Joaquin Nguyễn Hòa
16-9-2021
Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi những phòng phiếu California đóng cửa, 8 giờ tối ngày 14/9/2021, kết quả của cuộc bầu cử truất phế thống đốc đương nhiệm Gavin Newsom đã được công bố.
Với 70% số phiếu được đếm, số phiếu ủng hộ ông Newsom ở lại chức thống đốc là 63,9%. Dù tổng số phiếu chỉ được đếm xong trong vài ngày tới, nhưng kết quả đã chắc chắn, và ông Newsom vượt qua được cuộc bầu cử đặc biệt đòi bãi nhiệm ông.
Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến cuộc bầu cử bãi nhiệm ông Newsom, và cũng là nguyên nhân làm cho ông vượt qua được cuộc thách thức.
Công dân California đầu tiên thiệt mạng vì Covid-19 vào đầu tháng 3/2020. Hai tuần lễ sau, 20/3/2020, ông Newsom ra lệnh “Ai ở đâu ở đó” (Shelter in place) để chống truyền nhiễm. California trở thành tiểu bang đầu tiên tại Mỹ thực hiện việc này.
Tại thời điểm đó có 19 người chết vì Covid-19 tại California, và đại dịch đã loan ra trên phạm vi toàn cầu trong tình trạng chưa có vaccine và không có thuốc điều trị hữu hiệu.
Covid, đảng Cộng hòa và cuộc vận động đòi phế truất
Lệnh “Ai ở đâu ở đó” sớm của California làm cho tiểu bang này tránh được những cảnh tượng chết chóc thảm khốc như ở miền Bắc nước Ý, Tây Ban Nha, và New York, cho đến lúc đó.
Uy tín của ông thống đốc trẻ tuổi thuộc Đảng Dân chủ tăng lên, ngay cả một số người Việt bà con của tôi ủng hộ tổng thống lúc đó là Donald Trump của Đảng Cộng hòa, cũng tán dương ông Newsom.
Thế nhưng khi California từ từ mở cửa trong mùa hè năm 2020 thì những bực bội bắt đầu xuất hiện, khi có những ngành những nghề bị buộc mở cửa chậm hơn người khác vì được cho là có nguy cơ gây truyền nhiễm, chẳng hạn như những tiệm làm móng tay của người Việt.
Tháng 11/2020, ông Newsom bị bắt gặp đang ăn tối vui vẻ tại một nhà hàng sang trọng, French Laundry, mà lại không đeo khẩu trang. Người ta chỉ trích ông là đạo đức giả. Ông xin lỗi ba ngày sau đó, nhưng chiến dịch vận động lấy chữ ký để truất phế ông đã bắt đầu.
Tháng 4/2021, số chữ ký hợp lệ của phe đòi truất phế ông Newsom đạt được ngưỡng 12% số cử tri của kỳ bầu cử trước đó, 2018, là gần 1,5 triệu chữ ký, đủ để California cho tiến hành cuộc bầu cử, hỏi ý kiến cử tri xem có bãi nhiệm ông Newsom hay không, vào ngày 14/9/2021.
Hai nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc vận động đòi truất phế ông Newsom là chuyện giới nghiêm chống dịch, và chuyện ăn sang bất cẩn của ông, nhưng nỗ lực truất phế ông của phe Cộng hòa là một vấn đề quan trọng có tầm mức quốc gia cao hơn rất nhiều.
Hiện nay tại Thượng viện Hoa Kỳ, tỷ lệ đảng phái là Dân chủ 50/ Cộng hòa 50, phe Dân chủ chiếm đa số mỏng manh với phó tổng thống là bà Kalama Harris có thể tham gia bỏ phiếu trong trường hợp hai bên ngang bằng 50-50.
Nhưng trong số những thượng nghị sĩ phe Dân chủ có bà Diane Feinstein đã 88 tuổi là của California. Nếu bởi bất cứ lý do nào đó mà bà buộc phải rút lui thì thống đốc California sẽ bổ nhiệm người thay thế.
Nếu cố gắng của phe Cộng hòa thành công, họ sẽ có khả năng chọn một người cùng phe thay cho bà Feinstein, và như thế sẽ chiếm đa số 51/49 ở Thượng viện, chương trình của chính quyền Biden có cơ thất bại.
Chính vì thế các tổ chức thuộc phe Cộng hòa trên toàn nước Mỹ bỏ nhiều công sức vào chiến dịch này. Theo thống kê của báo chí Mỹ, tiền của phe Cộng hòa từ các bang Arizona, Nevada, Texas, Kansas, Arkansas đổ vào ủng hộ việc truất phế, trong đó có ông thống đốc Arkansas, Mike Huckabee, một đồng minh chính trị của ông Trump.
Phe Dân chủ cũng tích cực hoạt động để phản công, ông Reed Hastings, CEO của hãng Netflix, bỏ ra đến 3 triệu đô la ủng hộ ông Newsom. Gần đến ngày bầu cử, hai ủng hộ viên thượng thặng của ông Newsom là bà Kamala Harris phó tổng thống và ông Joe Biden tổng thống lần lượt sang California vận động ủng hộ cho đồng minh.
Sau khi kết quả được công bố báo chí Mỹ phân tích rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của chiến dịch truất phế của phe Cộng hòa. Thứ nhất, bang California là thành trì vững chắc của Đảng Dân chủ, với số cử tri đăng ký đảng phái là Dân chủ gấp đôi Cộng hòa.
Nhưng cử tri đăng ký đông hơn chưa chắc đã thắng, nếu người “phe ta” thờ ơ, không quan tâm để đi bầu. Do vậy số đa số cử tri Dân chủ ở California đi bầu đông lần này là nhờ nguyên nhân thứ hai.
Nguyên nhân nữa chính là… ông Trump!
Ứng cử viên dẫn đầu trong những người muốn thay ông Newsom là ông Larry Elder, một người ủng hộ ông Trump nhiệt tình, từng gọi ông Trump là người của Chúa.
Ông Biden gọi ông Elder là một phiên bản Trump (Trump’s clone) khi ông đến miền Nam California vận động ủng hộ ông Newsom. Chính yếu tố này làm cho cử tri Dân chủ rủ nhau đi bầu vì không thích … ông Trump.
Một sai lầm lớn của ông Elder, và của cả ông Trump, nữa là áp dụng chiến thuật “hô hoán”. Cả hai ông đều la to lên trước khi có kết quả bầu cử là “bầu cử gian lận”. Chiến thuật này đã dẫn đến hàng chục vụ kiện của phe Cộng hòa sau ngày bầu tổng thống 3/11/2020 mà thắng lợi thuộc về ông Biden.
Toàn bộ các vụ kiện đều bị tòa án các cấp vất bỏ, nhưng chiến dịch “hô hoán” của ông Trump đã dẫn đến cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021, khi các nhóm người ủng hộ ông Trump tấn công điện Capitol, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ.
Chiến dịch “hô hoán” được xem là những cú tấn công vào nền dân chủ Mỹ, tạo tiền lệ để từ đó về sau, bất cứ ai thua cuộc cũng “hô hoán” lên, không khác gì các tay độc tài ở các nước đang phát triển.
Ông Elder đã lập lại chiến thuật này, và nó góp phần kích thích cử tri phe Dân chủ, vốn đông đảo ở California rủ nhau đi bầu.
Ông Newsom không phải là người có khuynh hướng rất cấp tiến như một số đông cử tri phe Dân chủ tại California (thường là giới trẻ), nhưng với hình ảnh ông Trump cột chặt vào chiến dịch bãi nhiệm, những người California cấp tiến cũng rủ nhau đi bầu đông đúc ủng hộ ông Newsom. Cậu con trai của tôi cũng thuộc nhóm này, có khuynh hướng gần với thượng nghị sĩ Bernie Sanders, hay cô dân biểu Alexxandra Ocasio Cortez, không thích các chính trị gia trung dung như Biden, Newsom, Harris,… nhưng cũng bỏ phiếu NO (tức là không đồng ý bãi nhiệm) lần này.
Một nguyên nhân nữa có liên quan đến ông Trump, làm cho dân California tiếp tục ủng hộ ông Newsom, đó là dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt.
Một đặc điểm của California nói riêng, các bang miền Tây Hoa Kỳ nói chung là ủng hộ mạnh lợi ích công cộng, vì thế họ ủng hộ những chính sách về vaccine, khẩu trang, của ông Newsom.
Ngay ngày hôm sau của đêm bầu cử, theo cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, California trở thành bang đầu tiên giảm một mức về tốc độ lây nhiễm Covid-19, biến thể Delta.
Trong số hơn 1800 người Mỹ thiệt mạng vì Covid-19 trong ngày 14/9/2021, chỉ có 110 người California, trong khi dân số California chiếm hơn 1/7 dân số Hoa Kỳ. Các bang do Đảng Cộng hòa nắm quyền như Florida, Texas, Alabama,… đang rất vất vả vì Covid-19, do tỷ lệ tiêm vaccine thấp, các biện pháp chống dịch không được đề cao.
Trước ngày bầu cử vài hôm, một người bạn tôi ở Canada sang California, anh tỏ ra ngạc nhiên vì thấy dân California đeo khẩu trang cả khi đi ngoài đường, ngoài công viên,… Một nhận xét mà tôi cho là rất có liên quan đến kết quả bầu cử ngày 14/9.
Với một thái độ tuân thủ việc chống dịch như vậy thì làm sao họ có thể ủng hộ một người như ông Elder, người tuyên bố là sẽ đảo ngược lại những chính sách chống dịch của ông Newsom!
Ngay cả trong cộng đồng người Việt tại miền Nam California vốn có tiếng là ủng hộ ông Trump, nhưng cũng có những người cho rằng ông Newsom cần phải ở lại vì các quyết định trong việc chống dịch của ông rất có hiệu quả.
Như vậy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Mỹ, thái độ chính trị hóa các vấn đề sức khỏe của phe Cộng hòa (chống tiêm vaccine bắt buộc, chống bắt buộc khẩu trang,…), sự thành công của California thoát đại dịch, trong khi các bang đỏ (Cộng hòa) vẫn đang khốn đốn,… chiến thắng của ông Newsom có thể là một chỉ báo rằng Covid-19 vẫn sẽ là vấn đề quan trọng trong cuộc bầu giữa nhiệm kỳ năm 2022 tới đây, như nó đã từng góp phần vào thất bại của Donald Trump vào năm 2020.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Nguồn từ các báo Mỹ như LA Times, SF Chronicle, NBC News được sử dụng cho trích dẫn trong bài.