Vũ Ngọc Yên
17-7-2021
Vào ngày 12.07.2021, quân đội Trung Quốc thông báo, một tàu chiến Hoa Kỳ đã bị “trục xuất” khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Tàu khu trục USS Benfold đã đi vào khu vực này mà không có sự “cho phép” của Trung Quốc. Hoa Kỳ đã “vi phạm” chủ quyền của Trung Quốc và gây nguy hiểm cho sự ổn định ở Biển Đông. Hải quân Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc về việc xâm nhập lãnh thổ nước ngoài một cách bất hợp pháp và khẳng định tàu “Benfold” đã thực hiện các quyền tự do hàng hải của họ trong khu vực theo luật pháp quốc tế.
Thời điểm xảy ra vụ việc, ngày 12 tháng 7, được cho là không phải ngẫu nhiên đánh dấu kỷ niệm năm năm phán quyết về các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hoà Lan) ra phán quyết rằng, Trung Quốc không có chủ quyền trong khu vực bãi cạn Scarborough ngoài khơi bờ biển Philippines. Tòa án trọng tài cũng đã tuyên bố Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Ngoài ra, Tòa bác bỏ khả năng Trung Quốc được yêu sách vùng biển từ các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xác định Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.
Quần đảo Hoàng Sa chỉ là một phần nhỏ trong số các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông giàu tài nguyên. Ngoài Đài Loan và Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhiều đảo nhỏ và các vùng biển xung quanh mà Trung Quốc đã triển khai quân sự hoặc khai thác mỏ nguyên liệu. Trong nhiều năm qua, Biển Đông là nơi gần như thường xuyên xảy ra xung đột.
Các nỗ lực nhằm xây dựng Mặt trận thống nhất chống Trung Cộng
Trong thời gian qua Hoa Kỳ và đồng minh tăng cường hiện diện trong khu vực và thực hiện các cuộc tập trận với hàng nghìn binh sĩ. Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc – và cả thế giới – tin tưởng Hoa Kỳ sẽ bằng mọi cách duy trì việc đi lại tự do qua tuyến đường thủy quan trọng này.
Trong một thông cáo chung sau cuộc họp tại Toronto – Canada vào ngày 2.5.2021 các ngoại trưởng của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Anh đã tuyên bố “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực và các quy tắc quốc tế- dựa trên trật tự, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng các tiền đồn, cũng như việc sử dụng chúng cho các mục đích quân sự”.
Anh dự kiến triển khai hạm đội hải quân lớn nhất từ trước đến nay, dẫn đầu là Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth tới khu vực. Hạm đội của Anh sẽ đi khắp các vùng biển tranh chấp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Á, sẽ có các máy bay F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ và một tàu khu trục của Hải quân Mỹ cũng như một tàu khu trục nhỏ của Hà Lan hộ tống. Việc triển khai của Vương quốc Anh là một phần của Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) đa phương đang nổi lên ở Biển Đông nhằm vào Trung Quốc.
Cuối năm nay Đức cũng triển khai một tàu chiến tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong vài tháng tới. Sau hội nghị trực tuyến “2+2” giữa Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer với những người đồng cấp Nhật Bản, Berlin đồng ý đưa 1 tàu khu trục tới Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Trên hành trình trở về, tàu khu trục Bayern của Đức dự kiến sẽ đi qua Biển Đông nhằm thể hiện sự ủng hộ sáng kiến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do. Nhật Bản đã mời Đức tham gia cuộc tập trận chung trong khu vực, trong khi Pháp và Anh đều tiến hành những chiến dịch tự do hàng hải trong những năm gần đây.
Ngày 20/3, Philippines báo động khoảng 220 tàu đánh cá Trung Quốc đã tập trung từ ngày 7/3 tại vùng biển xung quanh Rạn san hô Niu’e (Julian Felipe) hoặc (Whitsun), làm dư luận quốc tế lo ngại. Theo Philippines, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Phía Trung Quốc ngược lại cho rằng rạn Niu’e là một phần của quần đảo Nam Sa và luôn là khu vực hoạt động quan trọng và là nơi trú ẩn cho các tàu đánh cá của Trung Quốc.
Trong bối cảnh quan hệ Philippines – Trung Cộng căng thẳng. Hoa Kỳ đã gửi nhiều tàu chiến và máy bay đến khu vực để thể hiện sự ủng hộ đồng minh Đông Nam Á của mình. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken cảnh báo tình hình “Không nơi nào trên thế giới mà trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại gặp nguy hiểm như ở Biển Đông” và cam kết nếu Trung Cộng tấn công Philippines, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Philippines theo tinh thần hiệp ước phòng thủ hỗ tương Hoa Kỳ-Philippines ký kết năm 1951.
Tháng 8 năm ngoái, Nhật-Philippines đã ký một thỏa thuận trị giá 100 triệu USD cho phép Mitsubishi Electric Corp xuất khẩu một hệ thống radar hàng không cho Lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Trước đó, Nhật Bản cũng đã tặng một máy bay giám sát và đóng 10 tàu tuần tra dài 44 mét cho Cảnh sát biển Philippines, với hai tàu tuần tra lớn hơn dài 94 mét dự kiến sẽ được sử dụng vào năm tới.
Sự liên minh đa quốc gia do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Trung Quốc không chỉ giới hạn trong các cuộc tập trận hải quân và viện trợ an ninh hàng hải. Các công ty lớn của phương Tây cũng đang tích cực mở rộng đầu tư trong các cơ sở hạ tầng quan trọng của Philippines và các cơ sở có vị trí chiến lược gần Biển Đông.
Australia’s Austal, hợp tác với Cerberus Capital Management đã mua lại nhà máy đóng tàu Hanjin của Nam Hàn tại Vịnh Subic ở Philippines, nơi thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân lớn của Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản cùng với quân đội Philippines.
Austal, công ty đóng tàu chiến cho Hải quân Mỹ, cũng dự kiến cung cấp tới 6 tàu tuần tra xa bờ cho quân đội Philippines. Việc mua lại nhà máy đóng tàu lớn ở Vịnh Subic có vị trí chiến lược ở Philippines, một phần của nỗ lực nhằm ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này.
Cách tiếp cận mới của Biden đối với Biển Đông
Giới phân tích chiến lược nhận xét những tuyên bố và động thái ngoại giao-quốc phòng của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đang phản ánh một cách tiếp cận mới chống Trung quốc của Tổng thống Biden tại Biển đông.
Thứ nhất, chính quyền Biden đang cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc với các đồng minh châu Âu và châu Á. Washington đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác, và ở Biển Đông. Biden đặc biệt chú ý đến việc tận dụng các đồng minh phương Tây truyền thống như Anh, Pháp và Đức để đạt được tái cân bằng với Trung Quốc.
Do đó, sau sự cố xung đột giữa Philippines và Trung quốc vì vấn đề chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và các quan chức chính phủ cốt cán khác của chính quyền Biden đã xác nhận với phía Philippines nhiều lần rằng Hiệp ước Phòng thủ hỗ tương Hoa Kỳ-Philippines cũng được áp dụng cho Biển Đông.
Song song chính quyền các nước Canada, Nhật Bản, Australia và các nước khác cũng đồng loạt bày tỏ quan ngại tương tự về việc ổn định tình hình khu vực và duy trì trật tự quốc tế.
Theo các nhà phân tích, Hoa Kỳ muốn áp dụng một thế trận chiến lược mới ở Biển Đông, trong đó các đồng minh và đối tác cả trong và ngoài khu vực hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau chống lại Trung Quốc. Như Kurt Campbell của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã nói, vấn đề chính mà Hoa Kỳ phải đối mặt là phối hợp “các công cụ của châu Âu và khu vực” để giải quyết thách thức của Trung Quốc.
Thứ hai, chính quyền Biden khai thác phán quyết của trọng tài quốc tế về Biển Đông trong thuật ngữ “trật tự dựa trên quy tắc”. Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã trở nên quyết đoán và hung hăng hơn ở Biển Đông trong những năm gần đây và đe dọa trật tự và quy tắc khu vực và coi Trung Quốc là “cường quốc xét lại”.
Bản Đánh giá Mối đe dọa Thường niên năm 2021 của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia công bố cho biết Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng, làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ và thúc đẩy các chuẩn mực quốc tế mới. Chính quyền Biden không chỉ muốn khôi phục các quy tắc của trò chơi ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và kiên định một trật tự hàng hải quốc tế dựa trên các quy tắc mà còn tạo áp lực buộc Trung Quốc phải “tái hòa nhập” vào các quy tắc và tiêu chuẩn khu vực do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Sau tuyên bố ngày 24 tháng 4 của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu về tình hình hiện tại ở Biển Đông, chính quyền Biden đã xem phán quyết trọng tài là một trật tự dựa trên quy tắc , đồng thời vận động các đồng minh và đối tác để gây áp lực buộc Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết của trọng tài.
Thứ ba, chính quyền Biden đang có những động thaí cứng rắn chống lại chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc có chủ đích chiếm đoạt vùng biển đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ lực trực tiếp với quy mô lớn. Chiến thuật này có đặc điểm là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng và tiệm tiến.
Hoa Kỳ đã chuyển đổi khái niệm, gọi các tàu đánh cá Trung Quốc là “lực lượng dân quân hàng hải” một lực lượng vũ trang trá hình. Lực lượng dân quân này vận hành các tàu dân sự thường đánh cá thương mại nhưng có thể giám sát hàng hải và hỗ trợ các hoạt động hải quân.
Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, lập luận rằng các hành động của Lực lượng dân quân Trung Quốc trên Rạn san hô Julian Felipe là nhằm kiểm tra phản ứng của Hoa Kỳ.
Là đồng minh an ninh của Philippines, Hoa Kỳ lên án sự hiện diện của lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc tại rạn san hô Julian Felipe. Ngoài việc tuyên bố công khai ủng hộ Philippines, Hoa Kỳ đã gửi một tàu sân bay và tàu tấn công đến rạn san hô cùng với một tàu ngầm hộ tống, tàu khu trục và tàu tuần dương. Hoa Kỳ phối hợp với chính phủ Philippines, đã triển khai tàu hộ tống và tàu khu trục tên lửa cho tuần tra để thách thức Trung Quốc.
Việc Philippines và Hoa Kỳ phô diễn hỏa lực khiến Trung Quốc phải rút một số tàu ra khỏi bãi đá ngầm. Sự rút lui của Trung Quốc cho thấy tác động của hành động quốc tế hợp nhất chống lại các hoạt động “vùng xám” của họ.
Nói chung , cách tiếp cận mới chống Trung Cộng tại Biển đông của Biden đã làm rõ xung xung đột gia tăng ở Biển Đông không chỉ đơn giản là một cuộc chơi quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đó là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và thế giới – một thế giới phụ thuộc vào Biển Đông tự do và rộng mở.