14-7-2021
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế, gần đây đã tỏ ý ủng hộ phương pháp cho phép các F0 bệnh nhẹ, không biểu hiện bệnh tự điều trị và cách ly ở nhà. Mình thấy đây là một hướng đi đúng đắn vì hiện nay các ca nhiễm ở nước ta đã rất nhiều, đặc biệt là TP.HCM với mỗi ngày khoảng hơn 1.000 ca mới, nếu chúng ta vẫn giữ phương pháp cũ là tập trung điều trị F0 thì sẽ sớm làm hệ thống y tế quá tải, tốn kém tiền bạc và chất lượng sinh hoạt/điều trị trong khu cách ly cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Với tỉ lệ người bệnh nhẹ khi mắc COVID-19 là khoảng 80% trong độ tuổi dưới 50, việc đưa F0 về nhà tự điều trị sẽ làm nhẹ gánh rất đáng kể cho hệ thống y tế hiện nay.
Tuy nhiên để phương án này hiệu quả và an toàn đối với cộng đồng thì người mắc virus SARS-CoV-2 cũng cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc tự điều trị ở nhà và đảm bảo 3 điểm chính đó là:
1. Giảm tối đa lây nhiễm thêm cho người xung quanh.
2. Tự chăm sóc cho mình để hồi phục.
3. Quan sát triệu chứng bệnh để biết cần đi cấp cứu khi nào.
Để giảm tối đa lây nhiễm thêm cho người xung quanh thì người tự điều trị cần làm như sau:
– Nếu có thể sắp xếp thì hãy ở trong một căn phòng riêng trong thời gian tự điều trị để cách ly với những người trong nhà (chưa bị nhiễm) và vật nuôi trong nhà (vì chúng có thể là trở thành vật mang virus). Nếu có thể, bạn nên sử dụng phòng tắm riêng. Nếu bạn cần tiếp xúc với người nhà hoặc vật nuôi thì hãy rửa tay trước đó và đeo khẩu trang.
– Thông báo với những người đã tiếp xúc gần với bạn trong khoảng thời gian bạn nghi ngờ là mình đã mắc COVID-19, để những người này cũng phải cẩn thận đi kiểm tra và đề phòng lây nhiễm người khác. Bạn nên nhớ rằng, hầu hết người bị nhiễm có thể bắt đầu lây virus từ 48 giờ sau khi nhiễm, thời gian này thường không có triệu chứng và kết quả xét nghiệm thường âm tính.
– Hạn chế tối đa đi ra khỏi phòng, khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết và tuyệt đối không sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
– Nên ho hoặc hỉ mũi bằng khăn giấy để hạn chế các dịch phát tán ra môi trường, sau đó bỏ vào thùng rác có lót nylon (để tránh thấm ra ngoài), thùng rác nên có nắp đậy.
– Rửa tay thường xuyên với xà bông và nước trong ít nhất 20 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch sát trùng tay chứa cồn với nồng độ cồn tối thiểu 60%.
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chén dĩa. Nếu được thì trong thời gian điều trị sử dụng chén dĩa, đũa muỗng loại dùng 1 lần rồi bỏ.
– Lau sạch tất cả các bề mặt thường xuyên chạm vào, như kệ bếp, mặt bàn và tay nắm cửa bằng dung dịch tẩy trùng hoặc cồn (>60%).
Tự chăm sóc cho mình để hồi phục, các bạn cần để ý:
– Bệnh COVID-19 là do virus SARS-CoV-2 gây ra, cũng như hầu hết các loại bệnh do các virus khác gây ra thì việc điều trị chủ yếu là “điều trị hỗ trợ”. Nói cách khác, bạn cố gắng “làm dịu”, “làm nhẹ” các triệu chứng khó chịu, để cơ thể của bạn có thời gian củng cố hệ miễn dịch mà chiến đấu với virus. Hầu hết các trường hợp tự điều trị COVID-19 sẽ bắt đầu hồi phục và khỏe lại sau 2 tuần.
– Thường trong thời gian 2 tuần kể từ ngày nhiễm virus, những người bị COVID-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến bệnh nặng. Những người có triệu chứng nhẹ thì có khả năng tự chăm sóc và phục hồi còn những người có những triệu chứng nặng thì cần sự hỗ trợ của dịch vụ y tế chuyên nghiệp (sẽ nói ở phần sau). Những triệu chứng nhẹ mà người bị mắc COVID-19 có thể tự điều trị ở nhà như: Sốt hoặc ớn lạnh; Ho; Mệt mỏi; Đau nhức cơ hoặc toàn cơ thể; Đau đầu; Mất vị giác; Đau họng; Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Tiêu chảy.
– Cách điều trị ở nhà chủ yếu là “nghỉ ngơi” và “cung cấp đủ nước cho cơ thể”.
– Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường “nếu cần” như bị sốt cao (trên 39 độ C) (ví dụ như thuốc có chứa acetaminophen, xem kỹ liều lượng sử dụng, không nên sử dụng quá 3,000 milligrams trong 1 ngày).
– Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng trái cây tươi (cam, chanh, rau tươi, v.v…). Nếu khó ăn, khó tiêu thì có thể ăn cháo và chia ra làm nhiều bữa ăn (mỗi lần ăn 1 ít).
– Bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng mỗi ngày 5-10 phút, uống sữa, ăn trứng, v.v…
– Phương pháp xông hơi có thể làm dịu đau họng và mở đường hô hấp, giúp bạn thở dễ dàng hơn.
Tỉ lệ người bệnh bị trở nặng tỉ lệ thuận với độ tuổi (như trong hình), tăng nguy cơ với người có bệnh nền (đái đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư, v.v…) và nam giới bị nặng nhiều hơn nữ giới. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân COVID-19 rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp như máy trợ thở, máy lọc máu, các thuốc đặc trị, v.v… Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu đó là:
– Cảm thấy rất khó thở.
– Đau dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực.
– Không thể tỉnh táo.
– Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.
Nói chung, ở từng giai đoạn dịch, dựa vào số lượng người nhiễm, khả năng của hệ thống Y tế và ý thức cộng đồng, chúng ta cần linh hoạt trong việc điều trị để đạt được hiệu quả cao nhất và an toàn nhất. Mình tán thành phương án đưa F0 bệnh nhẹ, không biểu hiện bệnh tự điều trị và cách ly ở nhà, tuy nhiên mong là mọi người cần thực hiện một cách có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bảo trọng nhe bà con!
_____
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/global-covid-19/home-care-for-sick.html
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/if-you-are-sick/steps-when-sick.html
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/if-you-are-sick/care-for-someone.html
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/symptoms-testing/symptoms.html
https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/treatments-for-covid-19
https://www.nature.com/articles/d41586-020-02483-2 (The coronavirus is most deadly if you are older and male — new data reveal the risks).
Học Giả Nguyễn Duy
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
(ca dao)
1.
Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
không có giấc mơ
chỉ toàn ác mộng
mập mờ như ngủ như thức
người và ma lẫn lộn tù mù
ta thu bóng ngồi uống trà với gió
chén rượu suông cụng với chính hồn mình.
2.
Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than
đứt ruột.
tiếng thở dồn người chống dịch xả thân
thắt ruột.
tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von
sốt ruột.
tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi
lộn ruột.
3.
Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng
hồn vía quay quay cuồng cuồng
đột quị con đường chen chúc sống
chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương
chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương
chen chúc thở
chen chúc lò thiêu xác.
4.
Có cái chết trống không như chết lậu
không trống không kèn không đèn không nhang
mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
đau kiếp người sống chui chết chui.
ta thành kính vấn an linh hồn lạc
chỉ về Trời mới thật có tự do
tự do nhẹ như gió
tự do bềnh bồng như mây
tự do trong như giọt mưa trong
tự do nặng trĩu như lòng.
5.
Ta lăn lê gần hết đời người
nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
ta thèm khát vô tư như cỏ
mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
ta đã liều mình lao vào đạn bom
trẻ liều chết nay về già liều sống.
6.
Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
biết chăng con người sống để làm gì?
giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?
bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?
dịch bệnh bung toang không hề hư vô
là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?
con người hiền lương con người nhân đức
gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!
7.
Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…
Nguồn Mạng
Triệu chứng khi có khi không, nó sẽ lây lan không kiểm soát được cho đên khi đạt miễn dịch cộng đồng. Việc cách ly F0 và điều trị ở nhà là đương nhiên vì bv làm gì có chỗ chứa. Chỉ nhập bênh viện các ca bệnh nặng .
Công thức trị Covid ở nhà theo các bác sĩ & trí thức thời nay
Bòn bon, si cô la, sữa hột gà, dầu cù là, cà rem cây