22-8-2021
Người bạn thâm niên hơn 30 năm làm chính sách công tôi rất kính trọng, gửi cho một đoạn liệt kê nhanh các quyết định liên quan tới công tác chống dịch COVID-19 ở Tp. Hồ Chí Minh trong 3 tháng qua (Xin trích ở dưới bài viết này).
Bạn không viết ra, mà chỉ muốn gửi đến tôi với tâm tư buồn: Sao lại để đến nỗi này? Chính sách chống dịch đưa ra “đùng, đoàng” vênh trước, vẹo sau đến độ đối chọi thì dân tình táo tác, xã hội nhớn nhác… tránh sao được?
Thực ra, vấn đề chính sách vênh phải sửa không mới: “Sai đâu, sửa đấy! Sửa đấy, có xong đâu? Xong đâu, sai đấy?”, tôi nghe từ lâu rồi.
Viết bài này, tôi muốn thể hiện: Tôi thông cảm! Và hơn thế, muốn nói rằng, tình trạng trên, hoàn toàn có thể tránh được, qua nhận biết căn nguyên gốc và yếu tố duy trì.
1. CĂN NGUYÊN GỐC: CHỐNG DỊCH MÀ CHƯA THỰC SỰ LẤY KHOA HỌC DỊCH TỄ HỌC DẪN ĐƯỜNG!
Bởi nếu có khoa học dịch tễ học dẫn đường, sẽ thấy được ngay 3 vấn đề:
– Không thể, và không nên dành lực lượng tập trung vào “xét nghiệm diện rộng tìm cho hết người nhiễm – F0 – trong cộng đồng” lúc này! Bởi làm sao có thể chạy theo tìm dấu vi rút khi dịch đã ở dạng “nội sinh” lan rộng nhiều tuần, với 80% người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng? Khi mà chính bất kỳ xét nghiệm nào được sử dụng đều luôn có một tỷ lệ âm tính giả – dương tính giả đi kèm? Càng làm rộng trên cộng đồng, vấn đề “âm tính giả – dương tính giả, khả năng chẩn đoán đúng của test càng phải đặt ra và trở nên phức tạp, phải có nhà dịch tễ đích thực phụ trách và diễn giải kết quả! (Đọc thêm ở đây).
– Lúc này, khi đã là dịch nội sinh, không thể “bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng”, dùng “F0” là chỉ dấu để thực hiện phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho toàn cộng đồng trong thời gian 2-3 tuần để “vi rút tự chết” hết mầm bệnh, hết dịch (như đã làm khi dịch ở dạng xâm nhập từ ngoài vào cộng đồng chưa hề có mầm bệnh)! Làm sao có thể “tiệt nọc” vi rút SARS-COV-2, khi thực tế có tới 80% trường hợp nhiễm là không có biểu hiện lâm sàng (thể người lành mang trùng).
– Phòng chống dịch COVID-19 biến thể Delta thành công, ở thời điểm dịch đã trở thành nội sinh, không nên mơ đạt bằng mọi cách chặn đứng không cho vi rút lan truyền! Mà thực tế hơn, đưa tỷ lệ người dân bị nhiễm vi rút có triệu chứng lâm sàng nặng cần can thiệp điều trị bệnh viện, từ 5% (trước khi có vắc xin), xuống dưới 0,1%, bằng tiêm đủ liều vắc xin cho toàn dân sớm nhất có thể, đi kèm hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp dự phòng tăng cường sức khỏe (luyện thở, tập thiền, thư giãn, bài tập vận động toàn thân, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý…) và tự chăm sóc tại nhà đúng cách khi có biểu hiện lâm sàng bệnh, nhận được tư vấn y tế kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng.
– Chẩn đoán tình trạng miễn dịch cộng đồng sử dụng test kháng thể, kết hợp với các thông tin dịch tễ học từ nghiên cứu hệ thống điểm sentinel sites là cơ sở để điều chỉnh chiến lược tiêm vacxin phủ rộng đúng đối tượng sớm nhất, điều chỉnh mức độ phong tỏa phù hợp nhất để đưa xã hội trở lại cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể, chứ không phải bằng “xét nghiệm diện rộng tìm và bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng” và thực hiện phong tỏa theo nguyên tắc cứng “nội bất xuất ngoại bất nhập” kéo dài tối thiểu 2 tuần cho “tiệt nọc” vi rút.
2. GIẢI TỎA GỐC: CHẶT ĐỨT 3 YẾU TỐ TRỰC TIẾP NHẤT ĐƯA ĐẾN HẬU QUẢ TRÊN
YẾU TỐ THỨ NHẤT: Để các nhóm thủ lợi (sinh phẩm, hóa chất, thuốc, thực phẩm chức năng…) can thiệp được vào lèo lái chính sách phòng chống dịch, mục tiêu thương mại lấn át khoa học dịch tễ học!
Thực ra, chỉ cần tuân thủ theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC)… là đã có khoa học dịch tễ học dẫn đường rồi!
Vấn đề là có áp dụng thực vào Việt nam hay không? Bởi khi đứng trước bài toán thực tế, sẽ phải đương đầu với “tư vấn” đến từ nhiều nhóm lợi ích khác nhau.
Trong việc “điều hòa” cân bằng được lợi ích các bên, “chốt” dựa vào đâu, sẽ quyết định có hay không dịch tễ học được đặt đúng vai trò của nó: Đầu tầu dẫn đường trong phòng chống dịch bệnh!
Xét tình huống thực tế thứ nhất: Tiêm vaccine.
Sẽ thấy, Bộ Y tế khi chưa có vaccine (tháng 2/2021), đưa ra danh sách ưu tiên 11 nhóm, người già, người có bệnh nền đứng hàng thứ 7 và 9! Chỉ báo: “Dich tễ học” và kinh nghiệm các nước tiền tiến dường như có bị “xem nhẹ”, nhưng còn “chưa đến nỗi nào”! (Tài liệu tham khảo 1)!
Còn trong quyết định triển khai của Hà Nội (Quyết định số 117/KH-UBND ngày 17/5/2021) khi vaccine đã về, cả người già, người có bệnh nền đều không còn trong danh sách ưu tiên tiêm nữa! Chỉ báo: “Khoa học dịch tễ học” đã bị ra rìa! (TLTK2). Quả là “được đằng chân, lân đằng đầu”!
Xét thêm vấn đề xét nghiệm và phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời!
Tình trạng xét nghiệm nhanh tìm F0 được đẩy tới mức cao nhất có thể, bằng quyết định “xét nghiệm rộng rãi quyết bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” với hàng nhiều triệu test cho Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phố khác! (Bất chấp sự ùn ứ tập trung nhiều giờ với con số lên hàng trăm người vai chen vai tại các điểm xét nghiệm, thấy rõ từ những nơi đã từng tổ chức)!
Thậm chí cả khi đã thực hiện phong tỏa, xét nghiệm còn được gắn thành “điều kiện bắt buộc” cho đi lại của cá nhân (giấy chứng nhận kết quả âm tính cứ 3 ngày lại trình kết quả xét nghiệm mới) cũng như toàn cộng đồng (phân loại vùng xanh, vùng đỏ trong thực hiện phong tỏa, xét theo kết quả xét nghiệm tìm F0)!
Giải thích thế nào khi các nguyên tắc giãn cách chống dịch lây lan bị vi phạm nghiêm trọng, mà các địa phương vẫn cứ duy trì được nhiều ngày?
Trong khi, cái cần nhất lúc này là nghiên cứu đánh giá mức miễn dịch cộng đồng đạt được bằng xét nghiệm kháng thể, làm cơ sở tiên liệu vấn đề phong tỏa và kế hoạch triển khai tiêm vắc xin, thì lại không thấy triển khai! Chỉ dấu: “Khoa học dịch tễ học” đã chuyển sang trạng thái “chết lâm sàng”!
Còn phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời, GSTS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng cục y tế Dự phòng Bộ Y tế, đã kiến nghị dừng từ hơn năm nay, khuyến cáo của WHO rõ ràng tới từng chi tiết trên trang web phổ thông, mà phải tới mãi gần đây Bộ Y tế mới cho dừng!
Chỉ báo: Lợi ích thương mại dẫn đường thay thế dịch tễ học là quá rõ ràng!
Biện pháp phòng chống ở đây, đơn giản chỉ là “minh bạch và giải trình trách nhiệm cụ thể” của các thành viên tham gia “tư vấn” và “làm chính sách” phòng chống dịch, đi đôi với “thực hiện phản biện khoa học độc lập” trước khi đưa chính sách vào thực tế!
YẾU TỐ THỨ HAI: CHẤT LƯỢNG NHÂN SỰ TƯ VẤN CHIẾN LƯỢC
Không đạt tầm kiến thức cơ bản khoa học dịch tễ học phải có khi bàn về chính sách phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Minh chứng bằng danh sách 8 chuyên gia của tổ “tư vấn về chiến lược phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế” cho Tp. Hồ Chí Minh ký ngày 27/7 (TLTK 3). Cả tổ trưởng và tổ phó, chưa thực sự hiểu về “dịch tễ học” ở tầm phải có đối với một chuyên gia tham gia tư vấn chiến lược phòng chống dịch! Bởi nếu họ hiểu, họ sẽ biết sợ với trách nhiệm đặt lên vai, để đưa ra yêu cầu, đòi hỏi cần đội ngũ chuyên gia dịch tễ học thực thụ trợ giúp!
Hậu quả, sau hai tuần làm việc, báo cáo đưa ra, phạm phải sai lầm “mất cơ bản của khoa học phòng chống dịch”: Dự báo tình hình dịch bệnh và dỡ bỏ phong tỏa nhưng lại không có trong tay bằng chứng khoa học khách quan đánh giá được thực trạng mức độ miễn dịch cộng đồng gần xa đến đâu với ngưỡng “bỏ phong tỏa”!
Biện pháp đối phó không để tình trạng này tái diễn, đơn giản chỉ là, người lãnh đạo phải tâm niệm dùng chuyên gia “đúng người, đúng việc”, chớ đề cái “học hàm, học vị” lòe mình.
Mà muốn nhận biết người làm khoa học thực để giao đúng việc, thì bản thân cần chuyển đổi theo “lấy khoa học dẫn đường cho hành động” để tìm người giúp việc “có tư duy khoa học khách quan“ trong giải quyết công việc chỉ đạo hệ thống hàng ngày. Trợ lý lãnh đạo càng phải tâm niệm “khoa học dẫn đường”, hơn cả lãnh đạo thì càng tốt!
YẾU TỐ THỨ BA: THỰC HIỆN PHẢN BIỆN KHOA HỌC ĐỘC LẬP VÌ DÂN
Lãnh đạo và trợ lý tâm niệm khoa học dẫn đường cho phòng chống dịch bệnh, tìm “đúng người, giao đúng việc” giải quyết thách thức trước mắt! Thế vẫn mới chỉ là điều kiện cần!
Bởi nếu không cho thực thi “phản biện khoa học độc lập vì dân”, thì khó tránh khỏi sai sót đáng tiếc, khiến chính sách cứ “thò ra, thụt vào”.
Lưu ý nữa: Có cho phản biện, có chọn chuyên gia độc lập (tức giao bộ phận ngoài hệ thống nhà nước phản biện), thế vẫn chưa đủ! Bởi nếu không phải chuyên gia có tâm VÌ DÂN, thì sẽ rất dễ rơi vào “phản biện độc lập bởi nhóm thủ lợi”! Rốt cục, chính sách lại nghiêng phục vụ lợi ích của nhóm thủ lợi.
PHẢN BIỆN ĐỘC LẬP VÌ DÂN? Tức phản biện khoa học, đặt lợi ích cộng đồng lên trên! Trong nền kinh tế thị trường “khoa học phục vụ nhóm thủ lợi” rất phát triển, không chỉ trong nước, mà cả quốc tế. Mãi vẫn không cấm được thuốc lá, amiang, hóa chất diệt cỏ… là vì thế!
Tóm lại, điều chỉnh chính sách Chống dịch COVID-19 lúc này, là quay lại gốc lấy khoa học dịch tễ học dẫn đường!
Muốn có gốc ấy, thực hiện ba điều: (1) minh bạch giải trình trách nhiệm của những người tham gia tiến trình ra chính sách công (kể cả tư vấn) để đảm bảo không bị “nghiêng” phục vụ lợi ích nhóm thủ lợi nào; (2) Thúc đẩy hoạt động tư vấn phản biện độc lập vì Dân, và (3) thiết lập lại nhóm tư vấn chiến lược cho lãnh đạo thực sự “đúng người, đúng chuyên môn”!
Ba biện pháp ấy, kể ra đâu quá khó, khi đã quán triệt được toàn Đảng, toàn dân “chống dịch như chống giặc”?
_____
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo Quyết định 1210/2021 do thứ trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành ngày 9/2/2021: https://vnvc.vn/doi-tuong-nao-duoc-uu-tien-tiem-vac-xin-covid-19/http://hanoicdc.gov.vn/1708n/ha-noi-trien-khai-ke-hoach-tiem-vac-xin-phong-covid19-cho-nguoi-dan-giai-doan-2021–2022.html
2. Quyết định số 118/KH-UBND ngày 07/5/2021 về “kế hoạch triển khai tiêm vacxin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố Hà nội giai đoạn 2021-2022. https://covidlawlab.org
3. Về tổ tư vấn chiến lược: https://tuoitre.vn/lap-to-tu-van-phong-chong-dich-covid-19-va-phuc-hoi-kinh-te-tp-hcm-20210727152108943.htm
***
Thích Thanh Thắng: LIỆT KÊ SỰ BẤT CẬP TRONG RA CHÍNH SÁCH CHỐNG DỊCH COVID-19 Ở TP HỒ CHÍ MINH
– Đùng một cái tăng giãn cách lên 30 ngày liền, rồi đùng một cái thông tin triển khai quân đội công an phân phối thực phẩm. Thế là đùng một cái dân tháo chạy về quê, rồi đùng một cái dân chen nhau đi siêu thị vét sạch thực phẩm. Song đùng một cái quân đội lại không đi phát lương thực và TP.HCM cũng không thực hiện biện pháp khẩn cấp trong 2 tuần.
– Đùng một cái bảo thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động (từ tháng 7) rồi lặn mất tăm luôn. Rồi đùng một cái không rõ các điểm bán thực phầm sẽ ra sao khi triển khai xe quân đội vận chuyển rau củ từ Đà Lạt về và đương nhiên họ sẽ phân phối cho dân hoặc mua giúp dân, đi chợ thay dân. (Chờ xem thực hiện thế nào).
– Đùng một cái “ai ở đâu ở yên đấy”, cứ như thiết quân luật, song đùng một cái người dân vùng xanh được đi chợ 1 lần/1tuần. Nói chung vẫn có ra đường theo khung giờ, đối tượng…
– Đùng một cái “di biến động dân cư”, kiểm soát, khai báo di chuyển, song đùng một cái ngưng, song lại đùng một cái quản lý hoạt động của đội ngũ người giao hàng (shipper) trong việc tổ chức phân phối hàng hóa đến các hộ dân. Song lại đùng một cái ngưng không cho shipper giao hàng ở thành phố Thủ Đức và Quận 7.
– Đùng một cái gom dân đi test nhanh rồi cấp tập tiêm chủng trong khi dịch ngấm sâu trong cộng đồng, dẫn đến trở thành nguồn lây lan dịch bệnh, do vệ sinh an toàn dịch tễ kém và thiếu chuyên môn.
– Đùng một cái duy ý chí “tách F0 ra khỏi cộng đồng” trong khi ngay từ lúc dịch mới phát sinh ở hội thánh truyền giáo và trong hơn 1 tháng áp dụng chỉ thị 16 cũng không làm được. Mà tách F0 ra khỏi cộng đồng bằng gom người test nhanh thì đúng là đỉnh cao chống dịch.
– Đùng một cái gom hết F0, F1 đi cách ly, rồi đùng một cái cho cách ly tại nhà, nhưng chăng giây kín, khi cần cấp cứu gọi cũng khó thấu.
– Đùng một cái ông chủ tịch thành phố bị điều ra Trung Ương nhưng không biết có đùng một cái giải tán mấy tay trong “tổ tư vấn” chống dịch cho ông chủ tịch hay không?
– P/s: Nói chung cứ đùng một cái tạo ra các hoảng loạn không cần thiết. Dân vừa gồng gánh dịch lại thêm những ngày khổ vì hoang mang…
Học Giả Nguyễn Duy
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
(ca dao)
1.
Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
không có giấc mơ
chỉ toàn ác mộng
mập mờ như ngủ như thức
người và ma lẫn lộn tù mù
ta thu bóng ngồi uống trà với gió
chén rượu suông cụng với chính hồn mình.
2.
Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than
đứt ruột.
tiếng thở dồn người chống dịch xả thân
thắt ruột.
tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von
sốt ruột.
tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi
lộn ruột.
3.
Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng
hồn vía quay quay cuồng cuồng
đột quị con đường chen chúc sống
chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương
chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương
chen chúc thở
chen chúc lò thiêu xác.
4.
Có cái chết trống không như chết lậu
không trống không kèn không đèn không nhang
mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
đau kiếp người sống chui chết chui.
ta thành kính vấn an linh hồn lạc
chỉ về Trời mới thật có tự do
tự do nhẹ như gió
tự do bềnh bồng như mây
tự do trong như giọt mưa trong
tự do nặng trĩu như lòng.
5.
Ta lăn lê gần hết đời người
nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
ta thèm khát vô tư như cỏ
mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
ta đã liều mình lao vào đạn bom
trẻ liều chết nay về già liều sống.
6.
Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
biết chăng con người sống để làm gì?
giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?
bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?
dịch bệnh bung toang không hề hư vô
là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?
con người hiền lương con người nhân đức
gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!
7.
Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…
Nguồn Mạng
Đọc bài này lại nhớ tới câu thơ “Bút Tre” về tác phong Lãnh tụ: “Lê Nin đang ở nước Nga, đang đùng 1 cái Ông ra nước ngoài. Lê Nin đang ở nước ngoài, đánh đoàng 1 cái Ông nhoài vào trong.”