Thầy cô giáo văn, xin hãy tỉnh lại

Thái Hạo

20-7-2021

Bây giờ tuyệt đa số học sinh không còn thích Truyện Kiều nữa, nếu không muốn nói là thấy nhàm chán, ngớ ngẩn, nhạt nhẽo… Các bạn không tin thì cứ vào các trường phổ thông mà hỏi, 100 học sinh, khó có nổi một em trả lời rằng “thích”. Vì sao thế, vì văn học nhà trường đã trở nên hoàn toàn xa lạ với cuộc sống, nó chỉ còn là chuyện bình tán miên man, học thuộc và thi.

Khi bạn nói cái không liên quan gì tới người học, không đụng chạm gì tới thân phận và đời sống của chúng, không gắn gọng gì với cái bối cảnh xã hội mà chúng đang sinh tồn đây thì bạn đã thành người rỗi hơi ngớ ngẩn, bạn thành kẻ ác đầu độc tâm hồn trẻ bằng mớ chữ khô khốc vô hồn vô trí. Tôi sẽ bày cho bạn cách làm cho học trò yêu thích Truyện Kiều. Hãy lấy chất liệu cuộc sống ở thời đại chúng ta để minh họa, để liên hệ, để đánh thức, để khơi dậy…

Truyện Kiều kể về cuộc đời một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, thông minh, đa cảm nhưng đã bị một xã hội vô luân vùi dập xuống bùn đen. Kiều phải tự bán mình để lấy tiền cứu cha mẹ, đi làm đĩ để giữ mạng sống, bị trao qua đổi lại như một món đồ chơi trong tay bọn quan lại và lũ “đại gia”. Chuyện ấy có xa lạ gì với xã hội chúng ta đang sống không? Không, tuyệt nhiên không. Ngày xưa chỉ có một Thúy Kiều, ngày nay là hàng ngàn hàng vạn. Thúy Kiều ở khắp nơi, Thúy Kiều kêu khóc trên mọi miền của đất nước chúng ta.

Cái xã hội mà Kiều sống, với “Người nách thước kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, với “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh”, với “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” với “Ba trăm lạng việc này mới xong”; cái xã hội ấy thì có khác gì chốn ta đang sống đây, nếu có khác thì chẳng qua thời của Nguyễn chỉ một hai còn bây giờ thì nhan nhản, phủ kín mặt đất này. Có gì không phải mua bán chạy chọt, có gì không phải “trà nước, lót tay”; những nỗi oan khốc cứ từ trời giáng xuống, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu phận người bị vứt ra lề đường…

Hãy lấy chính cuộc sống của các em học sinh, cuộc sống của cha mẹ các em, của gia đình các em, xóm giềng các em mà giúp chúng nhìn lại. Quay quắt, bơ phờ, đầu tắt mặt tối, bị móc túi, bị hà hiếp, bị bịt mồm; lo chạy cửa trên cửa dưới, lo đút cửa trong cửa ngoài… Rồi hãy giúp chúng hình dung ra tương lai cuộc đời đời chúng ở ngày mai khi phải sống trong một xã hội giả trá, hư ngụy, một xã hội vì tiền mà tán tận lương tâm, một xã hội dùng quyền mà hà hiếp đày đọa con người. Đó, đó chính là Truyện Kiều đó. Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ chất liệu sinh động để minh họa cho văn học lại giàu có như thời đại chúng ta đang sống đâu, đừng lãng phí nó.

Thầy cô giáo phổ thông, xin đừng nói nhảm như kẻ mộng du nữa. Cái thứ văn vẻ ấy nó chỉ là biểu hiện của kẻ mất trí, của phường ngẩn ngơ ấm đầu.

Mọi tác phẩm đều có thể bắt đầu và đi tới như thế, từ văn học dân gian đến văn học viết, từ trung đại đến hiện đại, từ văn học cách mạng đến văn học đương đại. Hãy đưa văn học trở lại với cuộc sống, đừng tiếp tục “tâm hồn treo ngược cành cây” nữa. Thiên hạ khinh giáo viên văn chúng ta cũng bởi cái diêm dúa, chập mạch, mơ mơ màng màng rất dở người ấy.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. ” Hãy lấy chất liệu cuộc sống ở thời đại chúng ta để minh họa, để liên hệ, để đánh thức, để khơi dậy…” ( Trích T.H )
    – Rất đồng ý với bạn Thái Hạo về những ý tưởng trong bài viết ( tất nhiên là cả luận điểm đã dẫn ) .
    Nhưng, bạn ơi, GV dạy môn Văn ngoài chuyện yêu thích văn học , chuyện yêu mến nghề dạy học ra, họ còn xem dạy học là một nghề để kiếm sống bạn à .
    Cũng vì vậy mà họ chấp nhận phải dạy theo sách Hướng dẫn giảng dạy của Bộ GD đề ra. Mà có bao giờ, những tài liệu gọi là “hướng dẫn ” ấy dám đem giá trị hiện thực của Truyện Kiều ra ( và nhiều tác phẩm khác ) để liên hệ với hiện thực xã hội hiện nay dâu ban ?! Họ ( những nhà biên soạn sách HDGD )cũng thừa biết văn học bao giờ cũng gắn liền với thực tiễn cuộc sống, chỉ như vậy thì tác phẩm văn học mới có máu thịt tươi rói của nó.
    Những GS soạn sách “khả kính” ấy cũng chỉ ra việc “liên hệ thực tế” đấy chứ , nhưng đó là cái thực tế của chế độ phong kiến xa mờ đối với HS, hoặc moi móc cho ra những cái xấu xa của bọn “tư bản giẫy hoài mà không chết” . Có bao giờ, họ dám liên hệ với chế độ xhcn thiên đường đâu nhỉ ? Bởi họ còn muốn có quyền, có tiền ( nghe đâu việc biên soạn sách giáo khoa và mỗi lần cãi cách, họ được khối tiền đấy ! ) .
    Bởi thế nên cái “sự hèn” ấy trượt dài từ các vị goạn sách cho đến giáo viên đứng lớp . Giáo viên trở thành những con cừu được chăn dắt dưới cái gậy và củ cà rốt . Không ai muốn mất việc, ( tức là bể nồi cơm của gia đình, vợ con ), không ai muốn công an văn hóa từ tỉnh rầm rập về trường vì có một GV dạy Văn liên hệ thực tế bôi xấu chế độ, rất, rất “phản động”. Rồi những cuộc kiểm điểm liên tiếp xảy ra từ tổ chuyên môn đến HĐGV…
    Cái “liên hệ thực tế ” mình vừa nêu, hẳn bạn đã rành lắm rồi chứ ?
    Ai cũng muốn sống ngẫng cao đầu . Nhưng đến Nguyễn Tuân cũng có lần nói đại ý là phải biết sợ, không biết sợ thì không sống nổi.

    • Cứ theo Hồ học Đại, đại ca của nhóm” nhân sĩ trí thức Rùa Mù vớ kiếm”
      Khoan nói chuyện kiếm ăn mà chỉ nói đến việc vắt chân lên cổ chạy cho hết giáo trình là tụt hết hơi r. Còn đâu mà ” tâm hồn treo ngược cành cây”

  2. Hoàn toàn đồng ý nhất chí với đề nghị này . Đúng, không còn ai thích Truyện Kiều nữa, nhưng Kim Vân Kiều truyện vẫn, như tường thuật của Thái Hạo, còn có giá trị thực dụng, có thể áp dụng ngay tắp lự với xã hội mình .

    “Mọi tác phẩm đều có thể bắt đầu và đi tới như thế … từ văn học cách mạng đến văn học đương đại. Hãy đưa văn học trở lại với cuộc sống, đừng tiếp tục “tâm hồn treo ngược cành cây” nữa”

    Rất đúng . Thôi thì đã làm ơn thì làm ơn cho trót, Thái Hạo nên đề xuất những ý kiến làm thế nào để đưa văn học cách mạng vào đời sống . Chứ theo hiện giờ, có thể tớ quá bi quan, truyền thống văn hóa cách mạng đang ở level thấp đến thảm thương . Kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, cả 2 bên đều lấy những ikons của truyền thống văn hóa cách mạng ra diễu nhại … Cho đến bây giờ, cái tên Saigon của phong kiến tư bản lại đánh bạt tên của Bác Hồ vĩ đại . Dân ta không còn ai (muốn) nhớ đóng góp của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cho sự nghiệp cách mạng cả .

    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là 1 truyền thống tốt đẹp của dân tộc . Có được tên Bác Hồ cho Saigon, có được ngày hôm nay chúng ta phải nhớ tới những hy sinh có xây hàng ngàn hàng triệu bức tượng cũng không đủ . Nhưng tại sao cái truyền thống văn hóa hào hùng đó ngày càng mai một, thậm chí bị đem ra diễu nhại ? Các thầy cô giáo dạy văn cũng có trách nhiệm 1 phần .

    Hỏi nhỏ cái này, hồi đó ở trên cương vị nhà giáo, Thái Hạo đã làm gì để có thể đưa văn học cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh & những thứ giời ạ như vậy vào cuộc sống ? Các học sinh đã qua tay thầy giáo Thái Hạo hiện giờ đang có những đóng góp gì để bảo vệ truyền thống văn hóa cách mạng, bác có thể kể ra cho mọi người chiêm ngưỡng & thán phục được không ạ ?

    • Tớ đã nói rồi: cứ thằng đi trước chửi đứa đi sau. Vì vậy tất cả rất chi là ” phù hợp”

Comments are closed.