Phản biện anh Nguyễn Việt Long về nhiệt điện than

Đoàn Bảo Châu

16-6-2021

Tôi thường viết cho công luận đọc và đây là một ngoại lệ khi tôi đối đáp với một cá nhân bởi hai lý do, anh Long là bạn FB lâu năm của tôi và tôi hứa là sẽ trả lời những thắc mắc của anh.

Mặc dù là bạn FB lâu năm nhưng anh Long đã rất thẳng thắn đến thô thiển khi mở màn bằng những câu chê tôi kém hiểu biết và viết a-ma-tơ khi viết về nhiệt điện than. Trước hết tôi không phải là chuyên gia về năng lượng, tôi là người viết báo và đã là viết báo thì lĩnh vực gì tôi cũng có quyền viết và do vậy thì việc thiếu kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực nào đấy là điều đương nhiên, điều quan trọng là thái độ của người viết thế nào mới là quan trọng. Có cầu thị, thành tâm học hỏi hay cao ngạo, bảo thủ hay không mà thôi.

Tôi đã rất khiêm tốn nghe anh phản biện nhưng rồi tôi nhận ra rằng tôi chẳng học được gì hay ho và tử tế từ những phản biện của anh. Tôi muốn đưa ra mấy vấn đề chính.

1. Anh bảo tôi kém hiểu biết nên không hiểu là nhiệt điện than rất quan trọng trong việc điều tiết công suất lưới điện. Bình thường thì tôi không theo cái cái kiểu thẳng thắn một cách thô thiển với bạn FB nhưng lần này tôi sẽ theo phong cách của anh. Tôi sợ rằng khả năng đọc hiểu của anh có vấn đề. Ai cũng biết là nhiệt điện than đang đóng vai trò quan trọng trong năng lượng của Việt Nam. Tôi không viết một câu nào nói là phải đóng cửa ngay lập tức những nhà máy nhiệt điện than.

Điều tôi muốn ở đây là cái tác hại với môi trường, với sức khoẻ người dân và công luận cần quan tâm lên tiếng để chính phủ cần thay đổi cái quy hoạch điện 8, vừa để theo cùng trào lưu bảo vệ môi trường của thế giới và quan trọng trước mắt là bảo vệ sức khoẻ của người dân. Không thể nhân danh bất cứ lợi ích nào, sự cần thiết năng lượng nào để hy sinh sức khoẻ, tính mạng của người dân. Hơn nữa, trong bài ấy tôi cũng nói rõ đã nói tới nhiệt điện than ở Việt Nam từ giờ trở đi có nghĩa là nói tới vốn và công nghệ của Trung Quốc.

Xu thế dùng điện năng lượng tái tạo trên thế giới đang cuồn cuộn phát triển, liên tục có những cái mới thì ta cần phải quan tâm để theo trào lưu tiến bộ chung. Các nước G7 vừa thông báo những hành động chung để kết thúc hỗ trợ cho những dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Giờ chỉ còn duy nhất Trung Quốc là còn cấp vốn, thiết bị cho các dự án nhiệt điện than cho các nước khác.

Trung Quốc khét tiếng là một nước chỉ biết lợi dụng đối tác để thực hiện mưu đồ lớn của mình, đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một gương tầy liếp, vậy điều gì khiến những nhà máy nhiệt điện sắp xây ở Việt Nam, với vốn và thiết bị của Trung Quốc có thể đảm bảo chất lượng? Hay lúc ấy các anh, những người làm trong năng lượng lại bảo đấy là an toàn theo tiêu chuẩn Trung Quốc chứ không phải theo thế giới và mạng người dân Việt không đáng lo, con đường lên vinh quang nào cũng cần có hy sinh?

Anh đưa ra cái bài báo cũ của NY Times nói số lượng nhà máy nhiệt điện ở Nhật sẽ được xây nhưng hôm qua một người phụ nữ Nhật tên là Kimiko Hirata đã được nhận giải thưởng Goldman vì có công đấu tranh để dừng được 13 nhà máy nhiệt điện ở Nhật. Tôi đang sắp xếp một cuộc phỏng vấn online với chị này để cộng đồng đấu tranh cho năng lượng sạch ở Việt Nam có thêm niềm tin vào ý nghĩa trong công việc của mình.

Tôi hỏi anh, nếu các nhà máy nhiệt điện than đảm bảo chất lượng khí thải thì tại sao Nhật Bản phải dừng lại hàng loạt nhà máy như thế. Hay nhà máy nhiệt điện công nghệ của Trung Quốc, một nước cộng sản anh em của các anh thì sẽ có chất lượng vượt trội hơn của Nhật Bản?

Mà Trung Quốc sẽ đóng mấy 600 nhà máy nhiệt điện than trong những năm tới cơ mà. Anh đang chống lại cái gì vậy?

2. Anh hoạnh hoẹ tôi về mấy cái số liệu ung thư quanh nhà máy điện Vĩnh Tân. Tôi sẽ không mất công đi sâu vào chứng minh chi tiết nhưng tôi chỉ thấy một người có học như anh mà tủn mủn một cách đáng kinh ngạc. Đã biết bao tài liệu quốc tế, cả những bộ phim tài liệu về tác hại của khí thải của nhà máy nhiệt điện với những người dân mà anh còn đang mơ màng bán tín bán nghi. Nếu có điều kiện tôi mời anh về Vĩnh Tân sống cạnh nhà máy một tuần là anh cảm nhận được tác hại. Vì sự hoạch hoẹ tủn mủn của anh mà tôi lại lọ mọ tìm mấy số liệu ra chứng minh với một cá nhân bảo thủ như anh, tôi sợ rằng mình sẽ biến thành một kẻ dở hơi. Tôi đâu vô công rồi nghề đến vậy.

3. Anh viết “ Bài viết có nói sao VN ko làm điện tích năng. Xin thưa là nhà nước xây dựng NMĐ theo quy hoạch đã duyệt, trong phần điện mặt trời chủ yếu dành cho tư nhân. Các nhà đầu tư tư nhân khôn lỏi, chả anh nào xây tích năng cả, cứ muốn đùn khúc xương đó cho nhà nước, còn mình chỉ xây ĐMT mái nhà cho nhanh để hưởng giá ưu đãi. Chung quy là xây thêm bộ phận tích năng thì phải chi thêm tiền, giá sẽ đội lên nữa. Vậy tác giả có muốn xây điện tích năng như Mỹ hay Úc thì hãy vận động mấy nhà đầu tư đó đi.”

Sao một người “hiểu biết” và “chuyên nghiệp” như anh mà lý luận cùn quá vậy? Tất nhiên là các nhà đầu tư sẽ chọn chỗ nào tốt để đầu tư. Vậy để các nhà đầu tư xây cả nhà máy tích năng thì vai trò của nhà nước ở đâu? Nhà nước mới là chỗ để đo được mức độ vượt trội năng lượng vào giờ cao điểm khi có nắng, gió để xây dựng nhà máy tích năng, các nhà đầu tư đơn lẻ thì biết dựa vào đâu mà xây? Làm thế sẽ không đồng bộ, gây lãng phí. Anh cứ nói lấy được trong cơn hưng phấn thích phản biện nhưng phản biện không dễ anh ạ, nó cần tư duy lô-gic. Một kĩ sư như anh đến nhẽ phải biết điều ấy.

4. Anh bênh cái ý của mấy tay “có học” mà theo tôi là vô học: “những ai chống nhiệt điện than thì tắt điều hoà đi mấy ngày” và diễn giải là “nếu chống nhiệt điện thì đối diện với nguy cơ thiếu điện đấy, nên ai chống thì gương mẫu tắt điều hòa trước đi. Logic rõ ràng như vậy.”

Đúng là cùn bênh cùn, bênh bằng được nên cố tình biện minh một cách ngờ nghêch. Người ta nêu nhiệt điện than là để góp phần cho chính phủ điều chỉnh quy hoạch trong tương lai, khuyến khích năng lượng tái tạo, tìm giải pháp tích năng theo trào lưu đang rất rõ ràng và mạnh mẽ của thế giới. Người ta không bảo phải đóng cửa ngay lập tức các nhà máy nhiệt điện than. Nói vậy thì khác nào bảo người ta im mồm đi hay đừng dùng điện nữa. Tôi không có ý định giải thích cho anh hiểu, bởi điều ấy mất thời gian và rất khó khăn mà tôi viết lên đây cũng để công luận nên đề phòng với dạng người “hiểu biết” “chuyên nghiệp” hay “có học” như anh.

Có những điều khi người ta có lương tri, khi người ta không bị vướng vào lợi ích nhóm thì người ta sẽ hiểu vấn đề rất nhanh. Còn khi đã có lợi ích, đã cố tình không hiểu thì có giải thích mấy cũng vô ích.

Nếu các bạn muốn đọc những ý kiến phản biện một cách chi tiết của anh Long thì các bạn vui lòng vào mấy bài trước của tôi. Xin cảm ơn sự quan tâm của các bạn.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “tôi là người viết báo và đã là viết báo thì lĩnh vực gì tôi cũng có quyền viết và do vậy thì việc thiếu kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực nào đấy là điều đương nhiên, điều quan trọng là thái độ của người viết thế nào mới là quan trọng”

    Tiêu chuẩn làm báo xã hội chủ nghĩa là đây . Lỗ hổng kiến thức cứ lồng lộng như xe convertible, nhưng lúc nào cũng cười toe toét thì nói chung no star where. Giời ạ! Bảo sao Việt Nam cứ gọi là “hổng đi theo” thế giới . Ngay trong 1 tờ báo hàng ngày cũng có chuyên môn nữa, và người nào chỉ viết về chuyên môn của người đó . Ngay cả phóng viên nước ngoài cũng có nhiều loại, phóng viên chiến trường war correspondents khác với các loại phóng viên nước ngoài khác, có người chỉ cover các cuộc họp thượng đỉnh, chỉ cover châu Á, hay chỉ cover châu Âu, người chỉ cover ẩm thực … Làm gì có chiện “lĩnh vực gì tôi cũng có quyền viết và do vậy thì việc thiếu kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực nào đấy là điều đương nhiên, điều quan trọng là thái độ của người viết” Oh, Việt Nam ta là phải khác, nhứt là Đoàn Bảo Châu, 1 nhà báo đặc trưng của làng báo xã hội chủ nghĩa Việt Nam .

  2. “Có những điều khi người ta có lương tri, khi người ta không bị vướng vào lợi ích nhóm thì người ta sẽ hiểu vấn đề rất nhanh. Còn khi đã có lợi ích, đã cố tình không hiểu thì có giải thích mấy cũng vô ích.”

    Đọc đoạn này là hiểu tại sao ông ấy có những lý sự cùn đến thế kkk. Việt vị rồi ông Long ơi kkk.

Comments are closed.