Ban Tuyên giáo chi phối chương trình và sách giáo khoa ở mức độ nào?

Chu Mộng Long

14-6-2021

Cựu Bộ trưởng GD Phùng Xuân Nhạ (phải) nhận quyết định làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Hiếu Duy/VNExpress

Cách đây đã lâu, tôi từng trò chuyện trực tiếp với hai cựu Phó Ban Tuyên giáo trung ương phụ trách giáo dục. Một cựu thời những năm 90 và một cựu gần đây khoảng chục năm. Cách hỏi giống nhau, và không ngẫu nhiên mà họ trả lời giống nhau. Đại khái như sau. Tôi tạm để trong ngoặc chứ không nguyên văn.

Tôi hỏi: “Ban Tuyên giáo trung ương có chi phối đến việc làm chương trình và sách giáo khoa không?”

Ông cựu thẳng thắn nói: “Có! Nhưng chỉ chỉ đạo tư tưởng chung chung. Đó là nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo.”

Tôi hỏi tiếp: “Có can thiệp sâu vào chuyên môn không? Cả tổng thể chương trình, dung lượng và soi xét vào từng bài học?”

Ông cựu bật cười: “Anh làm như cán bộ tuyên giáo là người biết tuốt vậy. Chúng tôi biết gì mà soi xét vào tổng thể chương trình, dung lượng và từng bài học của từng môn học khác nhau?”

Tôi gật và tin ông nói chân thật. Bởi có thánh cũng không làm được như vậy. Nếu làm được thì cần gì đến giáo sư các chuyên ngành?

Tôi nói: “Tôi hỏi vậy, bởi vì không ít giáo sư soạn sách, khi có sự cố lỗi hay tác hại của sách giáo khoa là đổ hết về phía Ban Tuyên giáo, nào do bị Ban Tuyên giáo kiểm duyệt, nào do bị Ban Tuyên giáo soi xét, và nào do yêu cầu phải làm theo ý của Ban Tuyên giáo!”

Đến đó thì ông này càng cười to: “Anh làm như các giáo sư là con cún dễ dạy bảo vậy. Chẳng lẽ các giáo sư làm không có lỗi mà chúng tôi lạị kiểm duyệt, soi xét rồi sửa thành có lỗi? Còn tác hại thì lẽ nào Ban Tuyên giáo bơm thuốc độc vào sách? Sự thật là khi nghe ồn ào về chính trị, thường là từ nội bộ các giáo sư đấu nhau, rằng có dấu hiệu lệch lạc, phản động thì chúng tôi mới yêu cầu chấn chỉnh. Đó cũng là nhiệm vụ, và chỉ có thế thôi”.

Các giáo sư, các bạn mở mồm là đổ lỗi “do thể chế chính trị”, cụ thể là do Ban Tuyên giáo trung ương. Thử đưa ra chứng cứ cụ thể cho tôi xem? Chứng cứ Ban Tuyên giáo trung ương yêu cầu xây dựng một chương trình với dung lượng quá tải đối với trẻ em, về các nội dung xa rời thực tế, nhiều kiến thức sai, ngốc, về các phương pháp dạy học rập theo một khuôn mẫu và biến trẻ em thành robot mà người không chuyên môn cũng thấy? Và có dám chỉ rõ ra cá nhân nào đã chỉ đạo làm việc đó không, hay chỉ là giáo sư nói điêu để chạy trốn trách nhiệm?

Có khi nào các bạn vì ám ảnh ma nên khi nào cũng tưởng tượng ra ma rồi tin cái điều kỳ quặc mà đám giáo sư vẫn biện bạch không?

Hai ông mà tôi nói chuyện vẫn còn sống đấy. Một ông đã trên 90 và một ông mới khoảng 70.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Mong tác giả bài này đưa ra chứng cứ “các GS đổ lỗi cho Tuyên Giáo” (mà thật ra chính các GS có lỗi).

  2. Công nhận các bác càng “phản biện” nhau thì càng lộ ra những điều … Well, nếu các bác muốn xây dựng 1 nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì youre on the rite track.

    Nah, cứ để cho mọi người tin vào những gì mình tin .

    “Sự thật là khi nghe ồn ào về chính trị, thường là từ nội bộ các giáo sư đấu nhau, rằng có dấu hiệu lệch lạc, phản động thì chúng tôi mới yêu cầu chấn chỉnh. Đó cũng là nhiệm vụ”

    Hồng phúc của nước nhà, đó là Đảng đã chọn lọc được 1 hàng ngũ các giáo sư luôn sẵn sàng & kiên quyết đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giáo dục . Có đấu tranh có nghĩa quy trình nhân sự của Đảng có vấn đề hết sức trầm bình trọng .

  3. Xưa giờ bọn họ chủ trương dùng lệnh miệng nhiều hết mức có thể để không lưu lại chứng cứ mà, cứ đi tìm hiểu từ những người kỳ cựu trong lĩnh vực xuất bản là biết thôi.
    Giờ thấy tác giả đòi chứng cứ, chắc là bọn họ vỗ đùi cười hả hả.

Comments are closed.