Chuyện chống dịch: Nhà nước phải có kế hoạch cụ thể

Đỗ Duy Ngọc

7-7-2021

Đúng là đang lúng túng, một mặt Thủ tướng phát biểu “Không đóng cửa nhưng kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP” một mặt khác thì Uỷ ban TP ban hành lệnh giãn cách theo chỉ thị 16 từ ngày 9/7. Tin này xuất hiện ở báo Tuổi trẻ online vào cuối buổi chiều nay và được thông báo trên VTV, chưa thấy trên HTV là Đài truyền hình thành phố. Điều này chứng tỏ có bối rối trong việc truyền thông.

Người dân đang thắc mắc, giãn cách theo chỉ thị 16 thì mọi người không được di chuyển. Thế cán bộ, công nhân viên chức, công nhân các xí nghiệp, nhà máy có được đi làm hay phải ở nhà? Và công sở, nhà máy có hoạt động không? Tất cả các chợ hầu như đã đóng cửa trước khi có thông báo này rồi, thế người dân sẽ được mua bán thực phẩm ra sao trong những ngày giãn cách.

Đợt trước khi Đà Nẵng trong cơn bùng dịch, dân được cấp giấy phép luân phiên để đi mua sắm thực phẩm, thành phố ta có làm thế không? Thành phố trước đây đã có nhiều biện pháp hạn chế những sinh hoạt bình thường nhưng dân chúng vẫn được đi lại trong khuôn khổ quy định. Nhờ vậy, nhiều trường hợp khó khăn, nhiều khu vực cách ly, phong toả vẫn được nhiều người hảo tâm, các nhóm thiện nguyện hỗ trợ lương thực hàng ngày. Nhiều người lang thang, cơ nhỡ sống vỉa hè, đầu đường xó chợ còn được nhiều tấm lòng giúp đỡ.

Bây giờ với chỉ thị 16, những trường hợp khó khăn đó sẽ sống như thế nào trong 15 ngày giãn cách sắp tới? Khi ký một quyết định như thế này, chính quyền nên có các biện pháp và chính sách đi kèm, nếu không chỉ khổ dân, nhất là những người dân nghèo không còn điều kiện sinh kế, mà số người lâm vào cảnh ngặt nghèo thế này ở thành phố nhiều lắm, nhất là ở những khu lao động, các nhà trọ.

Vì quyết tâm ngăn chận dịch, người dân sẵn sàng hợp tác và chấp hành tốt các yêu cầu của chính quyền. Nhưng nhà nước cũng phải có kế hoạch cụ thể để đời sống của người dân tuy bị xáo trộn nặng nề nhưng đừng để có những gia đình, những số phận lang thang phải không có ăn trong những ngày giãn cách.

Bình Luận từ Facebook