Chu Sơn
10-6-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4
Ông Xuân Thủy quả thật là một chính trị gia thâm hiểm, đảng không cần ra lệnh, chính phủ không cần ký quyết định giải thể, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khối Ấn Quang mà đảng cổ xúy đấu tranh trong thời chiến và ông bí thư trung ương đảng “ngưỡng mộ” trong hòa bình sẽ tiêu vong theo kế hoạch ba điểm của ông.
Ông Trần Quốc Hoàn còn nham hiểm hơn ông Xuân Thủy một bậc. Ông đã biến các hòa thượng, thượng tọa của Phật giáo già nua, nhẹ dạ và các cán bộ tôn giáo vận “sùng phật” như Đỗ Trung Hiếu thành những con rối hăm hở đi xây dựng một giáo hội mà sau này người đời gọi một cách mỉa mai là “giáo hội quốc doanh”, làm công cụ cho đảng Cộng sản mà cứ tưởng mình đã hành động đúng đắn có lợi cho Đạo pháp và Dân tộc.
Thời điểm dự kiến khai mạc hội nghị thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vào cuối năm 1981, nhưng từ đầu năm 1980, hai ông Nguyễn Quang Huy và Đỗ Trung Hiếu với sự chỉ đạo sít sao của ban Bí thư, ban Dân vận Trung ương, thành ủy HCM, và sự góp sức của công an, của các cơ quan chính quyền liên hệ từ trung ương xuống địa phương đã tất bật tiến hành các khâu chuẩn bị. Họ “giúp đỡ” Ba Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam (BVĐTNPGVN) “hoàn chỉnh Hiến Chương” và điều đình cùng các nhóm Phật giáo sắp xếp nhân sự.
Để thấy rõ sự nghiêm trọng của vấn đề, mời độc giả đọc mấy dòng sau đây trong hồi ký của Đỗ Trung Hiếu:
“Nội dung (Hiến Chương CS) để BVĐTNPGVN tự đề ra và quyết định. Ban Tôn giáo chính phủ và ban Tôn giáo tp Hồ Chí Minh theo dõi từng bước để giúp đỡ và phản ánh với ban Dân vận, cần thì báo cáo với ban Bí thư và Thành ủy tp Hồ Chí Minh.
“Tháng 8 năm 1981, BVĐTNPGVN gởi dự thảo Hiến Chương cho ban Dân vận Trung ương và ban Tôn giáo chính phủ, sau một tuần đã có ý kiến bổ sung như sau:
– Lời nói đầu thêm đoạn…
– Chương II đến chương IV thêm “…và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
– Chương V điều 18 qui định hoạt động của Giáo hội gồm váo trong 6 ban một cách hình thức.
– Chương VI, từ điều 23 đến 26, 27: tổ chức Giáo hội teo dần và cơ sở là Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, tức lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng phật tử làm đơn vị cơ sở của tổ chức Giáo hội.
Như vậy tinh thần của cụ Xuân Thủy được thể hiện trong bản Hiến chương này… (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
– “Tôi cố xoay xở về nhân sự cho các bên đều vui lòng, rất vất vả. Ban Tôn giáo chính phủ giao tôi chịu trách nhiệm các tỉnh miền Nam. Anh Huy phụ trách các tỉnh miền Bắc và thường xuyên quan hệ với tôi để giải quyết các vấn đề khúc mắc. Ban Bí thư cho một nguyên tắc:
“Pháp chủ, chủ tịch, tổng thư ký Hội đồng trị sự, ban Tôn giáo chính phủ trình ban Bí thư duyệt.
– Các thành phần khác trong Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự, anh Huy và tôi được quyền thông qua khỏi báo cáo.
“Đó là một cố gắng, chúng tôi tranh thủ Ban Bí thư và đã được quyết.
“… Nhân sự tiêu biểu đã xong. Nhân sự hành động, anh Huy đề cử thượng tọa Thanh Tứ và anh Trần Khánh Dư, tôi đề nghị thượng tọa Từ Hạnh và bà Nguyễn thị Thanh Quyên. Ban Bí thư thấy chưa đủ sức lèo lái GHPGVN, đề nghị anh Huy và tôi tham gia. Cả hai chúng tôi đều từ chối…” (ĐTH, tài liệu đã dẫn).
Bị nhào nặn như thế nên Giáo hội Ấn Quang, nhất là Ôn Già Lam (từ của Đỗ Trung Hiếu) vô cùng bức xúc, phát biểu: “Thống nhất kiểu này tới cũng khó mà lui cũng khó”. Tất cả đã bị vào tròng. Cái mà Nguyễn Văn Linh nói “Đảng của chúng ta” như thế đó!
Ngày 1.11.1981,140 đại biểu tề tựu đông đủ tại Hà Nội.
Ngày 4.11.1981 hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam khai mạc tại chùa Quán Sứ. Hội nghị thông qua Hiến Chương, mô hình tổ chức giáo hội, chức năng quyền hạng trách nhiệm của các cơ quan; suy tôn, suy cử các chức sắc lãnh đạo từ chóp bu xuống dưới. Cơ cấu giáo hội gồm ba cấp: Trung ương, tỉnh và quận- huyện.
Ở trung ương gồm Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Dưới địa phương chỉ có Ban Trị sự.
Không có các tổ chức quần chúng phật tử.
Đứng đầu Hội đồng Chứng minh là Pháp chủ. Hòa thượng Thích Đức Nhuận, phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (một tổ chức do đảng lãnh đạo, không có quần chúng phật tử) được suy tôn làm pháp chủ tiên khởi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Đôn Hậu được ghi tên làm phó Pháp chủ đặc trách giới luật (ông không tham dự hội nghị này, ông chống từ đầu cho đến ngày viên tịch 23.4.1992, theo Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Đứng đầu Hội đồng Trị sự gọi là chủ tịch. Hòa thượng Thích Trí Thủ, nguyên viện trưởng Viện Hóa đạo của Phật giáo Ấn Quang được suy tôn vào chức vụ này. Phó chủ tịch Hôi đồng Trị sự là hòa thượng Thích Trí Tịnh, nguyên viện phó viện Hóa đạo Ấn Quang.
Ngày 7.11. 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra mắt trước báo chí và truyền thông trong và ngoài nước.
Tổ chức được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là một thắng lợi to lớn của đảng và chính quyền Cộng sản.
“Thường vụ Thành ủy đánh giá việc thống nhất Phật giáo VN là một thành công kỳ diệu”.
“… Ban Bí thư khen sự chỉ đạo nhạy bén, sát thực tế của Thường vụ Thành ủy tp Hồ Chí Minh, mặc dầu suốt thời gian sóng gió thường vụ Thành ủy im hơi lặng tiếng. Ban Tôn giáo mỗi người lên một bậc lương. Riêng anh Nguyễn Quang Huy lên hai bậc, lên Vụ trưởng vụ Tôn giáo ban Dân vận Trung ương, rồi Trưởng ban Tôn giáo chính phủ” (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).
Thống Nhất Phật Giáo, đảng Cộng sản không chỉ bày mưu tính kế, bỏ công sức, mà còn tiêu tốn của cải, tiền bạc: mua vé máy bay, sắp xếp nơi ăn chốn ở, xe cộ đi lại, tổ chức hội trường … từ A đến Z, đảng bao tuốt. Do vậy, dân gian gọi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là giáo hội quốc doanh (như mậu dịch quốc doanh, nông trường quốc doanh…) chẳng có gì là xuyên tạc, bởi: “Ai chi tiền, người đó làm chủ”.
Trong ý đồ hủy hoại Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, từ gốc rễ, đảng đưa công an, con buôn vào chùa giả dạng tăng ni thực hành ma đạo, nhanh chóng biến môi trường tu hành thanh tịnh thành chợ trời buôn Thần bán Phật ồn ào náo nhiệt, bày biện muôn hình vạn trạng mê tín dị đoan. Đảng còn hào phóng chọn rừng đẹp, cấp đất rộng, cấp tiền nhiều, cấp phép qua loa, cẩu thả cho sư quốc doanh xây chùa lớn, đúc tượng to, tổ chức Pháp thoại hoành tráng, làm “du lịch tâm linh”.
Nhiều lãnh tụ đảng, quan lại tham nhũng và tư sản đỏ liên kết với sư tăng ma đạo, tiến hành bùa phép hối lộ Phật Thánh để giải trừ ác nghiệp, thăng quan tiến chức, củng cố quyền lực. Đảng đưa “Bác Hồ” vào ngồi chung với Phật, Thánh, Thần trong các chùa, đình và bàn thờ gia tiên, đưa học thuyết Mác-Lênin vào chương trình giảng dạy tại các Phật học viện. Như thế là “Từ Bi Hỉ Xả, Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc, Hòa Bình Nhân Loại” bị xiềng chung với “Căm Thù Giai Cấp – Đấu Tranh Cách Mạng, Ta Nhất Định Thắng, Địch Nhất Định Thua”.
“Căm Thù Giai Cấp – Đấu Tranh Cách Mạng, Ta Nhất Định Thắng, Địch Nhất Định Thua” đồng nghĩa với cướp của giết người, công cụ hóa và hủy diệt phần còn lại của Dân tộc và Nhân loại.
Năm 1981 đánh dấu một giai đoạn Pháp Nạn mới chưa từng thấy trước 1975 trong chế độ VNCH. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khối Ấn Quang bị giải thể không kèn không trống. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lên ngôi với chữ ký xác nhận (ngày 29.12.1982) của bộ trưởng Đặng Thí thay mặt chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Như thế là Giáo hội Phật giáo Quốc doanh được công an bảo kê, được báo đài ngày đêm quảng cáo nghênh ngang truyền bá “Phật – pháp – Mác – Lênin”, nghênh ngang chiếm chùa, dụ dỗ, răn đe, kèm kẹp, xua đuổi, bắt bớ, tù đày và giết hại những tăng ni không chịu khuất phục.
Hai thiền sư Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị theo dõi chặt chẽ hơn ở nơi chỉ bị định cư trú, Thiền sư Thích Đôn Hậu bị cô lập tại chùa Thiên Mụ, thiền sư Thích Trí Quang bị canh chừng nghiêm ngặt hơn tại chùa Ấn Quang, các tăng sĩ thế hệ sau như Thích Tuệ Sỹ sau hai năm ở tù được thả ra và Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) bị cắt hộ khẩu lang thang đói khổ khắp chốn, hết Sài Gòn đến Đồng Nai, Nha Trang và ngược lại, hết chùa này đến chùa nọ, hết nhà phật tử này đến nhà phật kia, không có nơi nào cưu mang họ được cả vì công an địa phương chờ sẵn để xua đuổi họ, như hoàn cảnh khốn cùng của thiền sư Thích Thiện Minh sáu năm trước.
(Còn tiếp)
Sư trí Quang làm điệp vụ kép (?) Không thấy Chu Sơn (thân cọng) đả đông gì tới một nhân vật chủ chốt của PGAQ là Võ Đình Cường ?
Có cộng sản thì không có tôn giáo , nếu có tôn giáo thì là tổ chức tôn giáo giả hiệu. Các nhà tu hành nương vào tổ chức tôn giáo giả hiệu này hành đạo, được chút nào hay chút đó. Nhưng thật giả lẫn lộn. Lộng giả thành chơn !!!