Tin ở hoa hồng

Trần Phi Tuấn

8-8-2021

Khóc cạn nước mắt trong đêm, để rồi sáng ngủ dậy, sự thương cảm vì tay bác sĩ rút ống thở cha mẹ mình để cứu sản phụ hóa ra là hư cấu, bịa đặt thì đúng hơn, không ít người cảm thấy ray rứt.

Tin giả đang khiến nhiều người tự vấn và hoài nghi chính sự tử tế, nhất là trong những căng thẳng của đại dịch này. Và tin giả xuất hiện khắp nơi, dưới nhiều tấm áo choàng mỹ miều, và bản chất vẫn không hề thay đổi.

Nước Mỹ năm 1964 vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ ám sát tổng thống Kennedy một năm trước đó thì lại xôn xao về một vụ án mạng khác.

Nạn nhân là cô gái Kitty Genovese làm ở quán bar, và kẻ sát nhân là Winston Moseley.

Chuyện cũng nhỏ. Nếu so với vụ án mạng hai hiệp sĩ ở Sài Gòn bị đâm xe thì chẳng bõ bèn gì.

Nhưng điều gì khiến nước Mỹ phải tự vấn và bàng hoàng?

Năm 1964, Thành phố Nữu Ước có 636 vụ giết người. Báo New York Times chỉ viết một mẫu tin 5 dòng đăng ở trang 26 như một vụ án bình thường hơn cả cân đường hộp sữa.

Nhưng hai tuần sau, tờ báo này đưa ra trang bìa với dòng tít chấn động: 37 người thấy vụ giết người nhưng không báo cảnh sát (37 Who Saw Murder Didn’t Call the Police).

Và đoạn mở đầu không thể kích thích hơn: For more than half an hour 38 respectable, law‐abiding citizens in Queens watched a killer stalk and stab a woman in three separate attacks in Kew Gardens.

Trong hơn nửa tiếng đồng hồ, 38 công dân đáng kính, sống và làm việc tuân thủ pháp luật ở Queens dõi theo một kẻ sát nhân đuổi theo và đâm một phụ nữ trong ba lần tấn công ở Kew Gardens.

38 nhân chứng theo dõi từ đầu đến cuối một cuộc hành quyết mà không ai gọi cảnh sát hay ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ.

Đúng hơn, trong 35 phút, kẻ sát nhân đầu tiên ra tay đâm cô gái, bỏ đi, quay lại hãm hiếp và sau đó ra tay kết liễu. Chỉ sau khi cô gái chết đi một người mới gọi báo cảnh sát.

Đó là một thông tin chấn động. Phải chăng nước Mỹ đã vô cảm? Nếu gọi báo cảnh sát từ đầu thì Gevonese chắc chắn sẽ không bị chết!

Tác giả của bài báo phất lên từ dạo ấy, sau này ra hẵn một cuốn sách về chuyện này: 38 nhân chứng (Thirty eight witnesses).

Vụ án, chính xác hơn là 38 con người vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm đó, đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi lôi kéo các nhà tội phạm học, hành vi, xã hội… rồi các nghiên cứu, sách báo và cả phim.

Gọi tên sự vô cảm này là gì? Là “bystander effect hay Genovese Effect – hiệu ứng vô cảm, hiệu ứng bàng quan, hiệu ứng thờ ơ…

Vô cảm – Apathy, còn hơn cả thế, tờ New York Times gọi đó là urban apathy – sự vô cảm ở đô thị.

Hay đó là vô tri – ignorance?

Nhưng sự thật có như thế?

Con số 38 nhân chứng được nói vống lên, dù chính xác là bao nhiêu thì chẳng ai biết.

Việc các nhân chứng bàng quan theo dõi cũng được cho là không thể xảy ra do khung cảnh nhập nhềm đêm đó. Có người quát: Để yên cho cô ấy! Có người lại tưởng đó chỉ đơn thuần là cặp tình nhân cãi nhau nên thôi.

Có người gọi báo cảnh sát, nhưng giữa đêm khuya khoắt, cảnh sát không đến, dù ở trong “phường” của họ. Cảnh sát sau đó đã xác nhận điều này. Thời đó nhấn 0, vì 911 mãi đến 1968 mới xuất hiện.

Sự thật là, 38 nhân chứng vô cảm quan sát cuộc hành quyết chỉ là thông tin mà một viên cảnh sát cung cấp cho nhà báo trong một buổi ăn trưa.

Một điều nữa đáng lưu tâm hơn: Kẻ sát nhân bị bắt vài ngày sau đó. Y bị bắt khi đang khuân vác đồ của một gia đình đi vắng ra xe của mình. Hàng xóm hỏi, y trả lời là được thuê.

Hàng xóm này gọi cho hàng xóm kia, check qua tra lại: Y nói dối. Và họ báo cảnh sát.

Cảnh sát đến và y tra tay vào còng. Về đồn, tiện mồm khai luôn y là thủ phạm giết Genovese.

Thật kỳ lạ! Nếu 38 người Mỹ bàng quan, vô cảm, vô tâm với vụ án trước đó thì cũng chính những người hàng xóm đã quan tâm nhau và góp phần đưa Moseley vào tù.

Moseley là ai? 29 tuổi, có vợ con, ăn nói nhỏ nhẹ, thông minh. Nhưng chính hắn lại giết 3 phụ nữ, hiếp 8, và trộm cắp đâu đó 3-4 chục vụ. Và người đàn ông này đã chết trong tù năm 2016 ở tuổi 81.

Câu chuyện này, về sự vô cảm, trái hoàn toàn với sự thương cảm, mà nhiều người chúng ta vừa chứng kiến đêm qua, nhưng cũng là lời nhắn nhủ về một mặt trái của mạng xã hội.

Có lẽ, người đọc Facebook, trước khi nhấn nút like và share, cần phải tự nhủ lòng: Hượm đã! Có gì sai sai ở đây không?

Đó còn gọi là Critical thinking – tư duy phản biện – trước các vấn đề của xã hội.

Chỉ mong, đừng để những thương cảm từ các tin giả này khiến người ta phải nghi ngờ những sự tử tế thật sự, nơi mà rất nhiều người bạn của chúng ta đang nỗ lực giúp đỡ đồng bào mình trong cơn đại dịch này.

Tin ở hoa hồng. Hoa hồng, dù có gọi bằng bất kỳ tên gì đi nữa, thì mùi hương của nó vẫn ngọt ngào.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở Việt Nam thì dân ta, tớ có thể cam đoan, không vô cảm . Hay đúng hơn, vô cảm có điều kiện . Nếu dân thường thì yep, who ke. Nhưng đảng viên hay những người thuộc gia đình có truyền thống hay có công với cách mạng mà xảy ra chuyện gì, thì be afraid, be very afriad. Chỉ những lúc đó, tình cảm của dân tộc mới dâng đến cao trào, mới vỡ bùng thống khoái . Cả nước nhảy đông đổng, nhảy chồm chồm lên mà xỉa sói những nhân vật vô hình, những đối tượng trừu tượng . Các nhà “khoa học”, mostly tiến sĩ toán, sẽ viết những bài phân tích có thể làm nền móng, làm kinh điển cho những ngành không phải chuyên môn của tác giả . Phạm Đình Trọng, với tất cả sự mẫn cảm của 1 nhà văn, tính nhẩm 5000 mạng dân thường mới tạm gọi là bằng 1 mạng đảng viên .

    Nhưng nếu hổng phải là đảng viên … uh … những mất mát đã được tính trước & có thể chịu đựng được . Oh, đừng quên không nên và đừng bao giờ bàn tới đạo đức .

    Đạo đức của Việt Nam hoàn toàn không giả . Nhưng bảo nó có dính dáng gì tới phần còn lại của thế giới không ? Tiến sĩ Tô Văn Trường khẳng định tính “độc lập” aka hổng giống ai của mình . Nói chung là No Star Where.

  2. Chuyện này khiến ta nhờ đến chuyện “Liệt sỹ Nguyễn Văn Bé”, do phía VNCH dựng lên để làm bẫy cho Tuyên giáo CS. Vì vội tin tất cả vào những gì Tuyên giáo CS nói, nhạc sỹ Huy Du vội sáng tác ngay bài “Xin khắc tên anh trên vách chiến hào”. Sau đó ông mới biết là mình bị lừa và rất xấu hổ vì Nguyễn Văn Bé không “hy sinh” mà vẫn sống nhăn răng và lên mặt báo, TV ở SG.

Comments are closed.