngay lập tức, tiến hành những thay đổi nhanh chóng và “không thể đảo ngược”.

Nó được ví như một biến thể của lời răn của nhà luận thuyết người Ý Niccolò Machiavelli, từ thế kỷ 15: “Cần gây những tổn thương nhất loạt”. Nếu bỏ qua giai đoạn cao trào của khủng hoảng để ra tay hành động, sẽ không còn cơ hội khác nữa.

Lợi dụng thảm họa, khủng hoảng là ý tưởng cốt lõi trong học thuyết và phong trào của Milton Friedman. Khủng hoảng, thảm họa như là nguyên liệu để khởi phát một cuộc sang chấn tập thể trên quy mô rộng khắp, nhằm tạo sự thay đổi để đoạt lợi theo ý muốn. Những nhà “tư bản thảm họa” luôn kỳ vọng một cuộc khủng hoảng để có thể nấu nồi cơm lợi nhuận của mình, có những trường hợp phải tạo ra khủng hoảng.

Dù rằng chủ nghĩa kinh tế của Friedman có thể áp dụng được một phần nhất định nào đó trong xã hội dân chủ, tuy nhiên mấu chốt của mô hình này là muốn triển khai đạt được hiệu quả tối đa, buộc phải có các điều kiện độc tài.

Học thuyết này được áp dụng rộng khắp trên thế giới, đặc biệt là trong chính sách công và quản trị công của các nhà nước. Ở những quốc gia mà các chính sách của trường phái Chicago được áp dụng từ mấy thập kỷ qua, có điểm đặc trưng là đều nổi lên một liên minh cai trị quyền lực giữa số ít tập đoàn lớn và một tầng lớp chính trị gia giàu có.

Xem ra khủng hoảng COVID-19 là ví dụ kinh điển của trò đoạt lợi qua khủng hoảng. Nó đáp ứng đủ các điều kiện tiên quyết của “Học thuyết sốc”:

(1) Khủng hoảng có tính chấn thương nhất loạt;

(2) Nhiều chính sách (trong đó có test COVID-19) là những hành động ngay lập tức, nhanh chóng và “không thể đảo ngược”;

(3) Có bóng dáng của sự hợp tung của giới chính trị và kinh tế;

(4) Thường diễn ra ở môi trường chuyên chế.

Và, nó dường như đã và đang là cơ hội làm đầy túi của không ít người. Đại chúng mới là những người cúng dường ngoan ngoãn, vĩ đại và đau khổ nhất.

Bài về Học thuyết Sốc tôi viết trên báo Người Đô Thị 5 năm về trước.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
    (ca dao)

    1.
    Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
    âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
    không có giấc mơ
    chỉ toàn ác mộng

    mập mờ như ngủ như thức
    người và ma lẫn lộn tù mù
    ta thu bóng ngồi uống trà với gió
    chén rượu suông cụng với chính hồn mình.

    2.
    Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than

    đứt ruột.

    tiếng thở dồn người chống dịch xả thân

    thắt ruột.

    tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von

    sốt ruột.

    tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi

    lộn ruột.

    3.
    Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
    thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
    mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
    cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng

    hồn vía quay quay cuồng cuồng
    đột quị con đường chen chúc sống

    chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương

    chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương

    chen chúc thở

    chen chúc lò thiêu xác.

    4.
    Có cái chết trống không như chết lậu
    không trống không kèn không đèn không nhang
    mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
    đau kiếp người sống chui chết chui.
    ta thành kính vấn an linh hồn lạc

    chỉ về Trời mới thật có tự do
    tự do nhẹ như gió
    tự do bềnh bồng như mây
    tự do trong như giọt mưa trong
    tự do nặng trĩu như lòng.

    5.
    Ta lăn lê gần hết đời người
    nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
    ta thèm khát vô tư như cỏ
    mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
    ta đã liều mình lao vào đạn bom
    trẻ liều chết nay về già liều sống.

    6.
    Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
    biết chăng con người sống để làm gì?
    giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
    tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?

    bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
    bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?

    dịch bệnh bung toang không hề hư vô
    là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
    lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
    hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?

    con người hiền lương con người nhân đức
    gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!

    7.
    Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
    lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…

    Nguồn Mạng

  2. Nguyên văn đoạn trích trên báo euronew về test nhanh ở Đức “chain Aldi has begun selling coronavirus home testing kits in Germany, with supplies in some cases quickly being sold out.

    The five rapid tests cost around €25 and long queues formed to buy them”.

  3. Chúng ta và chúng nó
    – Chúng ta cứ đem Khoa Học ra thảo luận “không nên xét nghiệm toàn dân”…
    – Chúng nó xét nghiệm toàn dân để tiêu thu hết số kit khổng lồ nhập về, đặng thu bộn tiền, át tiếng dân bằng khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân.

  4. Bách hóa xanh của thằng tỷ phú lưu manh Nguyễn Đức Tài là 1 ví dụ, thằng này có tài đựa hơi bủng hoảng để mà giàu, để xem mấy thằng tỷ phú kiểu này có thoát được mầm ung thư lương tâm ?

  5. Hèn gì mà những hành động điên rồ cứ ngoáy mũi nhất loạt lặp đi lặp lai cho chúng bay chết được chúng điên cuồng thực hiện bất chấp can gián van nài…

Leave a Reply to cong anh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây