14-9-2021
Bất kể đã có bao nhiêu loại app đã được trình làng, cho đến nay, người dân đi xét nghiệm, đi chích ngừa, khai báo y tế, hay qua chốt giao thông… tất cả đều bằng công nghệ “cơm chấm cơm” (giấy & bút).
Hai “dấu ấn” công nghệ (nếu có thể gọi vậy) mà tôi cho là phát huy được ít nhiều hiệu quả trong việc quản trị thời dịch ở TP.HCM là Zalo group (nhóm Zalo) và Google Form.
Sự thật mỉa mai và trần trụi này đã phơi bày rõ điểm yếu công nghệ của thành phố, và người đã nhận lãnh hậu quả, không phải ai khác, chính là người dân.
Dự kiến một vài ngày tới thành phố sẽ triển khai gói an sinh đợt 3, nhưng dữ liệu an sinh tổng hợp lấy từ đâu? Từ 312 phường xã. Đến lượt mình, 312 phường xã này lại lấy dữ liệu từ hơn 25.000 tổ dân phố. Trong đó, chỉ cần 10% tổ dân phố tắc trách, quan liêu hay thiếu trách nhiệm thôi, là có thể có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn hộ dân bị bỏ rơi, không, phải nói đúng là bị bỏ đói.
Nhưng khoan nói về việc này, hãy nhìn vào cách người ta thu thập dữ liệu.
Đó có phải là phương cách thu thập dữ liệu của thế kỷ 21, của thời đại 4.0, của một thành phố được gọi là tiên phong như TP.HCM?
Trong hai bài phỏng vấn rất công phu của báo Pháp Luật TP.HCM với TS Vũ Thành Tự Anh hôm qua và TS Nguyễn Thu Anh hôm nay đều nhấn mạnh tầm quan trọng số một của dữ liệu.
Dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu, chỉ có dữ liệu đầy đủ, chính xác và cập nhật kịp thời (thậm chí realtime – thời gian thực) mới có thể giúp các nhà quản trị đưa ra được các quyết định quản trị chính xác, để kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa lại an toàn.
Điểm yếu về công nghệ, chỗ này, thành phố, lãnh đạo thành phố là những người phải hứng chịu, phải trả giá trực tiếp (dù người cuối cùng gánh chịu vẫn là người dân) bằng các quyết định sai lầm, và liên tục thất bại.
Không cần phải là chuyên gia công nghệ cũng có thể nhìn thấy ngay, một trong những nguyên nhân chính khiến dẫn đến việc “loạn app”, và tất cả các app đều không thể hoạt động hiệu quả thời gian qua là do sự yếu kém, manh mún và tản mát của dữ liệu.
Và lỗi dữ liệu này, rất tiếc không thuộc về các nhà phát triển ứng dụng. Nó thuộc về thành phố. Nó phản ánh sự yếu kém trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ của thành phố, đồng thời cho thấy những lời hô hào chuyển đổi số, 4.0 vân vân và vân vân cho đến nay, quả thật đúng là “những lời hô hào”.
Nhưng, ở một góc độ khác thành phố có thể nhìn nhận đây là một cơ hội.
Cơn khủng hoảng đại dịch như một lưỡi dao phẫu thuật sắc lẹm đã mở toang tất cả các điểm yếu, cố tật, khối u của thành phố, và hạ tầng công nghệ chính là một trong những điểm yếu chí tử đã lộ rõ.
Hạ tầng công nghệ yếu kém này, nếu không sớm khắc phục sẽ là rào cản cho bất cứ mục tiêu đổi mới hệ thống nào, cũng như cho bất cứ tham vọng phát triển nào trong tương lai của thành phố.
Vậy nên, nếu coi đây là thời cơ để thành phố bắt đầu một cuộc đại phẫu, thì cuộc đại phẫu đầu tiên, theo tôi, nên ở chính hạ tầng công nghệ.
Năm 2017, trả lời báo Tuổi Trẻ nhân dịp hội nghị APEC, nguyên phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức, Philipp Rösler đã đưa ra gợi ý: cách tốt nhất để Việt Nam thực sự nghiêm túc bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đơn giản là can đảm thay đổi, đặt cược vào việc sử dụng công nghệ.
Ở cấp độ địa phương, TP.HCM nên và hoàn toàn có thể đón nhận gợi ý, mà theo tôi, cũng chính là thách thức này của ông Philipp Rösler: “Hãy can đảm thay đổi, đặt cược vào công nghệ”.
Nhà nước này nói rất hay, nghĩ rất đẹp, nhưng làm như mèo mửa . Ông nào tuyên bố ” mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ “, ” chống dịch như chống giặc “. Tôi chưa thấy một chiến dịch quân sự nào, vẽ ra kế hoạch nhưng không chuẩn bị đủ hậu cần như ” chiến dịch Quây Đánh Sài Gòn ” như bây giờ. 10 triệu lính tráng không có đủ ăn thì đánh thế nào được, hơn nữa còn phải đảm bảo đủ mức ăn tốt để ” lính ” có sức khỏe tốt chống chọi việc bị nhốt và chiến đấu tự thân với con virus. Phong tỏa 16+, đưa một số ít ỏi quân đội vào nhằm triệt để cách ly người dân, kết quả lại chỉ được vài ngày, xong rồi cũng phải để dân tự giúp nhau mua thực phẩm,rồi lại thả shipper tung tăng trở lại, rồi cũng lại như cũ.
Làm đã dở, lại còn mắc bệnh tự cao tự đại, dè chừng ” thù địch “, thì hiến kế làm gì cho mệt xác. Tôi cho rằng hãy để người dân mọi nơi hưởng đủ từ những gì mà họ ỷ lại và tin tưởng.
Bấy lâu nay, tôi vẫn để ý một vấn đề , đó là thứ gì miễn phí thì bị đối xử rẻ rúng, cống hiến ý tưởng và kế sách chống dịch hiện nay cho chính quyền cũng vậy … Khi tác giả hiến kế, nhưng không phải là người phải thực hiện nó trong một ma trận vô số lối tắc nghẽn và trì trệ. Khi mà nhà nước không phải bỏ tiền để mua các ý tưởng và quy hoạch nghiêm túc để thực hiện từ ” bên ngoài “, kể cả các chuyên gia trong ngành đi nữa, mà chủ yếu dựa vào ” sự thông minh hoặc các sáng kiến bên trong “, thì ý kiến thưa gửi của tác giả sẽ được đối xử thế nào và có được tác dụng như chỉ một VNĐ không ???