Xét nghiệm toàn Hà Nội là lãng phí

Nguyễn Ngọc Chu

7-9-2021

1. Cần tiếp thu ý kiến đóng góp của xã hội

Qua các biện pháp chống dịch của Hà Nội (HN), dường như lãnh đạo HN tiếp thu các ý kiến đóng góp từ xã hội chưa kịp thời, và chưa rút ra bài học từ thực tiễn của TP.HCM. Về tiếp thu ý kiến phản biện xã hội, thực tế cho thấy lãnh đạo TP.HCM có cầu thị.

2. Cách thức kiểm soát lạc hậu

Cách thức phong toả của HN không ứng dụng công nghệ tương thích, lấy lực lượng công an và dân phòng làm bộ máy thực thi thủ công chủ lực.

Không ai có thể hình dung HN lại kiểm soát dịch bằng giấy đi đường lạc hậu, phiền phức, lãng phí, không hiệu quả, tăng khả năng lây nhiễm đến như vậy. Việc cấp giấy đi đường của HN kém hẳn Đà Nẵng. Làm sao có thể đuổi kịp Singapore và Paris? Không thể không thay đổi.

3. Vắng bóng chuyên môn

Các quyết định chống dịch của HN tự nó phản ánh, rằng chúng được chi phối bởi những người trong lĩnh vực quản lý hành chính, công an, và chính trị – mà không phải tuân theo ý kiến của một hội đồng chuyên môn y học độc lập.

4. Xét nghiệm toàn thành phố là lãng phí và vô vọng

Đến 06/9/2021 tổng thể Hà Nội đã có 4 119 ca nhiễm. Tuần đầu tháng 9/2021 cho thấy mỗi ngày HN có trong khoảng từ 42-58 ca nhiễm. Đã là tháng thứ 20 của đại dịch Covid-19 chứ không phải thời kỳ đầu. Đòi loại trừ F0 hoàn toàn ra khỏi xã hội là mục tiêu vô vọng. Chấp nhận Covid-19 như các loại cúm khác.

Chỉ xét nghiệm khoanh vùng chọn lọc. Xét nghiệm toàn thành phố là vô cùng lãng phí mà không thể tìm được hết các F0. Xét nghiệm cho 5 triệu người đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ lên đến cả 1.000 tỷ đồng. Nếu tính chỉ xét nghiệm cho 3 triệu người cũng cần kinh phí đến 600 tỷ đồng. Xét nghiệm toàn thành phố, trong hoàn cảnh HN hiện nay, sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người chưa lây nhiễm.

5. Ủng hộ tiêm vaccine toàn thành phố

Quyết định này của HN cần được thực thi triệt để. Càng sớm càng tốt.

6. Không phải có người làm được thì mọi người khác làm được

Cách thức phong toả, cấp giấy đi đường, xét nghiệm toàn thành phố – bề ngoài giống như cách làm của Trung Quốc. Nhưng lại thua Trung Quốc về công nghệ, phương tiện, nhân lực và mức độ thực thi. Nên kết quả sẽ không giống Trung Quốc.

Xin lưu ý rằng, chính quyền Trung Cộng hội tụ nhiều tham số mâu thuẫn: hành thì cực đoan, quyết liệt, triệt để, tàn nhẫn, ngang ngược; trí thì mưu thâm, kế hiểm, chước lạ; lực thì giàu có, tràn ngập; phương tiện thì hiện đại, đông đảo… không thể dễ dàng theo được.

7. Sai thì sửa

Không ai tránh được sai sót. Nhưng người quân tử khác với kẻ tiểu nhân ở cách chấp nhận sai sót. Người quân tử thì công khai thẳng thắn, và biết ơn. Kẻ tiểu nhân thì chối bỏ, chống chế và nuôi thù hận. Đó là nói về tư cách cá nhân.

Còn trong tư cách lãnh đạo một tập thể, thì chấp nhận sai sót và sửa sai là điều bắt buộc mà không phụ thuộc vào ý thích cá nhân, vì nó liên quan đến vận mệnh nhiều người. Trong lĩnh vực quản trị, dù ở mức độ thấp cao nào, từ công ty cho đến tập đoàn, từ phường xã cho đến quốc gia, không phải quân tử hay không quân tử, mà là lãnh đạo hay rời ghế lãnh đạo.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “không thể dễ dàng theo được”

    Được, nếu học theo Cụ Hồ Chí Minh .

    “thua Trung Quốc về công nghệ, phương tiện, nhân lực và mức độ thực thi … hành thì … quyết liệt, triệt để, … trí thì mưu thâm, kế hiểm, chước lạ; lực thì giàu có, tràn ngập; phương tiện thì hiện đại, đông đảo…”

    Tại sao Việt Nam không sở hữu được những kỹ năng & đặc tính này ? Muốn có phải làm sao ? Bài Trung chớ làm sao nữa . Vừa thày lại vừa bạn mà hổng học, nhưng phải đi tận đẩu tận đâu đem những thứ nhìn đã thấy xốn mắt, mình nuốt hổng nổi về .

Comments are closed.