10-8-2021
Chuyện “bác sĩ Khoa rút ống thở từ gương mặt người mẹ ruột đưa qua cứu sản phụ để cứu hai em bé sinh đôi” đã được nhiều người mổ xẻ, phân tích các điểm phi lý một cách chi tiết. Hôm nay dù đứng ở góc nào mọi người đều thấy sự kiện là giả dối.
Nhưng đó là nhận xét ngày hôm nay. Hôm kia, 7 tháng 8, thì khác. Tràn ngập trên các trang Facebook là những lời ca ngợi “bác sĩ Khoa”. Ca ngợi cũng có nghĩa đồng tình và cảm thông với việc “bác sĩ Khoa” giết mẹ.
Phía dưới lời “Chào ba, chào mẹ!” rất sáo của “Trần Khoa” chỉ trong vòng 4 giờ đã có 6,190 người chia buồn, đồng ý và yêu mến, 801 lời bình, 3.569 lượt chia sẻ những lời tiễn biệt cha mẹ của “Trần Khoa”. Không một người nào để lại dấu “phẫn nộ” hay “giận dữ” trước hành động đại bất hiếu của “Trần Khoa”. Trong số những người ca ngợi là những người có học thức, có tên tuổi trong xã hội.
Như mọi người biết chẳng ai chết hay được cứu nhưng câu chuyện nhắc nhở một tâm lý đồng tình rất phổ biến dưới chế độ CS.
Tâm lý đồng tình với việc giết cha, giết mẹ, giết con là một đặc điểm quan trọng của đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Đặc điểm đó theo Lenin là “trung thành và hy sinh quên mình để phục vụ chủ nghĩa CS”.
Năm 2021 này, chẳng ai kể cả Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến việc “phục vụ chủ nghĩa CS” nhưng tâm lý đồng tình, hy sinh đã ăn sâu vào trong máu những người lớn lên trong hệ thống và ảnh hưởng quyết định tới các phán đoán của họ.
Từ gần trăm năm trước chuyện giết cha, giết mẹ hay giết con để lập công với đảng CS đã là một trong những bài học tuyên truyền phổ biến.
Con giết cha ở Liên Xô
Tại Liên Xô, câu chuyện giết cha của Pavlik Morozov có lẽ là chuyện phổ biến nhất. Cậu bé Pavlik Morozov, theo tài liệu tuyên truyền, năm 1932 khi cậu lên 13 tuổi, đã tố cáo cha mình cho chính quyền CS địa phương về tội làm giấy thông hành giả để bán cho các thành phần chống phá chế độ. Cha cậu, Trofim Morozov, bị bắt, bị xử án mười năm lao động khổ sai và sau đó bị xử bắn.
Sau khi tố cáo, Pavlik Morozov bị giết vì một lý do nào đó. Một số lời tố cáo không bằng chứng cho rằng Pavlik Morozov bị bà con giết để trả thù cho Trofim Morozov. Bộ máy tuyên truyền Liên Xô nhân câu chuyện đó đã biến Pavlik Morozov thành anh hùng với lý do dù tuổi còn nhỏ đã biết đặt quyền lợi của Xô Viết lên trên tình nghĩa cha con.
Pavlik Morozov được vinh danh như là “Thiếu niên Tiền Phong số 1” và ngày cậu bị giết, 3 tháng Chín, 1932 là một ngày lễ mà nhiều triệu thiếu niên Liên Xô phải ghi khắc.
Giống như nhân vật Paven được dùng cho tuổi thanh niên, Morozov là thần tượng của tuổi thiếu niên. Hành động giết cha của Morozov, theo các nguyên tắc đạo đức CS, không phải là một tội ác mà là một nghĩa cử đáng trân trọng.
Tuyên truyền như những giọt mưa rỉ xuống từ mái ngói cong theo thời gian xói mòn nhận thức của con người. Không ít người dân Liên Xô từng ca ngợi hành động giết cha của Morozov một cách chân thành. Việt Nam cũng thế.
Mẹ giết con ở Quế Sơn, Quảng Nam.
Sau 1968, một phụ nữ tên Năm Nghê ở một quận miền núi Quảng Nam dắt đứa con gái năm tuổi tên Lê Thị Liên, và tay ẵm đứa con trai chỉ mới bốn tháng tuổi tên Tân cùng đoàn người chạy vào hang núi khi Mỹ tấn công.
Em Tân khóc. Mọi người trong hang lo rằng tiếng khóc của Tân có thể làm cho họ bị lộ tung tích và một người đưa ý kiến “Nếu không hi sinh đứa bé thì khó bảo toàn tính mạng mọi người trong lúc này!”
Bà mẹ chần chừ nhưng cuối cùng đã quyết định bịt miệng Tân cho đến khi em bé nghẹt thở và chết.
Điều đáng nói, không phải năm 1968 mà ngay hôm nay những người sống trong hang núi ngày đó và độc giả nghe câu chuyện vẫn đồng tình với việc giết con của bà Nghê.
Lương Phước Nghĩa, Chủ tịch xã Hiệp Hòa, Quế Sơn, theo bài báo đăng trên Đời Sống Pháp Luật 27 tháng 7, 2014, xem đó là một hy sinh: “Câu chuyện của bà Nghê luôn được người dân trong vùng kể cho nhau nghe với một sự khâm phục. Vì bảo vệ tính mạng của mọi người trong làng mà bà Nghê đã hi sinh đứa con trai.”
Trong số những hồi tưởng, không ai có một lời thương xót dành cho cháu bé bốn tháng tuổi bất hạnh và cũng không một ai hối hận cho hành động bất nhân của họ khi ép bà Lê Thị Nghê bịt miệng con trai bà.
Chuyện “bác sĩ Khoa giết mẹ” là chuyện giả, “bác sĩ Khoa” cũng không phải là con người thật nhưng những người đồng tình và cảm thông với tội ác giết mẹ của “bác sĩ Khoa” là những con người thật.
Nếu còn mẹ, những người đồng tình và cảm thông với “bác sĩ Khoa” này sẽ hổ thẹn biết bao khi nhìn mặt mẹ mình, bởi vì về mặt tư tưởng, chính họ đã một lần giết mẹ trong đời.
Chuyện rút ống thở trong khi người bệnh còn đang thoi thóp, rồi chúng nó quấn khăn xung quanh người, tống lên xe bán tải đưa đi thiêu là có thật. Trên Fb đã có cip, người dân xung quanh la ó phản đối, nhưng chúng mặc
Chuyện Trường Chinh, Phạm Tuyên là chuyện có thật.
“Phía dưới lời “Chào ba, chào mẹ!” rất sáo của “Trần Khoa” chỉ trong vòng 4 giờ đã có 6,190 người chia buồn, đồng ý và yêu mến, 801 lời bình, 3.569 lượt chia sẻ những lời tiễn biệt cha mẹ của “Trần Khoa”. Không một người nào để lại dấu “phẫn nộ” hay “giận dữ” trước hành động đại bất hiếu của “Trần Khoa”. “
-Tưởng rằng xã hội Việt đang là một xã hội lú lẫn, u mê quá. Nhưng không, qua hôm sau, cộng đồng đã phân tích, vạch mặt, chỉ tên phê phán không thương tiếc sự giả dối, xảo trá vụ “Trần Khoa”, khiến những dòng trạng thái khóc lóc, tiếc thương, đau buồn,…hôm trước nay trở nên lố bịch, biến thành trò cười rẻ tiền đầy bất nhẫn (do số bệnh nhân nguy kịch quá tải tại tầng 3, tầng 4, tầng 5 hiện vẫn tăng cao từng ngày nên qua vụ “Trần Khoa” sẽ không tránh khỏi việc tạo ra thuyết âm mưu nghi ngờ đang có tình trạng rút ống thở bệnh nhân tại 03 tầng này).
https://tuoitre.vn/tang-dieu-tri-3-4-5-gan-nhu-day-cong-suat-tp-hcm-to-chuc-lai-quy-trinh-cap-cuu-dieu-tri-20210805173539866.htm
https://tienphong.vn/tphcm-benh-vien-qua-tai-ap-luc-de-nang-post1363028.tpo