6-8-2021
Tôi phải viết về Hữu Loan theo kiểu mô tả tiểu sử của ông, bởi vì tiểu sử của ông không phức tạp nhưng các sự việc sai số nhiều quá. Giữa ngay lời kể của ông và người thân qua các thời kỳ, giữa các nhà báo với nhau.
Không ai chịu xem xét sự sai số đó. Hữu Loan thì không có thói quen ghi chép, viết nhật kí. Ông ỷ nại vào trí nhớ nhưng đến khi được giải tỏa thì ông đã già, trí nhớ không thể chính xác. Đến nay thì ông và hầu hết nhân chứng cũng mất đã lâu.
Tôi đã phải rất vất vả so sánh nhiều nguồn tư liệu khác nhau tính toán sắp xếp một cách hợp lí các sự kiện trong cuộc đời của ông. Tất nhiên là niên biểu này chưa thể hoàn thiện. Mong gia đình ông, các con cháu, bạn bè văn nghệ sĩ vong niên, có thể giúp cho sự đính chính quý báu.
Nhà thơ Hữu Loan sinh năm 2-4-1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có nguồn nói ông sinh năm 1914. Thuở nhỏ ông học ở quê. Khoảng từ năm 1932 được gia đình cho lên thị xã Thanh Hóa học thành chung. Sau đó đi dạy học và tham gia Mặt trận Bình dân năm 1936, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa).
Năm 1941 ông ra thi tú tài ở Hà Nội. Đỗ tú tài bán phần. Cùng khóa có những người như Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn, Đỗ Thiện…
Tú Loan dạy Pháp văn ở Thanh Hóa
1936-1940 Vừa dạy học vừa làm gia sư cho nhà ông Lê Đỗ Kỳ Chánh thanh tra Nông Lâm Đông Dương, ĐBQH khóa I Thanh Hóa.
Bà Đái Thị Ngọc Chất phu nhân Chánh thanh tra Lê Đỗ Kỳ có em trai là văn sĩ Tchya tức nhà văn, nhà thơ Đái Đức Tuấn. Hiện ở làng Ngọc Diêm, Quảng Chính, Quảng Xương có sinh phần của ông trên đó có tấm bia đề Thi sĩ văn sĩ Đái Đức Tuấn. Tự Mai Nguyệt bút hiệu Tchya. Mất ngày 8/8/1968 tức 15/7 Mậu Thân.
Hữu Loan dạy học cho 3 người con trai của ông bà Lê Đỗ Kỳ là Lê Hữu Khôi, Lê Đỗ Nguyên (tức Phạm Hồng Cư), Lê Đỗ An (tức Nguyễn Tiên Phong).
1943 Về quê Nga Sơn hoạt động Việt Minh.
1944 bị Nhật bắt nhưng vì không có bằng chứng kết tội nên được thả.
1945 Tham gia tổ chức cướp chính quyền ở Nga Sơn.Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga sơn
Sau 8-1945 ông tham gia chính quyền Thanh Hóa. Ủy viên Ủy ban kháng chiến tỉnh phụ trách 4 ty Giáo dục, Tuyên truyền, Công chính, Thương chính… tương đương Phó chủ tịch tỉnh.
1946 Bỏ về quê lần 1. Lý do: Thời ấy, Hữu Loan nằm trong ban vận động quyên góp ủng hộ cách mạng Tuần lễ vàng. Người dân đóng góp vàng bạc rất nhiều nhưng có người trong bộ phận quản lý có dấu hiệu biển thủ, Hữu Loan đã thẳng thừng lên tiếng rồi chỉ mặt từng người dẫn đến bất đồng.
1946 Tham gia bộ đội Chiến khu 4. Lúc này chưa có sư đoàn 304, chỉ có một số trung đoàn thuộc Chiến khu 4 ở Thanh Hóa. Hữu Loan phụ trách báo Chiến sỹ CK 4. Đúng ra đến năm 25/1/1948, Chiến khu 4 đổi thành Liên khu 4. Ngày 03/6/1957, mới thành lập Quân khu 4 bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ông Hoàng Tuấn ghi rằng ông đi bộ đội năm 1947.
Có thể suy ra nếu ông vào thẳng quân đội thì có thể chức vụ cao hơn. Trong tất cả các nguồn tin về ông không có nói đến ông vào đảng năm nào. Có lần ông có nói đến việc ông ra khỏi đảng, bỏ đảng.
Viết Đèo Cả năm 1946 trong chuyến ông đi công tác với một đơn vị Nam tiến của Quân khu 4. Nếu số năm sáng tác bài thơ Đèo Cả là chính xác thì ông phải đi bộ đội năm 1946.
Cùng ở báo Chiến sĩ còn có nhà thơ Vũ Cao và nhà văn Nguyễn Đình Tiên. Hồi ức của nhà thơ Vũ Cao:
“Tôi gặp Hữu Loan từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Anh phụ trách tờ báo “Chiến sĩ” của Quân khu bốn, còn Nguyễn Đình Tiên và tôi lo bài vở. Hồi đó chưa có những chức danh Tổng biên tập, Biên tập viên như bây giờ, cần việc gì thì chúng tôi cứ phân nhau mà làm. Hữu Loan là một tính cách đặc biệt, rất mạnh mẽ nhưng cũng rất đa cảm. Anh dễ rơi nước mắt trước một cảnh khổ cực, nhưng cũng dễ giận dữ trước những điều làm anh bất bình. Có lần anh quát Nguyễn Đình Tiên khiến Tiên phải bỏ chạy ra bờ sông Lam. Và cũng có lần anh quát tôi suốt buổi khiến tôi mất ăn một bữa. Nhưng Tiên và tôi không bao giờ oán trách anh, phần vì anh lớn tuổi hơn bọn tôi, phần vì chúng tôi hiểu anh chỉ nóng nảy lúc đó, sau lại cười vui, độ lượng. Nhưng chúng tôi không sống chung với anh được lâu. Sau đại hội văn nghệ toàn quân lần thứ nhất, Tiên và tôi lên Việt Bắc, còn anh ở lại quân khu”.
Nhà văn Nguyễn Đình Tiên là cậu họ bà Ninh, người đã thuyết phục Hữu Loan đáp lại thịnh tình của bà Kỳ muốn tác thành ông cho bà Ninh.
1948 Cưới bà Lê Đỗ Thị Ninh con gái ông bà Lê Đỗ Kỳ tại trang ấp Thị Long. Bà Ninh sinh năm 1932, biết và yêu mến Hữu Loan từ lúc bà còn nhỏ tuổi đang dạy học ba người anh trai của bà. Lúc cưới Hữu Loan đang đóng tại Thọ Xuân, Thanh Hóa.
29-4- 1948 Bà Ninh bị chết đuối khi đi giặt áo ngoài sông Chuồng ở Thị Long nơi có trang trại của gia đình, mộ bà Ninh hiện nay nằm trong khu nghĩa trang của họ Lê Đỗ làng Định Hòa thuộc phường Đông Cương thành phố Thanh Hóa. Tấm bia ghi: “Mộ chí bà Lê Thị Ninh, đời thứ 18, sinh năm 1932, tạ thế 29-4-1949”. Có chỗ Hữu Loan nói bà mất ngày 29-5-1948 âm lịch.
Nhà thơ Vũ Cao sau này kể lại: “Hôm ấy ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh báo cho tôi biết cái tin đột ngột: Lê Đỗ Thị Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung tóe xuống bàn, mặt anh tái xanh…”
1949 Sau Hội nghị văn nghệ toàn quân Vũ Cao và Nguyễn Đình Tiên về Việt Bắc.
“1949 Viết Màu tím hoa sim khi đang dự chỉnh huấn ở Nghệ An. Ông viết liền một mạch, xong trong vòng hai tiếng đồng hồ, gần như hoàn chỉnh luôn, sau này ông chỉ sửa thêm rất ít. Nó là một phần của cuộc đời Hữu Loan, mà có thể lại là phần đẹp và buồn nhất, nên cho dù ông viết rất thật, rất mộc mạc, nói như Vũ Bằng là “không có gọt rũa, không có văn chương gì cả”, hay như Vũ Cao “không có chữ nghĩa gì cả”, nhưng lại có sức lay động tột cùng và có sức sống mãnh liệt. ngay cả trong những giai đoạn mà tác giả và tác phẩm không được thừa nhận.”
Một hôm Hữu Loan đi vắng, Vũ Tiến Đức, biên tập viên cũ của ông ở báo Chiến Sĩ, tình cờ thấy bài thơ, bèn cầm về đọc cho bà Ngọc Chất – mẹ Lê Đỗ Thị Ninh – nghe, sau đó là bè bạn rồi nhanh chóng được lan truyền rộng rãi vì thơ hay.
Hữu Loan cho biết. Bài thơ được truyền miệng trong bộ đội nhưng ông bị lãnh đạo đơn vị phê phán vì tình cảm riêng tư làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ.
Tại sao có hiện tượng Màu tím hoa sim? Bài thơ là bước lội ngược dòng hi hữu trong nền văn học kháng chiến, đường lối văn học của Đảng cộng sản không cho phép tồn tại bất cứ tác phẩm nào có biểu hiện khó hiểu, ủy mị. Màu tím hoa sim là chuyện thật và cũng không phải không phổ biến, không điển hình, chỉ có điều nó không được nói lên, nhất là với một cán bộ quân đội như Hữu Loan. Chính câu chuyện tình bi thảm của ông có sức tác động mạnh mẽ vì nó không có màu sắc ý thức hệ, không phải bi kịch ý thức hệ mà lên án bản chất của chiến tranh mang lại bi kịch cho bất kỳ con người nào. Vì vậy bài thơ có sức lan tỏa trong toàn cõi Việt nam, làm xúc động bất kỳ ai dù ở chiến tuyến nào. Sau đó nhiều nhạc sỹ ở miền Nam đã phổ nhạc bài thơ là vì thế.
Ngay sau khi ra đời Màu tím hoa sim được truyền miệng trong bộ đội đã bị coi là nguy hiểm vì nó làm ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu quân đội. Có thể đã có sự can thiệp của các cấp chỉ huy và sự va chạm đã khiến tác giả bất mãn. Vì thế cho đến thời kỳ đổi mới chưa có tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại nào dưới danh nghĩa nhà nước chọn in bài thơ. Tuy vậy bài thơ vẫn có sức sống mạnh mẽ, da diết trong lòng dân chúng.
3-1950 Chuyển sang Sư đoàn 304 vừa mới thành lập tại Thanh Hóa. Trưởng ban tuyên huấn cấp Chính trị viên tiểu đoàn Sư đoàn 304.
Tướng Nguyễn Sơn đi Trung Quốc. Lê Chưởng về làm Chính ủy sư đoàn 304 (05-1951 – 09-1955).
1951 Bỏ về quê lần 2. Có chỗ ông nói đến mâu thuẫn với Lê Chưởng và Hoàng Minh Thảo. Cũng có việc bài thơ khóc vợ của ông bị lãnh đạo đơn vị phê phán, không chấp nhận.
1952 Dạy học. Gặp bà Nhu. Bà Nhu sinh năm 1935. Anh bà Nhu học ông Hữu Loan. Có tài liệu nói rằng ông dạy học cho trường tư thục nay là Trường THPT Mai Anh Tuấn, huyện Nga Sơn, do anh trai bà Nhu thành lập.
1953 Cưới bà Phạm Thị Nhu.
Ông kể với phóng viên:
“Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông .
Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công.
Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao.
Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.”
1954 Sinh con đầu Nguyễn Hữu Cương.
Cuối 1954 Được gọi ra Hà Nội làm tạp chí Văn Nghệ Hội VNVN. Có tài liệu nói ông làm trưởng ban biên tập. Nhưng trong tài liệu chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam về báo Văn ngệ các giai đoạn từ 1954-1958 danh sách Thư ký tòa soạn và Ban Biên tập không có tên ông.
1955 Đưa vợ con ra HN. Bà Nhu làm ở nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Đẻ thêm hai con gái ở Hà Nội.
1955 Cùng 22 văn nghệ sĩ đi Cải cách ruộng đất. Viết Hoa Lúa để tặng bà Nhu.
1956 Nguyễn Bính in Màu tím hoa sim lần đầu tiên trên báo Trăm Hoa. Tiếp theo in (Nhà xuất bản Văn Nghệ) Hoa lúa, có chuyện Xuân Diệu biết Hoa lúa trước do Bạch Diệp cùng đoàn CCRĐ rất thích gửi về nhưng cho là ủy mị không in trên báo Văn nghệ.
In Đèo Cả, Những làng đi qua và Hoa lúa trong Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1956. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên sau hòa bình có đầy đủ các anh tài của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Sau này cho đến trước đổi mới họ đã bị gạt ra khỏi các tuyển thơ Việt Nam.
Không có bài trên tập thơ Cửa Biển của Trần Dần, Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt
Không có bài trên Giai Phẩm mùa Xuân của Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng,
Tháng 8- 1956 in Bài Đêm trên Giai Phẩm Mùa Thu tập 1. Bài thơ này ca ngợi cuộc sống Hà Nội mới sau giải phóng.
Những đêm Hà Nội ngày xưa
Trằn trọc
Không yên
…
Đêm Hà Nội
Ngày nay
Như em nhỏ nằm tròn
Ru trong nôi chế độ
Những đèn dài đại lộ
Như những tràng hoa đêm
Nở long lanh
Trong giấc ngủ
Bình yên
Ngã Tư Sở, Cống Vọng, Khâm Thiên
Nằm ngủ
Những đêm
Giữa tình cảm lớn
Gió đêm về
Thơm hoa rừng, lúa ruộng
Đặt bàn tay
Lên những cửa ô nghèo
Khi chúng ta về
Ánh sáng
Đã về theo
(6-56)
9-1956 Viết và in Những thằng nịnh hót trên Giai Phẩm Mùa Thu tập 2. Một bài thơ gây ấn tượng mạnh mẽ trong Nhân Văn – Giai Phẩm.
Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ dân chủ cộng hoà
Những thằng nịnh còn
thênh thang
đất sống
Không quần chùng, áo thụng
Không thang đàn bà
Nhưng còn
thang lưng
thang lưỡi
Những mồm
không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt
Phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên
“Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!
Anh vì nước
vì dân
hơn tất cả
từ trước đến nay
Chân xoa
và xoa tay,
Hít thượng cấp
vú thơm
như mùi mít
…
Những ai
không
nịnh hót
Đi, mang cao
liêm sỉ con người
Chúng gieo hoạ gieo tai
Kiểm thảo
hạ tằng
Còn quy là phản động!
Có người
đã chết oan
vì chúng
Vẫn thiết tha yêu chế độ
đến hơi thở cuối cùng
Nguy hiểm thay,
Thật khó mà trông:
Chúng nó nguỵ trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường
chính sách
Chúng nó
còn thằng nào
Là chế độ ta
chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh
cho kỳ hết
mọi thằng
Những người
đã đánh bại
xâm lăng
Đỏ bừng mặt
vì những tên
quốc xỉ
Ngay giữa những thời nô lệ
Là người chúng ta
không ai biết
cúi đầu.
9-1956
In bài Tâm sự Thủ đô trên báo Trăm Hoa số 8, 12-1956. Không có vấn đề gì phức tạp.
Không có bài trên GPMT tập 3
10-1956 In truyện ngắn Lộn sòng trên Giai Phẩm Mùa Đông tập 1. Viết về một giáo viên cơ hội, xảo trá lợi dụng danh nghĩa đảng viên, chiếm quyền bí thư chi bộ, gài bẫy, hãm hại các đồng nghiệp lương thiện. Đó là một truyện ngắn có chủ đề rõ ràng nhưng chưa xuất sắc so với các truyện, kịch khác trên Nhân Văn- Giai Phẩm của Trần Duy, Trần Dần, Thụy An, Phan Khôi, Hoàng Tích Linh, Chu Ngọc, Thanh Châu…
Hữu Loan không có bài trên 5 số báo Nhân Văn
Viết Tục Đèo Cả, đến năm 1983 mới viết xong.
11-1956 viết thơ Nguyễn Sơn
In Ôm Tết vào lòng 12-1956 Nguồn: Giai phẩm, NXB Văn nghệ, Hà Nội, xuân 1957. Không có vấn đề gì phức tạp.
Tháng 11-1957 In Đánh đồn đêm 30 Tết trên Sách Tết 1957, Nhà xuất bản Minh Đức. Số báo cuối cùng của nhóm Nhân Văn – Giai phẩm. Không có vấn đề gì.
Trong Từ điển Văn học bộ mới do NXB Thế Giới in tháng 11năm 2003 mục từ Hữu Loan trang 680 Văn Tâm viết ông làm Tổng biên tập các tập Giai Phẩm. Trong các tài liệu về nhân Văn –Giai Phẩm không có tài liệu nào viết như vậy.
4-1957 Ông dự Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam, trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam.
In một bài thơ Thử trên báo Văn số 27 ngày 15 tháng 11-1957
Trong 2 năm 1957-1958 Hữu Loan trải qua các cuộc kiểm điểm căng thẳng trong nội bộ tạp chí Văn Nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Vì có bài tham gia báo Giai Phẩm,nhất là bài Cũng những thằng nịnh hót tên ông bị chỉ trích trên một số bài báo, tham luận tham gia đấu tố Nhân Văn – Giai Phẩm.
1958 Ông viết đơn xin nghỉ việc. Ông và gia đình nói rằng từ lúc viết đơn đến lúc bỏ về ông chờ mất 2 năm. Nhà văn Nguyễn Tuân lúc đó là Phó Chủ tịch cơ quan muốn giữ ông ở lại nhưng ông quyết bỏ về.
1959 Theo ông Trần Duy người chứng kiến cảnh buổi sáng ông Hữu Loan cùng gia đình dùng xe ba gác chở đồ từ Khu tập thể nhà cán bộ Hội Văn Nghệ Việt nam ở 51 Trần Hưng Đạo ra ga Hàng Cỏ lên tàu hỏa về quê.
Một nguồn báo hải ngoại nói ông Hữu Loan “Bỏ về quê lần thứ 3 sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan phải vào trại cải tạo vài năm, tiếp đó bị giam lỏng tại địa phương.” là không đúng. Hữu Loan không bị kỷ luật, ông bị phê bình, khiển trách. Tạp chí Văn Nghệ nơi ông làm việc là cơ quan ngôn luận của Hội Văn Nghệ Việt nam còn là một trong những thành trì văn nghệ chống NVGP.
Tại sao với tính cách cương cường như vậy mà Hữu Loan tham gia phong trào NVGP chậm và với một vị trí khiêm tốn. Bài thơ làm ông nổi tiếng từ trước đó Màu tím hoa sim như là một ngoại lệ của chủ nghĩa nhân đạo trong đời sống và văn học kháng chiến. Có thể là Hữu Loan với vị trí công tác ở đơn vị xa trung tâm văn nghệ Việt Bắc như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Trần Duy… hoặc không ở cơ quan văn nghệ đầu não của quân đội như Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Công, Tử Phác,…
Có thể do việc bài thơ Màu tím hoa sim bị phê phán, do ý kiến phê bình ông đăng bài trên Giai Phẩm và Trăm Hoa, đặc biệt bài Cũng những thằng nịnh hót mà ông tức mình muốn bỏ cơ quan, bỏ môi trường văn nghệ phức tạp ở Hà Nội để về quê sinh sống.
Môi trường văn nghệ Hà Nội từ đầu năm 1957 và năm 1958 hết sức phức tạp. Báo chí Nhân Văn – Giai Phẩm và báo chí, nhà xuất bản tư nhân đã bị dẹp bỏ. Các cuộc đấu tố, bắt bớ xảy ra liên tục khắp các cơ quan, báo chí. Khung cảnh bi hài bao trùm văn nghệ sỹ, tố giác, tố cáo, lừa thày, phản bạn, nhân cách con người phơi bày hết xấu xa đốn mạt không còn cái gì là cao thượng, cao quý của văn chương nghệ thuật nữa.
Trường hợp như Hữu Loan ngoài việc phải chứng kiến thực trạng văn nghệ ông còn mất cảm hứng sáng tác và có sáng tác cũng không được xuất hiện trên mặt báo. Từ tháng 4-1957 Tạp chí Văn Nghệ của ông đã chuyển dạng tạp chí chuyên về lý luận phê bình và từ tháng 6-1958 ông Hoài Thanh đã thay ông Nguyễn Đình Thi là Thư ký tòa soạn. Chắc hẳn người phụ trách mới vốn là một trong những tiên phong chống Nhân Văn – Giai phẩm sẽ là nỗi khó chịu cho Hữu Loan.
Tháng 5-1958 sau khi báo Văn bị đình bản, báo Văn Học, ngày 25-5-1958 tuần báo mới của Hội Nhà văn đã được thành lập nhưng Hữu Loan cũng không được điều động về. Trong danh sách đi thực tế và trợ cấp sáng tác của hội Nhà văn cũng không thấy tên ông.
Khoảng giữa năm 1959 Hữu Loan mới rời Hà Nội. Vì người con thứ ba, con gái là Nguyễn Thị Hà tuổi mậu Tuất 1958 đẻ ở làng Ngọc Hà. Trong mấy năm Hữu Loan đã có 3 người con nhỏ, đó cũng là một gánh nặng đối ông và bà Nhu.
Từ 1959 đến 1987 ông tự kiếm sống và nuôi vợ con bằng bằng nghề thồ đá, vác đá.
“Con người từ nhỏ đã gánh nặng hai bồ chữ trên vai chẳng biết gì ngoài viết lách và làm thơ ấy, do mưu sinh đã tự biến mình thành người lao động chẳng khác gì khổ sai – đi thồ đá, vác đá ở núi Vân Hoàn – để nuôi 12 miệng ăn. Có lẽ câu tục ngữ bán mặt cho đất bán lưng cho trời còn chưa đủ để lột tả hết những tận cùng quẫn bách và u uẩn mà ông đã trải qua. Ông đã dùng hai vai mình để vác đá, mỗi ngày trên 5 tạ đá. Theo cách tính bình quân, trong suốt 30 năm ông đã mang trên mình gần 5000 tấn đá. Nhưng cái sức nặng nghìn cân ấy không làm ông đau bằng những ám ảnh nội tâm mà dư luận một thời bủa vây ông và gia đình.”
“Tôi đẩy xe đi
đá nặng dốc dài
Dốc chang chang trên nắng dưới người
Nắng chảy ròng ròng từ lưng trần từ râu không cạo”.
Năm 1982 viết Ái hoa và nấm độc. Là bài thơ dài. Mới chỉ trích trên tạp chí Sông Hương số 32 năm 1988 ba trang chưa in lại ở đâu. Những đoạn thơ này lên án chiến tranh, lên án chủ nghĩa cuồng tín, ca ngợi khát vọng hòa bình của loài người.
Trên đất lành
nếu đem hạt cỏ ta tung
sẽ mọc ngay
xanh rì
mùa cỏ
Nếu đem gieo ré đó
bón phân gì đi nữa
cũng không thành
tấm thơm
(thu hoạch dù bội hơn
bông nhiều và hạt mẩy)
Rặt nòi
là như vậy
hay
nòi nào thì giống nấy
*
Vào không gian mênh mông
nếu ta tung hoa lành
gió lên
mùa hương ngát…
Năm 1986: Đại hội ĐCSVN lần thứ VI với đường lối đổi mới, cởi trói cho VHNT. Trần Độ được cử làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, với lời phát biểu nổi tiếng: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Trong buổi này có một số người đặt vấn đề xem xét lại vụ Nhân Văn – Giai Phẩm.
Nghị quyết 05 Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam: Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới.
Công an và các ban ngành liên quan tiến hành làm chính sách cho các đối tượng NVGP. Tác giả được Bộ Công an giao viết báo cáo về tình hình các đối tượng NVGP và đề xuất phương hướng giải quyết chế độ chính sách.
Phục hồi hội tịch cho Trần Duy, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt, Phùng Quán. Giải quyết chế độ lương hưu cho Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung.
Cuối 1986 Ông Thái Kế Toại A25 BCA trực tiếp về Thái Bình giải tỏa cho ông Nguyễn Hữu Đang.
A25 Bộ Công an làm việc với Công an Thanh Hóa về phục hồi chế độ cho Hữu Loan (GồmTổng Cục Phó kiêm Cục Trưởng A25 Nguyễn Quang Phòng, Phó trưởng phòng ANVH Thái kế Toại với Phó GĐAN Công an Thanh Hóa, Trưởng phòng PA25 Thanh Hóa- anh Chung). Công an Thanh Hóa bãi bỏ các biện pháp theo dõi nhà thơ Hữu Loan tiến hành bàn với Hội Văn học nghệ thuật và các cơ quan chức năng Thanh Hóa phục hồi quyền công dân cho ông Hữu Loan.
1987 Bà LĐK mất tại HN.
“Gia đình “nàng thơ” Mầu tím hoa sim cho biết Hữu Loan luôn thương, kính và biết ơn người mẹ vợ Đái Thị Ngọc Chất.
Tuy nhiên, có lẽ vì hai bên “có khác nhau” nên ít liên lạc. Đến khi người mẹ mất ở Hà Nội, gia đình ông cũng không báo.
Khi biết tin, Hữu Loan đã làm đôi câu đối vừa thể hiện dâng mẹ, vừa ẩn ý trách cứ.
Rể khôn đền, gái ngắn phận sao đền, ơn cứu, ơn mang, ơn đoán, giữa một tương lai nhân cách.
Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn, khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương.”
Ông Lê Đỗ Bình người em bà Ninh cho nhà báo Thái Lộc- Sơn Lâm biết như vậy.
Theo tác giả thời điểm đó có thể Vấn đề Nhân văn – Giai Phẩm vẫn còn là một rào cản quan hệ hai bên. Suốt một thời gian dài ông không gặp lại được bà Kỳ. Dù rằng cá nhân ông Lê Đỗ Bình vẫn có quan hệ thân thiết với Hữu Loan. Ông cho biết:
“Ông nhớ mãi Hữu Loan hồi đó “suốt ngày đọc sách, rồi đi ra đi vào, viết lách làm thơ. Thỉnh thoảng anh đưa tôi đi về mấy xóm chài xem họ xúc tép, làm cá. Cái thời cơm gạo khó khăn, hai anh em ăn toàn khoai lang”.
Sau đó không lâu, khi Hữu Loan đang làm báo Văn Nghệ, ông Bình cũng tìm đến nhà anh rể gần Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở lại 2 tuần để chờ một người anh từ chiến khu trở về.
Năm 1985, ông Bình lại về thăm anh rể ở Vân Hoàn, giai đoạn bài thơ Mầu tím hoa sim “đã công khai, nổi tiếng như cồn”. Ông kể: “Anh Loan bảo tôi: “Người ta sẽ đến đây tìm mộ nàng thơ Mầu tím hoa sim. Tôi muốn đưa mộ bà Ninh về Vân Hoàn này”.
Tôi trả lời anh rằng chị gái đã bị di dời nhiều lần, nay đã mồ yên mả đẹp. Vả lại anh bây giờ đã yên bề gia thất, mười người con sum vầy, có người chăm sóc. Đưa chị về đây cũng cô quạnh lắm, chẳng nên chút nào”.
Năm 1987: Hoàng Cầm in tập thơ trở lại đầu tiên Mưa Thuận Thành, NXB Văn hóa.
Phùng Quán in trở lại tên công khai đầu tiên trên báo Quảng Nam- Đà Nẵng Trường ca Cây Cà.
Tháng 11-1987 sau gần 30 năm Hữu Loan tái ngộ Hà Nội. Tác giả gặp Hữu Loan tại nhà ông Hoàng Tuấn. Ông Tuấn giới thiệu là chú em họ. Sau này con trai út của Hữu Loan nói hai người là con già con dì. Cũng thời gian này ông Thái Kế Toại đang làm các thủ tục giải tỏa cho ông Nguyễn Hữu Đang, có lần đã nhờ ông Hoàng Tuấn chữa bệnh cho ông Đang, đã có trong bài Chuyện giải tỏa cho ông Nguyễn Hữu Đang.
Năm 1988: Tháng 1-1988 Hữu Loan đi miền Nam. Thăm TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ.
Văn Cao xuất bản tập thơ Lá, NXB Tác phẩm mới, với sự ủy nhiệm cho các thi hữu đàn em Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo tuyển chọn biên tập.
Nguyễn Hữu Đang được chuyển lên Hà Nội, được cấp nhà.
Tháng 5 -1988 Tạp chí Langbian số 3 in chùm thơ Hữu Loan ( Đèo Cả, Tục Đèo Cả ). Mở đầu cho việc in trở lại các tác phẩm của Hữu Loan. Trong số này có Đề cương đề dẫn văn học của Nguyên Ngọc. Bùi Minh Quốc đang làm Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng và phụ trách tạp chí. Ngay sau đó tạp chí bị đình bản.
Tháng 6-1988 viết bài thơ Chuyện tôi về tại Đà Lạt, như là tổng kết lại cuộc đời của ông.
– Kính chào anh Hữu Loan
anh Từ Thức Nga Sơn
ba mươi năm về động Hoa Vàng!
Đấy là câu chào tôi
ở trụ sở Hội Nhà văn Bình Trị Thiên
của Hoàng Phủ Ngọc Tường
…
Ba mươi năm là theo ý riêng mình
ở một chính thể không ai được
có thái độ thứ ba
ba mươi năm khắp nước
bạn bè run sợ
tò mò vô vàn
nhưng đến thăm
đến thăm
thì đều nơm nớp
sợ liên quan
chỉ biết rằng
cái tên Hữu Loan
đã đi vào truyền thuyết
vậy thì
những chuyện xung quanh
Hữu Loan
là có thật
hay là thêu dệt
…
Ba mươi năm không phải chuyện
một sớm một chiều
một ngày tù đã dài
như thế kỷ
đấy là tù trong ngục tối
không nghe thấy gì
không nhìn thấy gì
khác vô cùng với tù
ngoài đời, tù giữa chợ
lúc nào cũng phải chứng kiến
phải thấy
phải nghe
một thứ tội hình
tâm lý chiến
lăng trì
hoặc không cho vợ đi chợ
hoặc không cho mình đi thồ
hoặc tháng mấy lần
phải lên Huyện Công An
bắt làm lại làm đi
nhai lại nhai đi
thứ tự thuật mớ đời
một trong những kiểu vân vân
người làm tội sống người
…
tai hoạ lớn nhất của các quốc gia là liên tiếp dắt dây
những sai lầm lịch sử
những sai lầm được
đội vương miện
mặc long bào
được vừa tung, vừa thổi
rất cao
lên tầm siêu vũ trụ
Người chịu kiếp kiếp đời đời
trâu ngựa
vẫn là người dân đen
nhất là người phụ nữ
vốn dĩ hiền lành và nông nổi
dễ tin
Hỡi những sử gia
của các dân tộc khắp miền
phải đánh giá lại
thế nào là cứu tinh nhân loại
thế nào là cứu nước cứu dân
và phải đặt những tiêu chuẩn nào
để được tôn thờ là
anh hùng dân tộc.
Thế là tôi đã làm được
cho họ chán tôi
làm họ chán họ mới là
cái khó
nhưng việc này hình như
không phải việc người
mà là việc của quỷ thần
Họ chán tôi nên
tôi được đi thồ quanh quẩn
huyện nhà
Họ giữ đăng ký xe
cho tôi khỏi đi xa
vì họ sợ tôi còn thích làm
chính trị
Không bị quấy rầy
tôi thồ liền
không ngày nào nghỉ
nên đã mua được xe cải tiến
trung quốc cho mấy thằng
con trai cùng đi làm trâu
thồ như bố
và đứa con gái bé đi học
đã có xe phượng hoàng nữ
Họ chán tôi nên
tôi được tí teo dễ thở
Nhưng họ chưa chán họ
Cái ác càng ngày vẫn còn
Thấy mình là muôn
trượng đỉnh cao
bắt đứng lại
thời gian
và quát tháo trăng sao
dưới chân đang
Đất sụt.
Tháng 6-88
Trong thời gian ở Đà Lạt, Hữu Loan có ghi vào sổ tay của nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự Phó TBT Tạp chí Langbian mấy câu thơ sau:
“…Tôi là cây
gỗ
vuông
chành
chạnh
suốt đời
đã làm thất bại
mọi âm mưu
đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn long lóc thế nào
thì long lóc
Chân
tính
đấy
hỡi Rìu, Bào
Phó – Mộc”
(Chuyện Di Tề)
Tháng 7 – 1988, số 32 tạp chí Sông Hương lần đầu tiên in thơ Hoàng Cầm (Lá diêu bông, Theo đuổi, Về với ta) và Hữu Loan (Phương gió, Nguyễn Sơn, Ái hoa và nấm độc). Ngoài ra còn có bản nhạc phổ thơ Màu tím hoa sim của Bùi Công Huân, tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập cây bút cấp tiến mới nổi và thơ Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình của Trần Vàng Sao.
1989 Kỳ đại hội Hội nhà văn lần thứ tư, ông cũng ra Hà Nội. Hữu Loan là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng ông đã ngưng sinh hoạt Hội từ năm 1959. Hoàng Cầm, Trần Dần, Hoàng Yến, Lê Đạt, Phùng Quán, Phan Vũ… cũng bỏ sinh hoạt như ông nhưng nay đã về dự đại hội vì trước đó đã gửi thư yêu cầu đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn và Ban Chấp hành xét cho sinh hoạt trở lại.
Còn Hữu Loan không gửi thư cho Ban Chấp hành, vì thế mà không có giấy mời. Ban Chấp hành biết chuyện nhưng ban trù bị bận trăm công nghìn việc nên không thể giải quyết hội tịch cho ông, nhất là ông chưa có thư yêu cầu.
Năm 1990 NXBHNV in Màu tím hoa sim chỉ có 10 bài thơ. Tập thơ dày 92 trang, khổ 13 x 19cm, chỉ có10 bài thơ của Hữu Loan: Ngày mai, Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Hoa lúa, Phương gió, Tò he, Nếu anh không đi, Đèo Cả, Quách Xuân Kỳ, Yên Mô; phần còn lại là những ghi chép bởi Vũ Cao, Nguyễn Sĩ Đạt, Ngô Văn Phú, Đào Bích Nguyên. Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại xuất bản năm 1992 in trong mục Hữu Loan MTHS xuất bản năm 1989.
Sau này, có thêm 7 bài thơ khác của ông được tìm thấy, bao gồm: Tình thủ đô, Khóc Nguyễn Sơn, Thánh mẫu hài đồng, Chuyện tôi về, Cùng những thằng nịnh hót, Đêm, Ôm Tết vào lòng. Như vậy, tất cả những sáng tác của Hữu Loan (không tính những bài thơ dịch) vỏn vẹn chưa tới 20 bài.
Thanh Hóa Làm chế độ cho Nguyễn Hữu Loan. Lương chuyên viên 3. Ông Nguyễn Văn Túy Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa xác minh.
Năm 1988, Hữu Loan đi thành phố Hồ Chí Minh, rồi ghé Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa, Phan Thiết, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam – Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Hà Tĩnh. Cùng Bùi Minh Quốc và Tiêu dao Bảo Cự mở chuyến đi xuyên Việt lấy chữ ký kiến nghị về việc kỷ luật Bùi Minh Quốc và tạp chí Langbian.
Năm 1990, ông quay lại Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1991 viết Thánh Mẫu hài đồng tưởng nhớ bà Lê Đỗ Thị Ninh sau 42 năm ngày cưới.
Em ngả cánh tay còn nhiều
ngấn sữa
Cho ta làm gối gối đầu
đêm tân hôn
Sao lại không chính là tay ta
đỡ trước lấy vai nàng
Ta râu ria như râu thép gai
như xương chổi
Gân guốc sù xì phong sương
như một gốc cây rừng
Ta lo lắng sợ tay nàng gãy
Tay nàng mảnh mai như một
nhánh huệ trong bình!
Nhưng lạ thay
nàng ghì đầu ta như
chẳng hề hấn chuyện gì!
Chỉ có chuyện là
ta thấy ta càng lúc
càng thêm nhỏ bé trong
vào ngực măng tơ
Chà dụi
Rúc tìm
Tham lam
Cuống quýt
Ngẩn ngơ
như một hài nhi
khát
mẹ
Nàng càng riết chặt
ta càng thấy bé
Vòng tay nàng đánh đai
Nàng thì thào thổn thức
bên tai
– Anh của em!
– Anh vô cùng lớn của em!
Nhưng trái lại
Anh đang rất bé.
Nàng:
– Anh ơi anh!
Ta:
– Mẹ ơi mẹ!
Bằng một giọng học nói
Hài nhi bập bẹ
(trong hơi thở trộn nhau
bốc men)
– Tôi đối thoại hay là
vô thức nói.
*
Sau đêm ấy là
em đi
đi
mãi!
Em đi tím đất chiều hoang
Ta như mất mẹ khóc
tang
hai
lần!
*
Xin kính cẩn hôn chân
Tất cả những đấng gái Việt Nam
Đã sớm mang chất
mẹ
loài
người.
*
Em trong mẹ
Mẹ trong em
em
ngôi
thánh mẫu
hài đồng.
Năm 1995, ông tiếp tục thăm lại Hà Nội. Dự Đại hội Hội Nhà văn Việt nam lần thứ 5. Hội VHNT TH trao giải cho Màu Tím Hoa Sim
Thanh Hóa làm nhà cho Hữu Loan
“Cám cảnh túng khó, khoảng năm 1990 Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã quyên góp được chừng 20 triệu đồng có ý in giúp Hữu Loan tập thơ bán lấy tiền hỗ trợ. Nhưng về Vân Hoàn thấy căn nhà quá dột nát, họ chuyển hướng xây nhà cho cụ.
Hội cử người sang gặp lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa xin thêm 20 triệu đồng, nói để in thơ cho Hữu Loan nhưng thực chất bù tiền làm nhà. Vị phó bí thư tỉnh ủy lúc ấy đã “quyết” những 22 triệu nên ngôi nhà tình nghĩa (nay còn thấy) mới được tiến hành.
Người trực tiếp lo việc này là ông Nguyễn Văn Túy, kể: “Chúng tôi phải đấu dịu là tiền do anh em trong hội văn nghệ quý mến góp lại, cụ mới đồng ý”.
Ban đầu thi sĩ Mầu tím hoa sim đưa ý tưởng làm nhà giữa ao, trên mấy trụ bêtông rồi bắc cầu sang để trồng sen tỏa hương. Nhưng ông Túy bảo tiền chỉ đủ dựng mấy cái cọc và tấm lát cầu nên ông mới đồng ý theo bản vẽ do một kiến trúc sư chuẩn bị từ trước.
Hồi đó việc xây nhà “quy mô” ở Nga Sơn là cả vấn đề lớn, bởi “vài cọng thép, mấy bao ximăng chở đi ngoài đường cũng phải có giấy phép”.
Cũng may nhờ có giấy phép cấp trên và những người thực hiện trong vai cán bộ cấp tỉnh lẫn ý kiến từ trên tác động mà công việc tiến hành thuận tiện. Kể cả việc mở mới lối đi cho xe chở vật liệu ngay sau đình”
Hữu Loan mất ngày18 tháng 3, 2010 tại quê nhà. Trong lễ tang nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch HNVVN đọc điếu văn.
Ngày 8-2-2007 Giải thưởng nhà nước về VHNT (ký đặc cách) cho Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Trước đó 1996 Văn Cao đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT lần thứ nhất do Hội Nhạc sĩ đề nghị. Năm 2001 Quang Dũng, Trần Huyền Trân, Yến Lan, Phạm Kỳ Nam đã được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Cho đến nay ở các lĩnh vực khác các ông Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, nhiều ông khác trong danh sách bị phê phán trong vụ NVGP đã được trao GTNN về VHNT.
Ngày 3-2012 GTNN cho Hữu Loan. Hữu Loan cũng đã được đề nghị tương đối sớm nhưng lý do chậm là vì đúng vào thời điểm đó ông đã trả lời phỏng vấn báo hải ngoại và được Tạp chí Khởi hành trao giải thưởng.
Năm 2007, nguyệt san Khởi Hành (do nhà thơ Viên Linh chủ nhiệm kiêm chủ bút, trụ sở chính hiện đặt tại Litle Saigon, quận Cam, California, USA) trao giải “Văn chương toàn sự nghiệp” đến nhà thơ Hữu Loan. Giải thưởng trị giá 5.000 USD, gồm 3.000 USD hiện kim và 2.000 USD nhằm ấn hành tập thơ.
Ngày 18-5-2013 bà Phạm Thị Nhu mất.
Các con của Hữu Loan:
1. Nguyễn Hữu Cương (sửa xe máy); 2. Nguyễn Thị Hương (giáo viên THCS); 3. Nguyễn Thị Hà (buôn bán); 4. Nguyễn Hữu Vũ (thợ cơ khí); 5. Nguyễn Hữu Lập (tài xế); 6. Nguyễn Thị Chung (làm ruộng); 7. Nguyễn Thị Dinh (hoạ sĩ); 8. Nguyễn Hữu Đán (kiến trúc sư); 9. Nguyễn Thị Ứng (thợ may); 10. Nguyễn Thị Triêu (thợ cơ khí).
Anh em bà Lê Đỗ Thị Ninh:
Anh đầu Lê Đỗ Khôi (liệt sĩ trong trận Điện Biên Phủ), anh kế Lê Đỗ Nguyên (tức trung tướng Phạm Hồng Cư) và Lê Đỗ An (nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng Nguyễn Tiên Phong).
Các em là Lê Đỗ Khang, Lê Đỗ Bình, Lê Đỗ Thái và “em chưa biết nói” là Lê Thị Như Ý (lúc ấy chưa đầy 2 tuổi, đang là giáo viên về hưu ở Hà Nội).
LỜI CUỐI
Trong cuộc kháng chiến 9 năm phạm vi công tác, làm việc của Hữu Loan chỉ ở một địa phương xa Việt Bắc. Ông cũng không ở những cơ quan đầu não văn nghệ trung ương hoặc đầu não chính trị quân đội. Ông cũng không phải là thủ lĩnh của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Bài viết và tần số xuất hiện từ Hữu Loan cũng không nhiều như những Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, PhùngQuán…
Hơn 30 năm sống ẩn dật quê Nga Sơn ông không tham gia đời sống văn nghệ, không đi ra khỏi Thanh Hóa. Màu tím hoa sim không được phổ biến công khai trên sách báo. Nhiều bạn bè, công chúng không có tin tức về ông.
Chỉ từ khi đất nước đổi mới, được giải tỏa, trở lại sinh hoạt bình thường trong đời sống văn nghệ Hữu Loan mới được phổ biến tác phẩm của mình, công chúng mới được đọc Hữu Loan từ Đèo Cả, Màu tím hoa sim tới những bài thơ mới nhất viết sau đổi mới.
Vậy thì tại sao từ khi trở lại văn đàn Hữu Loan được công chúng yêu mến với một tình cảm kỳ lạ và nồng nhiệt như vậy. Có lẽ câu trả lời là ở cuộc đời ông, như những gánh đá mà ông đã gánh quá ư đau đớn, cực khổ, ở mối tình bất hủ của ông với bà Lê Đỗ Thị Ninh, ở cái Màu tim hoa sim – một màu sắc đặc biệt ông đã mang vào nền văn chương kháng chiến, ở tiếng thét phẫn nộ chửi những thằng nịnh hót trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, ở tinh thần tuẫn nạn khí khái quyết liệt của ông trước bất công, cường quyền, không màng danh lợi. Thật hiếm có một kẻ sĩ như thế trong nền văn học hiện đại Việt Nam.
Ông đã tự phác họa chân dung mình ở một đoạn trong bài Chuyện tôi về:
“Chuyện Hữu Loan là chuyện
Một vạn chín trăm năm mươi ngày gấp hơn
mười lần chuyện Ba Tư
vô cùng căng thẳng
Giữa hai bên
một bên là chính quyền có
đủ thứ nhân dân
quân đội nhân dân
tòa án nhân dân
nhà tù nhân dân
và nhất là
cuồng tín nhân dân
thứ bản năng ăn sống
nuốt tươi
ăn lông ở lỗ nguyên thủy
được huy động đến
tột cùng
sẳn sàng hủy
cũng như tự hủy
một bên nữa là
một người tay không
với nguyện vọng
vô cùng thiết tha
được làm người lương thiện
nói thẳng
nói thật
bọn ác
bọn bịp
thì chỉ tên vạch mặt
người nhân thì
xin thờ
như Thuấn Nghiêu”.
Thật là “phú qúy bất năng dâm,bần tiện bất năng di,uy vũ bất năng khuất” !
Tiếc là câu viết sau của Thái Kế Toại rất dễ gây hiểu lầm “…ở tiếng thét phẫn nộ,
chưởi nhũng thằng nịnh hót TRONG phong trào Nhân Văn Giai Phẩm…” vì rõ ràng
câu đó có nghĩa là phong trào NV-GP có những thằng nịnh hót ? Có lẽ TKT.muốn nói
là “chưởi những thằng nịnh hót TRÊN BÁO Nhăn Văn – Giai Phẩm” chăng ?
Hành hạ văn nghệ sĩ đến thân tàn ma dại rồi cuối cùng đền bù cho họ kiểu ban “ơn
mưa móc”. Có cái gì đó hơi giống với việc con cái bạc đãi cha mẹ khi sống, chết thì
làm đám ma thật “hoành tráng” ? May mà thôn tính được miền Nam, chứ không thì
họ khốn nạn khốn khổ đến chết !
Có lẽ Hữu Loan nên mượn lời tác giả bài thơ “Phương xa”, bạn thơ đồng thời với mình, để tự an ủi về cái tai hoạ giáng xuống không chỉ riêng ông, mà hàng tá những tinh hoa đất nước, trong nhiều vụ, mà vụ Xét lại chống đảng, vụ Nhân văn- Giai phẩm là điển hình.
Cùng kêu than thấu trời với ông còn bao người nữa, Nguyễn hữu Đang, Phan Khôi…kể đến hàng 5 hoặc 6 chục thân phận tả tơi bầm giập, đều cùng tâm sự phẩn nộ khổ đau như ông.
Tất cả họ có thể cùng kêu than…“lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ”;
*tất cả đều đã từng tự nguyện sắp hàng dưới ngọn cờ đỏ, cùng hát bài Lên đàng của Phan Huỳnh Điểu,
mà cuộc đời thì lại đen như mõm chó mực!
Thiệt tình chẳng biết nói làm sao.
Đọc bài nầy, bao lần mặt rúm ró lại giữ cho không khóc thành tiếng; nước vẫn rịn ra khoé.
Cái “nhầm” đầu tiên, là ông sinh vào thời đất nước gặp nạn thực dân, khiến ở tuổi 27, “1943” Hữu Loan tự nguyện “Về quê Nga Sơn hoạt động Việt Minh”.
“1944 bị Nhật bắt…; 1945 Tham gia tổ chức cướp chính quyền ở Nga Sơn”…
Từ đó Hữu Loan lao vào vòng thế sự quay cuồng với đủ hỷ nộ ái ố dục…như mọi người đồng thời,
nhưng “đời kiêu bạc không dung hồn giản dị”, nên ân oán với chế độ đã bắt đầu năm “1946 Bỏ về quê lần 1” vì bất đồng với sếp tham nhủng.
Thuở kháng chiến mà cũng tham nhũng! Toàn bọn từng là cháu ngoan bác Hồ, đoàn, đảng viên!
Tuy thế cũng đã sáng mắt ra đâu?!
Hữu Loan lại “động lòng bốn phương”…”1946 Tham gia bộ đội Chiến khu 4”.
Tóm lại, chính ông tự chọn số phận của mình.
HL phải biết mình đang làm gì, và có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm, giữ kỷ luật tổ chức.
Lúc nầy Việt Minh chưa lộ cái ruột cộng sản, nhưng cái vỏ kỷ cương chuyên chính vô sản thì đã bắt đầu hà khắc, sắt máu. Chủ nghĩa cá nhân cùng lãng mạng tạch tạch sè là tối kỵ và bị nghiêm khắc phê phán, loại bỏ.
Không riêng Hữu Loan, Văn Cao cũng bị “chính huấn” trong đường lối sáng tác.
Và điển hình nhất trong giới văn nghệ sĩ bất mãn vì mất tự do sáng tác, là vụ Phạm Duy bị phê bình vì bản nhạc Bên cầu biên giới, viết sau một chuyến công tác ông đến vùng biên giới Việt – Trung.
Sáng tác có những ca từ táo bạo, không cần che giấu tình cảm chính trị (xen lẫn lời ca lãng mạng):
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới !
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây
. . . . . . . . . .
Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua !!!”
PD không hề che giấu tình cảm và lập trường người Việt trước địa giới tổ quốc với lân bang :
bên kia biên giới Việt -Trung, với PD, không giống như Tố Hữu từng xem “cũng là quê hương”,
mà Phạm Duy nói toạc
“Lòng tôi sao vẫn còn” NGĂN CÁCH”; lòng tôi sao vẫn “NGỪNG” nơi đây” !
*Những ngày kháng chiến, PD còn dong ruổi đó đây sáng tác nhạc hùng ủng hộ cách mạng – “Đời phong sương cũ”,
giờ thì “chỉ còn thương nhớ” (như một kỷ niệm).
*”Mộng bền năm xưa” – lý tưởng kháng chiến giải phóng đất nước, xoá bỏ biên cương, thế giới đại đồng, bốn biển một nhà… như đảng dạy CN MLN đã gieo lý tưởng vào đầu PD ngày nào…
bây giờ “chỉ là mơ qua”.
Phạm Duy bỏ chiến khu, về thành, vô Nam, sau khi bị cấp trên phê bình bản nhạc BCBG.
Hữu Loan, trái lại, bất mãn thì có; lý tưởng kháng chiến không hề buông bỏ!
Đã thế, năm “1948 Cưới bà Lê Đỗ Thị Ninh con gái ông bà Lê Đỗ Kỳ”…thì HL lại thêm rắc rối cuộc đời.
Toàn bộ bi kịch mang tên Hữu Loan bắt đầu từ cái chết lãng nhách, không phải bởi tay giặc cho oai hùng, mà…đuối nước, của cô vợ “tóc còn xanh”!
Giá HL đi lính cho Tây, cho Mỹ…hay tệ lắm, cho “Nguỵ”, thì đã không có vấn đề gì “mâu thuẫn với chế độ” chỉ vì bài thơ khóc vợ…chết sớm, và đã không có “Màu tím hoa sim”, không bất mãn, không gánh đá, không bi kịch Hữu Loan, và hôm nay btd không có bài này.
Bi kịch đã xảy ra vì cái lý do cực kỳ phi nhân,
“cá nhân là con số không, cá nhân phải nhường bộ tập thể”, của CNCS còn đang manh nha, còn nguỵ trang dưới chủ nghĩa dân tộc, yêu nước kháng chiến giải phóng…vv và vv…
nhưng cũng chính đáng không kém,
khi khẩu hiệu toàn quốc, toàn quân là “tất cả để đánh thắng quân xâm lược”.
Trong hoàn cảnh sử tính đó, mọi lẽ phải nhân danh tình cảm cá nhân đều bị hy sinh, đều phải nhượng bộ.
Phạm Duy không nhượng bộ, và ông vượt thoát sử tính tàn khốc, vượt thoát số phận, từ năm 1947!
Người ta có kẻ nhổ nước bọt về hành động dinh tê của PD trên bối cảnh nhiều thứ khác của chủ nghĩa thực dụng ích kỷ cá nhân nhà đại nhạc sĩ nầy.
Người ta lại vẫn tôn vinh ông, nhân danh tài năng, công lớn hơn tội.
Người ta lại xót thương và muốn khóc cho cuộc tình một đêm của Hữu Loan với người vợ “cưới xong là tôi đi” rồi vĩnh viễn mất em.
Trên nấm mộ em, thế gian được hưởng từ bài thơ Màu tím hoa sim và những thứ nấm khác kết tinh từ đau khổ bất mãn mang tên Hữu Loan.
Chẳng biết giá trị cuộc đời nằm ở đâu…
Phải nói thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã làm được nhiều thứ miền Nam Mỹ-Ngụy có mơ cũng chả thấy được . Hèn chi các bác cứ muốn giải phóng miền Nam để Bắc-Nam xum họp đến nỗi sụm bà chè . Võ Văn Quản nói đúng, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa các bác mọi thứ đều vừa khít khìn khịt . Không thiếu cũng chả thừa, không quá sớm mà cũng chả quá trễ, không quá nhiều mà cũng chả quá ít . Rất phù hợp với dân trí chung của phần được giải phóng .
Muỗi Tàu có thấy chăng,
AI đã dày xéo tinh hoa dân tộc, nguyên khí quốc gia trong vụ Xét lại chống đảng, vụ Nhân văn-Giai phẩm, chưa kể vụ CCRĐ?
Muỗi Tàu thấy chăng,
năm 1954 hàng triệu dân miền Bắc đã liều thân đi vào Nam, nơi đất lành chim đậu, trong đó có vô số tinh hoa đất nước – Văn sĩ, Thi sĩ, Hoạ sĩ, Kiến trúc sư, Học giả, Nhạc sĩ, Danh ca…không biết cơ man nào mà kể.
GIÁ TRỊ Ở ĐÂU?
Tài như Văn Cao, nếu sống ở miền Nam, ông đã nở hoa rực rỡ, cho trái ngọt bông thơm, không còm cỏi từ thân xác đến tâm hồn như đã thấy, nói không ra hơi trên album “Giấc mơ một đời ngươi”. Poor The North!
Sau khi bị đảng chính huấn về vụ NV-GP, Văn Cao tịt ngòi không sáng tác nổi.
Phải chờ mãi đến hết chiến tranh, mới rặn thêm bài Mùa xuân đầu tiên!
Đất độc trái chua hoa héo. Đất lành trái ngọt hoa thơm. Muỗi Tàu khựa phải học lại bài căn bản đó, đừng vo ve bậy bạ dưới cống rảnh nhé!
Công bằng mà nói, bài thơ “màu tím hoa sim” của Hữu Loan được nhiều người biết đến cũng nhờ công của nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc dưới tựa đề “những đồi hoa sim”. Cá nhân tôi, tôi lời bài nhạc cho tôi cảm xúc nhiều hơn lời bài thơ chính gốc.
Hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên, xin bổ sung thêm công của NS Phạm Duy nữa. Không hiểu từ bao giờ dăm câu thơ viết thời chữ quốc ngữ non trẻ lại đẩy nhiều nhân vật, và cả con cháu của họ nữa, lên cao đến thế…
Đọc những bài như thế này mới thấy thấm những gì ông thầy dạy văn chương Pháp dạo 1972: “CLV, XD, LTL và cả HC nữa… là các plagialists ma cạo, tầm học vấn không bằng các học sinh trung học Pháp hồi đó… văn chương gì mà chẳng có tư tưởng gì cả… chỉ giỏi uốn éo chữ nghĩa!”
plagiarists, xin lỗi