Hiến Pháp năm 1992 trong mắt tôi

Nguyễn Duy Vinh

25-8-2021

Chúng tôi không phải là những nhà chuyên môn về luật. Nhân dịp gần đây nước Mỹ đang có tình trạng chia rẽ trầm trọng từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền cho đến khi ông rời Nhà Trắng, chúng tôi mạo muội xin được đóng góp vài ý kiến thô thiển về hiến pháp của nước CHXHCNVN.

Nói đến hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), chúng tôi nghĩ ngay đến hai chữ “khập khiễng” (tiếng Pháp là boiteux, tiếng Anh là lame). Khập khiễng vì nhiều lý do. Lý do căn bản nhất là sự thiếu vắng một sợi dây liên lạc hoàn mỹ giữa các cơ quan quyền lực. Tức là sự phân quyền và phân nhiệm giữa các cơ quan này chưa được rõ rệt.

Lý do thứ hai nằm trong cái lủng củng (hay nói khác hơn là chưa đủ nghiêm túc) trong sự áp dụng những điều của hiến pháp về nhân quyền. Ngoài ra, có thể còn có những chương khác mà nếu chúng ta chịu khó đọc kỹ, chúng ta có thể tìm ra nhiều khiếm khuyết nữa để sửa đổi hiến pháp 1992, cho hiến pháp này được toàn diện.

Và chúng tôi xin tuần tự kê khai ra đây những khập khiễng này theo quan điểm của chúng tôi:

1. Khập khiễng thứ nhất: Nhìn vào hiến pháp 1992 thì cơ quan có quyền lực cao nhất hiện nay trong guồng máy lãnh đạo nhà nước CHXHCNVN là Quốc hội Việt Nam (điều 83). Thế nhưng, theo chỗ chúng tôi quan sát, những đại biểu Quốc hội lại không thật sự do dân bầu qua một cuộc ứng cử tự do. Có nghĩa là dân chỉ bầu những đại biểu dựa trên danh sách đã được nhà nước (hay đảng CSVN) chấp thuận hoặc đề cử. Hoàn toàn không có ứng cử và bầu cử tự do.

2. Khập khiễng thứ hai: Đảng là lực lượng lãnh đạo tối cao nhất của guồng máy lãnh đạo nhà nước (điều 4), của nước CHXHCNVN. Đảng đứng trên cả Quốc hội. Nhưng trong hiến pháp 1992 tuyệt nhiên không thấy có chương nào nói về Đảng cả.

Đọc bản hiến pháp 1992 chúng ta không thể nào biết đảng CSVN là gì, do ai đại diện và đảng có trách nhiệm gì với Quốc hội (hay với nhân dân) và ngược lại Quốc hội có trách nhiệm gì với Đảng? Với tình trạng khập khiễng hiện tại thì đảng CSVN có thể bị gọi là vi hiến (unconstitutional) vì không được hiến pháp nói đến và quy định.

Chúng ta cần có một chương trong Hiến pháp giải thích điều này thật cặn kẽ. Hiện nay Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết và Quốc hội chỉ biết phê chuẩn và thông qua. Vì thế, nếu có được một chương nói về Đảng trong hiến pháp 1992, ít ra người dân cũng có thể từ đó biết được tư duy của Đảng rõ ràng hơn.

Ví dụ, phải giải thích rõ cho người dân biết (1) lý thuyết Mác Lê Nin là gì, (2) định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào, (3) tư tưởng cách mạng, đạo đức và giáo dục của cố chủ tịch nước Hồ Chí Minh gồm những tư tưởng nào. Ai là người đại diện Đảng để chịu trách nhiệm trước toàn dân và báo cáo với dân (tức là Quốc hội)?

3. Khập khiễng thứ ba: Dân có quyền có tài sản hợp pháp (điều 23). Ở đây phải có định nghĩa rõ ràng hơn. Hiến pháp phải biên thật rõ những tài sản đó là những tài sản nào: Nhà, cửa, xe hơi, xe đạp, vàng bạc, châu báu v.v… Qua thảm kịch Tiên Lãng, chúng ta thấy luật đất đai vẫn chưa được rõ ràng và còn nhiều khiếm khuyết, như vậy phải nói thêm trong hiến pháp VN là dân có quyền sở hữu đất đai hay không? Nếu có thì đâu là những quy định. Nếu không (vì định hướng chủ nghĩa xã hội) thì nhà xây trên đất đó sẽ còn được xem là tài sản hợp pháp hay không?

4. Khập khiễng thứ tư: Dân không được có hành vi phản động (điều 30). Hiến pháp phải định nghĩa rõ ràng hơn, thế nào là phản động. Ví dụ đi xuống đường biểu tình phản đối “tàu lạ” trên biển Đông bắn giết ngư dân VN, có phải là phản động không?

5. Khập khiễng thứ năm: Nhà nước có nhiệm vụ phát huy tinh thần yêu nước (điều 48), thế sao nhà nước lại bắt bỏ tù những người biểu tình phản đối sự xâm lăng biển đảo của Trung Quốc?

6. Khập khiễng thứ sáu: Điều 69 của hiến pháp 1992 cho phép tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình… nhưng phải theo quy định của pháp luật. Xin Quốc hội nêu rõ những quy định pháp luật này để người dân biết đâu là quyền hạn và trách nhiệm của mình.

7. Khập khiễng thứ bảy: Nhà nước bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể người dân (điều 71). Thế sao gần đây chúng ta thấy nhiều tin tức về công an lỡ tay đánh chết người mà lại không bị khởi tố hay bị xử đích đáng. Bộ luật hình sự về điều này phải thay đổi để người dân được bảo vệ một cách tích cực và quyết liệt hơn.

8. Khập khiễng thứ tám: Nhà nước bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (điều 73), thế mà gần đây chúng ta thấy công an thường xuyên xâm nhập vào nhà dân mà không có lệnh của tòa án. Bộ luật hình phải viết rõ hơn về điều này, nhất là khi người xâm phạm là nhân viên công lực.

9. Khập khiễng thứ chín: Bộ Công An và Quân Đội Nhân Dân hiện nay thuộc trách nhiệm của Đảng. Hiến pháp phải có một chương đặc biệt nêu rõ những quyền hạn của Bộ Công An (BCA) và Quân Đội Nhân Dân (QĐND). Quốc hội nên có đề nghị thay đổi để cả hai BCA và QĐND nằm dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư Pháp và Bộ Quốc Phòng. Hiện nay, hai lực lượng này nằm ngoài sự kiểm soát của Quốc hội và Chính phủ, và những tin đọc được trên mạng gần đây cho thấy có nhiều vụ lạm quyền từ phía công an.

10. Khập khiễng thứ mười: Hội Đồng Nhân Dân là một cơ quan dân cử, có trách nhiệm trước Quốc hội. Việc bầu cử những thành viên cho hội đồng này cũng không được rõ rệt. Hiến pháp phải quy định rõ ràng việc bầu cử thành viên của HĐND.

Và theo chúng tôi, một hiến pháp dân chủ cho VN phải có những chương nói về ba quyền phân lập rõ ràng. Việc phân quyền và phân nhiệm của ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp không rõ rệt trong văn bản của Hiến pháp 1992. Theo văn bản này, Quốc hội VN hiện nay nằm trên hai cơ quan hành pháp và tư pháp. Nhưng Quốc hội lại nằm dưới Đảng mà Hiến pháp 1992 lại không có chương nào định nghĩa và quy định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của đảng CSVN.

Về vấn đề này, chúng tôi đọc lại văn bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 và nhận thấy, đây là một văn bản Hiến pháp rất có giá trị về nội dung và hàm chứa một tính cách dân chủ rất cao. Hiến pháp VNCH 1967 có 3 chương nói về mỗi cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp rất rõ ràng và súc tích.

Theo cách suy nghĩ của một số trí thức VN được gọi là “phi chính thống” hay “lề trái”, sự độc tài lãnh đạo và chính sách độc đảng hiện nay ở Việt Nam là nguyên nhân chính đưa đến sự tham quyền cố vị, cũng như sự tham nhũng trầm trọng của nhiều quan chức trong guồng máy nhà nước.

Một cuộc trưng cầu dân ý sau khi Hiến pháp 1992 được sửa đổi để người dân được sử dụng quyền phúc quyết của mình là một điều nên làm vì việc này chưa bao giờ được thực hiện từ khi Hiến pháp 1946 của VNDCCH ra đời. Tuy nhiên, người dân và nhất là nhà nước phải chuẩn bị cho một đổ vỡ lớn có thể xảy đến nếu đa số dân phúc quyết qua lá số của mình không tán thành Hiến pháp 1992. Trong mắt người viết, lý do sâu xa của cuộc đổ vỡ này có thể vì điều 4 của Hiến pháp 1992 hiện nay.

Một cách nữa hay hơn, để cứu vãn tình trạng thoái hóa và tha hóa của xã hội VN hiện nay và tiến đến một nền dân chủ thật sự là Quốc hội biểu quyết lấy điều 4 này đi và thay vào đó bằng một điều 4 mới cho phép sự thành hình của một chính sách lưỡng đảng: Đảng cầm quyền và đảng đối lập. Sự ra đời của một đảng đối lập (cộng sản hay không cộng sản tùy vào đa số dân quyết định qua một cuộc thi đua dân cử và bầu cử tự do) sẽ là một bước đầu vô cùng quan trọng trong việc cải tiến việc thực thi dân chủ tại Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ là tương lai huy hoàng của nước Việt Nam tùy thuộc hoàn toàn vào thể chế chính trị của nước ta, trong đó Tự Do, Công Lý và Hạnh Phúc của người dân được bảo vệ thật sự.

Nguyễn Duy Vinh, giáo sư già về hưu, hiện đang dạy học ở Phi châu

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Nếu cụ sống và làm việc ở Vn thì cụ sẽ thấy bản hiến pháp này không khập khễnh một tí tẹo nào cả. Nó đúng với chủ trương lãnh đạo của đảng và đa số nguyện vọng của ” nhân sĩ trí thức nước đảng” vì sự nghiệp và cuộc sống của họ gắn liền với sự nghiẹp của đảng bác Hồ.

  2. Xin lỗi. Tôi đọc nhần hai chữ “già nầy” (của bác Vinh Do) thành “giả cầy”

  3. – Tôi tin tác giả bài này (Nguyễn Duy Vinh) là GS thứ thiệt, vì qua văn phong và nội dung bài viết. Ngoài ra, tuy đã về hưu nhưng tác giả vẫn được mời dạy ở châu Phi.
    – Một “bạn đọc” (?) của TiengDan (nick là Vinh Do) gọi tác giả là GS “giả cầy”.
    – Mong rằng đây chỉ là một loại “bạn đọc” rất cá biệt.

  4. Nói theo ông Giáo sư già nầy,thì rõ ràng đàn gẩy tai trâu.Người cộng sản không nghe ông đâu!
    Bọn cộng sản Việt Nam hay còn lại trên thế giới đều giống nhau một điểm : Chúng đâu có lương tâm,
    nếu chúng có lương tâm thì không phải cộng sản.Ngay như ngày xưa luật gia lừng lẫy Nguyễn Mạnh Tường chúng còn hành hạ cho đến gần chết mới trở lại Pháp để chết.
    Cộng sản là cộng sản.Họ chỉ có một chìu đi tới trước,dù ngớ ngẫn,dù độc ác,hay ngu muội,nhưng bảo họ phải thế nầy hay thế kia,hợp với luân thường đạo lý thì rõ ràng chẳng hiểu gì cộng sản. Cộng sản làm gì có hiến pháp nầy nọ,họ chỉ có đảng mà thôi…

Comments are closed.