27-9-2021
1. Thanh niên đưa thông tin “Phim Vị “từ bỏ quốc tịch Việt Nam”, trở thành phim Singapore“. Theo đó, tháng 7.2021, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành ký quyết định cấm phổ biến phim Vị vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam bởi trường đoạn nude trực diện quá dài.
Một “trường đoạn nude trực diện quá dài”, vấn đề trường đoạn đó mang dụng ý nghệ thuật gì, thế nào được gọi là “dài-ngắn”, “trực diện-gián tiếp” trong ngôn ngữ điện ảnh -nghệ thuật nếu nó không diễn tả cho một tầng nghĩa nội dung nào đó. Gọi là “trường đoạn” nhưng theo “đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên Hội đồng thẩm định và cấp phép phổ biến phim, cho rằng với bà cảnh quay đó không có gì là dài”. Hoặc nếu “quá dài” thì có cách nào để “bớt dài” mà không biến đổi, bẽ gãy ống kính, và bảo toàn cho Vị được công chiếu.
Đằng này, với “trường đoạn nude trực diện quá dài”, cấm. Xong.
Thử mở Netflix lên, như drama Outlander, tập Claire gặp lại Jamie, mô tả cảm xúc lẫn cảm giác “tìm lại cơ thể” của nhau, hơn 10 phút là ít. Nhưng không hề thô tục. Đẹp và thi vị, hồi hộp nữa là đằng khác!
Vậy cửa nào để “lọt”, nên nhớ, nude trực diện, liên tục, tràn ngập trên Netflix.
Cũng trên kênh này, phim La Mante (Bọ ngựa), một người phụ nữ – mang biệt danh Bọ ngựa (Carole Bouquet) trải qua thời thơ ấu bị chính bố đẻ cưỡng hiếp, chứng kiến cảnh mẹ bị bố sát hại đã trở thành kẻ giết người man rợ, nhưng chỉ chuyên hạ thủ đàn ông bạo dâm, bạo hành. Sau khi giúp con trai -được giao điều tra vụ án giết người hàng loạt, mô phỏng theo cách thức Bọ ngựa – phá án, trong khi có thể đào thoát nhưng Bọ ngựa đã theo con về lại nhà biệt giam.
Cảnh kết, sau tiếng gọi “maman”, kẻ sát nhân lần đầu chảy nước mắt và ôm lấy con trai rồi quay lưng, tự nguyện bước qua cánh cửa nhà giam, không còng tay, cũng chẳng có cảnh sát, ngay trên cánh cửa be bé, quốc kỳ Pháp hiện diện. Kẻ tội phạm tự nguyện thúc thủ. Nơi ấy, ít nhất người xem tìm thấy lương tri thức dậy từ cái cúi hôn lên tay mẹ và nói “à bientôt” – hẹn gặp lại mẹ – sau chốn biệt giam.
Một con người tự do trong tù ngục – ấy là trong phim La Mante. Và một bộ phim đã “mất tự do”, quyền tự quyết được công chiếu ngay trên đất nước mình. Buộc phải “vong thân”, chối từ quyền sở hữu để được xuất hiện với tư cách quốc tịch khác.
2. Zing đưa thông tin 25 nghệ sĩ Trung Quốc bị cấm hoạt động. Một số khác thì “đã sắp xếp thời gian đi học bồi dưỡng”, “nhiều nghệ sĩ nộp đơn từ bỏ quốc tịch nước ngoài để tránh lệnh “hạn tịch” và giữ sự nghiệp tại Đại lục…”.
Cả anh lẫn ả đều chẳng khác mèo mả gà đồng!
Qua một đêm, xóa sổ mọi tên tuổi, cho dù đó đã từng là những tác phẩm được xã hội đón nhận, nay thì cả “học bồi dưỡng”, “hạn tịch”… Lối hành xử ấy, ở thế kỷ XXI này, nó dị biệt tới mức… tuyệt chủng. Nhưng không ít kẻ chấp nhận, tự nguyện.
Lại cũng từ nước Pháp, chính từ những cuộc chạy trốn ly hương, bị lưu đày ra khỏi đất nước mình mới tạo nên những tượng đài của nền văn học rực rỡ thế kỷ XIX với Chateaubriand, Victor Hugo… Họ bức bối trên chính quê hương mình, họ phản kháng một trật tự xã hội đầy định kiến và bất công đã làm ô nhục bao nhân phẩm, họ kiêu hãnh phản tỉnh đến những con người bất hạnh, nép bên lề xã hội.
Họ bị lưu đày ngay trên chính quê hương nên tác phẩm của họ là tấm hộ chiếu đi khắp bốn phương và truyền lưu cho hậu thế.
Còn đây, ta không khỏi tự hỏi, vì sao một xứ sở không giữ nổi dân mình một cách tự nguyện, đi hay ở chỉ là len lỏi kiếm sống. Thì mong gì cái “bộ phận tinh hoa” ấy lại chẳng có chút “tì vết” để còn biết thế nào là nhức nhối, bức bối, mặc cảm, trốn chạy, lưu đày, nó toàn đẻ ra những sản phẩm, đừng mong đó là tác phẩm.
Chúng “tầm soát” và “phong sát” lẫn nhau. Vậy thôi!