Từ chuyện fan bóng đá Việt Nam tấn công trọng tài, nghĩ về giáo dục

Chu Mộng Long

20-6-2021

Việc hàng triệu fan bóng đá Việt tấn công, sỉ nhục trọng tài sau trận đấu với UAE cho thấy một bản chất xấu xí không thể bào chữa. Bản chất đó có từ đâu? Chắc chắn những người này biện minh, rằng đó là lòng yêu nước!

Tuyên giáo thì vẫn tuyên ngôn; yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng gần đây, đã từng xuất hiện thêm một tuyên ngôn khác: yêu nước gắn liền với yêu bóng đá. Không ngẫu nhiên mà chỉ cần hai trận thắng, đội bóng đá quốc gia đã được trích thưởng 8 tỷ đồng. Trong khi cả triệu người trên tuyến đầu chống dịch chưa chắc đã mơ được số tiền thưởng nóng như vậy, nếu không nói phải vật vã tìm nguồn quyên góp các loại quỹ như quyên góp từ thiện!

Trong nhà trường, nội dung “yêu nước gắn liền với căm thù giặc” gần như lặp đi lặp lại trong hầu hết các bài ngữ văn và lịch sử. Nội dung ấy thấm trong máu thịt của các thế hệ từ sau cách mạng. Cho nên, từ khi trỗi dậy phong trào bóng đá như một bình diện của chủ nghĩa yêu nước, hiển nhiên các đối thủ của đội tuyển Việt Nam đều có thể là giặc. Có thể hình dung tuyến đầu là các cầu thủ, đứng sau là các fan với tinh thần chiến đấu đến cùng. Trước trận đấu hừng hực khí thế chiến đấu. Sau trận đấu là đi bão ăn mừng chiến thắng, bất chấp tai nạn chết người. Đến mức năm trước, dân Nghệ An còn hồn nhiên giả trang, đóng vai Bác Hồ… đi bão! Đúng là bóng đá như… chiến tranh!

Trước trận đấu với UAE, có nhà thơ, nhà giáo xứ Nghệ còn xem quẻ, như Khổng Minh bói Dịch trước khi đánh trận. Quẻ báo tin thắng trận! Nhiều nhà văn, nhà báo, trong đó có cả giáo sư tiến sỹ cũng hả hê với chiến thắng ảo ấy. Khi ấy, tôi đã hình dung, nếu tuyển Việt Nam thua, xem chừng UAE là kẻ thù không đội trời chung.

Và sự thật là thua. Nhưng máu háo thắng sẽ làm cho các fan không thể chấp nhận thua. Sử gia từng xem thất bại trong chiến tranh là những cuộc tổng diễn tập, nhưng với các fan bây giờ thì nâng lên tầm cao mới: đổ lỗi do trọng tài! Trong cuộc thua này, nhiều fan đã muốn ăn gan uống máu trọng tài!

Bóng đá, trong quy ước quốc tế, dẫu thắng thua đều là bạn. Thể thao là hoạt động hội nhập. Nhưng với nhiều người Việt, thể thao là trận đánh với ranh giới địch/ta rõ ràng. Ta tốt/địch xấu, ta thiện/địch ác, đúng như các bài học ngữ văn và lịch sử trong sách giáo khoa. Nếu không có luật quốc tế, dễ chừng nhiều người say máu “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ…”

Tôi tra lại 5 phẩm chất mà Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết đưa ra trong Chương trình cải cách, toàn mơ hồ. Chỉ có phẩm chất yêu nước (được đưa lên hàng đầu), coi như đã được định nghĩa từ trước: “yêu nước gắn liền với căm thù giặc”. Đời đời sống trong nỗi căm thù như vậy, không biết rồi người Việt sẽ chơi với ai khi nhìn đâu cũng thấy giặc.

Ảnh trên mạng

Trong khi, về phẩm chất tối thiểu, chỉ cần một từ “Tự trọng”, nghĩa đầy đủ là biết tôn trọng mình để được người khác tôn trọng, thì không bao giờ được nhắc tới. Dạy bọn trẻ cứ dày mặt ra bất chấp tất cả thì sẽ sống được trong mọi hoàn cảnh hay sao?

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. “Trong khi, về phẩm chất tối thiểu, chỉ cần một từ “Tự trọng”, nghĩa đầy đủ là biết tôn trọng mình để được người khác tôn trọng, thì không bao giờ được nhắc tới.” ( Trích CML )
    – Cái bọn chủ biên SGK cải cách giáo dục có chút lòng tự trong nào đâu mà đòi dạy người khác hả thầy ? Chúng chỉ làm khổ từ những học sinh vô tội cho đến các thế hệ GV già trẻ . Chẳng qua là vì tiền thôi, chứ còn để lại tiếng khen hay tiếng chửi thì chúng chẳng màng .
    Loại người đó thì làm gì có lòng tự trọng ?!

  3. Giáo dục thế này “Yêu nước gắn liền với căm thù giặc” thì tất nhiên ai đâm đầu theó
    CS.cũng phải chứng tỏ bằng hành động hung hăng cực đoan mới được “vua biết mặt,
    chúa biết tên” mà thăng quan tiến chức,mời hưởng đặc quyền đặc lợi chứ !
    Miền Bắc thì ai cũng phải “đồng phục” còn ở miền Nam những kẻ theo CS hay nằm
    vùng thì cũng đã từng “lên gân” như kẻ say máu !

  4. Với tiền đề CNXH vốn cho phép sống theo phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, thì tiêu chí rèn luyện “tự trọng” sẽ xung đột với tiêu chí “trách nhiệm”.
    Người cs cho phép dối trá, “phản bội” nhân danh trách nhiệm; trong công tác gián điệp nhị trùng, tam trùng chẳng hạn.
    Do đó, trong giáo dục rèn luyện phổ thông, chuyên nghiệp hoặc quân trường, họ cho phép thiếu yếu tố quan trọng nhất của nhân cách, là DANH DỰ,
    một trong những yếu tính cao quý “bảo hiểm” cho nhân phẩm và lòng trung thành với Tổ Quốc, mà Trường Võ bị Quốc gia Quân lực VNCH khắc thành tiêu ngữ trên bàn thờ Tổ quốc, trên hiệu kỳ đơn vị, cổng chào, và trong trái tim mỗi chiến sĩ. Người Nhật cũng xem Danh Dự là thứ phải trả bằng Máu, máu kẻ thù hoặc máu chính mình, khi bị xúc phạm.
    Người cs thì không. Tức là họ KHÔNG CẦN DANH DỰ, từ thuở bé!

    Nói chung, tôi đồng ý lập luận của họ Chu tuy có hơi quá khoa đại/cường điệu ở mỗi vấn đề.
    Riêng chuyện tức tối, chửi bới vụ trọng tài thổi trận UAE-VN, thì tôi đã xem đi xem lại nhiều lần 2 ca ăn gian, bất công lộ liễu không thể chối cãi:
    -quả phạt đền “cưỡng bức” khi thủ môn Trường xoài người sát sân cỏ đẩy trái banh bay vào, chạm banh rõ ràng, quả bóng bật đi rõ ràng- đối tượng của pha đẩy là trái banh – không phải chân của cầu thủ đối phương…
    …và cú ngã “giả vờ vấp” phải độ cao chưa tới 15cm của cánh tay thủ môn, nhào té ra ngoài vạch ngang sân bóng.
    Tất cả là một màn kịch và xử ép tôn giáo bênh nhau, và ai cũng biết, UAE là nước siêu giàu!
    Không thể gọi là quả penalty vô tư!
    Tức giận là đúng, và phải thông cảm. Không lẽ nín chửi, và khóc, hay ngửa mặt lên trời cười 3 tiếng ho 3 phát rồi đi nhậu xả tức?!
    – 2 thằng xô ngã một thằng là ca lộ liễu thứ 2 trong vùng cấm trước khung thành UAE khi CP chổng gọng ngơ ngác, nhưng không có phạt đền nào. Sao không tức tối giận dữ được!
    Nếu gặp trọng tài Hàn, Nhật, Úc…chưa chắc đã là 3-2.

    Đừng nên vào hùa nói leo, và bất công.
    Thằng ăn cướp không phải luôn là xấu mãi!

  5. Đóng giả thằng Bác thì đi coi xử bắn chứ hắn có biết xem túc cầu bao giờ.

  6. Không lạ.
    Hãy xem cái mặt dày của tổng bí lú với những lời nói sảng gần đây, với cung cách của fan cuồng bóng đá, thì chúng nằm trong chiến lược loạn ngôn tổng thể của cộng sản Ba đình vậy.

  7. “Trong khi, về phẩm chất tối thiểu, chỉ cần một từ “Tự trọng”, nghĩa đầy đủ là biết tôn trọng mình để được người khác tôn trọng, thì không bao giờ được nhắc tới”

    Vấn đề là những hành xử như thế nào mới được/bị xem là “tự trọng”? Lấy ví dụ như Chu Mộng Long xem chiện fans Việt thóa mạ trọng tài quốc tế là do giáo dục, nhưng Chu Mộng Long vẫn tự hào với mình, với nghề giáo của mình, xem mình là người đưa đò & tự hào với sản phẩm của mình. Bờ bên kia là những hành xử, theo Chu Mộng Long, “xấu xí không thể bào chữa”.

    Con nít là 1 trang giấy trắng . Bộ giáo dục là cỗ máy, các giáo viên/sư là những con ốc, những bộ phận tạo thành bộ máy, và sản phẩm là thế . Tại anh hay tại ả ở đây ? Hay tại cả hai ?

Comments are closed.