Kẻ phát ngôn thô tục, kẻ cách chức càng thô bỉ

Chu Mộng Long

10-6-2021

Tôi phải ngăn trước để cảnh báo những “nhà dân chửi”, rằng tôi hoàn toàn trung lập mà viết bài này. Trong một thế giới lẫn lộn thật giả, tôi chỉ ủng hộ bất cứ ai nói thật, dù là bà Hằng hay các nghệ sỹ, dù đó là thứ ngôn ngữ trần truồng. Sự thật giấu ở trong quần áo chứ không phải cái quần cái áo. Cổ vũ bà Hằng nói thật thì tôi cũng đã cổ vũ rồi. Mắng các nghệ sỹ điêu toa thì tôi cũng có trên vài ba bài mắng rồi.

Riêng việc Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cách chức Phó Hiệu trưởng Trần Đức Hải thì phải có tiếng nói công minh, chính trực. Không thể mỗi cá nhân tự cho cái quyền chửi kẻ khác gian, còn mình thì được quyền gian lận hay ủng hộ gian lận!

Theo tôi, ông Hải lên mạng chửi thô tục bao nhiêu thì ban quản lý (gồm Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng), kể cả những người ủng hộ quyết định này thô bỉ bấy nhiêu. Ngồi xổm trên pháp luật là thô bỉ. Thô bỉ tởm hơn thô tục, vì dân gian hồn nhiên vẫn thô tục.

Sự thô bỉ thứ nhất là, Hội đồng quản trị đã cố tình làm trái Điều lệ trường cao đẳng khi uỷ quyền Hiệu trưởng cách chức ông Hải. Điều 12, mục 6, điểm d, ghi rõ quyền hạn của Hội đồng quản trị: “d) Trình Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định công nhận hiệu trưởng; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các phó hiệu trưởng”. Rõ ràng, nếu Hiệu trưởng được uỷ quyền của Hội đồng thì cũng không thể ký với tư cách Hiệu trưởng mà phải ghi rõ trên phần căn cứ uỷ quyền hoặc phải ghi ký thừa lệnh Hội đồng quản trị.

Trong 53 điều của Điều lệ Trường Cao đẳng, chỉ có duy nhất một điều 12, 6a cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị uỷ quyền về quản lý tài chính: “a) Là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của nhà trường. Chủ tịch hội đồng quản trị có thể ủy quyền cho hiệu trưởng trường là đại diện chủ tài khoản, thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản trong phạm vi được ủy quyền”. Tuyệt đối không có điều nào cho phép uỷ quyền về vấn đề bổ nhiệm hay miễn nhiệm Phó hiệu trưởng.

Cái gốc là có cho phép Hội đồng quản trị uỷ quyền hay không, hay muốn uỷ quyền cho ai và uỷ quyền cái gì cũng được? Trong khi toàn bộ Điều 15 dành cho Hiệu trưởng cũng không có mục nào cho phép Hiệu trưởng được uỷ quyền hay được cách chức Phó hiệu trưởng.

Sự thô bỉ thứ hai là sổ toẹt vai trò của Bộ chủ quản, ngồi xổm trên đầu cấp trên của mình. Trên cái quyết định miễn nhiệm ông Hải, mặc nhiên ở đầu văn bản đã đặt nhà trường thuộc quyền chủ quản của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, nhưng bất tuân Điều lệ trường cao đẳng do chính Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành. Trong khi căn cứ của quyết định thì rất vô căn cứ: Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập trường? Kể cả cái căn cứ Công nhận chức danh Hiệu trưởng của Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng không là căn cứ để miễn nhiệm bất cứ ai.

Sự thô bỉ thứ ba là, nếu có sự uỷ quyền (như trên kia đã nói là trái luật) của Hội đồng quản trị thì tại sao trên Quyết định miễn nhiệm chức vụ ông Hải không hề ghi cái căn cứ ấy? Có đáng tin không khi bị báo chí và dư luận thắc mắc thì mới xì ra cái biên bản họp Hội đồng quản trị với cái câu uỷ quyền? Sự thô bỉ này có thấp hơn sự thô tục và sự chối quanh của ông Hải sau lời chửi tục?

Sự thô bỉ thứ tư là, hình thức miễn nhiệm, dù nghĩa rộng hơn, nhưng trong trường hợp này đồng nghĩa với cách chức, đều phải gắn liền với một án kỷ luật nhất định. Đã có kết luận nào về sai phạm và đã có hội đồng nào kiểm điểm ông Hải chưa mà đã kết tội và thi hành án ngay tức khắc? Có khác gì “toà án nhân dân đặc biệt” thời cải cách ruộng đất không? Chỉ vì dựa vào sự đấu tố của đám đông là lấy ngay sinh mệnh người ta sao?

Tóm lại, có bào chữa cách gì vẫn sai, sai từ gốc. Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật và du lịch Sài Gòn tưởng miễn nhiệm một người bị dư luận đấu tố là rửa mặt cho trường nhưng đã để lại một vết nhơ không thể tẩy xoá trên mặt!

Đừng bảo tôi tại sao lên tiếng cho ông Hải. Đơn giản, đây là vấn đề liên quan đến pháp luật. Mà pháp luật thì không chỉ dành riêng cho cá nhân ông Hải mà dành cho mọi người. Nay một Hiệu trưởng có quyền cách chức người này một cách vô pháp thì ngày kia Hiệu trưởng hay bất cứ ông quan nào, tư nhân hay nhà nước, cũng đều có thể hại người một cách vô pháp. Đám “dân chửi” hả hê với cái án dành cho ông Hải thì có ngày người khác cũng hả hê với chính các ông các bà khi các ông các bà là nạn nhân của sự vô pháp! Nhân quả báo ứng là vậy, đừng kêu ca vì sao người ta đối xử vô pháp với mình!

Một số giảng viên đại học nói, đây là trường tư thục, họ có quyền. Quyền chà đạp lên luật pháp sao? Xin thưa, ngay cả một người lao động bé nhỏ trong một công ty tư nhân vẫn được luật pháp bảo hộ. Luật Lao động, Luật Bảo hiểm… đều ghi rõ quyền chủ quản và quyền của người làm thuê. Một ông chủ tư nhân có độc tài đến đâu cũng không thể đối xử thô bỉ hay đuổi việc nhân công của mình một cách vô pháp.

Xem ra, quá nhiều người tỏ ra yêu các nạn nhân thiên tai khi chỉ trích các nghệ sỹ ém tiền hay chậm làm từ thiện, trong khi chính họ coi những ông chủ hành xử thô bỉ với người lao động là thần tượng. Nhiều người ngợi ca Hiệu trưởng Vũ Khắc Chương, còn tôi thì khinh bỉ, khinh luôn cái Hội đồng quản trị của trường ấy. Nếu con cháu tôi muốn dự tuyển vào trường đó, tôi sẽ cấm, vì không thể học trong một ngôi trường của những ông chủ thô bỉ!

Quyết định chính thức miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng nhà trường đối với NSƯT, thạc sĩ Trần Đức Hải. Ảnh: Nhà trường cung cấp cho báo LĐ

_____

Mời đọc thêm: Miễn nhiệm chức Phó Hiệu trưởng đối với nghệ sĩ Trần Đức Hải (CAND). – Vì sao Trường CĐ VHNTDL Sài Gòn miễn nhiệm Phó Hiệu trưởng với nghệ sĩ Đức Hải? (TN). – NSƯT Đức Hải bị thôi chức Phó hiệu trưởng sau ồn ào phát ngôn thô tục (LĐ). – Nhà trường “chưa chấm dứt hợp đồng” với NSƯT Đức Hải (NLĐ).

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. “Sự thô bỉ thứ hai là sổ toẹt vai trò của Bộ chủ quản, ngồi xổm trên đầu cấp trên của mình.” ( Trích CML )
    – Không nói đến toàn bộ nội dung bài viết mà chỉ thắc mắc riêng ý nầy của bác thôi . Bác bực mình vì nó “sổ toẹt…”, nó “ngồi xổm…” . Nhưng bác thử nghĩ lại xem, cái bộ chủ quản ấy như thế nào, nó có thể hiện cái quyền lãnh đạo của nó hay không ? Nếu nó bất lực để cho cấp dưới sổ toẹt nó thì cũng đáng đời nó chứ bác. Mà cấp dưới đã coi thường nó thì không chỉ cấp dưới ngồi xổm trên đầu nó mà ngồi xổm trên cả bàn thờ nhà nó ấy chứ !

  2. Thưa với anh viết bài này rằng kỷ luật như vậy là quá nhẹ lẽ ra anh ta thấy vậy phải tự mà xin nghỉ việc như các nước ngoài chứ không cần đến người khác ra quyết định giấy tờ để cách chức tôi hỏi anh nếu anh ta tự nghỉ. chắc cũng trái luật à

  3. Nếu ví giáo dục Việt Nam, hiện tại như cái cây thì trường CĐNTVH Tp HCM cùng bao nhiêu trường học tai tiếng gđ khác là những cái lá. Những chiếc lá đang xanh tốt, mơn mởn mà lại toả ra mùi hôi, thối thì đích thị cái cây này không phải là cây lành. Vậy thì ngài Chu muốn con cháu mình tìm hương thơm từ chiếc lá nào của cái cây độc này đây?
    Bộ LĐTB và XH lại đi lập trường học thì đích thị là thối rồi.

  4. Thể loại bài này cũng thuộc văn “chửi”. Tôi cũng không hiểu (Đám “dân chửi”) trong bài này thì tác giả quy vào những ai. Văn nhà giáo thời buổi nay hình như là đều thế.

  5. Tác giả cấm con cháu dự tuyển vào trường này thì có xâm phạm vào quyền tự do học tập của con cháu không?

  6. “tôi hoàn toàn trung lập mà viết bài này”

    CML cứ thanh minh thanh nga thế này thì chả ai tin cả ạ .

    “tôi chỉ ủng hộ bất cứ ai (bác tin là) nói thật”

    “Cổ vũ bà Hằng nói thật thì tôi cũng đã cổ vũ rồi. Mắng các nghệ sỹ điêu toa thì tôi cũng có trên vài ba bài mắng rồi”

    CML hổng phải nhà dân chửi, bác là nhà chửi dân .

    “Không thể mỗi cá nhân tự cho cái quyền chửi kẻ khác gian, còn mình thì được quyền gian lận hay ủng hộ gian lận”

    Whoa, CML có khẩu khí làm quan! Chỉ mỗi CML có quyền đó thôi, vì ổng “trung lập”, i guess.

    “Sự thô bỉ thứ nhất là, Hội đồng quản trị đã cố tình làm trái Điều lệ trường cao đẳng”

    Trích JN “Không ít các nhà quan sát đã đánh giá rằng, đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua đã đưa lên một nhóm lãnh đạo mới trung thành với … “chủ trương đường lối” … báo hiệu không có nhiều cải cách xã hội chính trị trong thời gian tới”

    Những người trung thành với điều lệ, chủ trương, đường lối, theo JN, là những người ngại “đổi mới”, ngại “cải cách”.

    “Sự thô bỉ thứ hai là sổ toẹt vai trò của Bộ chủ quản, ngồi xổm trên đầu cấp trên của mình”

    Xã hội muốn an bình, không bao giờ có “tình hình” thì phải tôn trọng tôn ti trật tự . Sổ toẹt cấp trên, cấp lãnh đạo của mình là thô bỉ Thus sprach Chu Mộng Long .

    “Có khác gì “toà án nhân dân đặc biệt” thời cải cách ruộng đất không?”

    Ậy, chính vì vậy mà đa số người mềnh đứng lên “tham gia các phong trào đấu tranh vì các mục tiêu Tự do Bình đẳng tôn giáo, Nhân quyền, Dận chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc” aka đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, “Cấu kết toàn diện với Liên Xô, (tớ thêm) Trung Quốc, nuôi thù với Mỹ … biến đất nước thành kẻ thù của thế giới còn lại”. Công của họ hổng nhỏ đâu . Nối tiếp truyền thống cách mạng chính là nhớ ơn họ 1 cách cụ thể

    “Mà pháp luật thì không chỉ dành riêng cho cá nhân ông Hải mà dành cho mọi người”

    i did not know that. weird & wild stuff.

    “Nếu con cháu tôi muốn dự tuyển vào trường đó, tôi sẽ cấm, vì không thể học trong một ngôi trường của những ông chủ thô bỉ”

    Chính vì vậy, nhiều người đã chọn “làm nhục quốc thể”. Nhưng các bác vẫn sống phây phây có sao đâu . Miễn đừng làm củ khoai sùng là được gòi .

Comments are closed.