Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng nghĩa với sự sụp đổ của Hoa Kỳ?

Nghiên cứu Việt – Mỹ

Vũ Văn Lê, dịch từ Paul Kennedy/The Economist

10-9-2021

Những thay đổi chính trị, quân sự, và kinh tế toàn cầu, có nghĩa là Mỹ có một đối thủ mới tranh dành vị thế độc tôn.

Trong những năm qua, không có gì hao tâm tổn trí cho các nhà tư tưởng hơn là câu hỏi liên quan đến đối ngoại: “liệu rằng chuyện thoái hóa khiến Hoa Kỳ mất vị thế độc tôn, phải chăng là điều không thể lật ngược?” Các sự kiện gần đây ở Afghanistan, đánh dấu một cuộc rút lui khác của người Mỹ khỏi Trung Á, chắc chắn sẽ nuôi dưỡng tin tưởng đó. Song, đối với giới hoạch định chính sách Mỹ, vấn đề trường kỳ chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ của quyền lực Trung Quốc.

Phải chăng nước Tầu sắp vượt qua được Mỹ? Dựa trên tiêu chí kinh tế và quân sự nào để đo lường một chuyển đổi ở thế giới? Liệu Trung Quốc không bị đe dọa bởi các vấn đề nội bộ của một chế độ độc tài, vốn thường được che dấu khéo léo trong quan hệ với quần chúng? Hay kỷ nguyên Pax Americana đã kết thúc, sẽ được thay thế bằng kỷ nguyên châu Á?

Sẽ là vô cùng thiếu khôn ngoan nếu vội vã trả lời ngay câu hỏi cuối kể trên là “Đúng”. Bởi lẽ, hầu hết mọi sự về nước Mỹ và thế giới vẫn giống hệt thời 1980’s lúc tôi viết chương cuối của cuốn “The Rise and Fall of the Great Powers” (“Sự Trỗi Dậy và Sụp Đổ của các Siêu Cường. Random House, 1987). Thật sự là trong 40 năm qua, có nhiều lúc vị thế tương đối của Hoa kỳ đã vượt trội trở lại, như giữa thập niên 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, và năm 2003 sau khi quân lực Mỹ nghiền nát Saddam Hussein, nhà độc tài Iraq. Tuy nhiên, sự phục hồi trong những giai đoạn đó rất ngắn ngủi, so với nhiều thay đổi lớn khác, vô cùng bất lợi cho Hoa Kỳ. Hãy xem xét những biến đổi trường kỳ đáng kể hơn trong ba lãnh vực: quan hệ quốc tế, sức mạnh quân sự, và quyền lực kinh tế.

Một là, tương quan chiến lược-chính trị của các thế lực đã thay đổi hẳn kể từ thời thế giới lưỡng cực, lúc chiến tranh lạnh cách đây nửa thế kỷ trước, khi Hoa kỳ chỉ phải đương đầu với một Liên Xô đang tàn lụi. Hiện nay, hệ thống quốc tế bao gồm bốn hoặc năm đại cường với một thực trạng là, không có nước nào có thể sử dụng võ lực hay nhu quyền để cưỡng hành áp chế nước khác những điều mà họ không muốn.

Hiển nhiên là khi tôi đang soạn thảo chương cuối cùng của cuốn “Rise and Fall” (“Trỗi dậy và Sụp đổ”) vào giữa thời 1980, thế giới đã có những dấu hiệu đang chuyển sang đa cực. Và hiện thời, trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, bối cảnh toàn cầu đã rõ ràng trở thành đa dạng, với một số quốc gia lớn đứng đầu là Trung Quốc, Hoa kỳ, Ấn Độ và Đại Nga, tiếp theo là Liên minh Âu châu và Nhật Bản, thậm chí kể cả Indonesia và Iran.

Sự thể này rất quan trọng vì đánh dấu sự tái phân quyền lực ở thế giới. Cho nên sẽ không đầy đủ, dù vẫn có thể rất đúng, nếu cứ khẳng định Mỹ là số một. Bởi lẽ, dù là khỉ đột lớn nhất trong rừng, thì cũng vẫn chỉ là một trong số những khỉ đột! Và lập luận cho rằng vị thế của Nga đã co cụm nhiều hơn so với Mỹ là điều không khách quan, trong khi cả hai đều tương đối mất ngôi vị đúng theo lí thuyết hiện thực về cường quốc.

Hai là, quân lực Hoa kỳ đã nhỏ hơn và cũ kỹ hơn nhiều so với hồi 1980’s. Không hiểu những oanh tạc chiến lược B-52 70 tuổi đời cũ kỹ của không lực Mỹ, già nua hơn cả phi hành đoàn sẽ còn hoạt động được bao lâu nữa? Và khi nào thì Hải quân Mỹ mới tân trang thay thế được các tàu khu trục Arleigh Burke đã cổ lỗ 30 năm? Dù cho đó chỉ là một bối rối tạm thời, hồi tháng 5 năm ngoái phía tây Thái Bình Dương đã hoàn toàn bỏ ngỏ, không có hiện diện của bất cứ Hàng không Mẫu hạm Mỹ nào, khi chiếc USS Eisenhower bất thần được huy động để hỗ trợ cuộc rút quân khỏi Afghanistan, một điển hình cho thực trạng Hải lực Mỹ ngày nay có ít tàu sân bay hoạt động hơn so với 40 năm trước.

Bởi Lầu Năm Góc phải thường xuyên huy động chiến hạm đến những khu vực khác nhau, nên đơn giản là Hoa kỳ không có đủ chiến hạm phù hợp với nhiều cam kết toàn cầu. Vì vậy, đối với các nhà sử học, nước Mỹ hiện giống hệt như Habsburg ngày xưa, sở hữu nhiều lực lượng vũ trang lớn, nhưng mệt mỏi, ôm đồm trải dài trên quá nhiều khu vực. Và thất bại của Mỹ ở Afghanistan, để lại mọi thiết bị quân sự rải rác trên phần lớn đất nước đó, cũng mang nhiều tính Habsburgian ngày xưa cũ. (Chú thích: Hasbsburg là Đế chế Áo-Phổ ngự trị Âu Châu và nhiều nước ở châu Mỹ la tinh từ Thế kỷ 16 đến Thế kỷ 18)

Trong khi đó, Trung Quốc đang tung hoành biểu dương cơ bắp ở khắp nơi. Và đằng sau câu hỏi về quy mô lực lượng vũ trang của Mỹ, còn ẩn chứa một vấn đề lớn hơn: liệu thời đại của các loại vũ khí như máy bay có người lái và tàu chiến siêu lớn trên đại dương sẽ không lỗi thời, dù nhiều cơ cho thấy chúng sẽ biến hết vào năm 2040? Người ta có linh cảm trong một số chiến trường tương lai, mà ngự trị sẽ đến từ máy bay không người lái, hoặc thống trị đại dương sẽ do pulsar kiểm soát, tỷ lệ chênh lệch giữa Mỹ và các đối thủ như Trung Quốc, Nga hoặc Iran, có thể sẽ thay đổi, bởi lẽ, ưu thế đào tạo huấn luyện quân sĩ ngoại hạng không còn đóng vai trò quan trọng. Trong quá khứ, các cuộc cách mạng quân sự thường đem lại nhiều lợi thế cho Hoa Kỳ; nhưng, những đổi thay trong tương lai có thể khiến nước Mỹ không còn ưu thế đó.

Liệu nước Mỹ có thể sẵn sàng trả giá đắt để giữ thế ưu việt? Hoa kỳ cần thành thật tự vấn, sẽ cần phải chi bao nhiêu phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để có một quân lực thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ cho đất nước? Hiện thời chi tiêu quốc phòng khoảng 3,5% GDP. Thậm chí 4% GDP vẫn không đủ, phải cần tới 6% mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Đó sẽ là một mức chi khổng lồ mà chỉ nghe thôi, các giới kinh tế gia, dân biểu nghị sĩ Quốc hội đã bật khóc thét.

Nhưng một chính quyền tương lai của Mỹ có thể làm gì khác nếu suy nghĩ sai lầm, ít được thảo luận này, là Trung Quốc quyết định tăng chi quốc phòng thật nhiều, nhiều hơn gấp bội? Điều gì sẽ xảy ra nếu đấng lãnh đạo chuyên quyền Tập Cận Bình nẩy ý, quyết định đã đến lúc Bắc kinh gia tăng ngân sách quốc phòng ít nhất là 5% để tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang của họ? Đây là một kịch bản không thể nào xảy ra cách đây nửa thế kỷ, và hiện thời ở Hoa Thạnh Đốn không ai muốn đả động tới.

Sự thể này nảy sinh ra thay đổi thứ ba, vốn luôn là yếu tố quan trọng nhất của quyền lực, đó là sức mạnh kinh tế. Sự chuyển đổi toàn cầu lớn nhất kể từ thời 1980’s là nền kinh tế qui mô, mạnh mẽ, và lớn rộng ngày nay của Trung Quốc so với Hoa kỳ. Bất cứ thắc mắc nào ngờ vực về sức mạnh kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như số liệu thống kê không đáng tin cậy, lực lượng lao động tương lai đang bị thu hẹp, v.v., thì thực cảnh kinh tế TQ vẫn tiếp tục phát triển rộng khắp với tốc độ nhanh chóng hơn, cả trước lẫn sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế Trung quốc, được đo bằng GDP điều chỉnh theo sức mua tương đương, đã lớn ngang ngửa với kinh tế Hoa kỳ.

Đây là một sự thực vô cùng kinh ngạc, hàm chứa một chuyển đổi không hề có kể từ những năm 1880’s, khi kinh tế Hoa kỳ vượt qua kinh tế Anh quốc. Trong suốt thế kỷ 20, nền kinh tế Mỹ đã to lớn hơn bất kỳ kinh tế cường quốc nào, ít ra là từ 2-4 lần. Kinh tế Hoa kỳ lớn gấp mười kinh tế Nhật bản khi Trân Châu Cảng bị tấn công, và lớn hơn gấp ba kinh tế Đức khi Hitler hấp tấp tuyên chiến.

Tình trạng đặc biệt đó đang kết thúc, và sự chuyển đổi thần sầu đang diễn ra trong hoạt cảnh thế giới, do sự kết hợp của một dân số vĩ đại và tình trạng thịnh vượng ngày càng tăng của nước Tầu. Với dân số 1,4 tỷ so với 330 triệu của Mỹ, dân Tầu chỉ cần đạt được một nửa số thu nhập của dân Mỹ trung bình, cũng khiến tổng thể kinh tế của Trung quốc to lớn gấp đôi của Hoa kỳ. Viễn tượng này sẽ mang lại cho Bắc kinh một ngân quỹ khổng lồ cho ngân sách quốc phòng tương lai. Như thế, một vị tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa, đều không thể làm gì nhiều đối với hiểm họa đó.

Từ đó, sự phục hận sẽ là một tập phim khác trong “Sự Trỗi Dậy và Sụp Đổ của các Siêu Cường quốc.” Những gì Tập Cận Bình cần làm để tránh mọi sa sẩy, là noi gương Đặng, để nền kinh tế và năng lực quân sự Trung Quốc phát triển tuần tự, từ thập kỷ này tới thập kỷ khác. Và đó chính là thách thức lớn nhất mà Hoa kỳ phải đương đầu đối mặt với một đối thù ngang tầm vóc

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. ” Những gì Tập Cận Bình cần làm để tránh mọi sa sẩy, là noi gương Đặng, để nền kinh tế và năng lực quân sự Trung Quốc phát triển tuần tự, từ thập kỷ này tới thập kỷ khác.”

    Tập Cận Bình là kẻ hiếu chiến, kiêu binh, hắn muốn thấy thành quả và sự vĩ đại ngay khi hắn còn sống nên chuyện tấn công Đài Loan chỉ là nay mai. Bản tánh ngông cuồng của Tập Cận Bình sẽ làm hại dân hán sau này.

  2. Viết như “Vũ Văn Lê, dịch từ Paul Kennedy/The Economist” thì một trẻ em học cấp 1 (xưa gọi là tiểu học) cũng viết được. A = 1500 x 3 > B = 300 x 30 …… Chưa có ai học kinh tế chính trị học suy luận đơn giản như thế !

Comments are closed.