28-5-2021
Nghe Thủ tướng chỉ đạo lẫn tự hào về cách mạng 4.0, ai cũng vui. Một chính phủ điện tử với những kiến tạo mới từ thành quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin sẽ có điều kiện quản lý hiệu quả hơn, khoa học hơn, tiết kiệm công sức và tiền bạc hơn.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Giáo viên nghỉ hè rồi nhưng vẫn không được nghỉ. Phải học mô đun ỉa đùn gì đó. Học online bằng cách, chỉ cần mở máy ra rồi bỏ đấy cho ông Thống ông Thuyết tự dạy tự học cũng được. Học mô đun xong thì phải cập nhật mẫu giáo án mới, thay đổi các loại hồ sơ sổ sách mới vào trang điện tử. Ừ thì chổng khu làm. Làm một lần, sau đó chỉ update. Và cũng tiết kiệm bao nhiêu giấy tờ.
Bất ngờ, lại có chỉ đạo tất cả giáo án, hồ sơ, sổ sách đều phải in ra một bản và ngồi điền thủ công vào mẫu. Không được đánh máy, vì sợ lỗi thằng đánh máy. Vậy là bốn chấm không thành nhân gấp bội công việc lên, và dự báo là, mỗi năm thay đổi một lần. Kết quả, chặt hết rừng bạch đàn cũng không đủ in và xả các loại giấy tờ, hồ sơ sổ sách.
Anh Nhạ chỉ đạo rằng, để hiện đại hoá dạy học, một chương trình phải có 30% dạy online. Người ta ngại chứ tôi thì hào hứng, vì thử nghiệm xem nó hiện đại thế nào? Và thử một lần thì cụt hứng. Một phần mềm mà trò thấy mặt thầy thì thầy không thấy mặt trò. Cứ thế đối diện với màn hình mà sủa cho hết buổi. Thỉnh thoảng nghe phía người học cũng sủa, vì… nhiều nhà học viên nuôi chó.
Hôm qua có giáo viên mầm non ở một địa phương hỏi tôi: Sở, Phòng đang chỉ đạo dạy online cho các lớp mầm non. Theo thầy, dạy mầm non mà dạy online thì dạy kiểu gì? Tôi bật cười: Có thế mà cũng hỏi. Ở mầm non có mấy hoạt động: ăn uống, ỉa đái, vận động, vui chơi, ngủ nghỉ… Thì cô cứ cho các cháu ăn uống online, ỉa đái online, vận động online, vui chơi online, ngủ nghỉ cũng online…
Đến nước này thì tôi… cũng ỉa đùn và khóc! Giáo viên cần thời gian đào sâu vào chuyên môn hay lo đối phó ba cái thứ giấy tờ ảo lẫn thật ấy cả đời?