Thủ tướng ban hành văn bản chống Covid có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và pháp luật!

Trần Đình Triển

4-9-2021

Phòng chống dịch Covid, không chỉ nhiệm vụ của mỗi quốc gia, mà là trách nhiệm của toàn thế giới để bảo vệ loài người. Trước tình hình cấp thiết có tính thời đại đó, đòi hỏi nhà nước phải xác định tình trạng khẩn cấp, có những giải pháp đúng và phù hợp phòng chống Covid đạt hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên, hai năm qua nhìn lại, chúng ta có vô vàn khiếm khuyết; Covid đã gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân dân, mất mát về sinh mạng và đau thương xảy ra nhiều. Tính chất là vậy, quan trọng là vậy,… nhưng tôi không hiểu sao, các văn bản ban hành của Thủ tướng lại có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Xin nêu cụ thể như sau:

MỘT LÀ: Chưa có Lệnh của Chủ tịch nước Công bố tình trạng khẩn cấp.

Đã xác định “chống dịch như chống giặc” thì mọi giải pháp tiến hành phải đặt trong tình trạng khẩn cấp. Nội dung này thuộc thẩm quyền công bố của Chủ tịch nước, được quy định tại khoản 5-Điều 88- Hiến pháp năm 2013 như sau:

“…; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”.

Có Lệnh của Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp, thì lúc đó các biện pháp ưu tiên hoặc hạn chế mới triển khai như: chi tiêu ngân sách (Luật Ngân sách nhà nước), huy động lực lượng (Luật Quốc phòng và Luật Công an nhân dân,…), hạn chế một số quyền công dân (Hiến pháp và Bộ Luật dân sự,…), điều kiện khám chữa bệnh (Luật khám bệnh, chữa bệnh),vv…được thực thi mới đúng Hiến pháp và pháp luật.

HAI LÀ: Ban hành văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật.

Từ khi Covid xâm nhập vào nước ta cho đến nay; văn bản cao nhất để chỉ đạo tổ chức thực hiện là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành 3 Chỉ thị (số 15, 16 và 19), trên cơ sở đó một số ban ngành và UBND các địa phương ra các văn bản tổ chức thực hiện.

Chỉ thị của Thủ tướng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó được quy định tại Điều 4-Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

“Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

1. Hiến pháp.

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3.[2] Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8.[3] Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8a.[4] Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Đồng thời, cũng được thể hiện không quán triệt đúng Chương II “Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ” được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

BA LÀ: Do sơ suất hay coi thường pháp luật?

Hiến pháp năm 2013 đã quy định:

“Điều 8

1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”

Trong bối cảnh như vậy, để thảo và trình Chủ tịch nước ký Lệnh Công bố tình trạng khẩn cấp phòng chống Covid (chỉ một trang giấy) thì một giờ đồng hồ là xong. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao cho bộ phận giúp việc dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, tổ chức họp Chính phủ gấp, thông qua Nghị quyết và ký ban hành ( nhanh thì 2 ngày, lâu thì 5 ngày là xong). Nếu làm được như vậy, vừa đúng pháp luật, vận hành trôi chảy, phân công phân nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của công dân;…thì hậu quả không xảy ra như hiện nay.

Tôi định góp ý khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 15. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng tình hình khẩn cấp quá, cần có chỉ đạo cấp bách; nhưng từ đó đến nay vẫ tiếp tục điều hành bằng Chỉ thị. Qua đó cũng chứng minh nhân dân ta thật tuyệt vời; đại đa số tuân thủ những yêu cầu đặt ra để phòng chống dịch, mặc dù những quy định đó chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật để buộc mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành./.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Từ khi lãnh đạo đất nước đến nay, đảng chi cần sức mạnh chuyên chính, chứ có cần luật pháp và hiến pháp đâu, thưa Ls ?!

Comments are closed.