Điều ít người biết về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Nguyễn Thông

13-6-2021

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (Bìa phải). Ảnh trên mạng

Hôm qua 12.6, báo chí đăng bài buồn, người ta thông báo truyền nhau tin buồn: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời, thọ 89 tuổi.

Cái tên Nguyễn Xuân Khánh, không ít người tưởng chỉ mới nổi trong vài chục năm gần đây với hàng loạt cuốn tiểu thuyết tày tặn, công phu, hấp dẫn, đầy kiến thức, được viết rất tỉ mỉ, được sinh ra từ bộ óc thông minh và tâm hồn tài hoa, như “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”, “Miền hoang tưởng”… Nếu không đọc tiểu sử, không coi ảnh chân dung, người ta sẽ nghĩ đó là nhà văn trẻ.

Thế hệ chúng tôi sinh đúng giữa thập niên 50, với những đứa thích đọc truyện, thì không lạ gì cái tên ấy, tác giả, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Tôi còn nhớ, độ máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc, không biết thày tôi hoặc anh chị tôi mượn được ở đâu cuốn truyện “Rừng sâu” của Nguyễn Xuân Khánh, viết về các anh bộ đội. Họ (bộ đội) mỗi người (nhân vật) một thân phận, yêu cuộc sống, hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng có những tâm tư của người lính thời hậu chiến sau khi chính mình đã vào sinh ra tử.

Đọc được, chứ không phải xuất sắc gì, cũng không gây hiệu ứng tìm đọc cho bằng được như một số cuốn cùng thời của những người khác, tôi còn nhớ mấy cuốn như “Phá vây” của Phù Thăng, “Hai trận tuyến”, “Vào đời” của Hà Minh Tuân, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Nhãn đầu mùa” của Trần Thanh-Thanh Tùng, “Sắp cưới” của Vũ Bão… Tất cả những cuốn ấy tôi đều có may mắn được đọc khi mới mười mấy tuổi.

Cũng không hiểu ai cho mượn, từ đâu ra, nhưng có cuốn “Phá vây” và cả cuốn tập 1 “Đống rác cũ” (Nguyễn Công Hoan) thì mượn thầy dạy văn Ngô Minh Phất. Thầy Phất là ông giáo dạy văn cự phách trường quê, sách gì cũng có (ấy là khi đó tôi nghĩ thế bởi thầy chả có đồ đạc gì, chỉ có sách, chất đầy giường).

Bẵng đi sau cuốn “Rừng sâu”, không đọc được gì từ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nữa. Bặt luôn. Cũng không ai nhắc tới tên ông nữa. Chết lặng. Nhà văn mà không có sách, khác nào đã chết. Thiên hạ hầu như quên ông, tôi cũng quên. Chỉ tới khi vào học Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972, được tiếp xúc, sống trong thế giới văn chương, tìm hiểu nghiên cứu nó, say mê nó, nghe các thầy nhắc tới bác Khánh và “Rừng sâu” (với hàm ý phê phán), nghe các anh chị đi trước trao đổi với nhau, mới biết, mới tỏ thêm về bác Nguyễn Xuân Khánh.

Có lần, anh Bùi Trọng Cường bộ đội đi học kể về vụ Hoàng Minh Chính, bảo trong những người liên quan có Nguyễn Xuân Khánh. Hóa ra bác Khánh bị mấy ông gộc lúc bấy giờ và đám đàn em hung thần quy tội nhóm xét lại chống đảng. Ông Chính bị ra tòa, đi tù mọt gông. Nhiều “người của công chúng” khác như Vũ Thư Hiên (bác Hiên là con cụ Vũ Đình Huỳnh trợ lý thân cận thư ký của cụ Hồ), Bùi Ngọc Tấn, Tuân Nguyễn… đều bị bắt, đi tù. Bây giờ bác Vũ Thư Hiên vẫn còn sống, khỏe mạnh, minh mẫn, ai không tin cứ hỏi bác Hiên.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh may mắn hơn mấy bác kia là không phải nếm mùi “đáo tụng đình”, không “thân thể tại ngục trung” nhưng chắc bị cật vấn tra hỏi, bị người ta hành lên bờ xuống ruộng. Và cách trừng trị phổ biến nhất lúc bấy giờ đối với người viết văn là treo bút. Cấm tiệt viết lách. Họ đã làm như thế đối với những nhà văn, nhà thơ lừng lẫy nhóm Nhân văn – Giai phẩm, giết chết một thế hệ văn nghệ sĩ suốt nửa thế kỷ. Đó là một kiểu trắng trợn tàn ác của bạo quyền, không khác gì Tần Thủy Hoàng đốt sách, giết nhà nho. Bác Nguyễn Xuân Khánh “lặn một hơi không sủi tăm” là vậy.

Nếu không có cái đám Tần Thủy Hoàng mới mác cộng sản kia, nền văn chương nước nhà đâu đến nỗi trơn tuột một chiều, nghèo nàn, khô cứng, thân tàn ma dại như vậy. Và Nguyễn Xuân Khánh không phải mất mấy chục năm tự nhạt dần đi, cố im lìm chờ thời mong ngày thay đổi.

Tuy nhiên, cộng sản không nghĩ ra được điều, tất cả những con người mà họ trừng trị trong những vụ như Nhân văn – Giai phẩm, Xét lại chống đảng… đều được dân chúng tôn trọng, yêu quý, kính phục. Bác Nguyễn Xuân Khánh nằm trong số ấy.

Điều may mắn là ngày bác Khánh mong tuy không đến hẳn nhưng đã tháo xiềng cho ngòi bút ông, tâm hồn ông, sức sáng tạo của ông. Chỉ trong vài mươi năm cuối đời, ông chứng minh đã là nhà văn thì phải viết. Không có tác phẩm, nhà văn coi như đã chết.

Hồi bà bạn đồng môn với tôi đóng chức Phó giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ, hầu như cuốn nào của bác Khánh ra lò ở đó cũng được bả (Nguyễn Thị Thu Hà) nắn nót viết cho mấy chữ “Tặng Thông cào” ở trang đầu tiên, khi thì gửi từ kinh thành vào, khi trực tiếp đưa. Tủ sách nhà tôi hãnh diện có “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa” là vậy.

Đọc Nguyễn Xuân Khánh, đầu óc và tâm hồn cứ mở phăng ra, giàu thêm. Chưa kịp tìm cách gặp để biết ơn thì cụ đã lên đường. Kể lại chuyện này để thay nén tâm nhang thắp viếng tiễn cụ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Họ đã làm như thế đối với những nhà văn, nhà thơ lừng lẫy nhóm Nhân văn – Giai phẩm, giết chết một thế hệ văn nghệ sĩ suốt nửa thế kỷ. Đó là một kiểu trắng trợn tàn ác của bạo quyền, không khác gì Tần Thủy Hoàng đốt sách, giết nhà nho”

    Ậy, chính vì vậy mà đa số -nói cho rõ- dân Việt mình phải đứng lên đấu tranh chống độc tài -lời Nguyên Ngọc về Cao Huy Thuần- để giải phóng miền Nam, đưa chế độ dân chủ về cho cả nước . Lữ Phương là tác giả 1 tác phẩm “khách quan & khoa học” -cũng lại lời của Nguyên Ngọc- chứng minh toàn bộ văn hóa miền Nam là phục vụ cho mục đích tâm lý chiến của CIA, làm tiền đề “khách quan & khoa học” cho “giết chết một thế hệ văn nghệ sĩ suốt nửa thế kỷ. Đó là một kiểu trắng trợn tàn ác của bạo quyền, không khác gì Tần Thủy Hoàng đốt sách, giết nhà nho”. Cuốn sách đó là nửa giải Phan Chu Trinh về văn hóa (cũng lại) do Nguyên Ngọc trao tặng . Và Nguyên Ngọc cũng hiện diện trong cái hình .

    “hiệu ứng tìm đọc cho bằng được như một số cuốn cùng thời của những người khác, tôi còn nhớ mấy cuốn như “Phá vây” của Phù Thăng, “Hai trận tuyến”, “Vào đời” của Hà Minh Tuân, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu … Tất cả những cuốn ấy tôi đều có may mắn được đọc khi mới mười mấy tuổi

    Tìm đâu ra mẫu người xã hội chủ nghĩa nhân văn kiểu bác Thông bây giờ ? Ô hô ai tai, bao giờ mới tới ngày xưa! Chu Mộng Long nên tìm hiểu kỹ hơn về nền giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã đào tạo được những con người xã hội chủ nghĩa nhân văn như bác Thông nhà mềnh .

Comments are closed.