10-6-2021
Tiếp theo Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 và Phần 4
TỘI “CƯỚP TÀI SẢN” CỦA HỒ DUY HẢI (Luật sư Trần Hồng Phong)
Ngoài việc kết tội “giết người” vô căn cứ và bất chấp pháp luật, CQĐT công an tỉnh Long An còn “vu oan giá hoạ” tội “cướp tài sản” đối với Hồ Duy Hải.
Có thể nói việc chụp mũ tội “cướp tài sản” là một cái bẫy, đỉnh cao của sự độc ác và mưu chước đen tối của những kẻ chủ mưu đứng sau, gây nên sự uất ức đến nghẹn ngào cho gia đình HDH.
Với chứng cứ ngoại phạm mới nhất tháng 5/2021, tối 13/1/2008 Hồ Duy Hải đi dự đám tang ông Tư Lan (mà việc xác minh chỉ còn là vấn đề thời gian); Hải rõ ràng không vào bưu cục Cầu Voi, thì sao có thể “giết người”, “cướp tài sản”?
Thật khủng khiếp khi rọi kỹ vào cơ sở và chứng cứ kết tội “cướp tài sản” đối với Hồ Duy Hải.
KẾT TỘI CƯỚP CHỈ DỰA VÀO LỜI KHAI, BỎ QUA HÀNG LOẠT MÂU THUẪN
Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng, sau khi giết Hồng và Vân, Hải lấy 1,4 triệu đồng, bông tai, dây chuyền, lắc, nhẫn của hai nạn nhân. Mấy ngày sau Hải đem bán ở chợ An Đông (Sài Gòn), thu lợi bất chính 3,5 triệu đồng. Hành vi này bị xác định phạm vào tội “cướp tài sản”.
Trên thực tế, ngoài lời khai nhận tội của HDH, hoàn toàn không có vật chứng nào được thu giữ, không có nhân chứng nào nhìn thấy Hải lấy tài sản, hay khai đã mua tài sản do Hải đem bán; hay có nhân chứng nhận dạng ra tài sản của hai nữ nạn nhân và xác định do Hải lấy.
Những cụm từ quen thuộc và quá nhiều trong hồ sơ vụ án này, là lời khai của Hải “phù hợp” với việc này, người nọ thực chất không những không phù hợp, mà đầy rẫy sự mâu thuẫn, vô lý.
Về vật chứng: do CQĐT không thu được bất kỳ tài sản tang vật nào, nên họ đến nhà Hải thu giữ nữ trang của em gái Hải (là Thu Thuỷ). Khi gia đình cung cấp Biên nhận mua nữ trang, CQĐT không thể gán thành “tang vật”, đành phải trả lại.
Về tài sản của Hồng: theo lời ông Mừng (ba Hồng) Hồng có “1 lắc gọng vàng cứng, không phải vòng dây”. Nhưng Mi Sol lại nói Hồng có “1 cái lắc kiểu trái châu móc máy”. Trong khi đó, Hải khai đã lấy của Hồng: “1 vòng đeo tay dạng xích”!?
Về tài sản của Vân: trong khi ba Vân và chị Lê Thị Thu Hiếu khai Vân không có nhẫn và lắc, thì Hải lại khai đã lấy nhẫn và lắc của Vân (!?).
Thực tế tại hiện trường vụ án, ghi nhận trong BB khám nghiệm hiện trường sáng 14/1/2008, két sắt bưu cục vẫn còn chùm chìa khóa, bên trong có “2 nhẫn vàng và gần 1 triệu đồng”. Như vậy 2 chiếc nhẫn vẫn còn đó, sao lại cho rằng Hải đã lấy?
KHÔNG THỂ “CƯỚP TÀI SẢN” KHI NẠN NHÂN ĐÃ CHẾT
Trong Đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi từ năm 2012, chúng tôi đã đề nghị xem xét lại việc kết tội cướp tài sản đối với HDH. Vì qui kết Hải phạm tội này là không đúng về mặt cấu thành tội phạm.
Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc và cơ bản trong pháp luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 1999, dấu hiệu tội cướp tài sản là “dùng vũ lực, de dọa, dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Đây là tội phạm do lỗi cố ý, về mặt chủ quan người phạm tội có mục đích chiếm đoạt tài sản từ trước.
Về mặt khách quan, để thực hiện mục đích này, phải có hành vi dùng vũ lực/đe dọa dùng vũ lực hay có hành vi khác làm cho nạn nhân không thể chống cự. Có thể thấy, đặc điểm tiên quyết đầu tiên, dấu hiệu khách quan cơ bản của tội cướp tài sản – là tại thời điểm phạm tội, nạn nhân phải đang còn SỐNG, thì hung thủ mới có thể dùng vũ lực, hay đe doạ, tấn công…
Cả hai yếu tố trên, dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội “cướp tài sản” đối với Hồ Duy Hải, đều không thỏa.
Về mặt chủ quan, khi giết hai nạn nhân Hải hoàn toàn không có mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong Bản án và Cáo trạng đều xác định Hải giết Hồng vì “tức giận” do không đạt được ý định quan hệ sinh lý, còn động cơ giết Vân là vì sợ bị Vân “phát hiện”.
Về mặt khách quan: cho dù chính Hải là thủ phạm giết hai nạn nhân, thì hành vi “dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân” đã bị truy tố và xử về tội giết người. Như vậy, việc lấy ngay hành vi giết người này để “áp dụng” tiếp thành điều kiện cấu thành đối với tội cướp tài sản là không đúng. Vì như vậy, cùng một hành vi đã cùng lúc bị kết vào 2 tội là “giết người” và “cướp tài sản”. Điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của khoa học hình sự.
Chúng tôi cho rằng, giả sử rằng thực sự hung thủ (ở đây Hải) đã lấy tài sản tại bưu cục Cầu Voi, thì cũng chỉ nảy sinh ý định này sau khi đã giết chết hai nạn nhân.
Do hai nạn nhân đã chết, nên hành vi lấy tài sản lúc này – nếu so sánh ra bên ngoài là sự “lén lút”, còn ngay trong bưu điện thì là “công nhiên”.
Nên chỉ có thể là dấu hiệu của tội “trộm cắp tài sản” hoặc tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” mà thôi.
Vấn đề ở đây, không phải là chuyện tiểu tiết, mà là nếu kết tội sai nguyên tắc, sai tội danh, thì cần phải huỷ án, điều tra xét xử lại.
“QUÁI DỊ” VIỆC NHẬN DẠNG TÀI SẢN
Do không có tang vật thật nào, nên điều tra viên theo “mô tả” của HDH, đã đi đâu đó chụp ảnh các món nữ trang, rồi đưa cho Nguyễn Mi Sol (bạn trai của nạn nhân Hồng) và Hồ Duy Hải nhận dạng.
Theo quy định tại Điều 139 BLTTHS 2003, khi tiến hành việc nhận dạng bắt buộc PHẢI có người chứng kiến. Thế nhưng tất cả các Biên bản nhận dạng nữ trang qua ảnh của nhân chứng Nguyễn Mi Sol đều KHÔNG CÓ NGƯỜI CHỨNG KIẾN!
Chỉ riêng việc này, cũng đủ để khẳng định việc nhận dạng không có giá trị pháp lý, không thể dùng làm chứng cứ kết tội. Nhưng tại phiên toà giám đốc thẩm, ghi nhận trong Quyết định giám đốc thẩm ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán TANDTC cho rằng đây là “sai sót không làm thay đổi bản chất vụ án”!
Đáng ngạc nhiên, ngược lại tất cả các BB nhận dạng nữ trang của Hồ Duy Hải thì lại đều CÓ NGƯỜI CHỨNG KIẾN. Có điều việc có người chứng kiến này lại … hoàn toàn sai luật!
Đây là sự vi phạm trắng trợn đúng kiểu “ngay giữa ban ngày” nhưng Điều tra viên vẫn làm. Họ đã mời Ls. Võ Thành Quyết làm “người chứng kiến”; trong BB nhận dạng ghi rõ ông Quyết đồng thời là “luật sư bào chữa”.
Điều này vi phạm quy định tại Điều 56 BLTTHS 2003 – người bào chữa không được đồng thời là người làm chứng. Nhưng tại phiên toà giám đốc thẩm, ghi nhận trong Quyết định giám đốc thẩm ngày 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán TANDTC tiếp tục cho rằng đây là “sai sót không làm thay đổi bản chất vụ án”!
Lời bình:
1. Quy kết tội “cướp tài sản” đối với HDH là chủ ý rất thâm sâu của CQĐT: vừa như một cái bẫy, lại vừa như một lớp khoá – khoá thêm một lớp vòng ngoài cho chặt chẽ đối với tội “giết người” của HDH. Nếu luật sư và gia đình vì bức xúc, mà chỉ lo tập trung “cãi” về tội cướp tài sản chính là đã sập bẫy. Vừa phí sức, mất thời gian, mà cho dù cuối cùng có cãi thắng, Hải không phạm tội “cướp tài sản” thì vẫn còn phạm tội “giết người”. Vẫn phải chết.
2. Trên con đường minh oan cho Hồ Duy Hải, mặc dù trong hồ sơ vụ án thể hiện vô số tình tiết vi phạm, mâu thuẫn, vô lý … – như Quyết định bắt tạm giam ghi tên “Nguyễn Duy Hải”; Quyết định đưa vụ án ra xét xử ghi tên Vũ Đình Thường … – thì vẫn phải tập trung đúng mục tiêu. Tiên quyết phải chứng minh HDH ngoại phạm, không phạm tội giết người. Thì hiển nhiên cũng không thể phạm tội “cướp tài sản”.
3. Việc kết tội “cướp tài sản” đối với Hồ Duy Hải, còn nằm trong mục đích khiến cho dư luận xã hội tin rằng Hải là một thanh niên hư hỏng, cần tiền trả nợ nên nhẫn tâm giết người. Họ cố ý bôi nhọ, làm xấu một thanh niên, để mọi người nhìn thấy mà ác cảm, mà tin rằng việc kết tội HDH là đúng.
Trên thực tế, tới nay vẫn có không ít người vẫn thắc mắc theo kiểu: Hồ Duy Hải không giết người sao lại khai đúng về tài sản đã cướp? Không cướp tài sản sao nhận tội? Thậm chí không ít người còn rêu rao Hải là kẻ hút chích nghiện ma tuý. Sự thâm độc, cay sâu nằm ở chỗ đó. Thật đau lòng.
*Mời xem Video: https://youtu.be/e4X2SQb39GM
Hồ sơ được chuẩn bị rất công phu, nhưng mục đích là vu oan tội giết người, cho nên có thêm một “tội phụ” nữa, là cướp tài sản. Như vậy, tử hình càng thêm phần đích đáng.
Bản án sẽ tuyên như sau: Tội giết 2 mạng người: Tử Hình. Tội cướp tài sản: Bốn năm tù giam. Tổng hợp: Tử Hình.
Bọn vu oan hy vọng sẽ được dự luận đồng tình.
Đây là vụ án đi vào Lịch Sử. Nó không thể bị chìm đi như bọn sát nhân mong muốn